Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

LÃO KHOÈO-5

Nung nấu quyết tâm chuyển nhà lên Hà Nội song hai vợ chồng hắn hiểu đó là một núi những khó khăn đang chờ đón họ phía trước.
Thời đó, với hai CB- CNV nhà nước thì đó là một quyết tâm rất lớn bởi có những khó khăn, những rào cản tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Đó là công ăn, việc làm và hộ khẩu. Không như bây giờ, có trình độ thì cứ nhảy đại vào đâu đó thi tuyển rồi sẽ có công việc. Hồi đó, nếu không xin chuyển cơ quan được thì coi như toi. Sẽ không có tiền, không có gạo, không có hộ khẩu và rất nhiều thứ khác. Mà hắn lại chân tươi, chân héo nên không thể xốc vác những công việc chân tay được. Còn một khó khăn nữa là nhà ở. Hồi đó, nhà đất chưa đắt như bây giờ song thực tình, sau gần chục năm lấy nhau, có bao nhiêu tiền của đều đổ vào chữa bệnh cho con rồi, tích lũy của hai vợ chồng chỉ là một con số “0” to tướng…
Đứng trước những khó khăn đó, sau một thời gian đi tìm việc, gõ cửa một số cơ quan không được hắn nản lắm và nhụt chí, bàn lùi và muốn ở lại Phả Lại. Dẫu sao, ở Phả Lại hắn đã có những tiến bộ nhất định, nhà cửa đàng hoàng và thu nhập thì khá cao so với mặt bằng xã hội; lại gần nhà nên có việc gì nhờ cậy bố mẹ, anh chị em cũng dễ hơn. Nhưng có một người không nản chí- đó là “chồng” hắn. Mặc dù vừa nuôi con, vừa đi học song với bản lĩnh của mình, với trí thông minh và quyết tâm cao như núi nàng đã tốt nghiệp xuất sắc khóa học, nhận bằng đỏ và khi nàng xin ở lại Trường thì nhà trường đồng ý ngay. Về phía Phả Lại, thông cảm với hoàn cảnh của nàng nên cũng đồng ý cho đi. Thế là được một nửa. Đến lúc này, hắn mới quyết tâm hơn. Nghe lời tham mưu của mọi người, chuyến này hắn chịu khó đi gặp lại những người bạn đồng môn lớn tuổi thời đi học ở Liên Xô cũng như những người bạn thời mới về nhà máy. Nhiều người trong số họ bây giờ đã là những yếu nhân (trong đó có 1 đương kim PTT). Cũng phải mất một thời gian đi lại hắn đã xin được việc làm ở Công ty Điện lực 1. Thế là cả gia đình đoàn tụ tại đất Thánh Hà Thành. Vấn đề còn lại bây giờ là chỗ ở. Một mẹ, một con còn tá túc ở nhờ được chứ cả vợ chồng, con cái cùng lên thì nhà nào mà nhờ được. Vậy là, sau hành trình chữa bệnh cho con, hành trình đi xin việc vợ chồng hắn lại lao vào một hành trình mới- hành trình đi kiếm chỗ trú thân.
                                                                         
Như đã nói, hồi đó- những năm cuối 80 của TK trước, giá nhà đất còn rẻ lắm. Đối với những người khá giả một chút, việc kiếm một căn nhà ở HN cũng không phải lăn tăn gì nhiều. Song đối với gia đình hắn thì đây là một việc quá sức. Biết vậy nhưng không thể không làm. Không an cư thì không thể lạc nghiệp được. Giải pháp đề ra là tìm vào những nơi ngõ ngách, chật hẹp cũng được, miễn sao cho giá thật rẻ và càng gần trường học của thằng bé càng tốt. Hồi này tôi cũng hay về Hà Nội vì đang theo học tại chức đại học nên cũng đồng hành với hắn đi tìm nhà khá nhiều lần.
Sau một thời gian sục xạo hắn đã tìm được một địa chỉ khá ưng ý. Đó là một ngôi nhà cấp 4 nhỏ xíu dựng trên mảnh đất chừng 40 m2 ở sâu tít trong làng Nhân Chính. Đại loại, nếu ghi địa chỉ như ở SG thì phải có đến 4- 5 cái / mà chưa chắc bưu tá đã tìm ra. Chỗ này chỉ cách trường học của thằng bé vài trăm mét và điều quan trọng nữa là giá của nó chỉ có chưa đầy 2 chỉ vàng (bây giờ chắc cũng phải 40- 50 triệu/ 1 m2). Giá cả như vậy song 2 chỉ vàng lúc đó cũng là rất lớn, với cái loại làm công ăn lương nhà nước thì đó là cả một gia sản lớn. Hai vợ chồng hắn phải vay mượn mấy chỗ, chủ yếu là người nhà mới đủ. Vay đấy nhưng cả bên cho vay lẫn bên vay đều nghĩ rằng chẳng biết đến bao giờ vợ chống hắn mới trả nổi. Thêm một ít công sức nữa để cải tạo, vợ chồng con cái hắn đã có chỗ để chui ra, chui vào.
Đúng là có an cư mới lạc nghiệp. Ổn định được chỗ ăn, chỗ ở và việc học hành của con rồi thì công việc của vợ chồng hắn trở nên vô cùng thuận lợi. Chứng tỏ được khả năng của mình, hắn được bổ nhiệm thành một cán bộ cấp phòng. Cái chức nho nhỏ này song cũng “oách” ra phết vì công ty của hắn coi sóc việc cung cấp điện cho 23 tỉnh phía Bắc cơ mà. Cái gì chứ cỡ giám đốc Điện lực tỉnh mà lên gặp bọn hắn cũng thấy nhũn nhặn lắm. Tôi biết vậy vì một lần hắn đã nhờ tôi đi tiếp khách hộ (vì có năng khiếu và sở trường về rượu mà). Còn vợ hắn cũng trở thành một nhân vật quan trọng ở Phòng giáo vụ của một trường thuộc ĐGQG. Nhờ vậy, về mặt kinh tế cũng dần đi vào ổn định. Đặc biệt, khi TT chứng khoán mở ra thì hắn tham gia ngay. Với nhãn quan một nhà kinh tế, cộng với tiềm lực đã tích lũy được hắn lướt sóng ào ào. Có vẻ như thần tài đứng về phía hắn nên hắn lên như diều gặp gió. Hắn liên tục đổi nhà, cái sau khá hơn cái trước và bây giờ thì vào tận trung tâm, chỉ cách Văn Miếu- Quốc Tử Giám vài phút đi bộ để ơ. Ngoài ra, cũng chẳng ai biết tường tận vợ chồng hắn còn của chìm của nổi ở đâu. Tôi thì biết chắc hắn vẫn còn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu ngành điện để hưởng cổ tức (từ khi thị trường sụt giảm hắn đã thôi không lướt song nữa mà đầu tư theo hướng lâu dài). Vợ hắn cũng không chịu kém, nàng cũng là một cổ đông lớn của một trường đại học quốc tế! Thật là một sự đổi đời đến kinh ngạc. Bọn tôi vẫn đùa: “có khi nhờ thằng cu bọn mày mới được như thế”. Mà thế thật! Nếu thằng bé không bị bệnh thì có đến 99% vợ chồng hắn vẫn yên vị ở Phả Lại. Đúng là chuyện Tái Ông mất ngựa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét