Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

THÀY... SỐ- 5

       Tôi cũng không nhớ nổi là sau bao nhiêu lâu nữa nhưng có lẽ cũng phải mất hàng năm kiên trì chiến đấu hắn mới đóng được chừng gần hai ngàn viên gạch. Nhìn đống gạch cứ hàng ngày đày lên hắn hý hửng lắm: “Kiểu này đóng cố thêm vài trăm viên rồi bán đi cũng được ít tiền để mua ngói”. Tôi thì lắc đầu lè lưỡi: “Vừa vừa thôi không thì đóng gạch xong không còn sức mà làm gì nữa đâu”. Nói vậy nhưng khi thấy số gạch đã hòm hòm, hắn cũng thôi không đóng nữa. Chắc cũng “oải” quá rồi.
Vật liệu đã hòm hòm, hắn quyết định làm nhà. Và thế là huy động tất cả những gì tích cóp được cùng với sự giúp đỡ của anh em, bè bạn hắn đã xây được 2 gian nhà tường gạch ba- banh, mái ngói. Quãng cuối năm 80, có một ngôi nhà như thế cũng khá là “oách” rồi. Như các cụ đã nói “có an cư mới lạc nghiệp”. Ổn định được chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng rồi người ta mới có thể tích lũy và sắm sửa những thứ khác cho cuộc sống. Và đúng là thế thật. Không phải canh cánh lo về cái nhà, đồng lưong của hắn giờ để sắm sửa thêm vật dụng nên trong nhà dần dần cũng có thêm các vật dụng cần thiết. Các con- bây giờ thêm 1 đứa con gái nữa là 3- cũng đã lớn dần lên. Nhà dã có bát ăn, bát để. Giai đoạn lầm than nhất trong cuộc đời hắn dường như đã trôi qua. Hắn đã có thể mơ đến một tương lai tươi sáng hơn. Dạo này về gặp hắn đã thấy hắn bắt đầu có da, có thịt và cái cười cũng đỡ méo mó hơn.
          Cứ ngỡ cuộc đời một SQ “bộ đội xóm” cứ thế êm đềm trôi qua thì đùng một cái, hắn lại nhận được quyết định phục viên. Thật tình, tôi cũng khá bất ngờ khi biết tin này. Cứ tưởng với khả năng của hắn, hắn sẽ được trọng dụng, sẽ phát triển và biết đâu lại lên được huyện trưởng, huyện phó. Nhưng ai mà lường hết được mọi chuyện. Sau này tôi mới biết rõ hơn: hắn làm được việc nhưng cũng là cái thằng gai ngạnh. Giống đời, thằng nào mà cái đầu không chỉ để đội mũ thì thường đa sự, gặp việc không vừa mắt là phát biểu thẳng tưng rồi phê phán, góp ý này nọ. Tất nhiên là với mục đích hết sức trong sáng- muốn làm cho công việc được trôi chảy hơn, tốt đẹp hơn song vẫn bị đồng loại chụp cho cái mũ kiêu căng, gai ngạnh… Lại quá tự tin vào mình, không thèm “nhập” vào dây, vào rợ nào nữa thì ra đi sớm là phải. Hắn thì chỉ cười buồn: “Đúng là tao không có số làm quan”.

     Thực tình, lần xuất ngũ này cũng làm cho hắn cảm thấy hẫng hụt mất một thời gian. Nói gì thì nói, ở nhà quê có cái mác “thoát ly” hay sỹ quan nó cũng oai oai một tý, bọn quan xã nó cũng nể mặt hơn so với đám dân đen. Đã thế, thu nhập lại khá ổn định, dẫu rằng đồng lương có thấp một tý nhưng còn có đồng ra, đồng vào, muốn mua sắm cái gì cũng dễ dàng hơn bà con nông dân.
           Tuy nhiên, hắn cũng chẳng có nhiều thời gian để gặm nhấm nỗi buồn bởi cái đoàn tàu ở đằng sau còn khá nặng. Sự nghiệp xây dựng kinh tế vừa mới manh nha, bước đầu đi vào ổn định nay lại chuyển hướng nên có phần chung chiêng rất cần bản lĩnh của hắn. Thế là hắn lại lao vào công việc. Bây giờ thì hắn đã dứt hẳn nghề rèn rồi mà chỉ chuyên tâm vào làm ruộng mà thôi. Thực ra, các kỹ thuật của nhà nông VN ta cũng không có gì phức tạp lắm nên với đầu óc của mình, chỉ đôi, ba năm là hắn đã trở thành một lão nông tri điền. Ngoài làm ruộng, hắn còn chú trọng đến canh tác trên cái vườn nhà. Về vụ này, mặc dù chẳng biết mô tê răng rứa cái chi chi song tôi cũng nhiệt tình khuyến khích hắn, lại còn viện dẫn ra cái câu mình nghe lỏm được từ sách vở: “Các cụ bảo: “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”. Mày có cái vườn đẹp thế này cứ chuyên tâm vào đó sẽ có kha khá tiền đấy”.
          Cũng may, khi xin chuyển đến chỗ mới hắn được một diện tích khá rộng (hình như hơn 2 sào) cho nên ngoài diện tích làm nhà, làm sân  thì còn một cái vườn khá rộng. Theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, hắn quyết định trồng rau màu trước, mà chủ yếu trồng các loại rau có giá trị cao như súp lơ, cần tây v.v.... Đất tốt, chịu khó chăm bón, phân gio, bắt sâu, làm cỏ v.v… nên rau nhà hắn tốt lắm, trông rất thích mắt. Song cũng phải nói thật là trồng rau so với trồng lúa thì vất vả và tỷ mẩn hơn nhiều. Nhưng với động lực duy nhất là kiếm tiền thì có mệt cũng phải làm và hắn đã làm khá tốt. Trong vụ này phải kể đến công lớn của vợ hắn. Vẫn nhỏ bé, mảnh mai, lại dính bệnh hen suyễn sau ba lần sinh nở nhưng dường như sức lực ở con người này là vô tận. Hầu như lúc nào tôi thò mặt đến nhà hắn cũng thấy cô ta đang làm một việc gì đấy. Đúng là một hình mẫu điển hình của người phụ nữ nông dân VN.

          Nhờ tích cực, cần mẫn như vậy, mấy năm sau khi làm nhà cuộc sống của gia đình hắn đã mát mặt hơn nhiều. Nhưng hắn có phần không vui vì 2 thằng con trai của hắn không mặn mà lắm với việc học tập. Nói cho công bằng, về mặt IQ của chúng không đến nỗi nào, thằng thứ hai lúc hơn chục tuổi cũng đã đánh cờ ngang ngửa với bố. Nhưng có lẽ lúc chúng bắt đầu đi học và cả tuổi thơ của chúng là những tháng ngày gian nan, nghèo khổ nhất của gia đình nên sự học của chúng không được bố mẹ quan tâm. Ngoài ra, có lẽ cũng đã hình thành trong chúng tâm lý học giỏi cũng chẳng làm gì (bố chúng ngày xưa học giỏi có tiếng mà giờ thì cũng chỉ thế này. Vậy nếu chúng có học giỏi bằng bố thì cũng chỉ được như bố là cùng chứ gì!). Thế cho nên chúng không thích học mà chỉ thích chơi. Biét hắn buồn, tôi động viên: “Xét cho cùng, có học rồi thì cũng phải học một cái nghề gì đó. Vì vậy, bọn chúng không thích học thì cho chúng đi học nghề”. Có vẻ bọn trẻ cũng thích như vậy nên khi bảo cho đi học lái xe là chúng vỗ tay nhiệt liệt. Và định hướng đó cũng có kết quả không đến nỗi nào.
          Cho đến giờ, thằng lớn đã có 2 con, thu nhập cũng khá. Khi thấy con đi làm đã có tiền, hắn cắt ra một nửa khuôn đất chia cho nó. Ban đầu, nó cũng xây một gian nhà nhỏ- tất nhiên bằng các loại vật liệu tốt hơn ngôi nhà của bố mẹ nhiều. Dần dà, nó làm thêm và đến Tết vừa rồi tôi về thấy ngôi nhà cũ đã nâng tầng. Bên dưới thì nối ra thêm 2 gian làm phòng bếp và công trình phụ. Nói chung khá ổn.
          Thắng thứ hai cũng theo học nghề lái xe. Sau mấy năm ôm xe nay cũng đã lấy vợ, có 1 con và đang ở chung với bố mẹ.
          Riêng con bé con gái út thì hắn nuôi chí quyết tâm cao là sẽ cho con học hành đến nơi đến chốn. Thực ra, khi cháu nó bắt đầu đi học thì cuộc sống gia đình hắn đã dễ thở hơn nên hắn đã quan tâm hơn đến việc học hành của con. Ngoài giờ cày cuốc hắn đã dành thời gian phụ đạo cho con nên con bé học cũng được. Tuy nhiên, khi đi thi ĐH thì cũng chỉ đủ điểm vào cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp một trường CĐ ở Quảng Ninh, hắn xin cho con về làm ở Cty Trúc Thôn ngay quê nhà. Con bé làm việc ở Phòng kinh doanh, có tháng bán được nhiều hàng, được công ty thưởng đến hàng chục triệu. Hắn bảo: “Con nhà nông. Được thế này cũng là tốt lắm rồi!”. 

         (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét