Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ ĐỖ VĂN NGHỊ

Là người lính Trường Sơn năm xưa, anh Đỗ Văn Nghị đã có những bài thơ viết về người lính với một cảm xúc tinh tế làm xúc động lòng người. Qua thơ anh, hình ảnh những chàng lính tuổi mười tám đôi mươi của bốn mươi năm về trước được phác họa thật sống động:
“Đất nước chiến tranh
Chúng tôi học hành dang dở
Chưa là thầy
Không là thợ
Nhập ngũ ngày 13 tháng 5”.
                   (Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ)
Buổi tiễn đưa các anh lên đường, quê hương vừa nâng bước các anh như nước nâng thuyền, lại vừa muốn níu giữ những người con thương yêu:
Sông Kinh Thầy mùa ấy nước xanh trong
Bến Vạn, xã Tân Dân tiễn chúng tôi vào lính
Những chuyến đò chở nặng
Cứ nghiêng về một bên
Phía bờ có những người thân
Những bàn tay vẫy mãi”…
                    (Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ)
Đây là một hình ảnh đầy chất thơ thể hiện sự quan sát tinh tế và xúc cảm sâu sắc của tác giả. Những chàng trai trẻ tạm biệt quê hương bắt đầu cuộc đời người lính trên thao trường ngày đêm luyện tập “Như những đại bàng non tập bay trên đất/ Chờ ngày thẳng cánh cao xanh…” với bao vất vả gian nan, “Tất cả hướng tới ngày ra trận”.
Những người lính trẻ vào chiến trường mang theo nỗi nhớ quê hương và gia đình da diết:
“Sông Kinh Thầy lại vào mùa nước
Lũ dọa vỡ đê Nam Sách                                  
Tiếng trống hộ đê dồn dập đêm ngày
Theo chúng tôi vào tận Trường Sơn
Người ở nhà, người ra đi nào ai biết khổ hơn
Nước lụt ngang trời ba tháng
Nhà cửa, ruộng, vườn ngâm trong nước trắng
Mẹ tôi gầy, thầm khóc hàng đêm
Mẹ thương mấy đứa em không đủ cái ăn
Mẹ thương con trai mình vừa ra mặt trận
Mẹ thương cha suốt nhiều đêm ngồi như pho tượng
Cha càng gầy, hai mắt lõm sâu”
            (Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ)
          Chiến trường khốc liệt đã vụt biến những chàng trai trẻ thành những người lính chiến thực thụ:
“Lúc ấy chúng tôi đang ở đâu ?...
Chiến trường rất rộng
Chiến trường nhiều bom đạn
Chúng tôi còn rất ngu ngơ
Bỏ lại sau lưng những năm tháng tuổi thơ
Chúng tôi buộc mình phải lớn”.
(Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ)
           Người lính Đỗ Văn Nghị đã gắn bó với Trường Sơn, với đường dây 559 để rồi sau bốn mươi năm vẫn không quên được:
“Trường Sơn nhớ lại hôm nay
Mà lòng vẫn thấy mê say lạ lùng
Trường Sơn vượt dốc băng sông
Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa
Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình*

Mở đường chiến sĩ công binh
Xuyên rừng, vượt núi, băng mình qua sông
Con đường huyền thoại tây-đông
Đi vào lịch sử giữa lòng nhân dân”
(Nhớ lại Trường Sơn)
Những năm đánh Mỹ, đường Trường Sơn là đường ra trận, là đường tiếp vận của hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Bài thơ “Nhớ lại Trường Sơn” cho người đọc sống lại những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả dân tộc:
Quân đi nghiêng núi, cạn sông
Bom nào ngăn được tấm lòng hậu phương
          (Nhớ lại Trường Sơn)
Những năm tháng khốc liệt đó, bao nhiêu chàng trai cô gái thanh xuân đã vĩnh viễn gửi máu xương ở Trường Sơn để rồi một nghĩa trang Trường Sơn như một vết thương mãi không mờ sẹo trên hình hài đất nước. Và còn bao đồng đội của tác giả vẫn lạnh lẽo ở một cung đường, một cổng trời, một ngầm, một hang đá nào đó… Trong nỗi nhớ Trường Sơn, tác giả thầm mong được thăm lại chiến trường xưa với những sông suối, dốc đèo mang những cái tên không mờ phai trong ký ức:
Nay về ta vẫn không quên
Cùng nhau nhớ lại nơi miền núi xa
Một thời nơi ấy là nhà
Một thời nơi ấy cùng ta đánh thù
(Nhớ lại Trường Sơn)
           Và hơn hết là:
“Vào thăm đồng đội yêu thương
Đơn côi nằm lại tuyến đường năm xưa
Âm thầm dầu dãi nắng mưa
Chiến tranh kết thúc vẫn chưa biết gì
Mịt mùng giữa chốn sơn khê
Biết bao giờ mới được về quê hương
Ngày đêm vẫn bám giữ đường
Ngậm ngùi gối đất, nằm sương lạnh lùng”
          (Thầm mong thăm lại Trường Sơn)
          Chiến tranh qua đi, người lính Đỗ Văn Nghị trở về với đời thường. Và trong những cuộc họp mặt đồng đội hàng năm, các anh lại nhớ về ngày đầu nhập ngũ:
“Tất cả chúng tôi đều là lứa đồng ngũ tháng Năm
Cùng chung một ngày để nhớ
Nhớ những ngày đầu tập làm chiến sĩ”
(Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ)
          Kỷ niệm những ngày trong quân ngũ, kỷ niệm Trường Sơn vẫn là miền ký ức đẹp trong tâm hồn những người lính năm xưa. Kỷ niệm ấy vẫn là điểm tựa giúp các anh vượt qua những gian khó trong cuộc sống hôm nay. Với những cựu chiến binh Xóm Tri Ân, miền ký ức ấy còn là nguồn cảm hứng sáng tạo phong phú cho Blog Triancuocdơi. Hy vọng dân cư Xóm Tri Ân sẽ được đọc nhiều tác phẩm  mới.

* Tố Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét