LÃO KHOÈO- 3
Lấy nhau rồi, vợ chồng hắn được phân một phần căn biệt thự song lập trong khu tập thể của nhà máy. Phải nói, việc xây dựng ở NĐ Phả Lại hồi đó khá đồng bộ. Ngoài việc xây dựng nhà máy họ còn xây dựng cả khu nhà ở cho cán bộ, công nhân. Đại trà thì có mấy cái nhà 3-4 tầng dành cho công nhân, ngoài ra còn có một số căn biệt thự được xây theo kiểu “song lập” khá đẹp để dành cho cán bộ các cấp. Chắc vợ chồng hắn đều trình độ đại học, cùng làm việc ở nhà máy, lại là thương binh hay do mối quan hệ hữu hảo từ trước đến nay với lãnh đạo không biết mà hai đứa được phân một căn biệt thự. Tuy không thật to rộng nhưng cũng có hai phòng ngủ, một phòng khách và một khu phụ. Nói chung, với một đôi vợ chồng mới cưới thì chỗ ở như thế là quá đàng hoàng rồi. Và thế là chúng tôi có thêm một địa điểm nữa để tụ tập. Cũng như nhà tôi và một số nhà riêng bạn bè khác, đó là những địa điểm “độc lập, tự do”, không phụ thuộc vào ai nên thoải mái ăn uống và nói khoác. Dạo đó tôi ở Vĩnh Phú nên mỗi khi tranh thủ thường đi lối qua Phả Lại. Vì vậy, mỗi khi ngang qua đó lại tạt vào. Có tôi, hắn lại nhắn thêm vài tên nữa đến và chúng tôi lại bù khú với nhau đến nửa đêm.
Có vợ rồi, tính nết hắn cũng ít nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Hắn có vẻ ngoan hơn nhiều, không còn sống kiểu lang bạt kỳ hồ như trước, uống cũng có phần kiềm chế hơn. Tuy nhiên, riêng cái đoạn vô tư, hay quên và chém gió thì vẫn như trước, chẳng thằng nào to mồm bằng hắn được.
Thời gian này, hắn cũng đã quan tâm hơn đến kinh tế gia đình- chắc là do H. chỉ đạo. Phát huy thế mạnh của khu tập thể nhà máy điện là dùng điện không tính tiền, hắn khuân về nhà một cái máy làm đá to tướng và cũ rỉ rồi cắm suốt ngày đêm. Nước thì cứ mở vòi cho chảy vào khuôn. Nước giếng khoan, cặn bám đỏ cả máy trông phát khiép lên được ấy nhưng rồi mỗi ngày cũng cung cấp cho thị trường vài chục cân đá. Tôi bảo: “May cho tao không uống phải cái thứ đá của nhà mày”. Hắn nhăn răng cười: “Cả nước này nó làm thế chứ đâu một mình tao”. Mà thế thật, trong khu tập thể đó chẳng phải mỗi mình nhà hắn làm thế.
Những cuộc tụ tập chỉ giảm đi khi H. mang bầu ngày một to. Hắn cũng bán cái máy làm đá đi vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ. Và rồi một ngày cuối năm 1985, đứa con đầu tiên của hắn ra đời.
Chuyện cưới vợ của hắn đã vô tiền, khoáng hậu. Bây giờ đến chuyện vợ hắn sinh con cũng lại là chuyện nhớ đời.
Chả là bà xã tôi là một bác sĩ sản khoa rất mát tay. Trong những năm công tác ở BV Chí Linh nàng đã đón không biết bao nhiêu đứa trẻ ra đời. Cũng vì vậy nàng rất nổi tiếng. Ra chợ Sao Đỏ thì có đến 2/3 các bà, các chị ở chợ quen biết. Tôi vẫn đùa : “Mình là người Chí Linh nhưng về đây cứ như khách ấy”. Vì thế, khi H. có bầu, vợ chồng hắn đã thống nhát với chúng tôi là vợ tôi sẽ đỡ cho vợ hắn.
Vào một chiều chủ nhật cuối năm, H. bắt đầu đau bụng. Sau khi đưa vợ vào khoa Sản, giao cho cô em cũng là bác sĩ Nhi khoa công tác tại BV Chí Linh ở đó trông hắn đạp xe lên nhà tôi tìm vợ tôi. Thấy nhà khóa cửa, hắn đoán vợ tôi về bà nội nên đạp xe xuống Phố Ngái cách đó chừng 3 km. Đã từng đến nhà ông bà già tôi rồi nên hắn rất tự tin bước vào một ngôi nhà cạnh đường 18 và hỏi: “Bác ơi! Ng. có về đây không?”. Bà chủ nhà cũng trả lời rất tự nhiên: “Em nó có về nhưng lại đang lên chỗ cậu em đang làm nhà”. Chẳng để ý xem người trả lời là bà mẹ tôi hay bà nào khác (hắn vẫn vậy, mà có khi hắn cũng chẳng nhớ mặt mẹ tôi dù đã gặp nhiều lần), hắn hỏi thăm chỗ thằng em đang làm nhà. Thì ra đó là chỗ ngã ba Thương Binh (lối vào Côn Sơn), cách phố Ngái chừng hơn 2 km. Hắn hối hả đạp xe lên đó, tìm đúng ngôi nhà đang xây, tìm đúng Ng. nhưng rồi ngớ ra vì không phải là tôi mà lại là một mụ nạ dòng. Té ra hắn đã vào nhầm nhà (về tính hay quên của hắn tôi vẫn đùa: “mày cầm tinh con ngựa mà sao lại như con hổ thế, cứ quệt vào lá là quên hết mọi chuyện”). Thật không may cho hắn bên đó có đứa con gái trùng tên tôi, nó đã lấy chồng ở TP Hải Dương, hôm ấy cũng về thăm nhà. Thế cho nên khi hắn hỏi thì bà cụ thấy đúng tên cứ thế trả lời, còn hắn mặc dù đã đến nhà tôi nhiều lần song vẫn không nhớ nổi mặt mẹ tôi.
Thế là hắn lại tong tả đạp xe về phố Ngái. Đến lúc này thì hắn mới định vị được và vào đúng nhà tôi. Lúc đó, bà xã tôi vừa ra khỏi nhà được ít phút- nàng đi lấy củi về và cũng chỉ ghé vào nhà uống nước rồi đi luôn. Nhắc đến chuyện này lại nao nao buồn. Những năm tôi triền miên xa nhà, vợ tôi vất vả lắm. Ngoài việc chuyên môn và nuôi dạy con cái, nàng còn phải làm thêm biết bao nhiêu việc nữa để đảm bảo đời sống cho gia đình như trồng rau, nuôi lợn v.v... Để tiết kiệm, những ngày chủ nhật nàng lại đạp xe vào tận trong rừng để kiếm củi. Thân gái dặm trường, sức lại yếu, vất vả vô cùng. Có thể nói gia cảnh nhà tôi và hai đứa con tôi và được như hôm nay có công lao vô cùng to lớn của nàng.
Trở lại câu chuyện kia. Nghe mẹ tôi nói vậy hắn gò lưng đạp theo ngay. Đến đoạn Cầu Ma thì hắn bắt kịp vợ tôi cũng đang gò lưng thồ củi. Hắn bảo vợ tôi chuyển bó củi sang cho hắn đem về, còn vợ tôi thì đến thẳng bệnh viện. Cũng may mà chưa muộn. Cứ nhớ lại chuyện này tôi lại bật cười. Chẳng khác câu chuyện ngụ ngôn đau đẻ chờ sáng trăng là mấy.
Ngay đêm đó vợ hắn sinh hạ cho hắn một thằng con trai. Trông thằng cháu đích tôn mặt mũi khôi ngô, tay chân rõ dài… bố mẹ hắn phấn khởi lắm. Tuy nhiên, có một điều làm mọi người hơi lấn cấn là không hiểu vì sao mà ở cánh tay thằng bé lại có một “miếng thịt chó” (miếng bớt đen) đầy lông.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét