NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ
Bài 3
Hồn người trong thi ca
Tâm hồn con người là một thế giới trừu tượng và đầy huyền bí. Con người nhận ra nó nhưng không thể dùng ngũ giác để cảm nhận được. Không ai nhìn thấy tâm hồn mình hay tâm hồn người khác to nhỏ, vuông tròn, xanh đỏ?. Cũng không ai sờ được tâm hồn mình hay tâm hồn bạn nhẵn nhụi, gồ ghề hay nóng lạnh? Tương tự cũng không ai có thể ngửi, nghe, hoặc nếm được tâm hồn của ai. Khi Tố Hữu viết: “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu / Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”, thì chữ “nghe” ở đây cũng đã được chuyển nghĩa đi rồi. Chẳng ai hiểu chữ “nghe” ấy theo nghĩa đen (sự nhận biết âm thanh bằng tai) mà chỉ hiểu nó theo nghĩa bóng: sự nhận biết bằng tâm thức. Trong truyện tiếu lâm ngày xưa cũng thế, đã từng có một anh chàng biết “ngửi văn” mà lại “ngửi” rất chính xác. Hàng xóm nhà anh ta có một anh “nhà văn”, viết văn thì rất dở nhưng lại hay khoe khoang, khoác lác. Một hôm nhà văn nọ quyết định thử tài “ngửi văn” của anh hàng xóm. Đầu tiên anh ta gói bộ Tam quốc vào một bọc rồi đưa anh nọ ngửi. Anh hít hít mấy cái rồi trả lời “Đây là bộ Tam quốc chí”. Sao anh biết? – “Vì tôi ngửi thấy mùi binh đao”. Anh ta lại gói bộ Hồng lâu mộng rồi đưa cho anh nọ ngửi. Anh cũng đưa lên mũi hít hít vài cái rồi trả lời “Đây là bộ sách Hồng lâu mộng”. Nhưng sao anh biết?- “Vì tôi ngửi thấy mùi son phấn”. Cuối cùng anh nhà văn gói bộ sách của mình vừa viết xong đưa cho anh nọ ngửi. Anh ta cũng hít hít vài cái rồi trả lời ngay tắp lự: “Đây là sách của anh, đúng không?”. Nhưng vì sao anh biết?-“Vì tôi ngửi thấy mùi thum thủm”!!! Tất cả những chữ “ngửi” rồi “mùi binh đao”, “mùi son phấn”, “mùi thum thủm” đều chẳng có một chữ nào mang nghĩa thật cả. Nó đều là những ẩn dụ của những ý tứ sâu kín trong cõi hồn người mà biến hóa thành. Nói tâm hồn con người gồm “thất tình” hay “cửu tình” thì cũng chỉ là phân loại một cách rất chung chung thôi chứ đi vào từng “chữ” còn có thể chẻ nhỏ ra thành rất nhiều “tiểu chữ”, và càng thành rất nhiều những biểu hiện cụ thể. Chẳng hạn như chữ “Ái” có thể chia thành “Luyến Ái”: tình yêu lứa đôi giữa một trai với một gái; “Nhân Ái”:tình yêu của một người với mọi người trong đồng bào, đồng loại; “Ái Quốc”: tình yêu của mỗi người với non sông đất nước mình…Ngay trong “Luyến Ái” thôi, cũng không biết bao nhiêu là trạng thái cụ thể. “Thân em như tấm lụa đào / Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”: mới chỉ là một trạng thái bâng khuâng chờ đợi của người con gái muốn được yêu. “Sáng đi bóng hãy còn dài / Trưa về bóng đã nghe ai bóng tròn” thì đã thấy trong đó sự ngỡ ngàng trách cứ với sự thay lòng đổi dạ rồi. “Thương anh em cũng muốn theo / Em sợ anh nghèo anh bán anh đi / Lấy anh em biết ăn gì / Lộc sắn thì chát lộc si thì già / lấy anh không cửa không nhà / Không cha không mẹ biết là cậy ai” là một nỗi băn khoăn giằng xé giữa “thương” và “sợ” đến tội nghiệp và đáng thương. Nhưng ở “Ba đồng một mớ trầu cay / Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không / Bây giờ em đã có chồng / Như chim vào lồng như cá cắn câu / Cá cắn câu biết đâu mà gỡ / Chim vào lồng biết thưở nào ra” thì sự “lỡ nhịp” đã để lại một nỗi xót xa tiếc nuối đến quặn lòng…Trong tình yêu nước “tình yêu” lại thường gắn với “nỗi lo”: “Lòng vì thiên hạ những lo âu / Thay việc trời dám trễ đâu / Trống năm canh còn đọc sách / Chiêng xế bóng chửa thôi chầu” (Lê Thánh Tông). Trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, tại núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ chí Minh cũng đã nhiều đêm thao thức vì lo việc nước như thế: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa / Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa / Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ / Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Xem thế thì chữ “Ái” với chữ “Ưu” cũng gần nhau lắm.
Thơ ca thường biểu hiên tâm tư tình cảm con người bằng nhiều cách khác nhau. Khi thì gọi tên trực tiếp: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ / Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?”. Nhưng cái tài, cái khéo của câu thơ này là ở chỗ tác giả dân gian chỉ nhấn nhá, điệp đảo có mấy chữ thôi mà vẫn làm hiện ra một nỗi nhớ dây dưa, đay dứt đến không thể thoát ra được. Đúng là nỗi nhớ của những người đang yêu. Cũng có khi thì lại vừa gọi tên vừa miêu tả “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa như ngồi đống than” Nỗi nhớ ở đây vừa được gọi tên: “nhớ” lại vừa được miêu tả: “bổi hổi bồi hồi”, “đứng đống lửa”, “ngồi đống than”. Chính nhờ sự miêu tả mà người đọc cảm nhận được cái trạng thái cụ thể của nỗi nhớ ở đây thật bồn chồn và bức xúc. Nhưng đa phần trong thơ ca các tác giả chỉ sử dụng những ngôn ngữ hình ảnh để gợi ra cho người đọc tự cảm nhận. “ Từ nay góc bể chân trời / Nắng mưa thui thủi quê người một thân” đủ gợi ra lòng thương con đến đứt ruột của Vương Ông. “Nàng thì bằn bặt giấc tiên / Mụ thì cầm cập mắt nhìn hồn bay” đủ gợi ra nỗi sợ hãi của Tú Bà khi Thúy Kiều tự sát. “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời / Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm” gợi ra nỗi nhớ của Thúy Kiều đối với Từ Hải…Đến rất nhiều những trạng thái phức hợp khác của tình cảm, cảm xúc của con người cũng đều đã được nghệ thuật thi ca biểu hiện một cách vô cùng phong phú và đẹp đẽ:
-Lá phong đỏ như mối tình nhuộm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
Tế Hanh
-Tâm hồn tôi khi tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi muôn sông diễm lệ
Con ngọc trai đêm hè đáy bể
Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu.
Chế Lan Viên
-Đành hanh cái nắng chớm thu
Nửa như nhớ hạ nửa như giận mình
Gặp thu cũng muốn ngoại tình
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông
Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông
Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa
Chớm thu nắng đổ về già
Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì…
Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì…
Trần Nhương
Ta có thể đọc thơ bắng mắt, nghe thơ bằng tai, cũng có thể kết hợp cả nghe với nhìn, nhưng thực chất vẫn là cảm nhận thơ bằng tâm thức. Bởi lẽ ngôn ngữ chỉ là một loại tín hiệu, tai mắt chỉ là bộ phận nhận tín hiệu. Còn giải mã và làm hiển thị, hiển thính các tín hiệu ấy thành hình ảnh, âm thanh…lại là do tâm não. Người làm thơ thì khai thác hồn người mà chế tác ra các thi phẩm. Còn người đọc thơ thì lại từ các thi phẩm mà chế tác ra hồn người. Đọc thơ là một quá trình hồi sinh và nảy nở của tâm hồn con người. Nói người đọc thơ cũng là người đồng sáng tạo là vì thế. Nghệ thuật thơ ca tuy không trừu tượng như âm nhạc, không khó hiểu như hội họa nhưng cũng không hề đơn giản. Những người có đời sống tinh thần phong phú thì mới dễ nhận ra và cảm thụ được những phần tinh diệu của thơ và ngược lại. Nói đọc thơ là tự đọc mình và làm thơ là tự vẽ mình là nói ở cái khía cạnh này. Bởi lẽ “ người làm sao của chiêm bao làm vậy”. Không ai dấu được bộ mặt con người tinh thần của mình qua các thi phẩm cả. Người cầm bút cứ luôn phải thận trọng, công phu và tự khắt khe với mình là vì thế. Nhưng nếu vì lẽ đó mà lại buông bút thoái lui thì lại hoàn toàn không nên.
31/7/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét