Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

CHÚT HỒI ỨC VỀ CHA

(Tiếp theo)

...Quãng 1965-1966, chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc, chợ Ngái chuyển đi, trong khi đó Sao Đỏ đang dần nổi lên thành huyện lỵ, vị thế của phố Ngái trở nên yếu hơn và công việc làm ăn của một thợ may như bố tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều. Vả lại, đến lúc này mắt cũng đã kém, may chậm nên bố tôi quyết định xoay sang nghề khác. Nghề ông lựa chọn lúc đó là xe bò kéo. Vào thời điểm ấy, do điều kiện phương tiện vận tải nói chung còn khó khăn nên nghề xe bò kéo làm ăn cũng được, thu nhập trung bình khoảng 200 đồng/tháng. Tuy nhiên, đầu tư cho nghề này cũng đòi hỏi một số vốn khá lớn. Để có được một cái xe tốt và một con bò kha khá phải mất độ trên dưới 1000 đồng (trong khi giá vàng khoảng 65 đồng/ chỉ). Khởi nghiệp, ông sắm một cái xe giá 400 đồng, nói chung cũng là tạm được. Còn con bò đầu tiên, nhờ người quen giới thiệu ông xin được mua bò của một nông trường nào đó tận Hà Bắc, giá chỉ 250 đồng. Nhưng do chưa có kinh nghiệm chọn bò nên con này sức vóc có hạn, không kéo được nặng. Đem về một thời gian thì mấy ông bạn đều phán: “Con này chỉ thịt là ngon”. Vậy là phải đổi. Con bò thứ hai được tậu về với giá gần 500 đồng là một con bò “hoe”- nghĩa là bò mũi và mắt hồng hồng chứ không đen như những con bò khác. Con này thì khỏe nhưng phải cái tội chịu nắng kém. Mặt trời vừa mới lên được một lúc là nó đã thè lưỡi ra, nước dãi, nước mũi cứ tuôn ầm ầm. Tuy nhiên, nó cũng gắn bó với nhà tôi khá lâu.
Dần dần, bố tôi cũng có kinh nghiệm hơn trong chuyện chọn bò. Vì còn nhỏ nên tôi chỉ nhớ lõm bõm. Đại khái, bò kéo xe phải không già quá, mà cũng không được non quá. Tiêu chuẩn thứ hai là “đậu sức”- nghĩa là nó phải có lực. Cái này chủ yếu xem dáng vóc, hình thể và cái cổ của nó. Tiêu chuẩn thứ ba là đôi chân và bước đi. Chân to thì khỏe nhưng đi chậm, chân bé thì đi nhanh nhưng yếu. Khi đi, chân sau phải trùng vào nốt chân trước. Nếu vượt lên là đi nhanh nhưng kéo yếu. Nếu không đến thì đi chậm như rùa. Lại không được vạt tép nữa. Bò kéo phải đóng móng nên nếu đi vạt tép, chân nọ đá chân kia sẽ không được vì cái đầu đinh nó sẽ làm chân kia bị đau. Con bò tốt hồi ấy phải có giá khoảng 1000 VND (gần 2 cây vàng). Phải đến con bò thứ ba nhà tôi mới chọn được con bò tốt. Nó không to lắm nhưng “đậu sức”, không “đánh tháo” bao giờ. Tôi quý con bò này lắm, coi nó như một người bạn tốt và không bao giờ đánh nó. Còn cái xe cũng lắm chuyện. Thường chúng tôi sử dụng bánh xe của ô tô thải ra. Tốt nhất là loại 750-20 của xe Mô- nô- tô- va. Loại này vừa đảm bảo trọng tải, bản thân nó lại nhẹ nhàng và tháo lắp cũng nhanh. Thực ra, hồi ấy nếu đi đường bằng chúng tôi cũng chỉ chở được khoảng trên dưới 1 tấn mà thôi. Tuy nhiên, nói chung xe cộ hồi ấy đều kém vì vật tư rất khó khăn. Tôi nhớ, cứ mỗi lần vỡ bi bố tôi lại phải đi tận chợ Sắt (Hải Phòng) mới tìm mua được.
Lúc đó, trong huyện cũng có khá nhiều người làm nghề này. Ngay ở phố Ngãi cũng có vài hộ, ngoài nhà tôi còn có nhà ông Huyên Tân đảo và nhà bà Sự. Còn số khá đông thì ở Phả Lại. Các ông ngồi bàn nhau và cũng do chủ trương hợp tác hóa toàn diện của nhà nước, của huyện nên một HTX vận tải thô sơ mang tên Chí Thành ra đời. Bố tôi, được mọi người đánh giá là công bằng, chính trực nên được bầu vào Ban Quản trị, giữ chân Điều Vận- như kiểu Trưởng ban kế hoạch ấy. Nghĩa là các hợp đồng vận chuyển do HTX nhận đều đưa về cho ông phân công cho các tổ. Tuy nhiên, đây là một nghề khá nặng nhọc, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, đi lại nhiều bất kể thời tiết, việc bốc dỡ hàng cũng vất vả... nên rất tốn sức và bố tôi chỉ trụ được mấy năm, về sau mẹ tôi và tôi trở thành lao động chính.

...Có lẽ do thời tuổi trẻ đã quá phung phí sức lực, lao động thì nặng nhọc, ăn uống thì thiếu thốn, sinh hoạt lại kém điều độ... nên sức khỏe bố tôi sau này bị giảm sút nhanh chóng. Căn bệnh đau dạ dày mắc phải từ đầu những năm 60 ngày càng nặng và đúng 30 Tết năm 1977 thì bố tôi bị xuất huyết dạ dày nặng. Sẩm chiều 30 Tết chúng tôi đưa ông lên cấp cứu tại BV huyện. Cả BV vắng teo, chỉ còn lác đác vài người. Tất nhiên công việc cấp cứu vẫn được tiến hành nhưng do ông đã mất máu quá nhiều nên tính mạng cực kỳ nguy cấp, cứ nằm thiêm thiếp bất động, hai mắt nhắm nghiền. Đến lúc cần tiếp máu thì cả phòng xét nghiệm không có một ai nên không thể tiến hành. Đến lúc này, các BS trực quyết định truyền một chai thuốc gì đó (nghe nói rất quý, cả kho thuốc có mỗi một chai), chúng tôi thì đồng ý ngay. Tuy nhiên, tất cả các “ven” của ông lúc này đã xẹp. Cô y tá bắt mãi rồi mới được một chỗ ở tĩnh mạch ngón tay cái. Tĩnh mạch này rất nhỏ và dễ vỡ nên suốt đêm đó tôi và một ông chú họ phải thay phiên nhau nắm giữ bàn tay đó không cho cử động làm vỡ “ven” hoặc lệch kim. Khi tiếng pháo giao thừa nổi lên khắp bốn phía mới thấy ông mở mắt và mấp máy môi rồi từ từ hồi phục.
Sau trận ốm thập tử nhất sinh này bố tôi yếu hẳn đi. Từ đó ông chỉ ngồi ở nhà bán quán nước và vài thứ quà vặt. Một con người vốn quen ngang dọc vẫy vùng nay bị trói chân một chỗ làm ông buồn lắm. Ông chỉ vui lên khi có những đứa cháu đầu tiên. Nghiêm khắc, chặt chẽ với các con bao nhiêu thì ông lại yêu quý và rộng rãi hào phóng với các cháu bấy nhiêu. Hầu như các đòi hỏi của chúng đều được ông đáp ứng. Và mặc dù sức khỏe không được tốt như trước nhưng khi tôi có mảnh đất riêng ở Sao Đỏ ông đã giành rất nhiều công sức để cải tạo đất, trồng cây... đến mức mà một số bà con, anh em cho rằng chính vì tôi có vườn đất mà làm ông yếu đi như vậy. Khi thấy thế tôi đã “cấm” không cho ông làm vườn nữa nhưng ông không nghe. Về sau dần dần tôi mới biết đó chính là một niềm vui của ông. Cả một đời ông lăn lộn, khổ cực đã nhiều thế mà có lúc nào ông được sở hữu một mảnh đất cho ra hồn đâu- ngay cả mảnh đất ở phố Ngái đó cũng toen hoẻn vài chục mét vuông, muốn trồng một cái cây cũng chẳng được. Biết vậy, tôi chỉ xin ông hãy làm vừa sức, làm cho đỡ buồn chân, buồn tay thôi.
Những năm cuối đời, do con cái hầu hết đã ổn định gia thất (ba trong bốn anh em tôi đã xây dựng gia đình), chú ba tốt nghiệp ĐH được phân công công tác ngay, chú út tốt nghiệp sĩ quan lại xin được về gần nhà, kinh tế gia đình nói chung cũng khá dần lên... nên ông cũng tương đối nhàn hạ, chỉ làm những gì ông thích và ngày 05 tháng 8 AL năm 1988- ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại biết bao thương tiếc cho anh em, bạn bè, con cháu và bà con hàng xóm. Và giờ đây, giữa một rừng vải xanh ngút ngàn, tĩnh lặng quanh năm xanh tốt ông thanh thản nằm yên nghỉ bên người vợ hiền và một đứa cháu không may sớm qua đời. Mỗi lần về đây tôi thường nán lại ngồi bên mộ ông khá lâu mà ngẫm nghĩ và tôi tin rằng, với những gì ông đã làm được và để lại trên đời chắc ông sẽ ngậm cười nơi chín suối.

17/9/2015
NKN

2 nhận xét:

  1. Có những người con như Khắc Nguyệt thì chắc chắn là các cụ "ngậm cười nơi chín suối" rồi
    Lớp các cụ ai cũng vất vả cả. Gia đình Khắc Nguyệt thế là còn khá giả chứ nhiều gia đình còn cơ hàn lắm cơ
    ( song Thu)

    Trả lờiXóa
  2. Những kỉ niệm đáng nhớ về một con người. Ông vẫn đang sống trong ký ức những người thân yêu. Tin rằng ông vẫn dõi theo chúng ta đấy. Chỉ không hỏi được xem dạo này Cụ dùng rượu gì nhỉ!!

    Trả lờiXóa