Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Tác giả cổ Chí Linh 18 (tiếp và hết)



                               Trần Quý Nha (4)



                             8. NÚI CÔN LÔN



            Núi Côn Lôn ở xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh 1. Hình núi như một con thú nằm phủ phục. Trên núi có một cái động rộng rãi gọi là động Thanh Hư. Dưới núi có một hòn đá, nước suối chảy ngầm ở dưới gọi là cầu Thấu Ngọc. Quảng dư ký An Nam chí đều nói núi Côn Lôn có động Thanh Hư và cầu Thấu Ngọc, tức là chỗ này. Dưới chân núi rộng rãi bằng phẳng như chiếu trải. Hai bên tả hữu có nhiều núi bao bọc hết lớp nọ đến lớp kia. Núi Yên Phụ cách xa hơn trăm dặm, đứng thẳng chầu lại ở trước mặt. Dưới núi có một cái ao vuông, nước trong leo lẻo. Hai bên nước suối chảy qua trước núi, rồi lại vòng quanh vài dặm chảy ra con sông cái. Lên núi ngắm trông thật không chán mắt. Quả là một cảnh lâm tuyền rất đẹp vậy.

            Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa bắt đầu khai thác núi ấy rồi Huyền Quang đến tu ở đó, sau thành ra một danh lam. Trần triều đại tư đồ Băng Hồ tướng công (tức là Trần Nguyên Đán) làm nhà ở núi ấy. Về sau cháu ngoại là Quan Phục hầu Ức Trai tiên sinh (Nguyễn Trãi) cũng về dưỡng lão ở đó. Những thơ đề vịnh thường thấy chép ở tập Việt Giám . Quốc triều Thánh Tông Hoàng Đế đề một bài thơ rằng:

                   Tĩnh thổ lâu đài cảnh trí kỳ,

                   Cổ nhân trầm tích thậm y hy.

                   Nhất thiên thảo mộc cung ngâm thưởng,

                   Tứ cố giang sơn nhập chỉ huy.

                   Đại hữu phế hưng kim diệc tích,

                   Sự vô ký tái thị da phi.

                   Nhàn trung tự hữu nhàn trung lạc,

                   Phó dữ tăng đồng phó tự tri.

 Nghĩa là:

                   Lâu đài tĩnh thổ phong cảnh thanh kỳ,

                   Dấu cũ của người xưa rất lờ mờ.

                   Một trời cây cỏ cung ngâm thưởng,

                   Bốn phía non sông vào chỉ huy.

                   Xưa nay đời nào cũng có sự hưng phế,

                   Việc không ghi chép phải như trái.

                   Trong nhàn tự có cái vui của nhàn

                   Phó cho tăng đồng tự biết ý.

            Bài này cũng có ý cảm khái. Nay xét di tích của Pháp Loa và Huyền Quang, thì không còn thấy gì, chỉ còn một ngôi chùa cổ và cái am nhỏ đó thôi.

            Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Công Hãng (1680-1732) đi qua chùa, sai tăng nhân tạc tượng hai vị hiền giả để thờ. Hai pho tượng ấy nay vẫn còn.

            Tục cũ cứ đến đầu năm mới, Trai thanh gái lịch đến đây vãng cảnh, đường sá đi lại đông như mắc cửi. Thực là một nơi đại thắng tích.



Chú thích:

            1-Ngày trước thuộc huyện Phượng Nhãn,  xứ Kinh Bắc.

            2-Tĩnh thổ: chỉ đất Phật, những nơi chùa chiền.



                        9. NÚI PHƯỢNG HOÀNG



            Núi Phượng Hoàng ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Trong núi thâm u tịch mịch. Núi Voi đối lập, sông Miết chảy ngang, thực là một nơi thắng cảnh. Lên núi ngắm trông, khiến người ta có cái tư tưởng quên đời.

            Đời Trần Tiều Ẩn tiên sinh (Chu Văn An) sau khi dâng Thất trảm sớ (Bài sớ xin chém bảy người), bỏ quan về nhà. Tiên sinh ưa non nước Chí Linh, đến làm nhà ở tức là núi này. Việt âm thi tập chép những bài thơ Miết trì thanh lương (Ao Miết trong mát) đều là vịnh những thắng tích ở vùng này. Tập Lữ Đường vịnh núi Phượng Hoàng có câu rằng:

                             Tương phùng vị hữu hưu quan tước

                             Linh Triệt 1 hoàn ưng tiếu ngã phầu

            Nghĩa là:

                    Lúc gặp nhau chưa có hẹn ước thôi quan về nghỉ hưu

                    Linh Triệt có nên cười ta không?

            Tương truyền dưới núi có giếng. Truyền kỳ lục 2 chép rằng sư Pháp Vân cũng đến tu ở núi đó. Hiện nay có rất nhiều tăng nhân trụ trì nơi ấy. Người nào cũng giỏi phù chú vì được thần linh ở núi mặc trợ âm phù.

            Tục truyền núi ấy sản xuất một thứ son, sắc rất tươi đẹp, khác hẳn son các nơi khác. Tập thơ Lữ Đường có câu:

                             Thạch nham đa quật vị tầm châu

            Nghĩa là:

                             Đào nhiều đất đá để lấy son.

            Tương truyền dưới núi có giếng nước đỏ như son. Người ta lấy ống tre chọc xuống đáy giếng để múc son, nhũn như bùn, đem phơi khô thì rắn lại. Hạng son ấy là thượng phẩm.

            Gần đây có nhiều người lấy son ấy đem bán ở các chợ. Trung sứ thấy đem bán bèn hỏi chỗ sản xuất và cho vào ngạch thuế. Dân làng kêu xin miễn thuế. Kêu mãi không được, họ bèn rủ nhau lấy những hòn đá lớn lấp kín miệng giếng, rồi mời quan về khám. Quan đến khám xét không thấy dấu vết gì, bèn cho miễn thuế. Nhưng về sau dân làng cũng không biết giếng ở chỗ nào. Những son bây giờ không phải là sản vật cũ.



Chú thích:

            1-Linh Triệt: tên tự của Chu Văn An

            2-Truyền kỳ lục: tức truyền kỳ mạn lúc của Nguyễn Dữ



                     10. ĐỘNG HUYỀN THIÊN



            Thế núi tuy hẹp, nhưng quần phong củng lập, hai cánh giương ra, như loan lượn phượng múa, cũng là một cảnh trí thanh quang vậy.

            Thời Trần, đạo sĩ Huyền Vân luyện thuốc trường sinh ở động ấy nên vua đặt tên là động Huyền Thiên. Lại có cung Tử Cực và điện Lưu Quang. Đại tư đồ Băng Hồ tướng công đề thơ rằng:

                             Lưu Quang điện hạ tùng thiên thụ,

                             Tận thị kình thiên nhất thủ tài,

            Nghĩa là:

                             Hàng ngàn cây thông ở dưới điện Lưu Quang,

                             Đều cai chót vót là do một tay trồng.

            Những cung điện ấy ngày nay không còn di tích gì, chỉ còn một ngôi chùa đá.. Gần đây chùa trồng nhiều thông, cành lá rậm rạp, trông như những đám mây. Thật là đúng với câu thơ cổ và đất ở đây ưa tròng thông.



                      12. SÔNG LỤC ĐẦU



            Sông Lục Đầu ở huyện Chí Linh, giáp các huyện Phượng Nhãn, Yên Dũng, Quế Dương , Gia Định. Một chi từ sông Phượng Nhãn đi xuống 1, một chi từ sông Xương Giang đi tới 2, hội lại thành ngã ba sông 3. Một chi từ sông Như Nguyệt đi xuống 4, một chi từ sông Tam Giang đi lại 5, gặp nhau ở sông Bình Than. Sông này trong sạch, nước thơm ngon, người ta gọi là nước Bình Than. Các ngọn sông hội lại ở sông Triều Dương làm ra một khúc sông rất rộng lớn. Ở đấy lại chia ra hai chi. Một chi chảy đến bến đò Bàn Khê rồi đi về phía nam 6, một chi chảy đến vũng Trần Xá rồi đi về phía đông 7. Tất cả sáu chi ấy làm thành sông Lục Đầu. Giữa sông có bãi cát gọi là bãi Đại Than. Các nhà phong thủy gọi là kiểu đất “Lục long tranh châu” (Sáu con rồng tranh nhau một hòn ngọc), tưởng cũng có lý. Vậy xin chép ra đây để các nhà bác học tham khảo.



Chú thích:

            1-tức là sông Lục Nam ngày nay.

            2- tức là sông Thương ngày nay.

           3- tức là ngã ba sông ở Trạm Điền nay thuộc xã Hưng Đạo Chí Linh. Bên Yên Dũng (Bắc Giang) gọi là ngã ba Nhãn

            4-tức là sông Cầu ngày nay.

            5-tức là sông Đuống ngày nay.

            6-tức là sông Thái Bình ngày nay.

            7-tức là sông Kinh Thày ngày nay.



8/8/2012

Đỗ Đình Tuân

(Sưu tầm, giới thiệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét