Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

CHÚT HỒI ỨC VỀ CHA

 Ảnh của Anh Trang.


Cách đây 27 năm- ngày 5.8 ÂL năm 1988 bố tôi đã vĩnh biệt cõi đời để đi về thế giới bên kia. Ngày mai anh em chúng tôi lại đoàn tụ bên nhau làm giỗ cho ông. Những dòng hồi ức này (thực ta là các trích đoạn trong câu chuyện đời của tôi mà thôi) xin được coi như một nén tâm hương dâng lên ông trong ngày tiên thường.
... Mặc dù là con ông đồ, ông ký nhưng hình như bố tôi và các chú tôi không được học hành thật tới nơi tới chốn thì phải. Có lẽ sau khi có mâu thuẫn với bọn hào lý ở quê ông tôi đành phải đi tứ xứ làm ăn nuôi mộng báo thù nên việc nuôi dạy các con phó mặc cho bà tôi. Với bản tính hiền lành, nhẫn nhục như bà tôi chắc chắn việc đưa ba ông con trai vào khuôn vào phép là hết sức khó khăn. Tôi nghe nói thời còn trai trẻ bố tôi nghịch vào loại nhất làng, ông thường tụ tập học võ với bạn bè rồi bày ra những trò nghịch hết sức oái oăm. Khi vừa đến tuổi trưởng thành ông cũng rời làng luôn và phiêu bạt khắp nơi như Hồng Gai, Mông Dương, Nam Sách, Chí Linh v.v... Ông đã từng định đi phu Nam kỳ nhưng rồi lại trốn. Sau khi ký măng- đa (hợp đồng tuyển dụng) và nhận tạm ứng 5 đồng Đông Dương (lúc ấy 5 đồng Đông Dương là cả một cơ nghiệp) thì ông nghĩ cách trốn. Khi đoàn phu đã tập kết vào ga Hàng Cỏdựng nhà bạt nghỉ để chờ tàu ông bỏ ra mấy hào mua lại của người công nhân trong ga bộ quần áo và cái búa giả vờ làm công nhân hoả xa, sau đó cứ theo đường sắt mà đi ra đằng Nhà Dầu, ra khỏi ga ông chui tọt vào phố cô đầu Khâm Thiên nằm lỳ trong đó cho đến khi tàu chở phu Nam kỳ đã chạy 2 ngày mới ra và về làng Đậy (xã Văn Đức, Chí Linh) học thợ may. Hồi đó ở đồn Đậy có thằng Tây đồn hay ức hiếp phụ nữ ông đã đánh cho nó một trận thừa sống thiếu chết nhưng cũng bị bắt giam. Khi bị bắt nó trả thù ông cũng dữ dằn lắm, ông tôi và bà bá ruột (bà Lái Khánh- một nhà buôn có tiếng ở vùng này) phải mất khá nhiều tiền mới cứu cho bố tôi khỏi cái án tù. Cũng vì ông lang bạt kỳ hồ nhiều nơi nên đến khi tôi phải làm lý lịch đi thi đại học ông rất vất vả. Chính quyền nơi nhà tôi đang ở chỉ chịu chứng nhận cho đoạn từ 1956 trở lại, còn để “lấp cho đầy” quãng thời gian trước đó ông phải bỏ ra hàng tuần đạp xe đi xin chứng nhận hết nơi này đến nơi khác.
Học hành không đến nơi đến chốn lại nghịch ngợm như vậy nhưng bố tôi là người hiếu nghĩa. Khi thấy ông tôi hận tên lý trưởng chính bố tôi đã nhờ người mua cho một khẩu súng lục định về để báo thù, chỉ đến khi ông tôi ra lệnh không được làm vậy ông mới thôi. Còn từ ngày tôi biết thì mọi ý muốn của ông nội tôi đều được bố tôi đáp ứng một cách âm thầm. Chẳng hạn, thấy ông nội tôi thích nghe đài- nhất là chương trình “Tiếng thơ”- ngay từ đầu những năm 60 bố tôi đã cày cục nhờ một chú ở Nha khí tượng lắp cho một cái đài ga- len. Mặc dù phải có ăn- ten cao vút song nghe cũng chỉ thấy lí nhí mà thôi song ông tôi cũng mãn nguyện lắm. Cụ bảo: “Ngồi ở đây mà được nghe người ở Hà Nội ngâm thơ thì còn gì bằng nữa!”. Đến năm 1966, khi nhà có điều kiện hơn bố tôi mua luôn một cái đài bán dẫn Orionton cho ông tôi nghe cho thoải mái...
...Với bà con hàng xóm và người ngoài cũng vậy, bố tôi sống phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài nên có rất nhiều bạn, trong đó đặc biệt các chú cán bộ miền Nam tập kết rất quý trọng bố tôi. Ở phố Ngái cũng thế, là dân ngụ cư nhưng bố tôi hay giúp đỡ mọi người và sống ngay thẳng nên tiếng nói của ông rất có trọng lượng, trong những vụ xô xát của hàng xóm ông hay đứng ra phân giải, nhà ai có việc ông cũng là người đầu tiên có mặt đứng ra lo liệu. Có lần nước lụt, một chị trong làng Ngái sẩy chân chết đuối, bao nhiêu người đứng xem chỉ biết bàn tán, chỉ trỏ. Chắc có ai về nói chuyện, bố tôi xăm xăm chạy tới, rẽ đám đông và vác ngay chị lên vai chạy một lúc cho nước chảy ra, sau đó ông hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt cho chị. Tiếc rắng có lẽ bị sặc nước đã lâu nên rồi cũng không cứu được chị ấy.
Ông cũng là người trọng nghĩa khí và sự công bằng. Một lần, tôi với 2 thằng bạn cùng phố đi học về đến đoạn Cầu Ma thì gặp mấy thanh niên có vẻ “ăn chơi, ngổ ngáo” đi xe đạp ngược chiều. Thằng Trường toét nói gì đó trêu chọc chúng. Bọn chúng bỏ xe xuống đuổi nên Trường chạy dạt xuống ruộng. Tôi đi sau mấy bước song nghĩ mình vô can nên vẫn đứng trên đường. Bất thần một tay thanh niên tung cú đá song phi trúng cằm tôi. Tôi đau điếng người song chỉ biết ôm miệng tức tối vì không thể làm gì được. Một lúc sau thì bố tôi đánh xe bò đi qua đó. Ông hỏi đầu đuôi câu chuyện xong lập tức dừng xe để đó rồi mượn một cái xe đạp cấp tốc đuổi theo mấy thanh niên kia. Chẳng biết ông làm thế nào mà lôi được cả bọn vào Ủy ban xã, bắt phải tường trình, nhận khuyết điểm rồi xin lỗi tôi và mới cho đi.
Nếu có cái gọi là điểm yếu của ông theo tôi đó là ông hơi gia trưởng và nóng tính. Rộng rãi, hào phóng, dễ tính với mọi người nhưng với mẹ tôi và chúng tôi thì ông cực kỳ nghiêm khắc và có phần dữ đòn nữa- chắc ông thực hiện phương châm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” thì phải. Nói chung, cả mẹ tôi và anh em tôi đều thỉnh thoảng phải nếm mùi những cơn giận dữ của ông.
Ngoài ra, ông có tật hay uống rượu và đôi khi ham chơi quên cả việc. Hồi ấy mặc dù đã hơn 40 tuổi, công việc lại nhiều nhưng chiều nào bố tôi cũng phải vào sân bóng làm một trận. Còn uống rượu thì có lẽ ông cũng thuộc loại đệ tử siêu hạng của Lưu Linh. Ông ngoại tôi khi còn sống vẫn hay đùa: “Một người nhà anh bằng cả họ nhà tôi!”. Chả là họ ngoại nhà tôi (họ cụ Nghè Tân) vốn ít uống rượu mà. Bố tôi hay uống rượu nhưng không uống ừng ực như bọn trẻ sau này mà uống nhâm nhi từng tý, có say thì cũng gà gật rồi ngủ chứ không gây gổ gì với ai, cùng lắm là quát mắng con cháu mấy câu mà thôi. Có lần ông đi qua thị trấn Nam Sách ghé thăm anh em, được mấy ông em chiêu đãi bữa rượu túy lúy. Khi về đến Bến Bình thì muộn, không có đò phà lại đã say nên ông khóa xe đạp vào chân rồi làm một giấc ngay bãi cỏ đầu bến phà. Đồ nhắm của ông cũng cực kỳ đơn giản, miếng đậu phụ hay quả ổi ương cũng được, nhiều khi ông ngồi đạp máy chén rượu để bên cạnh thỉnh thoảng lại làm một tợp (có lẽ cũng do cái thời đó nó quá nghèo nàn, khó khăn). Cũng may nhà tôi bán uỷ thác bách hoá cho nên ông có rượu quốc doanh uống đều đều. Tuy nhiên bố tôi vẫn chê “quốc doanh” uống sốc và chỉ thích “dân doanh” (rượu lậu, rượu quốc lủi) mà thôi. Sau này, nhiều lần tôi góp ý với ông để ông bớt uống rượu thì ông cười: “Tôi còn uống được rượu nghĩa là tôi còn khỏe. Khi nào các anh thấy tôi không uống được nữa nghĩa là tôi sắp chết!” Nghe ông nói vậy, từ đó tôi không dám có ý kiến gì nữa. Giá mà ông còn sống đến bây giờ tôi sẽ cố gắng để mời ông nếm thử đủ mọi loại “mỹ tửu” trên đời này.
Không biết do rượu hay vì lý do gì mà bố tôi bị đau dạ dày nặng, lúc bụng lên cơn đau mặt ông nhăn nhó thảm hại và khôn hồn chớ có xớ rớ đứng gần phải vạ như chơi. Bệnh đau dạ dày của bố tôi chẳng thuốc nào chữa được ngoài thuốc muối (bicacbônát nát ri), lúc nào ông cũng phải kè kè bên người lọ thuốc muối, ông còn hài hước: “Thuốc muối tao uống mỗi năm đủ bón cho vài sào ruộng”.


(Còn nữa)

16/9/2015 
NKN

2 nhận xét:

  1. Ông bố mình cũng dữ đòn lắm. Nhưng đòn cũng xứng đáng thôi vì lúc nhỏ mình cũng "quậy" lắm, hihihi. Nhưng ông anh họ mình, một nhà giáo hẳn hoi, lại bảo: Ông ấy đòn thế chú mới nên người. Thương các cụ quá. Cũng như bạn, khi bố còn sống, chẳng giúp được gì, giờ thì làm gì được nữa. Mình thấy hình ảnh bố mình trong ông bố của bạn đấy. Một câu chuyện xúc động.

    Trả lờiXóa