Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

DƯỚI BÓNG ĐA XƯA



Nhớ hồi hai đứa chăn trâu
Giả làm đám cưới rước dâu về nhà
Hội hôn dưới bóng đa già
Anh là chàng rể em là cô dâu
Lá sung quệt muối têm trầu
Quả sung em bổ làm cau liên phòng
“Họ hàng”đến dự rất đông
Cỗ làm toàn ổi với bòng mà vui…

Xa nhau mười mấy năm trời
Anh về,em đã có người đón đưa
Ra ngồi tựa gốc đa xưa
Nhớ bao kỷ niệm sớm trưa chúng mình
Giá đừng có cuộc chiến tranh
Thì giờ hai đứa đã thành một đôi
Bồi hồi anh nhặt lá rơi
Gói thương,gói nhớ gửi người…chăn trâu!

                        Nhân Hưng,ngày 1-10-2003
                                     Tạ Anh Ngôi
                      (Rút trong tập:Bến Chờ NXB VHDT)





11 nhận xét:

  1. Bài thơ khá thú vị. Tác giả miêu tả đám cưới thời chăn trâu rất chân thực và sinh động. Hồn nhiên và đáng yêu ghê! Hai câu kết cũng rất thích.

    Trả lờiXóa
  2. Cái cô dâu ngày chăn trâu xưa giờ đã là cô dâu nhà người nên dù thương,dù nhớ nhưng(tác giả)cũng chỉ dám gói lại rồi gửi cho người chăn trâu mà thôi!
    Chẳng biết thày Đỗ Đình Tuân,thày Thanh Dạ và Song Thu ngày xưa có chăn trâu không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Song Thu dĩ nhiên là có thời chăn trâu cắt cỏ rồi. Gái quê chính tông mà. Tuy vậy thời chăn trâu thì ST lại không chơi trò cô dâu chú dể nữa mà chơi trò đó lúc ở nhà bế em cơ. ST cũng có mối tình thời thơ bé nhưng nó không xuất phát từ trò chơi đám cưới giả. Người tình thời niên thiếu của ST không thành "người của người ta" mà thành người thiên thu trong cuộc chiến chống Mỹ rồi. Một số bài thơ của ST vẫn có hình ảnh người ấy mà!

      Xóa
    2. Thế mà cụ Đỗ Đình Tuân
      Nói rằng Thu chỉ giành phần riêng ta?

      Xóa
  3. Bài thơ này có ba ưu điểm là:
    -Câu chuyện rất quen thuộc và phổ biến. Các thế hệ sau thì không biết, nhưng thế hệ tuổi 70 như bon tôi mà sống ở thôn quê thì đều trải qua tuổi chăn trâu, cắt cỏ. Cùng với nhiều trò chơi như đánh khăng, đánh đáo, đánh chuyền, đánh chắt, chơi ô ăn quan...thì trò chơi đám cưới hầu như ai cũng từng chơi hoặc chứng kiến. Cỗ cưới thì khác nhau, tùy mùa và tùy nơi.Cỗ cưới của ông Ngôi chỉ là một trường hợp cụ thể. Đây là chuyện đùa của bọ trẻ con, nhưng không ít chuyện đùa hóa thật. Những đám cưới đùa ấy là những gợi ý để sau này họ yêu nhau.
    -Câu chuyện quen thuộc ấy đã được kể lại một cách rất ngắn gọn, sinh động và đặc biệt là rất truyền cảm. Cảnh hơn chục năm sau anh Ngôi trở về, người yêu thuở chăn trâu đã đi lấy chồng. Anh Ngôi nhà mình chỉ còn biết ra ngồi dưới gốc đa xưa ngồi buồn và tiếc nuối.Cái giỏi của Anh Ngôi là ở chỗ anh ấy buồn, anh ấy tiếc và anh ấy cũng làm cho người đọc buồn và tiếc như anh ấy. "Thơ lấy tình làm gốc,..." có lẽ là như vậy.
    -Ngôn ngữ trong bài thơ này rất giản dị và trong sáng.Cả bài thơ hầu như không thấy có câu chữ nào tỉa tót, mài gọt, đánh bóng, sơn son thiếp vàng...Trái lại nó rất mộc mạc và tự nhiên như vốn có ở trong đời. Nhưng toàn bộ bài thơ lại rất trọn vẹn và hấp dẫn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cám ơn nhận xét của thày Tuân.Thày Tuân đã bộc lộ việc thưở nhỏ cũng"được" đi chăn trâu,nhưng thày vẫn chưa cho biết thày có mối tình chăn trâu hay không?Chắc là thày ngại cô...?

      Xóa
  4. Mình chỉ tham gia với tư cách là khách mời trong những đám cưới như thế thôi. Mình không có người yêu là bạn chăn trâu. Người yêu đầu của mình cũng là một cô hàng xóm nơi mình trọ học.Chỉ hay đi cà rùng trống ếch cổ động rồi đi xem "đấu tố địa chủ" cùng nhau thôi. Cô ấy sau này thành "cô gái lâm sinh má hồng dưới nắng / ngày ngày gieo hạt ươm cây" trông nên những cánh rừng ngút ngàn Sao Đỏ."Về đây anh chỉ thấy rừng / ngút xanh Sao Đỏ một vùng bao là..." còn người xưa thì đã đi lấy đến đời chồng thứ hai rồi. Nhưng đến khi những cánh rừng Sao Đỏ bị hạ đốn để "đo thị hóa, mình mới viết những câu thơ nao lòng:
    Người về cho phố nên đông
    Nhà xây thêm nóc vợ chồng thêm đôi
    Rừng đi nhường chỗ cho người
    Nhớ rừng anh lại ngậm ngùi nhớ em.

    Trả lờiXóa
  5. Nhớ em cô gái lâm trường
    Kết duyên cô giáo cùng trường lạ chưa?
    Thông reo ngút ngát đồi xưa
    Anh cùng cô giáo sớm trưa tâm tình
    Còn em em vẫn một mình!!!

    Trả lờiXóa
  6. Lạ chưa thế mới là tình
    Chứ không thì đã một mình cộng ba
    Thiếu gì trong cõi người ta
    Cộng đi trừ lại hóa ra một mình.

    Trả lờiXóa
  7. Song Thu sao lại lặng thinh
    Sao không nhắc đến chuyện tình chăn trâu?
    Và ông Thanh Dạ đi đâu
    Cứ yên lặng thế để nhau buồn lòng
    Một thời ông cũng long đong
    Một thời sóng gió bão bùng vì...yêu?

    Trả lờiXóa
  8. Đầy đủ cả rồi. Xem kỹ lại các nhận xét thì rõ

    Trả lờiXóa