Đào Công (?)
Không rõ năm sinh năm mất, cũng không rõ về thân thế.Chỉ biết ông là soạn giả cuốn Chí Linh phong vật chí. Mở đầu cuốn sách ông cho biết: “Năm Bính Tý, tức năm Bảo Đại thứ 11(1936), tháng 3 nhuận, gia đình họ Đào Ngọc, xã An Lạc,(?)* phụng sao lục sự tích tiên hiền huyện Chí Linh như sau...”.
Như vậy, ta cũng không biết được tên tuổi cụ thể của ông? vì thế chúng tôi tạm dùng chữ Đào Công (ông họ Đào) để gọi tác giả này. Trong cuốn sách, ông có lời bộc bạch:“...tôi là bậc hậu sinh, kiến văn quê kệch, hoặc được gia đình nói chuyện, hoặc được thế tục truyền ngôn, tham khảo các sách, thuật lại những điều đại khái, họa là còn lại mười phần nghìn, một phần trăm đó thôi ”.
Có điều những tư liệu trong Chí Linh phong vật chí thường không ghi tư liệu nguồn nên chúng tôi chỉ sử dụng những tư liệu chưa thấy trong các sách trước, hoặc viết kỹ hơn các sách trước.
Ghi chú
* Chúng tôi chưa rõ xã An Lạc là xã nào. Xem bản đồ Chí Linh cổ trong Đồng Khánh dư địa chí lược thì không thấy có xã An Lạc (?)
Bà chúa Sao Sa
Chánh vương phủ thị nội cung tần Đức lão lễ sư, Nguyễn thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền là người xã Kiệt Đặc. Tục truyền rằng mộ thân phụ của bà ở núi Trì Ngư, xưa có người Tầu để cho với lời dạy rằng: “Nhất kính chiếu tam vương”.Táng xong đến ngày 14 tháng 3 thì sinh bà; Bà thân mẫu nằm mộng thấy sao sa vào bụng.Tên là bà Thị Duệ, nhan sắc tuyệt thế thông minh hơn người. Thời bấy giờ có ông Nguyễn Quý Nha làm quan trong triều là người cùng làng, nhờ mối lái muốn hỏi làm vợ nhưng bà không bằng lòng. Năm 20 tuổi cuối đời Mạc, bà theo cha chạy loạn lên Cao Bằng. Nhân lúc ấy bà ăn mặc giả trai theo thầy học tập, học rộng văn hay. Hồi ấy khu đất Đông Bắc còn thuộc nhà Mạc. Nhà Mạc mở cuộc thi hội ở Cao Bằng. Sĩ tử ứng thí có nhiều. Bà đỗ đầu, thứ hai là thầy học của bà. Ông thày học cười nói: “Mầu xanh từ mầu lam mà ra, mà đẹp hơn mầu lam”. Khi vào dự yến, chúa Mạc thấy diện mạo là phụ nữ, hỏi dò biết được sự thật bèn lấy làm vợ, đặt tên là Sao Sa. Khi nhà Mạc mất bà vào ẩn trong hang núi, bị quân nhà Trịnh bắt
được. Bà bảo quân sĩ rằng:
-Bọn bay đã bắt được ta, nên đưa ta đến gặp chúa bọn bay, không được vô lễ. Nếu vô lễ chỉ có thanh kiếm này thôi, mà bọn bay rốt cuộc cũng chẳng thành công gì.
Quân sĩ thấy làm lạ đưa vào tiến chúa. Bà liền được quý mến trọng dụng. Chúa Trịnh ban lệnh chỉ cấp cho bà tiền đóng góp về binh lính, thuế tô ruộng công, thuế đò, thuế chợ, cùng các thứ thuế khác để làm bổng lộc.Từ đó về sau trải qua 20 năm, không những sưu sai tạp dịch được miễn trừ mà còn được cấp 100 quan tiền và 2 mẫu ruộng tốt. Nhân dân xã bà từ trên chí dưới được cảm tình của bà, lại chịu ơn ban ngoại lệ nên đều một lòng kính trọng tôn bà làm hậu thần.
Nhưng bà rộng xem kinh thánh, thông suốt phật giáo, hưởng bổng lộc nhiều, nhân dân có lập ra quy ước định rằng các ngày kỵ nhật tiên tổ nội ngoại và ngày sinh, ngày giỗ của Đức lão (8 tháng 11), đều dùng cỗ chay oản quả cúng lễ và lệ đó sẽ truyền mãi về sau.
Lúc tuổi già, bà trụ trì chùa Vụ Nông huyện Gia Lâm. Khi thân quân Hoằng tổ vương lên ngôi, cho tìm nữ học sĩ để dạy cung nhân,gọi bà vào làm Lễ sư. Bất cứ việc gì trong hai triều đều lấy văn chương cung phụng, luôn luôn ở cạnh mình. Mỗi khi chúa có việc gì hỏi han, bà đều dẫn kinh sử, sự tích xưa nay để đối đáp, chúa thường khen ngợi.Cả đến quyển thi hội,văn sớ quần thần cũng qua tay bà xem xét quyết định. Khoa Tân Mùi, vào thi đình
Nguyễn Thọ Xuân đậu đầu, văn chương chữ nghĩa sâu sắc không ai hiểu thấu được. Chúa hỏi ý kiến, bà trình bày rõ ràng, vua khen là người học rộng.
Trước khi hành văn Nguyễn Thọ Xuân đã nói rằng: “Văn của ta cả triều không ai hiểu hết đâu, họa chăng là có chị ta là Lễ sư thôi”. Ông cùng bà là anh chị em họ ngoại với nhau. Ông nói đúng như vậy.Thật bà là người tài cao học rộng vậy.
Tục truyền rằng bà khéo khuyến khích người sau. Mỗi tháng hai kỳ sai người nhà làm cỗ, họp sĩ tử tư văn hàng huyện lại cho tập làm văn. Đầu bài sai người từ Kinh đô mang về. Bài làm xong, giao cho các vị hội viên tư văn niêm phong cả lại đem nộp. Chính tay bà xét duyệt. Đúng hạn gửi trả lại, đăng tên lên bảng kỳ thư. Việc ra bài làm như vậy thực hiện rất đều. Sau thời kỳ trung hưng, phong trào văn học mở mang rộng lớn là do bà gây dựng nên. Tục lại truyền rằng: trong số ruộng bà được chúa ban cho hưởng lộc riêng tại bản quán, bà sai lấy 10 mẫu ruộng tốt thưởng cho các bậc sĩ phu đại khoa trong xã.Mãi sau lệ này mới bỏ đi. Anh ruột bà xưa kia bị người làng giết hại, khi bà được giầu sang vinh hiển, kẻ sát nhân thờ cúng người anh rất chu đáo, bà cũng không đem lòng oán hận gì. Người thời bấy giờ phục bà là người có đức độ.
Năm gần 80 tuổi bà sai người Tầu dựng cho một cái am, trước án mộ tổ. Bà mất khi tuổi ngoài 80, trước sau thờ tất cả ba vua.
Văn bà viết có đến trăm tờ, gần đây vẫn còn, nhưng sau thời loạn thì mất cả. Ôi! như bà có thể nói là sống khác vậy. Người xưa có câu: “Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ, thần tiên trong cõi đời ”. Bà cũng gần được như vậy.
Sau khi bà mất, người ta táng bà bên cạnh mộ tổ, xây một ngọn tháp đỏ, gần xa đều có thể thấy rõ, tháp ấy đến nay vẫn còn.
Về ngành nội nhà bà có một chi tại xã Vụ Nông huyện Gia Lâm, con cháu vẫn còn.
Có bài minh viết về bà như sau:
Phiên âm :
Nhân kiệt chung anh, địa linh tú khí
Phát xuất thiên hà, tần thị ngọc phủ
Đức quán hậu cung, lộc cập tiên tổ
Ân trạch chu lưu, hương nhân kính mộ
Tư tiến hinh hương,khánh dư thuần hỗ
Ich diễn vân nhưng,dũ quan tiên tổ
Vạn cổ đức công,lưỡng gian vũ trụ
Ưc tải hoàng đồ,thiên niên thánh thọ.
Dịch nghĩa:
Vẻ đẹp người tài,khí thiêng đất quý
Dòng dõi từ cõi trời,làm nữ quan nơi ngọc phủ
Đức bậc nhất trong cung hoàng hậu,
lộc ban đến cả cha ông
Ơn huệ khắp nơi,người làng kính mộ
Hương thơm lừng khắp,phúc trạch có thừa
Càng vẻ vang con cháu,càng rạng rỡ tổ tiên
Công đức nghìn năm,vũ trụ hai cõi
Nghiệp vua dài lâu,tuổi thọ muôn thuở.
Tạm dịch:
Người đẹp tài hay,khí thiêng chung đúc
Gốc tại cõi trời,duyên trong phủ ngọc
Đức nhất hậu cung,ông cha hưởng lộc
Ơn huệ khắp nơi,quê hương kính phục
Hương khói thơm lừng,thấm nhuần mưa móc
Càng rạng cháu con càng vinh cõi gốc
Vũ trụ hai miền,muôn đời công đức
Thánh thọ vạn năm,nghiệp vua vạn ức.
ÔNG NGUYỄN MẠI
Ông Nguyễn Mại, người làng Ngô Đồng, tổng cao đôi (tên cũ là làng Ninh Xá). Ông thiên tư minh mẫn, làm quan đến chức Đông quận công.
Tương truyền: ông vâng mệnh sai đi Đốc đồng Sơn Tây, làm việc khoan giảm khám xét kiện tụng, danh tiếng rỡ ràng. Một hôm ông từ quê nhà đi lên trấn, đường đi qua làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc, nghe thấy tiếng một người đàn bà chửi mất gà, ông liền xuống xe sai đòi mụ đàn bà đến hỏi mụ rằng: con gà của nhà mày đáng giá bao nhiêu? Mụ nói: “đáng giá 3 tiền” ông sai người lấy tiền giả, trách mụ kia chửi rủa quá lời, rồi sai người làng tát vào mặt mụ đó, mọi người đều không nỡ tát, chỉ tát nhẹ thôi; riêng có một người tát mạnh sưng cả mặt lên, ông chỉ vào mặt người đó nói: “mày ăn cắp gà của nó cho nên mày tát vào mặt nó đau, tội mày khó chối được”. Kẻ kia khiếp sợ, thú tội lỗi, phải dẫn đến chỗ vặt lông gà, quả tang như vậy. Ông bắt phải đền tiền gà với vết thương người kia rồi đi.
Lại một hôm, ông đi tuần đến huyện Sơn Vi, nghe thấy trong chùa có một sư nữ kêu mất cái quần lụa, ông sai lập đàn, bắt các sư nữ đến cả đó mỗi người một tay cầm cành phướn, một tay cầm nắm thóc mà đi vòng quanh đàn. Ông bảo: “Nếu kẻ nào gian thì thóc sẽ nảy mầm ra”. Ông nhìn thấy có một sư nữ thường hé mở tay xem. Ông gọi lại bảo, kẻ kia phải thú nhận và khiếp sợ mang quần lụa giả.
Lại một ngày khác, trong trấn có một kẻ trộm đêm đi qua đền Lộ đại vương, cầu khấn lấy trộm được vật quí, xin đến lễ tạ. Đêm hôm đó quả lấy được cái áo gấm, đem mặc cho thần vị. Ngày mai người chủ mất của đi tìm, khi qua đền thấy áo gấm mặc ở thần, vì đích thực của mình, ý nghĩ thần này hay dung kẻ trộm, đến quan trấn thủ kiện cáo. Ông lập tức đến đó hạ thần vị xuống cùng ngồi. Ông hỏi: “ Đại vương thần coi giữ một làng, ta giữ chức trông coi một trấn, kẻ nào ăn trộm mà ngài dung túng như vậy,đại vương tinh sáng soi xét, áo này ở đâu đem lại, không biết hay sao?”. Một lát, quả thấy kẻ trộm chắp tay vào thú nhận tội lỗi. Xin trả hết của cải cho người mất trộm đủ cả. Ông là người tinh sáng hơn người, xét bắt gian phi rất tài, đại khái như vậy, cho nên trong trấn gọi là “ Sơn tây đức chính”1 khắc bia để ghi nhớ.
Ông tinh sáng thông suốt, hỏi kiện như thần, sau ông lại trở vô triều đình. Vị thần này ứng vào chúa Trịnh phát ra điên dại, ông nói những lời cương trực, chúa Trịnh đâm chết ông ngay ở trong triều.
Sau ông mất rồi, con ông tên là Cống Cừ, Cống Tuyển cùng với người làng Mộ Trạch, huyện Đường hào gọi là Cống Huỳnh, nhân lúc có loạn, đem dân lệ thuộc mở cờ khởi nghĩa, tự xưng là Minh công, quân sĩ kết tre làm thành bù nhìn, thanh thế mạnh mẽ, chấn động đến kinh đô, lúc bấy giờ gọi là giặc Bông Chí Linh, triều đình sai tướng đến đánh và diệt đi. Tịch thu ruộng đất xung công, sau cho dân về, đổi tên làng là Ngô Đồng, cho nên xã này đều là ruộng công. Trong tổng có tám xã dựng thờ ông ở xã đó, tôn là bậc tiên hiền. Đền ông hãy còn, cây cối um tùm. Bản triều lên trị nước phong là phúc thần.
Chú thích:
1-Sơn Tây đức chính: một ông quan có chính sách tốt đẹp cai trị tỉnh Sơn Tây.
SỰ NGHIỆP CÁC BẬC TIÊN HIỀN
HUYỆN CHÍ LINH
Triều Lý
Năm Quảng Hựu thứ 2(1086), Nhân Tông đặt ra khoa thi tiến sĩ, khoa thi này bắt đầu từ đấy.
1-Mạc Hiển Tích, người xã Long Động, đậu đầu tiến sĩ khoa Bính Dần, sau sung Hàn lâm viện, làm quan đến chức Thượng thư.
Năm Quảng Hựu thứ 5(1089)
2-Mạc Kiến Quang, người xã Long Động, đậu tiến sĩ cập đệ khoa Kỷ Tị, làm quan đến chức Thượng thư.
Triều Trần
Năm Hưng Long thứ 12(1304)-đời Anh Tông
3-Mạc Đĩnh Chi, người xã Long Động, cháu 4 đời Mạc Hiển Tích và tổ 7 đời Mạc Đăng Dung, đỗ đầu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (tức trạng nguyên), làm quan đến chức Nhập nội đại hành khiển,Thái Bảo tả bộc xạ Thượng thư môn hạ, kiêm trung thư trị quân dân trọng sự, phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, được phong là Trạng nguyên hai nước.
Năm Quang Thái thứ 6(1393)-đời Thuận Tông
4-Đồng Thức: người xã Phụ Vệ, đậu thái học sinh khoa Quý Dậu, làm quan đến chức Trung thừa giám sát ngự sử. Được nhà vua đổi họ là họ Ngụy, vì tính cương trực giống như Ngụy Trưng(Trung Quốc). Sau lại làm quan với nhà Hồ, hay nói trung thực.
Triều Lê
Năm Quang Thuận thứ 4(1463)-đời Thánh Tông Thuần Hoàng đế
5- Nguyễn Ký: người xã Linh giàng, ông 4 đời Nguyễn Nghiêm, 35 tuổi, đậu tiến sĩ xuất thân, khóa Quý Mùi, làm quan đến chức Lại bộ thượng thư.
Năm Quang Thuận thứ 7(1466)
6-Đỗ Nhuận: Người xã Mật Sơn, đậu Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, làm quan đến chức Thượng thư, Đông các đại học sĩ, phó nguyên soái Tao đàn .
Năm Quang Thuận thứ 10(1469)
7-Lê Sĩ Dũng: Người xã Phụ Vệ, đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, hoa Kỷ Sửu, làm quan đến chức Tổng kiêm sự.
Năm Hồng Đức thứ 6(1375)
8-Nguyễn Từ Phụ: Người xã Xác Khê, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
Năm Hồng Đức thứ 12(1381)
9-Nguyễn Từ Loa: Người xã Hộ Xá, năm 30 tuổi đậu tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu, làm quan đến chức An bang kinh lược sứ.
10- Nguyễn Từ Phương: Người xã An Định, nguyên quán xã Cẩm Chương huyện Đông Ngạn, thuộc dòng họ Dương Đại Đạt, đậu tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu, làm quan đến chức Lễ bộ tả thị lang.
Năm Hồng Đức thứ 18(1387)
11-Nguyễn Đức Huấn: Người xã An Định, nguyên quán xã Cổ Châm(?), năm 35 tuổi, đậu thứ 2 đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, khoa Đinh Mùi, phụng sứ, làm quan đến chức Thượng thư, hội viên hội Tao đàn.
12-Nguyễn Đạt Đạo: Người xã Hộ Xá, cháu Nguyễn Từ Loa, năm 39 tuổi, đậu đệ tam giáp tiến sĩ khoa Đinh Mùi, sau cải sang võ chức, làm quan đến chức Tổng binh.
Năm Hồng Đức thứ 24(1393)
13-Lại Từ Phụ: Người xã Đáp Khê, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu, làm quan đến chức Đô hình giám sát ngự sử.
Năm Đoan Khánh thứ 4(1508)
14-Lê Vĩnh Tuy: Người xã An Định, Năm 31 tuổi, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Tham chính.
15-Nguyễn Bá Huyên: Người xã Cổ Châm(?),năm 24 tuổi đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Tham chính.
16-Phan Tập: Người xã Chí Linh, đậu tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư rồi về hưu, ông là thân phụ của Phan Khải, nhà ở xã Triều Dương, có dự mưu lập họ Mạc lên làm vua.
Năm Hồng Thuận thứ 3(1512)-đời Tương Dực
17-Nguyễn Mậu Đạt : Người xã An Định, đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Tham chính.
Triều Mạc
Năm Đại Chính thứ 9(1538)
18-Nguyễn Lương Ký: người xã Hộ Xá(nay là Tống Xá), cháu 4 đời Nguyễn Từ Loa, đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Thừa chánh sứ ty,tước Sùng Xuyên bá.
Năm Đại Chính thứ 18(1547)
19-Đỗ Trác Dị: người xã Phụ Vệ, thân phụ là Đỗ Hồng, và ông 4 đời của Đỗ Thạnh, nguyên quán xã Đường Hào(?)đậu tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Sửu, làm quan đến chức Hữu thị lang.
Năm Đại Chính thứ 21(1550)
20-Đỗ Hồng: Người xã Phụ Vệ,con trai Đỗ Trác Dị(Sĩ?),ông nội Đỗ Thạnh, năm 26 tuổi đậu thứ 2 Đệ nhất giáp cập đệ, khoa Canh Thìn, làm quan đến chức Đông các.
Năm Quang Bảo thứ 3(1556)
21-Phan Khải: Người xã Chí Linh, con trai Phan Tập,đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Thìn, làm quan đến chức Hiến sát ngự sử.
22-Nguyên Bỉnh Di: Người xã Đáp Khê, đậu đệ tam giáp tiến sĩ hội nguyên, khoa Bính Thìn, làm quan đến chức Đô đài ngự sử, tước Đông Khê hầu.
23-Nguyễn Uyển Trạch: Người xã Mạc Động, nguyên quán xã Nhâm Lang, huyện Ngự Thiện(?), năm 30 tuổi đậu tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, phụng sứ, làm quan đến chức Thượng thư, đi sứ Trung Quốc.
Năm Quang Bảo thứ 5(1559)
24-Trương Hữu Bài : Người xã Phao Sơn, đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, làm quan đến Hiến sát ngự sử.
25-Nguyễn Doãn Khâm : Người xã Kiệt Đặc, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, làm quan đến chức Thượng thư, kiêm Đô đài ngự sử, tước Nghiêm Sơn hầu.
26-Đồng Hãng: Người xã Triều Dương, anh ruột Đồng Đắc, ông nội Đồng Tồn Trạch, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, làm quan đến chức Hữu thị lang thừa chánh sứ.
27-Nguyễn Xuân Quang: Người xã Đột Lĩnh, đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, làm quan đến chức Tham chính đại học sĩ.
Năm Thuần Phúc thứ 1(1562)
28-Phạm Quý Ưởng: Người xã Xác Khê, đậu đầu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, khoa Nhâm Tuất, làm quan đến chức Đông các đại học sĩ,Tả thị lang,tước Xác Khê hầu.
29-Nguyễn Minh Bính: Người xã An Định, nguyên quán xã Nhân Lý, năm 43 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Tuất, làm quan đến chức Thượng thư, tước Lâm Xuyên tử.
Năm Thuần Phúc thứ 7(1568)
30-Nguyễn Nghiêm: Người xã Linh Giàng, cháu 4 đời Nguyễn Ký, năm 39 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Hiến sát ngự sử,Thượng thư.
31-Nguyễn Phong: Người xã Kiệt Đặc, năm 26 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Thượng thư Tuyên quận công.
32-Đồng Đắc: Người xã Triều Dương ,em ruột Đồng Hãng, đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Hộ bộ đô cấp sự trung.
Năm Sùng Khang thứ 7(1572)
33-Lê Lý Thái: Người xã Hộ xá, anh họ Lê Diên Khánh, năm 37 tuổi đậu tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Thân, làm quan đến Hiến sát ngự sử.
Năm Sùng Khang thứ 10(1575)
34-Nguyễn Minh Thiện: Người xã Lạc Sơn, đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, ứng chế hợp cách, khoa Ât Hợi, làm quan đến chức Hiến sát ngự sử.
35-Đồng Văn Giáo: Người xã Triều Dương, ông nội Đồng Tồn Trạch, năm 50 tuổi đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Ât Hợi, làm quan đến chức Thừa chánh sứ.
36-Đỗ Thịnh: Người xã Phụ Vệ, cháu Đỗ Hồng, cháu 4 đời Đỗ Dị, nguyên quán xã Đỗ Xá, huyện Đường Hào, đậu đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ât Hợi, làm quan đến chức Tham chính.
Năm Diên Thành thứ 6(1583)
37-Lê Diên Khánh: Người xã Hộ xá, đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu, làm quan đến chức Hiến sát ngự sử.
Năm Đoan Thái thứ 2(1587)
38-Đồng Hưng Tạo: Người xã Tu Linh, năm 47 tuổi đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất(?) ,làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
Năm Quang Hưng thứ 12(?)
39-Đoàn Khắc Thận: Người xã Phụ Vệ, năm 60 tuổi, đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Ât Sửu, Làm quan đến chức Hiến sát ngự sử.
Triều Lê Trung Hưng
Năm Hoằng Định thứ 3(1602)-đời Kính Tông Huệ Hoàng đế
40-Nguyễn Hồng: Người xã Hà Liễu, năm 50 tuổi, đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Dần, làm quan đến chức Thừa chánh sứ, phong tước tử, sau khi về hưu trí, được tặng chức Công bộ tả thị lang, phong tước bá, thọ 82 tuổi.
Năm Hoằng Định thứ 5(1604)
41-Nguyễn Thế Tiêu: Người xã Mạc Động, năm 46 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn, làm quan đến chức Phụng sứ tự khanh, phong tước tử.
Năm Đức Long thứ 3(1631),đời Thần Tông Uyên Hoàng đế
42-Nguyễn Minh Triết: Người xã Lạc Sơn, cháu Nguyễn Minh Thiện, năm 54 tuổi đậu thứ 3 đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, cả thi hội, thi đình đều đỗ đầu, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, thăng Thiếu bảo, khởi phục Cẩm quận công, khi về hưu được gia tặng Hộ bộ Thượng thư và tên hèm là Văn Đẩu, thọ 95 tuổi.
Năm Phúc Thái thứ 4(1646),đời Chân Tông Thuần hoàng đế
43-Đồng Tồn Trạch: Người xã Triều Dương, cháu Đồng Văn Giáo, năm 30 tuổi đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, ứng chế đệ nhất khoa Bính Tuất, làm quan đến chức Tham tụng Hộ bộ Thượng thư, phong tước hầu, thăng chức Thiếu bảo, khi về hưu gia tăng Lại bộ Thượng thư, phong
tước quận công.
Năm Cảnh Trị thứ 5(1667)
44-Nguyễn Quang Trạch: Người xã Kiệt Đặc, đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, ứng chế hợp cách, khoa Đinh Mùi, làm quan đến chức Hình khoa đô cấp sự trung, sau về hưu thọ 77 tuổi.
Năm Cảnh Trị thứ 8(1670)
45-Trần Đào:Người xã Trực Trì, thân phụ của Trần Cảnh, Tổ phụ của Trần Tiến, đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất, làm quan đến chức Quang tiến,Thận lộc đại phu, Quang lộc tự khanh, gia tăng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ tả thị lang, Phương trì hầu,
được ban tên hèm là Trung Cẩn.
Năm Chính Hòa thứ 4(1684)
46-Trần Tiến Gián: Người xã Triều Dương, năm 27 tuổi đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, phụng sứ, khoa Quý Hợi, làm quan đến Lễ bộ Thượng thư tả thị lang, phong tước tử, tặng Hộ bộ thượng thư , phong tước hầu.
Năm Chính Hòa thứ 9(1689)
47-Nguyễn Đình Tuấn: Ngời xã Kiệt Đặc, cháu Nguyễn Doãn Khâm, đậu tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Thừa chỉ, phong tớc bá.
Năm Chính Hòa thứ 12(1692)
48-Nguyễn Mại: Người xã Ngô Đồng(trước là Ninh xá cũ), năm 27 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, ứng chế hợp cách, khoa Tân Mùi, làm quan đến chức Tham tụng Lễ bộ tả thị lang ,tước Đồng Lĩnh bá, phụng sai Trấn thủ Sơn Tây, gia tăng Hộ bộ Thượng thư, tước Đông quận công.
49-Đồng Bình Do:Người xã Triều Dương, con Đồng Tồn Trạch, cháu 4 đời Đồng Hãng, đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, làm quan đến chức Tham chính.
50-Mai Thụy: Người xã Lạc Sơn, năm 24 tuổi đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, làm quan đến chức Tham chính.
51-Nguyễn Quang Hạo: người xã Kiệt Đặc, con Nguyễn Quang Trạch, năm 21 tuổi đậu đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, làm quan đến chức Tham chính.
Năm Vĩnh Thịnh thứ 6(1710)
52-Nguyễn Tứ : Người xã Kiệt Đặc, năm 27 tuổi đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Dần, làm quan đến chức Đông các học sĩ.
Năm Vĩnh Thịnh thứ 14(1718)
53-Trần Cảnh: Người xã Trực Trì, con Trần Đào, thân phụ Trần Tiến, đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu,Tham tụng Lễ bộ Thượng thư, Nhập thị kinh điền, khi về hưu khôi phục Huy quận công, tặng phong Thiếu bảo,
được ban tên hèm là Trung Nhã.
Năm Cảnh Hưng thứ 9(1748)
54-Trần Tiến: Người xã Trực Trì, con của Trần Cảnh, đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, làm quan đến chức Phong ẩm triều liệt đại phu, Hàn lâm viện thị độc,Thanh hoa tham chính sứ, Ngự sử, gia tăng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Công bộ tả thị lang, tước Sách huân bá, được ban tên hèm là Trung Lương.
Năm Cảnh Hưng thứ 40(1779)
55-Trần Huy Liễm: Người xã Đột Lĩnh, nguyên quán xã Phú Thị huyện Gia Lâm, đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Hợi, làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu,Tán trù thừa chánh sứ Hải Dương-Sơn Tây.
9/8/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét