Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

LÃO KHOÈO- 6

Công việc ổn định, kinh tế khá giả song vợ chồng hắn vẫn còn đó một nỗi buồn- đó là chuyện con cái. Mặc dù thằng cu học hành được xếp vào loại khá song nói gì thì nói, đó chỉ là loại khá trong cái cộng đồng thiệt thòi của chúng thôi. Chứ nếu ra xã hội thì chưa là cái gì cả- nhất là trong cái thời buổi kinh tế thị trường mang định hướng XHCN này. Vì vậy, có thêm một đứa con nữa là nguyện vọng cháy bỏng của vợ chồng hắn và không chỉ riêng vợ chồng hắn mà là của cả đại gia đình cùng với những người thân. Tuy nhiên, lại có một ám ảnh vô hình đè nặng lên cái nguyện vọng đó: nếu có thêm đứa nữa thì nó sẽ như thế nào? Liệu nó có bị như thằng anh nó hay còn tệ hại hơn? … Câu hỏi đó trở đi trở lại, dằn vặt vợ chồng hắn cũng như những người thân của hắn, trong đó có bọn tôi. Rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức. Hồi đó, hội học sinh phổ thông khóa 1968- 1971 Trường cấp 3 Chí Linh tại quê nhà và Hà Nội đã tập hợp lại và rất gắn bó với nhau. Ở Hà Nội bọn tôi có 10 đứa vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau. Một trong những địa chỉ hay tụ tập là nhà hắn và câu hỏi này cũng nhiều lần được đặt ra đối với bạn bè. Và rồi cuối cùng, một nghị quyết được đề ra: “Khổ thì đã khổ rồi. Có khổ thêm một chút nữa cũng vẫn chịu được. Nhưng nếu không liều thì sẽ không có chút hy vọng nào cả”. Tất nhiên, nghị quyết chỉ là nghị quyết, còn quyết định vẫn là ở vợ chồng hắn.
Có lẽ cái khát vọng có đứa con thứ hai và niềm tin mong manh vào một tương lai tươi sáng đã thắng. Khi thằng lớn đã 14 tuổi, vợ chồng hắn đi đến quyết định sẽ phải có đứa con thứ hai. Đó là một quyết định khó khăn và phải nói rằng có phần liều lĩnh. Bọn tôi thì cũng chỉ biết động viên: “Thời gian đã qua lâu rồi, điều kiện sinh hoạt bây giờ đã khá hơn, hy vọng những di họa của cái chất tai hại ấy đã suy giảm đi nhiều”. Và rồi, đứa thứ hai đã định hình trong nỗi hồi hộp đến khắc khoải của rất nhiều người.
Suốt thời gian mang thai, H. đã đến bệnh viện Phụ sản TƯ rất nhiều lần hòng tìm ra những thông tin cần thiết về đứa con tương lai của mình song với những phương tiện hiện đại nhất hiện có của nền y học VN nàng cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung về thể trạng của thai nhi mà thôi. Còn cụ thể các giác quan của nó như thế nào thì chịu. Có một điều làm mọi người yên tâm phần nào là qua kết quả siêu âm thì thấy bé không bị dị dạng hay khuyết tật cơ thể gì cả.
Niềm vui chỉ vỡ òa vào một ngày tháng 5 năm 2003 thì phải. H. đã sinh hạ một bé gái xinh xắn. Nhưng chỉ đến khi bé đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra chuyên khoa thì những băn khoăn mới được giải tỏa. Cháu bé hoàn toàn bình thường về mọi mặt. Sau khi ở viện về, Cô bé được săn sóc, chăm bẵm như một báu vật của vợ chồng hắn, của người nhà và của bạn bè. Hồi này, Vũ Dương Nghi (cùng học lớp C với hắn, bây giờ là thiếu tướng, chính ủy BCTT) chưa đưa vợ con lên HN nên khá nhàn, lại thông thuộc nhiều nơi nên trở thành “tiếp phẩm” chính cho vợ con hắn. Không biết bao nhiêu chân dê với thuốc bắc đã được Nghi tha về để tẩm bổ cho vợ hắn. Còn hắn, bị “chồng” cấm tiệt hút thuốc trong nhà. Cả bọn tôi cũng thế, muốn hút thuốc thì ra ngoài.
Có lẽ con bé được tạo hóa bù đắp cho những thiệt thòi của thằng anh nên xinh xắn và thông minh tuyệt vời. Có điều buồn cười là cho đến giờ tôi vẫn không nhớ tên chính thức của nó là gì vì từ bé đến giờ toàn gọi nó là con Xíu.


 Khi mọi cái đang thuận lợi, bay bổng thế tưởng chừng như không còn gì tuyệt vời hơn thì hắn bỗng nhiên sinh bệnh. Căn bệnh của hắn cũng thật lạ, cứ như trò đùa. Một lần, sau bữa trưa tiếp khách phủ phê, hắn đi khám sức khỏe định kỳ. BS đo huyết áp thấy hơi cao nên dọa hắn, bắt hắn phải bỏ rượu, thuốc lá và kiêng cữ nhiều thứ. Kết hợp với ở nhà, “chồng” hắn ngày càng nghiêm khắc nên hắn bỏ thật. Thế là sau đó chỉ chừng gần tháng thì hắn sinh bệnh. Đang yên, đang lành không sao, bỗng dưng tim đập loạn lên, chân tay bải hoải, tưởng chừng chết đến nơi. Hắn hoảng sợ thật sự (có lẽ khi người ta có đủ mọi thứ rồi thì sẽ rất sợ chết thì phải!).  Hắn đi viện liên tục, có khi vừa mới ở viện về đến nhà lại đã đòi vào viện. Rồi thì thuốc lá, bia rượu bỏ tất. Phải công nhận ý chí của hắn rất cao. Từ chỗ một tên bạt tử, ăn vại, uống thùng, hút thuốc cả cây mà hắn bỏ được ngay. Hắn cứ đi viện xoành xoạch ấy, vất vả nhất vẫn là Vũ Dương Nghi. Vì nhà gần đấy, hắn cứ vào viện là phải vào trông nom, còn bọn tôi chỉ đá gà, đá vịt mà thôi. Dạo hắn ra Mỹ Đình ở thì đến lượt tôi, có hôm 9- 10 giờ đêm hắn gọi điện: “Tao ở nhà mỗi mình, vợ con về quê cả. Mày ra ngủ với tao, nhỡ đêm có chuyện gì còn xử trí”!!!
Một hôm, khi hắn nằm ở Sanh Pôn, bọn tôi kéo nhau vào thăm. Ngồi nói chuyện một lúc, hắn rút ví lấy ra mấy trăm nghìn bảo: “Thôi, các ông đến thăm tôi thế đủ rồi. Các ông kéo nhau ra ngoài kia mà nạp cho đầy họng súng vào”. Bọn tôi đi uống bia xong lại kéo vào và hội chẩn. Tôi hỏi: “Mày hút thuốc từ bao giờ?”. Hắn ngẫm nghĩ một tý rồi trả lời: “Từ hồi lớp 7”. Lại hỏi: “Thế uống rượu từ bao giờ?”. Hắn bảo: “Từ hồi đi Liên Xô (năm 1977)”. Tôi cười bảo: “Mày đổ bệnh là đúng rồi. Từ hơn 30 năm nay, lúc nào trong máu mày chả có một ít ni- cô- tin với ê- ty- líc. Nó đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong máu mày. Bây giờ mày bỏ hẳn thành ra máu nó thiếu hai cái thành phần ấy. Không chết là may đấy. Bây giờ phải tiếp tục hút, tiếp tục uống đi”. Cả bọn cười nghiêng ngả, còn Hắn ngớ người ra nhưng cũng phải công nhận có phần đúng. Từ đó, hắn không quá giữ gìn như trước. Bây giờ thì lại chiến được tì tì rồi. Riêng khoản thuốc lá thì thôi hẳn. Vụ đó chúng tôi hoan nghênh hắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét