Lời bạch:
Nguyễn Đoàn là bạn học cũ thời còn học ở
Trường cấp 3 Hồng Quang, Hải Dương. Nguyễn Đoàn tôt Nghiệp khóa 7, Khoa ngữ văn
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường Nguyễn Đoàn công tác ở báo Bưu Điện
Việt Nam, từ phóng viên rồi lên đến chức Tổng Biên tập. Hiện nay đã về hưu
nhưng vẫn tham gia làm báo Dân trí điện tử. Nguyễn Đoàn đã chọn cho mình một
lối viết riêng là chuyên viết truyện vui và cũng tạo ra một tiếng cười riêng
rất Nguyễn Đoàn.
Gần đây Nguyễn Đoàn có tặng Đỗ Đình Tuân
một tác phẩm mới xuất bản Chuyện nghe
lỏm từ lũ chuột nhắt. Đỗ
Đình Tuân xin trân trọng giới thiệu dần trên Blog cá nhân tác phẩm này để bầu
bạn cùng thưởng lãm. Có thể thích hay chưa thích. Nhưng có ích thì chắn chắn.
Đỗ Đình Tuân
Nụ cười Nguyễn
Đoàn
(Thay cho lời
giới thiệu)
Nguyễn
Đoàn rất không ngoan khi chọn cho mình một lối viết hợp sở trường. Vốn là dân
làm báo, viết báo, ông rất có nhiều vốn sống, nhất là mảng vốn sống về những
vấn đề gây nhức nhối của xã hội. Mỗi vấn đề đó giống như cái dằm, khi cắm vào
da thịt không đủ làm chết người nhưng có thể khiến người ta phát khùng. Làm những
việc mất kiểm soát. Đó là thói quen nói dối, làm giả ăn thật, phóng đại thành
tích, sĩ diện hão, hám danh, hám tình, trưởng giả học làm sang, mẹ hát con khen
hay, nịnh bợ để thăng quan tiến chức, nói một đằng làm một nẻo, khẩu phật tâm
xà, đạo đức giả…và còn nhiều thứ bất hảo khác mà bạn đọc có thể thấy hầu hết
chúng bị triệu tập bắt phải trình diện trong cuốn sách này. Những thói tật ấy
vừa có mầu sắc ba lăng nhăng, nhí nha nhí nhố kiểu hài kịch nhân sinh vô thưởng
vô phạt nhưng không vô hại (ít nhất thì cũng làm khó chịu người khác, hạ thấp
văn hóa ứng xử). Vừa ẩn chứa trong đó sự thiểu năng về mặt trí tuệ, nhân cách
và đạo đức. Nó chính là môi trường để “cái xẩy nẩy cái ung”, sản sinh ra các
loại tội phạm.
Bạn
đọc nào không quay lưng với cuộc sống, đều dể dàng nhận ra những thứ đó.
Nhưng
Nguyễn Đoàn không chỉ nhận ra, nhận rõ bản chất của từng laoị thói tật, mà ông
còn bắt nó dần lộ diện, múa may quay cuồng theo cách riêng của ông: nhẹ nhàng
nhưng thâm thúy. Đọc ông không chỉ là đọc những câu chuyện có nội dung hài hước
mà còn đọc những vấn đề xã hội. Mỗi
vấn đề phản ánh một khía cạnh của đời sống, nhưng chính nó cũng đang góp phần
vẽ lên chân dung cuộc sống ở phần nhảm nhí, lố lăng, kệch cỡm, đáng thương và
tất nhiên có cả đáng kinh tởm. Chỉ có điều Nguyễn Đoàn không trực diện chỉ mặt,
day trán bằng những thóa mạ, mắng mỏ, mà ông để cái xấu, cái đáng cười tự phơi
bày, tự trần mình ra dưới đèn sân khấu. Ngòi bút láu cá của ông ít khi bị lộ,
vì thế luôn khiến cái xấu mất cảnh giác cứ tự dốc gan ruột một cách đắc chí,
cho tới khi phát hiện ra thứ vú khí đáng sợ của ông thì mọi chuyện đã xong
xuôi, không còn cơ hội để phản đòn.
Nối
gót nhiều bâc cao nhân, ông tiếp tục khẳng định, kẻ thù của mọi thứ xấu xí,
nhếch nhác là tiếng cười, kể cả cười thầm.
Nhưng
Nguyễn Đoàn không chọn cách gây cười tức thì. Ông biết hiệu quả của thứ mà ông
sẽ tạo ra, một cách hết sức tự tin. Vì thế mà ông không vội. Rất ít chuyện của
ông làm người ta cười phá lên, hả hê cho bõ và thông thường sau đó cũng dễ cho
qua. Ông khiến người ta tò mò theo dõi, luôn đưa ra những phán đoán và thường
là phán đoán nhầm, để rồi khi vỡ lẽ thì cười một mình, cười mỉm, cười chua chát,
cười cay đắng, cười nhưng không vui mà buồn đau, căm ghét, và nhất định phải
suy ngẫm tiếp cùng với tác giả.
Tôi
tạm gọi là nụ cười Nguyễn Đoàn.
Chúc
ông can đảm tiếp tục dấn bước.
Hà nội 27/7/2015
Tạ Duy Anh
29/12/2015
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét