Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Đi xe buýt



Vừa làm một “cuốc” xe buýt ngang qua Hà Nội. Ngày mùa thu rất đặc trưng với nắng vàng và gió nhẹ, với lá khô rụng xao xác trên hè. Lòng thanh thản và thêm yêu cuộc sống.
Chẳng là hôm nay có cuộc họp mặt những người cũ của cơ quan cũ. Không thấy mình lấy chùm chìa khóa xe, bà xã tưởng quên. “Hôm nay tôi đi xe buýt”. Mắt bà vợ mình tròn xoe, ngó trân trân mấy phút, rồi thoáng một nụ cười mỉm. Chắc bà ấy tự an ủi đã quen với cái “hâm hâm” của một ông… đang già?
Đây là chuyến xe buýt đầu tiên sau hơn hai mươi năm ở Hà Nội. Với mình thì đó là một sự lạ, chứ người ta đi xe buýt Hà Nội từ bao đời rồi. Bố anh bạn cùng cơ quan mình, ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa về hưu, hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày đi xe buýt từ nhà lên câu lạc bộ Thăng Long, hoặc đến thăm cháu ở tận Nghĩa Đô. Bạn học với mình, Anh Trang trong truyện ký “Hành trình đến Dinh Độc lập”, từng lái chiếc xe tăng 380 “sứt mũi” trong chiến dịch Hồ Chí Minh vào chiếm Phủ Tổng thống Sài Gòn, giờ cũng thường xuyên xe buýt. Hắn bảo: vừa đỡ tốn tiền, vừa tiện lợi đủ đường, nhỡ gặp ông bạn nào, vui vẻ cốc bia, chén rượu, khỏi vi phạm Luật Giao thông. Mấy năm trước Bộ trưởng Đinh La Thăng còn dẫn đầu đoàn cán bộ đi thử xe buýt Hà Nội. Sau đó, hình như có cuộc vận động công chức ngành giao thông đi xe buýt đến công sở, chẳng hiểu giờ có mấy người thực hiện.
Nhưng còn có nhiều lời kêu ca xe buýt Hà Nội lắm. Xem trên mặt báo thì biết: nào là chậm chuyến, bẩn thỉu, có khi mất cắp, nhà xe thì thô lỗ, hách dịch…vân vân và vân vân..
Chứng kiến của mình thì không phải thế, ít nhất là trong chuyến này.
Ra đến điểm đỗ gần nhà vừa đúng 7 giờ, đã thấy một xe số 50 tà tà vào vỉa hè. Xe đông, nhưng vẫn có chỗ cho người len vào đứng. Hai tay mình đu lên cái vòng nhựa trên thanh ngang, người lắc lư theo nhịp phanh và ga của bác tài xế.. Một cô gái đứng lên khỏi ghế bảo: “bác ngồi xuống đi”. Mình hơi ngơ ngác, nhìn quanh toàn những gương mặt trẻ. Khi hiểu đó là đặc ân dành cho mình thì bối rối cảm ơn cô gái và ngồi xuống ghế. Liếc lên phía đầu xe, vách ngăn sau lưng bác tài xế treo tấm bảng ‘Quy định dành cho nhân viên và hành khách’ rất văn minh. Phía trên cửa lên xuống có sơ đồ tuyến và các bến đỗ rất cụ thể. Tiếng cô phát thanh viên qua máy ghi âm rè rè: “bến tiếp theo là…” trong tiếng ồn hơi khó nghe. nhưng vẫn hiểu được. Đang giờ cao điểm buổi sáng, trên đường đông nghịt các loại phương tiện. Xe buýt hay ra vào các điểm đỗ nên phải cạnh tranh vất vả với xe máy, xe đạp, xe thồ, các bà hàng rong và cả người đi bộ. Lại còn một ông to béo, mặc áo phông in nhiều chữ nước ngoài, cưỡi cái xe máy phân khối lớn. Một tay cầm ga, tay kia cầm “cương” hai chú chó giống quí, to như hai con bê, chạy thể dục bước một trên đường. Mình cũng là người biết lái xe, nhưng phải công nhận là các bác tài xe buýt có tay nghề rất cao mới có thể điều khiển được cái xe kềnh càng thế này trên đường Hà Nội. Hỏi cô gái đứng gần xem mua vé thế nào thì được trả lời: “anh phụ xe sẽ đến bác nhé”. Tuy nhiên, chắc xe đông quá nên chẳng thấy anh “lơ xe” đâu làm mình sốt ruột. Thỉnh thoảng lại ngó lên phía trước, vẫn cô gái ấy bảo: “Họ đến ngay đấy mà, bác cứ yên tâm”
Nhớ hồi sinh viên ở một nước Đông Âu những năm 80 thế kỉ trước. Các loại xe buýt, xe điện, xe điện bánh hơi đều chung một loại vé to bằng ngón tay cái, được bán sẵn ở rất nhiều ki-ốt. Hành khách lên xe thì tự bấm lỗ ở một trong những cái hộp trên thành xe chứ không có người bán. Thỉnh thoảng sẽ có một ông hoặc bà nào đó lên xe, trên ve áo có cái huy hiệu ‘Thanh tra’. Họ đi lướt qua và nói: “Xin lỗi, kiểm soát vé”. Mọi người chìa vé đã bấm lỗ ra. Chỉ những trường hợp nghi ngờ họ mới cầm vé để xem. Phát hiện trường hợp đi lậu, họ lấy trong túi ra một xấp vé, bấm vào máy 30 chiếc rồi yêu cầu người vi phạm thanh toán, chẳng cần hóa đơn, biên bản gì ráo. Mình được chứng kiến một lần, tuy họ không ồn ào nhưng người bị phạt cũng rất xấu hổ và xuống ngay bến gần nhất. Nói vụng là hồi đó, sinh viên cũng hay trốn vé lắm. Có cậu giỏi toán, tính rằng tổ hợp 6 cái lỗ trên máy bấm sẽ lặp lại ở …n lần.. để giữ lại tất cả vé đã bấm lỗ, lên xe chỉ cần để ý xem cái ma trận 6 lỗ ấy thế nào, rồi tìm cái vé cũ tương ứng cầm sẵn ra tay. Nếu không có vé cũ trùng hợp thì quan sát người lên ở bến, nếu thấy Thanh tra thì lẳng lặng ra cuối xe và xuống bến tiếp theo. Một lần, đi với mấy tay sành sỏi như vậy, không mất vé nhưng mình cứ nháo nhác, và có cảm giác bị…đau tim, chẳng khác nào xem đội tuyển bóng đá Việt Nam chơi với đội Thái Lan bây giờ.
Thế nên mới sốt ruột. Chẳng phải sợ mất tiền phạt mà xấu hổ nếu người ta kêu mình sao không mua vé.
Đến điểm đỗ trường Đại học Luật thì người xuống vãn. Trên xe chỉ còn hơn chục người đứng tuổi, mấy bà cụ mặc áo dài mầu gụ, ý hẳn đi đền chùa và mấy ông già hưu trí đang tranh luận chuyện …hiệp định xuyên Thái Bình Dương. Anh phụ xe mặc đồng phục giờ mới đi xuống giữa xe. Mình mua vé, tiện hỏi luôn xuống bến nào cho gần. Thái độ nhân viên nhà xe ấy thật chu đáo. Anh ta dặn mình bến xuống, còn hướng dẫn khi quay về nếu vẫn đi tuyến này thì bến đỗ ở chỗ ấy, chỗ ấy... Chẳng thấy cái khó chịu ở đâu, cũng chẳng thấy người nhà xe “hách dịch” chỗ nào.
Xuống xe gần đầu đường Thanh niên, mình thả bộ trên con đường tuyệt đẹp sắc thu buổi sớm Hà Nội. Thấy hai ông già đang chúi đầu vào bàn cờ tướng, mình ghé nhìn vào. Ông cầm quân đỏ đang bị chiếu bí, xem ra đã hết phương kháng cự. Ông kia thì cứ giục đi đi chứ, mà ông này vẫn chẳng chịu thua cho. Một nhóm các bà tuổi “sồn sồn” đang tập bài thể dục theo nhạc phát ra từ cái cát-xét để trên ghế đá. Bài tập giông giống như Thái cực quyền 24 thức, hệ phái Dương gia, còn nhạc thì âm hưởng réo rắt hệt như trong phim Tây Du Ký. Một đôi nam nữ, dùng luôn yên cái xe máy dựng sát một gốc cây to làm ghế, đang tâm sự và mắt nhìn lơ đãng ra hồ Trúc Bạch.
 Hà Nội ơi, không phải nơi sinh ra, nhưng đã sống ở đây nhiều nhất trong cuộc đời. Một Hà Nội đẹp và đáng yêu thế này mà hôm nay tôi mới nhận ra…
Đến nơi gặp đồng nghiệp cũ, kể lại chuyến buýt hài lòng vừa đi thì một ông phán: “Ôi dào, ông gặp may đấy. Hôm nay là ngày gì mà xe buýt ngon thế?. Với lại, nhà xe nó tưởng ông là quan chức “vi hành” nên lễ phép vậy thôi, chứ còn thì…” Ngắm lại mình, ừ nhỉ, quần kaki thẫm, áo kẻ nhạt, giầy đen, cặp kính gọng mạ sáng loáng, mình không giống một người lao động lam lũ hay ông già về hưu tí nào.
Nhưng một cảm xúc lạ dâng trào. Tại sao không tổ chức được một hệ thống xe buýt để thay đổi thực trạng giao thông Hà Nội thường xuyên kẹt xe nhỉ? Một hệ thống mà các nước đã làm cách đây hàng mấy chục năm? Một hệ thống mà người dân chấp nhận được và có thiện cảm? Thiếu tiền ư? bao nhiêu dự án, bao nhiêu tỉ đồng đã đổ vào đây rồi? Thiếu phương án ư? Đã bao nhiêu hội nghị, hội thảo, có cả chuyên gia Pháp, Nhật kia mà? Bộ trưởng Thăng cũng quyết liệt “trảm tướng, trảm quân” dữ lắm kia mà? Vậy thì tại sao?
Đem cái tâm sự này đến gặp ông bạn học thời sinh viên, giờ là chuyên viên cao cấp của Cơ quan quy hoạch, phát triển thành phố thì được dội một gáo nước lạnh: “Thắc mắc của ông là đúng. Người ta biết hết rồi, biết kĩ hơn ông nhiều. Nhưng không làm được là vì…không làm, thế thôi. Ông có hỏi là những ai đi xe buýt không? Những người phải đi xe buýt là vì ít tiền và không có quyền. Những người có quyền thì không đi xe buýt. Như ông đấy, giờ mới đi xe buýt lần đầu cơ mà. Ông nghĩ làm gì cho tổn thọ”.

Nhưng mình không thất vọng. Một ngày đẹp trời không cho người ta thất vọng. Nhất định sẽ đến ngày Hà Nội có xe buýt thuận tiện hơn, chí ít cũng được như chuyến đi này. Đây sẽ không phải là “cuốc” xe buýt đầu tiên và cuối cùng của mình được. Mình sẽ đi xe buýt, giống như ông bạn xe tăng của mình, giống như ông Bộ trưởng đáng kính kia, giống bao nhiêu người khác nữa. Càng nhiều người đi xe, sẽ càng sớm có thay đổi hiện trạng xe buýt Hà Nội. Lòng mình chợt vui vui, nhìn đám trẻ con lớp mẫu giáo nào đó, đang nắm đuôi áo nhau, theo các cô giáo qua đường và nghĩ: Thế hệ kia sẽ có nhiều xe buýt hơn, văn minh hơn trong tương lai không xa, và khi đó lại có thêm một lý do nữa để thêm yêu Thủ đô Hà Nội./.

1 nhận xét:

  1. Chuyến chu du phương Bắc vừa qua, chị em Tô Hà cũng đi xe buýt lên chùa Hương. Chia sẻ những nỗi niềm xe buýt với anh Nghị.

    Trả lờiXóa