Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ

Đỗ Đình Tuân
                                                     
Bài 5
        Cuộc sống và văn chương…
 

Để nuôi dưỡng con người xương thịt thì người ta  phải ĂN. Cũng nhiều chữ chỉ về cái “sự ăn” lắm: ăn, xơi, nhắm, đánh chén, nhậu, sực, đớp, kỉn, tọng…nhưng đều chỉ cái việc đưa thức ăn vào miệng mà nhai. Nhai là động tác của hai hàm răng kết hợp với lưỡi vừa dầm dừ thức ăn vừa trộn thêm nước dãi vào. Khi nhai thì mũi sẽ được ngửi các mùi thơm của thức ăn, lưỡi sẽ được nếm các vị ngon béo, ngọt bùi…của thức ăn. Cho nên gặp các món ăn khoái khẩu là người ăn cứ muốn nhai mãi, không cả buồn nhuốt. Nhưng nếu gặp thức ăn không ngon thì cố mà “tọng vào họng súng”, thậm chỉ phải ỏe ọe mà nhổ nó ra. Nhai xong thì mới nhuốt: lưỡi sẽ đưa thức ăn vào đầu thực quản, các cơ vòng của thực quản sẽ co bóp, giống như ta dùng bàn tay mà giồi lòng lợn, lòng chó…để đưa thức ăn vào dạ dày. Từ dạ dày trở đi hệ tiêu hóa sẽ tự động làm việc. Người ta chả cần để ý đến nó nữa. Dạ dày làm việc với thức ăn như thế nào, ta đâu có biết. Ruột non làm việc với thức ăn thế nào, ta nào có hay. Khi xuống đến ruột già thì thức ăn đã biến thành bã. Cái bã này chẳng thơm tho gì đâu, lại còn nhiều chất độc nữa. Cho nên nó sẽ phải tống ra ngoài. Nhưng chỉ khi nào “có lệnh”  thì ta mới biết. Khi ấy, nếu ở chỗ lạ là ta lại phải nhớn nhác đi tìm nhà vệ sinh.
Đấy là một quá trình ĂN bình thường. Nhưng nếu thức ăn có vấn đề hoặc bản thân hệ tiêu hóa mắc một chứng bệnh nào đó, không chịu tiếp nhận thức ăn thì nó sẽ phản ứng sớm hơn. Dạ dày hoặc ruột non, ruột thừa…sẽ sinh ra nhưng cơn co bóp bất thường tạo thành những cơn đau quằn, đay quại. Nạn nhân sẽ kêu trời kêu đất. Những người xung quanh lại phải xúm vào, xoa dầu, cho uống thuốc…thậm chí phải cuống quýt khênh đi bệnh viện. Ở xóm tôi, có một ông già năm nay đã vào tuổi chín mươi. Năm ngoái, ngài chỉ ăn có mấy miếng nem tai, thế mà sinh đau bụng. Ngài kêu giời kêu đất. Vợ con thì cứ nghĩ là ngài đã “đòi đi”, mới điện cho anh em về cả: miền Nam ra, Quảng Ninh về, Hà Nội xuống… Tíu tít đưa ngài đi bệnh viện. Bác sĩ bảo ngài bị tắc ruột, chuẩn bị mổ cấp cứu. Nhưng mổ cấp cứu với một ông già chín mươi quả là rất ngại, nên các bác sĩ cũng chần chừ đắn đo, mới quyết định thử thông ruột cho ngài đã. Thật may là cái “nút đó nem tai” ra được. Ngài khỏi liền. Nghỉ vài hôm, tôi lại thấy ngài chống gậy sang hàng xóm đánh cờ, ra CLB tổ tôm. Nhưng từ đó ngài sợ món nem tai, sợ những món dai dai và nhốn nháo. Tưởng như thế là yên thân. Ai ngờ vừa rồi lại bị lại. Lại tắc ruột. Nguyên nhân cũng chỉ vì ăn rau muống luộc. Bởi ngài nghe theo lời khuyên của đài báo: tuổi già ăn nhiều rau thì tốt. Chúng tôi mua quà đến thăm ngài. Ngài đã ngồi dạy được. Nhưng có vẻ còn mệt, thấy vừa nói vừa thở, kể lại chuyện đi viện vừa rồi. Cái bụng ngài phưỡn ra, to như cái thúng úp. Tôi chợt hiểu: chính cái khối mỡ tích trong cái bụng kia đã cản trở nhu động ruột, làm quá trình vận hành thức ăn trong ruột khó khăn. Ngài dễ tắc ruột là phải. Tôi vừa nghĩ thế thì nghe đứa con gái của ngài than phiền: “Mấy ngày nay bố cháu toàn phải uống sữa với ăn cháo thôi. Lúc nửa buổi, cháu mới thử cho ăn miếng khoai luộc, thế mà cũng đầy bụng. Kiểu này thì đến ăn cơm không khéo rồi cũng tắc!”…Cái sự tiêu hóa là quan trọng lắm chứ đâu có chơi. Anh tiêu hóa mà tắc thì thức ăn đưa vào bụng cũng bằng thừa. Thậm chí còn nguy hiểm. Mồm ăn mà tế bào vẫn đói. Thậm chí càng đói. Người sẽ tọp đi ngay, sẽ yếu đi ngay…
Để nuôi lớn con người tinh thần, con người văn hóa thì người ta phải tiếp nhận thông tin. Có thông tin do con người trực tiếp thu nhận từ cuộc sống. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, con người đã mở mắt nhìn đời, dỏng tai nghe đời, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngọt của sữa mẹ, thân xác nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ. Về nguyên tắc, tất cả những thu nhận này đều sẽ được lưu giữ trong bộ tóc tuy non nớt nhưng lại đầy đủ nhất về số lượng nơ ron. Đứa trẻ này sẽ tiến bộ khá nhanh. Chỉ vài tháng đã “ừ ờu” hóng chuyện với người lớn. Lại còn toe toét cười nữa chứ. Có khi thích chí còn cười thét cả lên làm đám người lớn đều ngạc nhiên và vui lây. Rồi chẳng mấy mà nó sẽ lẫm chẫm tập đi, sẽ bi bô tập nói…Càng lớn, phạm vi sống của nó càng được mở rộng, những thu nhận của nó sẽ càng phong phú thêm.Có thể nói, chính cuộc sống là những món ăn  đầu tiên để hình thành nên con người tinh thần. Nó tạo thành vốn sống trực tiếp. Mà vốn sống trực tiếp thì con người thu nhận thường xuyên và liên tục trong suốt cuộc đời. Cả khi bé lẫn khi lớn, cả khi trẻ lần khi già, cả khi thức lẫn khi ngủ…Rất có thể là những thu nhận qua mắt và qua tai, khi con người đã có ngôn ngữ thì tạo thành phần ý thức. Còn những thu nhận từ những ngày còn nằm trong bào thai, thời chưa biết nói, chưa có ý thức và cả những khi mà mắt không mở, tai không nghe, như khi ngủ chẳng hạn, sẽ tạo thành cái phần vô thức chăng? Ấy là tôi cũng đoán già, đoán non như thế chứ đây là phần việc của các nhà tâm lý, cận tâm lý, các nhà ngoại cảm… 
Trong con người tinh thần thì vốn sống  có vai trò gần giống như hệ tiêu hóa vậy. Phải có nó con người mới có thể tiếp nhận được những thông tin gián tiếp bồi dưỡng cho con người tinh thần khôn lớn và phổng phao lên. Các môn nghệ thuật chính là các món ăn bổ dưỡng cho con người tinh thần, con người văn hóa. Đến nay thì loài người đã sáng tạo được tám bộ môn nghệ thuật. Trong đó có bốn bộ môn là nghệ thuật thời gian gồm văn chương, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh; bốn bộ môn là nghệ thuật không gian gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc và nhiếp ảnh. Các bộ môn nghệ thuật luôn được xem là món ăn sang, món ăn ngon của con người tinh thần. Vì thế, mỗi khi đọc văn, nghe nhạc, xem phim, xem kịch…người ta thường dùng từ “thưởng thức nghệ thuật”. Mỗi bộ môn nghệ thuật có một ngôn ngữ bộ môn riêng, nhưng chức năng chung của nghệ thuật thì gần giống nhau. Bởi chúng đều nhằm tái hiện cuộc sống; khắc họa chân dung, tính cách và biểu hiện tâm hồn, thân phận của con người trong những hoàn cảnh không gian và thời gian cụ thể khác nhau. Thưởng thức nghệ thuật thường đem lại cho con người những hứng thú kỳ diệu bởi nó thường dẫn trí tưởng tượng, ngẫm nghĩ của con người đến những xứ sở, những lĩnh vực và ý tưởng mới lạ. Nó khám phá và sáng tạo ra những vẻ đẹp mà người ta chưa từng thấy. Những cái chân, cái thiện, cái mỹ của tác phẩm nghệ thuật sẽ bồi tâm và sáng trí cho con người tinh thần của chúng ta.
Nhưng quá trình tiếp nhận giá trị của các tác phẩm nghệ thuật thực chất đã diễn ra trong tâm thức của con người như thế nào? Ở các bộ môn nghệ thuật không gian thì sự tiếp nhận ấy gần giống với sự tiếp nhận trực tiếp. Đường nét, màu sắc, bố cục của bức họa, bức ảnh; hình khối, quy mô, bố cục của bức tượng hay công trình kiến trúc đều là những tín hiệu hình ảnh và chúng ta buộc phải tiếp nhận nó qua cơ quan thị giác. Khi thưởng ngoạn các tác phẩm loại này trong tâm thức chúng ta không cần phải phục dựng lại hình ảnh trong trí não nữa. Người xem cứ việc ngắm nghía, trầm trồ, suy ngẫm về những ý nghĩa sâu xa, về vẻ đẹp kỳ lạ hay về quy mô hoành tráng…của nó mà thôi. Với các bộ môn nghệ thuật thời gian như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh thì cũng tương tự. Duy chỉ có nghệ thuật văn chương là công đoạn thưởng thức có nhiêu khê hơn một chút. Ngôn ngữ tác phẩm mới ở dạng tín hiệu mã hóa, mắt chưa nhìn thấy, tai chẳng nghe ra…bởi nó chỉ mới là những “chữ”. Nó chỉ đi qua ngõ đôi mắt –nếu đọc; hoặc qua ngõ của đôi tai-nếu nghe đọc, để vào tâm não. Tâm não con người phải phục dựng lên hình ảnh, âm thanh, hình khối, quy mô…mà các “chữ” chứa đựng. Khi làm công việc phục dựng này con người tinh thần phải sử dụng đến những hình ảnh, âm thanh, cảm giác, kinh nghiệm…chứa trong kho vốn sống để viết lại tác phẩm trong tâm não của mình. Đó là một quá trình đồng sáng tạo đầy hứng thú. Rất nhiều những nhà văn nổi tiếng, trở thành nhà văn hóa, nhà bác học chỉ bằng con đường tự đọc sách như Mác-xim-gooc ki, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài…
Thực ra thì nghệ thuật văn chương mới là bộ môn nghệ thuật gần gũi với mọi người hơn cả. Bởi vì văn chương dùng ngay ngôn ngữ lời nói của con người làm ngôn ngữ sáng tạo. Tuy nó có chọn lọc, chau chuốt và biến hóa đi đôi chút nhưng về cơ bản nó vẫn rất gần với ngôn ngữ của cuộc sống thường ngày. Cho nên chỉ cần biết đọc, biết viết là người ta có thể tự đọc được tác phẩm văn chương. Riêng với các tác phẩm thuộc văn chương truyền miệng như truyện dân gian, ca dao tục ngữ, truyện nôm khuyết danh viết theo thể lục bát… thì ngay cả đến những người không biết chữ cũng có thể nhập tâm, đọc truyền khẩu cho nhau nghe, vừa đọc vừa bình, vừa quay tơ kéo sợi hay đắp đập be bờ…vui vẻ và thú vị lắm. Nghệ thuật văn chương cũng là thứ nghệ thuật vô cùng phong phú và đa dạng, nguồn thức ăn không bao giờ cạn cho con người tinh thần, con người văn hóa của chúng ta. Nhưng bản thân tác phẩm văn chương không tự chui vào đầu ta được. Chúng ta phải chịu đọc, chịu suy nghĩ, phải ham thích, phải có thói quen, có phương pháp và kinh nghiệm đọc sách thì mới có thể tự làm phong phú cho con người tinh thần của mình lên được. Nếu không thì con người tinh thần sẽ dễ bị còm cõi, dễ bị suy dinh dưỡng lắm.
 
6/8/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét