NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ
Đỗ Đình Tuân Bài 8
Bản chất của sáng tạo
Ngày xưa, có một trường phái triết học đã cho rằng sáng tạo là quyền năng riêng của Thượng đế. Cho nên họ lý giải những sáng tạo của con người, nhất là sáng tạo thi ca nghệ thuật chỉ là do sự mách bảo của thần linh. “Ai không có được cái điên cuồng do các Thi Thần mang lại mà bước tới ngưỡng cửa của nghệ thuật với niềm tin rằng chỉ cần một mình tài nghệ là đủ trở thành nhà thơ, thì người ấy còn lâu mới đạt được sự hoàn thiện: sáng tạo nghệ thuật của kẻ tỉnh táo sẽ bị nghệ thuật của những kẻ điên cuồng dìm chết”(Platon). Tôi thì tôi không tin thế. Tôi tin rằng sáng tạo là quyền năng riêng của con ngườì. Trên mọi lĩnh vực, ở đâu ta cũng có thể nhận ra sự sáng tạo của con người. Ngay trong lĩnh vực lao động sản xuất chẳng hạn, con người cũng luôn luôn sáng tạo. Đầu tiên đã làm gì có nhà, họ phải ở trong hang. Nhưng rồi do nhu cầu “kiếm ăn” hoặc “chia đàn”, con người không thể cứ ở mãi trong hang được mà phải ra ở ngoài trời. Khi ấy con người mới “mô phỏng cái hang” để làm ra cái lều-dạng thức sơ khai của cái nhà. Nhưng dù có sơ khai đi nữa thì đấy vẫn là một phát minh, một sáng tạo. Trong lĩnh vực ăn uống cũng vậy, ban đầu đã làm gì có bát, có đũa . Toàn bốc bải dần sàng cả với nhau. Tay bốc, tay bưng nhồm nhoàm lắm. Mãi sau con người mới “mô phỏng ngón tay” để làm ra đôi đũa, “mô phỏng bàn tay” để làm ra cái bát. Cũng tương tự “mô phỏng đám cháy” để làm ra ngọn lửa, “mô phỏng bãi cỏ” để làm ra cái giường…vân vân và vân vân…
Như vậy thì bản chất của sáng tạo chỉ là sự mô phỏng. Nhưng mô phỏng không phải là bắt chước. Bắt chước chỉ là sự tức thời làm theo một cách máy móc. Còn mô phỏng lại là một sự hiểu biết bản chất rồi. Đã bắt đầu có sự bóc tách những thuộc tính cần thiết của đối tượng mô phỏng ra rồi, và chỉ tái tạo lại những thuộc tính cần thiết vào trong sự mô phỏng. Khi mô phỏng cái hang để làm ra cái lều thì con người đã bóc tách cái thuộc tính “độ vòm” và thuộc tính “che khuất” của cái hang rồi tái tạo nó vào trong cái lều để che nắng, che mưa. Còn nếu là bắt chước cái hang thì con người phải khênh nó ra chỗ mới. Điều này là không thể. Tương tự khi mô phỏng bãi cỏ để làm ra cái giường thì con người đã bóc tách cái thuộc tính “độ phẳng” của bãi cỏ và tái tạo nó vào trong cái bề mặt của giường. Con người không thể khênh bãi cỏ để kê vào trong nhà được. Phân tích ra thì quá trình mô phỏng, quá trình sáng tạo chung nhất phải có ba công đoạn:
-Nắm được bản chất của của đối tượng định mô phỏng
-Bóc tách được những thuộc tính cần thiết của đối tượng định mô phỏng.
-Tái tạo những thuộc tính cần thiết ấy vào trong sự mô phỏng.
Nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật, trong bản chất của nó cũng là sự mô phỏng. Những thí nghiệm khoa học chẳng là sự mô phỏng các quá trình tự nhiên là gì? Con người đã dùng những thí nghiệm khoa học để kiểm chứng các giả thiết khoa học. Nếu giả thiết khoa học được chứng minh thì chân lý khoa học được khám phá. Bằng không thì ngược lại. Trong sáng tạo nghệ thuật thì sự mô phỏng lại càng rõ. Nghệ thuật nào cũng là “mô phỏng” cả. Chúng chỉ khác nhau ở “chất liệu” dùng để mô phỏng thôi. Sáng tác văn chương thì dùng “chữ” để “mô phỏng” lại cuộc sống xã hội của con người. Nhưng diễn kịch, làm phim thì lại dùng “diễn viên”. Giữa kịch và phim chỉ khác nhau ở chỗ: kịch thì diễn trực tiếp và xem trực tiếp; còn phim thì diễn gián tiếp và xem gián tiếp. Bây giờ lại mới sinh ra môn “sân khấu truyền hình” thì bản chất nó vẫn là sân khấu, là kịch nhưng nó cộng thêm với cái “truyền thông” vào nên vẫn có thể xem gián tiếp được . Xem băng, nghe nhạc thì cũng tương tự.
Hiểu như thế ta sẽ rõ hơn về quá trình sáng tác văn chương chính là dùng “chữ” để “mô phỏng” “thân phận con người trong đời sống xã hội”. Trong quá trình đó nhà văn đóng vai trò “đạo điễn” còn các “chữ” sẽ đóng vai trò “diễn viên”. Người đạo diễn giỏi phải là người biết chọn “kịch bản” hay và nắm trong tay một “đội ngũ diễn viên” có tài. Tương tự nhà văn giỏi, nhà văn tài ba phải là ngườ biết chọn lựa đề tài , lại giầu có vốn “chữ”. Không phải là những “chữ” sáo mòn, sơ cứng mà phải là những chữ được thổi vào đó một luồng sinh khí mới cho thật trẻ trung, những chữ biết quẫy đạp, biết tung phá. Chỉ có những “chữ” như thế nó mới giúp nhà văn “mô phỏng” giống và sống được.
Nhưng đây cũng chỉ là cái quá trình chung nhất, gỡ cho ta cái đường hướng lớn thôi. Đi vào cụ thể từng thể loại còn có những đòi hỏi riêng của nó nữa. Chẳng hạn như truyện, kí thì thiên về tự sự, thiên về ngoại giới nên đối tượng “mô phỏng” của nó chủ yếu là đời sống xã hội. Còn thơ, lại thiên về trữ tình, thiên về thế giới nội tâm nên đối tượng “mô phỏng” của nó lại chính là “con tim” tác giả. Đọc thơ mà không thấy “con tim” tác giả rung động thế nào thì chẳng còn gì là thơ nũa. Không phải cứ gào lên “tuyệt vời” thì cảnh sẽ đẹp, nhạc sẽ hay…Cũng không phải cứ la lên là yêu lắm ,yêu vừa thì tình yêu sẽ nồng nàn đằm thắm. Nhiều khi chính nó lại là dấu hiệu của sự trống rỗng, sự vô cảm vốn là những thứ “phản thơ” số một. Thử đọc lại đoạn kết của Nỗi lo đời thường:
Nhưng đây cũng chỉ là cái quá trình chung nhất, gỡ cho ta cái đường hướng lớn thôi. Đi vào cụ thể từng thể loại còn có những đòi hỏi riêng của nó nữa. Chẳng hạn như truyện, kí thì thiên về tự sự, thiên về ngoại giới nên đối tượng “mô phỏng” của nó chủ yếu là đời sống xã hội. Còn thơ, lại thiên về trữ tình, thiên về thế giới nội tâm nên đối tượng “mô phỏng” của nó lại chính là “con tim” tác giả. Đọc thơ mà không thấy “con tim” tác giả rung động thế nào thì chẳng còn gì là thơ nũa. Không phải cứ gào lên “tuyệt vời” thì cảnh sẽ đẹp, nhạc sẽ hay…Cũng không phải cứ la lên là yêu lắm ,yêu vừa thì tình yêu sẽ nồng nàn đằm thắm. Nhiều khi chính nó lại là dấu hiệu của sự trống rỗng, sự vô cảm vốn là những thứ “phản thơ” số một. Thử đọc lại đoạn kết của Nỗi lo đời thường:
Bời bời gan ruột rối lên
Cổng nhà mình đã đến bên lúc nào
Hai con bỏ nghịch reo chào
Mình đang vun tưới ngoắt vào ngừng tay
Rì rào khóm trúc lung lay
Gà con lích tích, quất đầy quả tươi
Hai con nét mặt rạng ngời
Con ơi mẹ muốn suốt đời được lo…
Chắng có chữ nào là “yêu con, quý con” cả, nhưng tấm lòng người mẹ thì lại hiện ra mồn một: sau một ngày chợ búa vất vả, những nỗi lo đang bời bời rối cả ruột gan. Vậy mà chỉ cần thấy “Hai con bỏ nghịch reo chào” thì mọi nỗi lo lắng như bay biến đâu cả. Người mẹ ấy dường như muốn ôm chầm lấy các con và thầm nghĩ “ Mẹ khổ thế nào cũng được, miễn là các con cứ được vui vẻ thế này”…Cả cái bức tranh cuộc sống trong đoạn thơ đã diễn tả tâm tư, tình cảm của người mẹ. Những tâm tư, tình cảm ấy dường như là nằm ngoài câu chữ, nhưng nó có thật và nó truyền trực tiếp sang lòng người đọc. Cũng tương tự ta thử đọc lại một đoạn thơ của Nguyễn văn Thế:
Nước lụt ngang trời ba tháng
Nhà cửa, ruộng vườn ngâm trong nước trắng
Mẹ tôi gầy thầm khóc hàng đêm
Mẹ thương mấy đứa em không đủ cái ăn
Mẹ thương con trai mình vừa ra mặt trận
Mẹ thương cha suốt nhiều đêm ngồi như pho tượng
Cha càng gầy, hai mắt lõm sâu.
Ta cũng chẳng thấy Nguyễn Văn Thế có một chữ nào bảo là đang thương cha nhớ mẹ cả. Vậy mà qua đoạn thơ ta lại thấy Nguyễn văn Thế dường như đang khóc vì nhớ mẹ, thương cha ?…
11/8/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét