VÀI LỜI SAU TẠP KÝ
"LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI"
Đỗ Đình Tuân Đầu tiên tôi cũng chỉ định viết về con sông Đào một bài viết ngắn thôi. Nhưng viết xong bài Sông Đào thì nhiều ký ức ùa về. Tôi nhớ lại thời làng tôi loạn lạc. Những ký ức lộn xộn nhưng ám ảnh và thúc bách. Thế là tôi cứ theo tiếng gọi của lòng mình mà viết ra. Nếu đem viết thành truyện thì phải hư cấu và cắt sén thêm bớt nhiều, dễ bỏ xót sự thật. Vì thế tôi chọn thể “tạp ký” và viết theo kiểu hơi “tùy bút” một tí. Nhưng cũng không hẳn ra tùy bút. Vì tùy bút dùng cảm hứng chủ quan nhiều. Tôi thì ngược lại “thượng tôn sự thật”. Cố nhiên đều là những sự thật mà tôi còn nhớ được chứ không hẳn đã hoàn toàn đúng với sự thật khách quan. Tôi không biết gọi cái kiểu viết như tôi thế này là gì nên tạm gọi nó là “tạp ký”. Vì “tạp ký” mà lại bạ gì viết ấy nên tôi mới gọi nó là “lan man”. Cái tên “Lan man chuyện làng tôi” ra đời là vì thế. Nhưng dù đã cố gắng đến đâu thì khi viết tôi vẫn phải tuân theo logic của sự viết. Cho nên nói là “lan man” nhưng cũng không thể tùy tiện và phi lý được. Mỗi chương mục, mỗi phần của “tạp ký” vẫn khuôn theo một chủ đề. Thành thử viết xong rồi mà vẫn còn rất nhiều chuyện chưa cho vào “tạp ký” này được. Thế là tuy xong mà hóa vẫn chưa xong. Cái khoản nợ chưa xong ấy tôi xin khất để “trả” vào một dịp khác và bằng một cách khác. Nhưng hiện tại thì tôi chưa nghĩ được nó là gì và sẽ ra thế nào. Ấy là tôi chỉ tự hẹn với lòng mình như thế.
Vì lớp người được viết đến trong “tạp ký” phần lớn đã thành người thiên cổ, nên tôi xin phép trộm vía họ dùng đúng tên tuổi như khi họ còn tồn tại trên cõi đời này. Tôi chỉ muốn nói với những ai đã để mắt hạ cố đến “tạp ký” này sẽ hình dung một cách gần với sự thật đời thường nhất. Tôi cũng muốn qua “tạp ký” này mà nói với bạn đọc rằng ở làng tôi thời ấy đã từng sống những con người như thế. Tôi không có ý định phê phán gì ai mà chỉ ghi nhận họ với tấm lòng cảm thông và thương nhớ vô cùng. Tôi cũng xem “tạp ký” này như một nén tâm hương để tưởng nhớ đến hương hồn họ.
Tôi rất vui mừng khi làng tôi tìm lại được tên tuổi của các vị Thành hoàng. Văn bản do chánh hương hội làng tôi gửi lên các cấp trên năm 1938, sau 72 năm tình cờ lại tự nhiên về với dân làng mình. Tôi cứ mơ hồ thấy như vong hồn của các thế hệ ấy đã thấu hiểu được nguyện vọng của dân làng mà run rủi đưa về vậy. Tôi càng vui mừng khi thấy các Thành hoàng làng tôi, hình như đều là những con người có thật của ngày xưa. Họ vốn là những người làm kinh tế, văn hóa và đánh giặc giữ nước, do có công trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước mà được nhân dân thần thánh hóa lên theo khuôn mẫu của tư duy một thời. Tôi chợt vỡ lẽ ra tại sao người quanh vùng hay nói người làng tôi là “dân đò chợ”. Có lẽ điều này là đúng với thực tế lịch sử thời xưa chăng? Vì trước đây cánh đồng dưới làng tôi chính là một cái chợ. Sông Kinh Thày chưa có hệ thống đê nên vẫn thông thương với sông Đào. Thuyền đinh vẫn vào đến tận làng tôi. Xóm áp với sông Đào làng tôi vẫn còn gọi là Xóm Bến. Rất có thể là từ thời Trần đến thời Mạc, nhất là ở thời Mạc, làng tôi là một khu “đò chợ” khá sầm uất. Chỉ từ khi đắp đê sông Kinh Thày thì chợ, bến cảng mới chuyển ra ngoài đê giáp bờ sông Kinh Thày và làng tôi mới trở thành làng làm ruộng. Nhưng chợ Cống thì năm đói 1945 vẫn họp.Đến mãi những năm kháng chiến chống Pháp sau này mới mất hẳn.
Khi viết xong tôi cũng có tu chỉnh và bổ sung ít nhiều cho hoàn thiện thêm. Nhưng về cơ bản thì vẫn như ban đầu. Cấu trúc cuốn sách thì có thay đổi thứ tự các phần theo như mục lục sau đây:
MỤC LỤC
1.Sông Đào 1
2.Cụ Hậu 10
3.Mùa nước 21
4.Thuyền mủng 34
5.Cổng Đồng-Đống xộp 45
6.Trại Hai Tô 63
7.Mẹ kế 82
8.Trẻ chăn trâu 100
9.Hương vị làng quê 126
10.Giỗ chạp 153
11.Khúc vĩ thanh 170
Bắt đầu viết từ tháng 12/2010
Hoàn thành cuối tháng 5/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét