Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

LÃO KHOÈO- 1

Mặc dù khác xã song tôi với hắn biết và thân nhau từ hồi lớp 6 (năm học 1966-1967). Số là năm đó, để chuẩn bị đội tuyển đi thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, huyện CL đã cho triệu tập 10 học sinh giỏi của các xã, thị trấn về tham dự một lớp bồi dưỡng tập trung kiểu “nuôi gà nòi” trong thời gian nửa tháng. Địa điểm tập trung là Trường cấp 2 xã Thái Học (phố Thiên). Ngồi trường nằm trên một quả đồi thấp (bây giờ tôi mới biết đó nà núi Quy Sơn), sát ngay bờ sông Nguyệt Giang rất xinh đẹp và yên tĩnh. Lớp học có 10 đứa thì 9 thằng con trai, chỉ có mỗi đứa con gái là cái Nụ (vợ lão Lập). Lớp bồi dưỡng do hai thày giáo phụ trách và được tổ chức trong vòng nửa tháng. Một lũ trẻ con lần đầu tiên xa nhà đến ở với nhau (nhà Nụ gần đó nên hàng ngày nó đi về) nhưng rất đoàn kết và vui vẻ. Có lẽ những sự gắn kết đầu đời bao giờ cũng là những kỷ niệm rất sâu sắc, sau đó cả lũ lại học cùng cấp 3 với nhau nên dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua song chúng tôi vẫn thân thiết với nhau cho đến tận bây giờ.
Nói cho công bằng, trong đám bạn bè phổ thông cuả tôi thì ông Trời đã ưu ái cho hắn khá nhiều thứ. Người thị trấn nhé, nhà không giàu nhưng cũng có của ăn của để, người ngợm thì cao ráo, đẹp trai, lại học giỏi và đá bóng hay nữa v.v… Với chiều cao vượt trội so với bọn cùng tuổi, hắn như được sinh ra để giữ chân trung phong thì phải. Hắn đá không bay bướm như lão Sướng mà dũng mãnh và hiệu quả. Trong các trận đấu bóng giữa các lớp với nhau hoặc giữa trường tôi với các trường khác thì hắn đều là cây ghi bàn chủ lực. Đặc biệt là tinh thần thi đấu của hắn thì lúc nào cũng hừng hực như nước sôi, lửa bỏng. Tôi còn nhớ trận gặp đội Trường cấp 3 TX Hưng Yên năm 71 trong vòng bán kết giải bóng đá các Trường cấp 3 toàn tỉnh, khi hai đội đang hòa nhau thì hắn có bóng ở trong vòng 16 m50. Với động tác đi bóng lắt léo và dũng mãnh, hắn đã vượt được 2 hậu vệ đối phương xuống gần biên ngang. Thủ môn đội bạn ra chặn góc hẹp. Lúc đó thằng Lương Tréc tiền vệ đã có mặt ngay trước cầu môn bỏ trống. Hắn chuyền bóng vào cho Lương. Trước khung thành bỏ trống, lẽ ra thằng Lương chỉ cần đệm khẽ là bóng bay vào lưới thì lại dừng bóng và tâng bóng để sút quả nửa nẩy cho hoành tráng. Nhưng khi hắn ta chưa kịp sút thì hậu vệ đội bạn đã lăn xả về phá mất. Sau đó vào hiệp phụ, đội CL bị đội bạn ghi thêm một bàn và đành chịu xuống nhận đồng giải Ba. Sau trận đấu, hắn vừa khóc vừa chửi thằng Lương như tát nước vào mặt, đến nỗi thằng này bỏ cả cơm cháo.
Không chỉ trong đá bóng mà trong các hoạt động khác ở lớp, ở trường- kể cả những trò nghịch ngợm của lũ trẻ đang tuổi lớn- hắn đều chơi hết mình, chơi vô tư. Tính tình hắn lại dễ chịu, thuộc lọai “phổi bò”, xởi lởi với mọi người, nhiệt tình với bè bạn. Lúc nào cũng bô lô, ba la, nói cười phớ lớ nên rất dễ gần. Cộng với những ưu điểm về ngoại hình, về lực học… hắn nổi lên như một ngôi sao trong đám bạn bè và đã lọt vào mắt xanh khối đứa con gái trong trường. Chả thế, một lần có đứa con gái lớp hắn (lớp C) bị đau bụng. Lúc đau quá trở thành mê sảng cứ tên hắn mà réo như kiểu những cô vợ trẻ đau đẻ con so cứ réo tên chồng ra mà chửi. Cũng qua lần ấy hắn mới biết hắn đã “bị” nàng yêu thầm từ bấy lâu nay.
Vì tầm vóc khá nhỉnh hơn chúng bạn nên ngày 13.5.71- trước khi thi tốt nghiệp cấp 3 một tuần hắn đã cùng hơn chục bạn bè cùng khóa (trong đó có lão Thảo) lên đường nhập ngũ. Từ ngày đó tôi bặt tin hắn và mãi đến tận năm 76 tôi với hắn mới gặp lại nhau.

Cuộc gặp lại lần đầu tiên của hai chúng tôi khá bất ngờ và không phải ở CL mà tại Hà Nội. Hôm đó, tôi đến thăm một đứa bạn ở ĐH Ngoại ngữ (cũng mới ra quân và về đó học” thì thấy nó bảo: “Thằng K. cũng học ở gần đây”. Tôi bắt nó dẫn sang đó thăm hắn ngay. Thì ra, hắn cũng đã ra quân và được đưa về đây học ngoại ngữ để chuẩn bị đi Liên Xô học. Gặp nhau, tôi ngỡ ngàng nhận ra hắn đã trở thành một con người khác. Đôi chân đi bóng như vũ bão ngày nào đã từng ghi không biết bao nhiêu bàn thắng vào lưới đối phương nay đã trở thành bên tươi, bên héo, chân phải hắn bị ngắn hơn chân trái đến mấy xen- ti- mét. Đôi dép hắn đi mặc dù đã được độn thêm một cái đế dày bịch mà vẫn thập thà, thập thững. Hắn kể, trong một trận đánh hắn bị thương gãy đùi. Vì các mảnh xương bị vỡ nát nhiều nên các bác sĩ phải gắp ra rồi mới nối lại, thành ra chân ngắn, chân dài. Tuy nhiên, hắn vẫn nói cười phớ lớ như không có chuyện gì xảy ra. Thực tình, đi qua một cuộc chiến như thế mà vác được cái xác tuy không toàn vẹn về nhà là may mắn lắm rồi nên hắn vẫn vô tư cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng vậy mà. Sau ít cuộc gặp gỡ nữa tôi mới biết, sau khi HL ở ngoài Bắc hắn được bổ sung vào sư đoàn 2 của quân khu 5. Chính hắn có mặt trong trận đánh Đắc Tô 2 tháng 4 năm 1972 và chính hắn đã chửi đổng khi nghe những thông tin này nọ về xe 377: “mẹ các ông chứ, nó (xe 377) mà không đến kịp thì cả trung đoàn tôi toi rồi”.
Sau gần 1 năm học tiếng Nga, mùa Hè năm 1977 hắn bay sang Liên Xô vào học Trường Quản lý kinh tế mang tên Plê- kha- nốp. Đây là một trường kinh tế nổi tiếng ở Liên Xô, nơi đào tạo các nhà quản lý tương lai cho nhà nước Xô Viết và các nước XHCN anh em. Tại đây, hắn có thời cơ trở thành đồng môn của rất nhiều người nổi tiếng sau này như Trưởng ban vật giá chính phủ P.V.T, thủ tướng P.V.K. v.v… Tuy là đồng môn song trẻ tuổi, lại học giỏi nên hắn cũng đã từng được giúp đỡ khá nhiều các vị kia về chuyện học hành như viết chuyên đề, làm luận văn v.v… Và vì vậy hắn rất được mọi người quý mến. Thân mật, gần gũi các vị nên hắn cũng được hưởng “sái” khá nhiều. Vì vậy, từ một thằng chẳng biết cái gì sau mấy năm học ở LX hắn cũng trở thành một tay chơi bạt tử: uống rượu cả vò, thuốc lá cả cây… Thứ mà hắn thích nhất là vod- ka Nga, nếu không thì là Lúa Mới.
Năm 1982, hắn tốt nghiệp loại giỏi. Với tiểu sử bản thân đã qua chiến đấu, là thương binh, bằng đỏ, lại quen biết nhiều quan chức… hắn xin vào đâu chắc cũng được. Tuy nhiên, lúc đó LX đang giúp ta xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại ngay trên quê hương mình, lại đã xa nhà quá lâu, bố mẹ hắn đều muốn hắn về gần nhà… nên hắn đã xin về Phả Lại công tác. Nguyện vọng này quá đơn giản và được đáp ứng ngay lập tức. Thời gian này, trên công trường NMĐ Phả Lại có đến hàng trăm chuyên gia LX (ta phải xây dựng hẳn một khách sạn chuyên gia ở Sao Đỏ cho họ ở mà bây giờ bán lại cho Trường quân chính quân khu Ba sử dụng vẫn không hết diện tích) nên với vốn tiếng Nga sõi như tiếng mẹ đẻ cộng với sự thông minh, nhanh nhẹn của mình hắn nhanh chóng xác lập được uy tín và được lãnh đạo nhà máy rất tin yêu.
Cho đến lúc ấy, có vẻ mọi cái đối với hắn đều ổn- trừ chuyện tình duyên. Khi về đó hắn đã ngót nghét 30 mà vẫn chưa có gì, so với bạn bè cùng lứa như chúng tôi thì đã khá muộn màng. Là con cả trong gia đình, bố mẹ hắn đều mong có được đứa cháu đích tôn nên thấy hắn như thế hai cụ phiền lòng lắm. Riêng hắn vẫn vô tư như không có chuyện gì xảy ra. Cũng nhiều đám mối manh nhưng hắn sài lắc hết. Hình như hắn chưa thích lấy vợ thì phải mà chỉ thích đi chơi. Hàng ngày, với cái xe đạp “cuốc” mang từ LX về hắn phi đến cơ quan. Chiều hết giờ không về nhà ngay mà còn la cà chán, chỗ nào rủ nhậu là gật luôn, có khi say rồi ngủ luôn tại chỗ sáng mai đi làm tiếp. Hắn ăn khỏe, uống khỏe, hút khỏe, nói khỏe và cứ ngồi xuống mâm là phải “tọng đầy họng súng đã”- lời của hắn mỗi khi chuẩn bị chiến đấu.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét