Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

TƯỜNG TRÌNH VỀ CHUYẾN DU LỊCH NGOÀI KẾ HOẠCH- 12

Cần Thơ gạo trắng nước trong...

Ngày 20.11
Tại Cần Thơ đoàn nghỉ tại Nhà khách 30 của quân khu 9. Nhà khách này tôi đã từng ở hồi còn đang công tác nhưng mới được xây dựng lại nên hoành tráng và hiện đại hơn nhiều. Chắc đã từng nghe đồn đại nhiều về bến Ninh Kiều mấy bác muốn qua đó xem sao nhưng đi qua một vòng thấy chẳng có gì đặc biệt nên cả đoàn về nhà khách nghỉ để mai đi chợ nổi Cái Răng từ sớm.
Gần 5 giờ sáng đoàn đã dạy và làm VSCN rồi ra trước sảnh nhà khách. Vừa thấy bọn tôi một thanh niên xáp lại gần và hỏi: “Các chú đi chợ nổi phải không? Con lấy rẻ thôi!”. Anh Hạnh hỏi: “Bao nhiêu mà rẻ?”. Thanh niên: “Cho con xin 500K”. Anh Hạnh lắc đầu chế đắt nhưng rồi hắn ta cứ bám theo nhằng nhẵng và cuối cùng chốt hạ ở giá 400K. Ra bến Ninh Kiều bọn tôi không theo cầu tầu du lịch để xuống ghe mà phải chui qua rào. Thì ra đây là chủ một ghe “dù”, không đăng ký vào bến chính.
Trời đã rạng sáng. Gió se se lạnh. Con tàu băng băng rẽ sóng ngược dòng sông. Thực ra đây chưa phải là sông Hậu mà chỉ là một nhánh của nó- sông Cần Thơ. Tuy nhiên nó cũng rộng chẳng kém gì sông Tiền và với tôi thì như thế này cũng đã là mênh mông, bát ngát rồi.. Đồng hành cùng chúng tôi cũng có khá nhiều ghe khách, có ghe chỉ nhõn 2 người, có cả khách Tây...
Chừng 30 phút sau đã thấy phía trước thuyền bè tấp nập. Đó chính là chợ nổi Cái Răng. Có lẽ đây là chợ đầu mối hoa quả, nông sản thì phải nên các thuyền đày ắp dưa, bí, dứa, bưởi v.v... Trên mũi các con thuyền chở hàng là một cây nêu cao ngất nghểu treo lủng lẳng các thứ quả như thay cho biển hiệu cửa hàng- phải nói đó cũng là một sáng kiến hay, rất giản dị, mộc mạc mà đày đủ, rõ nghĩa... Những chiếc xuồng dịch vụ nho nhỏ chạy lăng xăng sẵn sàng phục vụ mọi người từ hủ tiếu, bánh trái đến cà phê, nước giải khát và cả vé số... Khi mấy bác gọi cà phê, xuồng lập tức lao đến áp sát ghe chúng tôi. Một cái móc sắt móc vào be thuyền. Chiếc xuồng nhỏ lập tức được ghe lớn lôi theo và thực hiện thương vụ. Ngoài ra còn các xuồng bán lẻ hoa quả cũng vậy. Họ chủ động bám theo và móc xuồng của họ vào ghe của khách để chào bán hàng. Phải nói hoa quả ở đây trông rất to và ngon.
Với mục đích tham quan là chính nên chúng tôi chỉ mua mấy thứ quả ở xuồng bán lẻ rồi vòng vèo qua chỗ này chỗ khác một chút rồi quay về. Lúc này bình minh mới rạng. Dưới ánh mặt trời buổi sớm dòng sông như rộng hơn, hùng vĩ hơn. Lúc này TĐ Hạnh lại làm mọi người bất ngờ vì tài lái ca- nô củn mình. Về bến Ninh Kiều cả đoàn kéo nhau dạo bộ, ngắm cảnh và chụp ảnh kỷ niệm một lúc rồi mới về ăn sáng.
Chúng tôi ăn sáng ở nhà hàng ngay cạnh nhà khách. Chỗ này ngày trước tôi cũng đã ngồi nhiều và có một phát hiện “kinh ngạc”- đây là nhà hàng đầu tiên mà tôi thấy có hẳn một cái bồn gạch tráng men với biển đề: “NƠI ÓI”. Dường như ở xứ miền Tây này, các chủ nhà hàng biết rõ đặc điểm của dân nhậu là đã đi nhậu phải “quắc cần câu” và thế nào cũng phải “trả lại nhà hàng” mới đã nên người ta phát minh ra cái đó. Sáng kiến này sau đó cũng được một số nơi học tập.
Ngồi một lát thì vợ chồng anh Trần Quốc Bình, nguyên GĐ Công ty Sách và TB Cần Thơ, bạn của anh Hạnh góp mặt. Từ giờ phút này, chức danh HDV được anh hạnh bàn giao cho anh Bình- thổ công mà.
Theo ý kiến của anh Bình, điểm đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là Trúc Lâm thiền viện phương Nam. Có mấy điều đặc biệt về công trình này:
-       Kiến trúc rất hài hòa, đẹp, trang nghiêm, mô phỏng theo kiểu dáng các ngôi chùa cổ phía bắc, đặc biệt là chùa Dâu.
-       Công trình được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, do nguyên BTQP Phạm Văn Trà đứng ra kêu gọi các tập thể, cá nhân đóng góp. Cụ này về hưu rồi “tín” quá. Ngay tại làng quê của mình (Quế Võ, Bắc Ninh) ông cũng bỏ tiền ra xây một ngôi chùa rất hoành tráng.
-       Tổng kinh phí xây dựng chỉ có 145 tỷ VND. Chắc rằng do tư nhân quản lý, lại làm chùa... cho nên không có chuyện ăn bớt ở đây. Nếu là của nhà nước thì 145 tỷ chắc chỉ mới san xong mặt bằng,
-       Công trình được khai thác và bảo quản giữ gìn rất tốt, chắc là ngày nghỉ nên các em học sinh tới đây đang làm vệ sinh. Nhà chùa có nước uống miễn phí cho du khách và nhà VS ở đây cũng rất đặc biệt: “Phải bỏ giày dép ở ngoài”.
Tiếp đó chúng tôi ghé thăm làng cổ Mỹ Khánh rồi về nhà hàng Hoa Súng ăn cơm. Lại cá các món rất miền Tây và cũng rất ngon miệng. Đến lúc này cũng đã xác định được ngày về SG nên tôi nhờ Phan Huy Dương tổ chức cho một buổi gặp mặt với anh em đồng đội phía nam. Hơi tiếc một điều là không về kịp để chia tay Khắc Việt- ông bạn đồng niên, đồng họ... ngày mai đi Mỹ. Tuy nhiên cũng không buồn vì mấy hôm trước đã chia tay ngoài HN. Vả lại hắn bảo: “Mấy tháng nữa lại về ý mà!”.

Quá trưa một lúc chúng tôi ghé thăm nhà anh Bình rồi tạm biệt “thủ phủ miền Tây” để về miền Đông.















2 nhận xét:

  1. Tuyệt quá chỉvớikhoảng thời gian không nhiều lắm mà hai anh em bác Thanh Dạ đi được nhiều nơi nhỉ. Thích thật. Tôi cũng có một cô trò cũ bán hàng ăn ở bến Ninh Kiều đó nha
    ( Song Thu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết trước thì bọn tôi sẽ vào thăm & ăn quán học trò của Ông ! Thôi để lần sau Anh Em mình cùng đi rồi cùng vào nha !

      Xóa