Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

LÃO KHOÈO- 2

Nhưng rồi cái gì đến sẽ đến. Rồi đến một ngày hắn cũng tìm được người sau này trở thành vợ của mình (một thày giáo của bọn tôi- thày Phạm Mạnh Hùng, người Hà Nội dạy Toán thì bảo đó là “chồng” của hắn chứ không phải vợ). Đó là H., quê Thanh Hóa- một cử nhân Vật lý hạt nhân, được phân về nhà máy với chức trách ứng dụng công nghệ la de để kiểm tra độ vững chắc bên trong các cụm máy, các đường ống, nồi hơi v.v... Trong vụ này thì cũng chẳng biết ai là người chủ động nữa.
Năm đó tôi đã có một nếp nhà riêng ở Sao Đỏ. Mặc dù ở trên một sườn đồi hẻo lánh song đó cũng là nơi bạn bè tôi hay tụ tập, nhất là những ngày tôi về tranh thủ. Để bảo đảm cho các cuộc tụ tập đó cũng không mấy phức tạp. Rượu thì đã có vợ chồng Thiện- Cam bên hàng xóm cất, chỉ ới một tiếng là có ngay một can. Còn mồi thường chỉ là lạc rang, mà lạc ở Chí Linh thì không hiếm. Trong các cuộc tụ tập đó, hắn vẫn là thằng uống nhiều nhất, hút nhiều nhất và ăn to nói lớn nhất.
Ấy thế mà có một lần hắn ngồi ngoan như một con chó cún, uống thì rón rén, nói thì thủ thỉ, không bô lô ba la như từ xưa vẫn vậy. Đó là hôm hắn đưa H. đến chơi với chúng tôi. Mấy thằng bọn tôi nháy nhau khen hắn hết lời. Mà nói cho ngay thì trừ một vài nhược điểm về sinh hoạt thì hắn cũng đáng khen lắm chứ!
Nhưng có lẽ cách làm ấy của chúng tôi lại “phản tác dụng” thì phải. Một lần, sau khi đưa H. lên nhà tôi, hắn có việc đi đâu đó một lúc. Vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với H. được vài câu thì nàng bật khóc tu tu, khóc như mưa như gió, như chưa bao giờ được khóc vậy. Hoảng hồn, hai vợ chồng tôi ra sức dỗ dành, mãi nàng mới nức nở: “Em biết anh K. này chẳng ra gì nên cứ gặp em là các anh chị lại khen anh ấy hết lời”. Chết thật, bạn mình tốt thì mình khen thật lòng bây giờ đâm ra nông nỗi này, có khi lại vỡ chuyện của hai đứa thì gay. Mà cô này chắc mắc bệnh nghề nghiệp, chuyên đi soi tìm những vết nứt trong đường ống nên mới suy luận như thế. Lại phải dỗ dành, giải thích, phân tích mãi nàng mới chịu yên. Cuộc tình giữa hai người còn tiếp tục trải qua nhiều phen song gió nữa nhưng cuối cùng cũng đã đến bến đỗ. Đó là một đám cưới được tổ chức vào ngày 01.9.1984. Sở dĩ tôi còn nhớ được ngày ấy là bởi vì ngày 02.9 năm đó là ngày tổ máy số 1 của nhà máy NĐ Phả Lại chính thức phát điện lên lưới quốc gia. Không chỉ thế mà bởi vì đám cưới đó cũng thuộc loại đám cưới “có một không hai”, “vô tiền khoáng hậu” mà nếu ai đã được dự sẽ nhớ mãi không quên.

Theo kế hoạch, đám cưới của hắn được tổ chức vào chiều ngày 01.9.1984. Vì nhà gái ở xa nên lấy địa bàn cơ sở là nhà máy. Sau lễ thành hôn do công đoàn và đoàn thanh niên cơ quan đứng ra tổ chức tại Hội trường vào lúc 16 giờ 30, nhà trai sẽ đón dâu về tổ chức tại nhà mình tại Sao Đỏ (để nhường đất làm nhà máy điện nên gia đình hắn cùng hàng vạn dân Phả Lại đã di cư về Sao Đỏ), sau đó là liên hoan “mặn”.
Tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch cho đến lúc đoàn đại biểu nhà trai đến gian phòng tập thể của H. để đón cô dâu lên xe hoa thì sinh chuyện. Ông bố cô dâu, một ông nguyên là Hiệu trưởng Trường dạy nghề của tỉnh TH kiên quyết không cho đón dâu. Lý do ông đưa ra là do chú rể không thực hiện đúng lời hứa của mình. Thì ra mấy hôm trước khi lên HN báo cáo kế hoạch cưới, ông có đưa ra một yêu cầu là nhà trai phải chuẩn bị sẵn một xe con, sau khi tổ chức ở nhà máy xong sẽ đưa ông và mấy người nhà về Hà Nội ngay trong đêm. Vốn tính chủ quan, vả lại cái yêu cầu này cũng chẳng có gì quá khó khăn với hắn nên hắn gật đầu ngay tắp lự. Tuy nhiên, do ngày hôm sau nhà máy phát điện lên lưới nên hầu như toàn bộ xe con của nhà máy đều phải lên Hà Nội nằm phục sẵn để sáng hôm sau đón quan khách về sớm (đường nào cũng mắc một con phà, đi đường Hải Dương thì mắc phà Bình, đi đường 18 thì mắc phà Phả Lại). Vì vậy, mặc dù rất được quý mến và rất có uy tín, có quan hệ tốt với lãnh đạo nhà máy hắn vẫn không thể mượn được xe cái xe nào. Lại là cái thằng phổi bò, nghĩ bụng ông không về tối nay thì nghỉ lại, mai về cũng chẳng sao nên không mượn được xe hắn cũng thôi luôn không tìm ở nơi khác. Nhưng ông bố vợ thì không nghĩ vậy. Ông khăng khăng không chịu và tuyên bố: “Chỉ khi nào có một chiếc xe đỗ sẵn ở đây thì mới được đón con gái ông đi”. Năn nỉ mãi không xong, hắn đành quay ra tìm cách thực hiện bằng được yêu cầu của ông bố vợ. Mấy toán xung kích (toàn đội mạnh, do thằng em rể CSGT huyện và Quý, nguyên giáo viên Trường lái xe QK3 cầm đầu) được tung đi, toán thì đến khách sạn chuyên gia, toán thì vào Trường lái xe số 2, Trường lái xe quân đội… để nhờ hoặc thuê, mượn… miễn sao có được cái x e cho ông bố vợ.
Tuy nhiên, đó là thời điểm mà chuyện “ngăn sông, cấm chợ” đang hồi cao điểm, các đội kiểm tra liên ngành dăng đấy các ngả đường nên cánh lái xe rất kiềng. Chạy thuê được vài đồng tiền mà không có giấy công lệnh bị thu bằng, mất cần câu cơm như chơi nên việc thuê xe hết sức khó khăn. Trong khi đó, khách mời dự cưới thì ngồi vạ, ngồi vật tán gẫu chờ đợi đến là nhếch nhác. Chú rể thì mặt nhăn như bị. Người nhà, bạn thân thì phải chia ra xin lỗi quan khách thông cảm cho sự cố không ai mong muốn này. Cười nói đấy mà lòng thì buồn man mác và nói thật là hết sức khó chịu.
Một tiếng, rồi hai tiếng trôi qua mà vẫn chưa thấy xe nào về. Tình hình vẫn hết sức căng thẳng. Ông bố vợ vẫn kiên định lập trường. Đến lúc này H. mới thể hiện bản lĩnh của mình. Sau khi khóc cạn nước mắt năn nỉ mãi bố vẫn không thông cảm, nàng đứng dậy tuyên bố: “Bố không đồng ý, con vẫn đi”. Ông bố ngỡ ngàng rồi nổi khùng: “Thế thì không bố con gì nữa”. Nàng cứng cỏi: “Cái đó thì tùy bố. Còn con với anh ấy đã đăng ký rồi, đã tổ chức rồi, con đã là vợ anh ấy, con phải đi theo anh ấy”. Và trước con mắt kinh ngạc của ông bố, nàng phăm phăm bước ra xe hoa. Cả đám quan khách đang ngồi vạ vật cùng reo lên sung sướng, ủng hộ nàng. Lúc đó đã là hơn 20 giờ.
Khi đoàn rước dâu ra đến đường 18 thì một chiếc xe con phóng ngược lên nhà máy. Sau rất nhiều cố gắng, chú em rể của hắn (là CSGT Chí Linh) đã nhờ được cái xe này lên đón ông bố vợ lập trường kiên định kia. Nghe nói, tiền thuê chuyến xe đó mất ngót 1 chỉ vàng. Còn chú lái xe cũng phải trả giá là cắt mất 1 ô (như kiểu bị bấm 1 lỗ bây giờ).
Lạ một điều, càng về sau ông già đó càng quý hắn và bây giờ thì hắn là nhất!!!

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét