Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

HÀNH TRÌNH ĐẠI ĐỘI XE TĂNG 4 THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA

Ngày thứ hai- 25.4.2015 
(Tiếp theo)


A Lưới nói chung và Hồng Bắc nói riêng ngày nay đã thay da đổi thịt thật khó ngờ. Ai đã từng ở A Lưới thời chiến tranh nay quay lại nơi đó chắc chắn phải thốt lên như vậy. Sân bay A Lưới - trọng điểm đánh phá của KQ Mỹ nhằm ngăn chặn con đường vận chuyển Đông Trường Sơn năm 1972 trông không khác gì ngã ba Đồng Lộc. Hố bom chồng lên hố bom. Vậy mà bây giờ đã trở thành một thị trấn trẻ trung, sầm uất như cô gái vùng cao đang e ấp tuổi dậy thì.
Còn Hồng Bắc cũng vậy, tháng 4.1973 Tiểu đoàn 408 chuyển về đây chỉ thấy bạt ngàn lau lách với sậy và hố bom. Vì cán bộ đã đi trinh sát chọn vị trí trước rồi nên có một vệt đường mòn nho nhỏ. Chúng tôi cứ bám theo vệt đường mòn đó cho xe tăng đi. Sau vài lượt chạy như thế đã thành hình một con đường. Sau đó, cả tiểu đoàn về thì đường càng rõ. Tiểu đoàn cử người đi sửa mấy chỗ ngầm qua suối thế là thành con đường. Những con đường đó còn lại đến tận ngày nay, chỉ có điều nó đã được trải bê tông hoặc nhựa mà thôi. Còn các bãi lau lách xưa bây giờ trở thành nương rẫy, vườn tược xanh um hết cả rồi. Các công trình hạ tầng của xã như Trụ sở UB, Trường Tiểu học, Trường mầm non, Nhà văn hóa... của xã đã được đầu tư khá cơ bản. Đặc biệt, bà con ở đây đã có điện lưới quốc gia để dùng. Thật đúng là “vật đổi, sao dời”. Chính vì vậy, năm 2010 trở lại đây, đã đến ngay chỗ đóng quân của Đại đội 3 mà tôi vẫn thiếu tự tin không dám nhận đó chính là mảnh đất ngày xưa mình đã từng ở.
Buổi giao lưu, gặp gỡ với bà con Hồng Bắc thật cảm động. Huyện cũng rất quan tâm nên đã cử đc Phó bí thư HU và Phó chủ tịch tới tham dự. Ngoài ban lãnh đạo xã Hồng Bắc chúng tôi còn nhờ bà con mời 3 anh hùng LLVT vốn người xã này là: Hồ Vai, Kan Lịch và Hồ Nun. Anh Vai trông thì còn khỏe nhưng tai đã nặng rồi, đi đâu bây giờ phải có phu nhân - chị Kan Ngân làm phụ tá. Chị Kan Lịch thì vẫn rất khỏe và nhanh nhẹn. Chỉ có anh Hồ Nun thì hơi gầy yếu. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhờ xã mời giúp một số cán bộ lão thành tới dự, trong đó có Ku Sết, nguyên xã đội trưởng thời chúng tôi ở đây. Bác này có giai thoại rất hay: Mới từ trên núi cao về, nương rẫy chưa phát được bà con đói lắm nên nhờ bộ đội giúp đỡ. Bộ đội cũng tích cực nhưng tiêu chuẩn có bao nhiêu đâu, quân số dXT lại ít nên giúp chẳng được nhiều. Ku Sết không hiểu, tưởng bộ đội tiếc của bèn dọa: “Không giúp đồng bào thì đồng bào phát (rẫy) cho lòi cái đít (cái xe tăng) ra!”. Chả là doanh trại, lán xe của bộ đội với bản làng, nương rẫy của dân thì ở sát nhau, chẳng có rào dậu, ranh giới gì cả nên bà con phát rẫy vào đến sát cả lán xe của bộ đội là thường.
Bà con nhân dân Hồng bắc vẫn còn nhớ đến đơn vị bộ đội xe tăng năm xưa đã từng ở đây. Không chỉ vậy, một số cán bộ tiểu đoàn và đại đội bà con cũng nhớ như anh Bảng, anh Đính, anh Thận, anh Đô... Đặc biệt, có một người mà bà con rất nhớ có mặt trong đoàn - đó là Hạc, thợ sửa chữa đi cùng đại đội 4 chúng tôi. Khi về đóng quân ở đây, Hạc đã cùng tổ thợ mở một cái lò rèn để giúp đồng bào rèn dao, rèn cuốc xẻng và nông cụ. Đúng là làm cho dân bất kỳ việc gì dù nhỏ đến đâu thì dân vẫn nhớ. Mặc dù lưng vốn của đại đội còn rất nghèo nàn song chúng tôi cũng cố thu xếp được một số món quà nhỏ tặng địa phương, các trường học trên địa bàn và quà tặng cho các anh hùng cùng 10 cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Tiếp đó là bữa liên hoan thân mật tại KS Đô Thành ngoài thị trấn. Đã 40 năm, hôm nay những cựu lão mới lại được nếm lại món “Rượu Đoác” năm xưa (rượu chế biến từ cây đoác- tương tự như rượu thốt nốt ở K). Kết thúc liên hoan đã khá muộn, tôi mượn xe máy đưa chị Kan Lịch về nhà và xin cho LTD cái tẩu thuốc.
Kết thúc ngày thứ hai- mệt nhưng vui!



Nhà văn hóa



Trường tiểu học


Trường Mầm non


Giao lưu, gặp mặt
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét