(Tiếp theo)
5- Về thăm lại đất Chí
Linh
Từ khi gặp lại cánh chúng tôi thày tâm sự: “Mặc dù mình ở đất
Chí Linh không nhiều nhưng những kỷ niệm ở đó thì rất sâu sắc vì nó là kỷ niệm
đầu đời. Và nói thật trong tâm tư là rất muốn có lần quay lại đó”. Mong muốn của
thày cũng là nguyện vọng của chúng tôi khi tổ chức Hội khóa năm ấy. Chúng tôi
đã bố trí một chuyến xe để đưa tất cả các thày, cô ở Hà Nội về. Trên đường về
thật là vui bởi có bao kỷ niệm ngày xưa- những ngày gian khó, thiếu thốn, hy
sinh đồng cam cộng khổ với lũ học sinh nhà quê được hồi tưởng lại. Các thày cô
đều như trẻ ra như được gặp lại tuổi trẻ của mình. Sau lần đó, thày Hùng còn về
Chí Linh được vài lần nữa. Mỗi lần về, dù sức khỏe không được tốt song thày vẫn
bố trí thời gian để đi thăm các danh thắng ở đây, đặc biệt là hôm lên đền thờ “Vạn
thế sư biểu” Chu Văn An. Khi đó thày đã rất mệt, chúng tôi thì muốn đưa thày về
ngay song thày kiên quyết không nghe.
Còn nhớ lần đưa các thày cô về thăm Đồi Thông, thày Hùng cứ
đứng lặng nhìn ngó 4 xung quanh với đôi mắt như có ngấn nước. Thày xúc động
cũng phải thôi vì từ một cậu trai thành phố vừa mới ra trường đã được điều ngay
về cái nơi khỉ ho, cò gáy thế này. Đường sá thì xa xôi. Điều kiện sinh hoạt thì
khó khăn. Ăn đói, mặc thiếu. Rồi ghẻ lở
đày người nữa… Chắc thày và cả các thày cô khác đã từng đồng cam, cộng khổ những
ngày ở mảnh đất này sẽ không thể nào quên được. Những kỷ niệm, lại là kỷ niệm đầu
đời nữa thường sẽ in rất sâu đậm trong lòng mỗi người.
Không chỉ có kỷ niệm sâu sắc, thày Hùng còn dành cho Chí
Linh một tình cảm rất trân trọng và độc đáo nữa. Nếu như thày Quỳnh văn hoa:
“Chí Linh là mảnh đất thậm thiêng. Ở trên mảnh đất đó, tiếp xúc với những con
người nơi đó người ta thấy mình cao quý hơn lên” thì thày Hùng rất nôm na: “Tôi
chả biết thiêng hay không nhưng cứ ở đó là tôi không thể nghĩ xấu, làm xấu được”.
Mà có lẽ thế thật!
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét