“Mau chóng về
già kể chuyện ngày xưa
Cái thời sinh
viên chúng mình vui sống”
Chẳng biết câu thơ này của ai. Bất chợt một hôm Xuân
Dung đọc. Thế là cả bọn ồ lên. Mắt có 1 chút xa xăm về cái ngày “già” ấy. Rồi tất cả lại ào đi. Như năm
tháng. Như tuổi trẻ. Như bất tận cuộc mưu sinh. Nhưng câu thơ ấy cứ găm lại
trong nó. Có lẽ cũng găm lại trong lòng lũ con gái C3, Văn K2.
Cho đến bây giờ, nói đến Huế là lập tức nó nhớ câu thơ
ấy. Và thấy mưa là thấy lại những tháng ngày xa ấy. 4 năm ở Huế, với nó, mưa là
một trong những ký ức sâu đậm. “Mưa Huế chi
mà lạ!”. Mưa tầm tã. Xối xả. Trắng xóa. Liên miên. Dai dẳng. Không có sự
thăng / giáng. Một nhịp điệu. Một tiết tấu. Một tốc độ. Ngày này qua ngày khác.
Mỗi đợt mưa thường 1 tuần, có khi cả 10 ngày. Lạnh nữa chứ.
Mưa phủ đầu con nhỏ từ Nha Trang lóp ngóp bò vào KTX
Nguyễn Huệ. Nhận phòng số 2 dãy C. Trèo lên tầng 2 của cái giường tận sâu trong
góc. Mới chỉ có nó và Hương ở lớp Sinh (sau Hương quen anh Đại Văn K1 nên hay
gọi là Hương Đại ấy). Thu lu trên giường với đống gia tài kếch xù bỏ lọt thỏm
vào hộc tủ đầu giường: sách vở 3 phần, phần còn lại là vài bộ quần áo + bát
đũa, ca cốc…Và, việc còn lại là khóc. Không ra tiếng nhưng nước mắt thì tuôn ào
ào như thi cùng tốc độ với mưa. Nhớ má. Lo sợ. Bơ vơ và tại thấy mưa nên khóc.
Đêm lại càng khóc. Sợ ma quá mà. Làm như khóc thì dọa được ma ấy.
Rồi chuyển phòng khi mọi người đến đầy đủ. Dãy C,
phòng 3. Vẫn giường tầng 2, ngay cửa vào, bên tay phải. Những trận mưa của Huế thì
vẫn vậy. Nhưng không có nước mắt chảy cùng nữa. Thay vào đó là những trận cười
và những trò ma mãnh của tuổi học trò. Mưa to không đi học, cử 1, 2 đứa lên
chép bài cho cả phòng. Đêm không thèm lên phòng, mỗi đứa 1 giường, chăn trùm hờ
hững trên vai, cuốn sách ngơ ngác trước mặt. Ra vẻ học bài. Rồi 1 chút cựa quậy
của đứa này làm phản ứng dây chuyền sang đứa khác. Lần lượt từng đứa, gạt sách
vở sang 1 bên, lăn đùng ra giường. Thế là nghêu ngao vài câu hát, vổng vao vài
câu thơ. Thế là tán gẫu chuyện 4 phương trời. Đích cuối cùng vẫn quay về chuyện
ma. Hồng Vân là người kể chuyện hóm hỉnh nhất, đặc biệt còn tiết lộ chuyện “ngửi mồm con gái Bọ” nữa. Chị Thúy và
chị Minh là hai người chăm chỉ, nghiêm túc nhất mà cũng không cầm lòng được,
phải hùa theo “truyền kỳ tạp chuyện”
của C3. Rồi đàn bướm xinh ấy, từng con dắt díu nhau đi hàng dọc để “xả nước cứu thân”, đứa nào cũng dớn dác,
mắt trước mắt sau chỉ sợ bị bỏ lại.
Những đêm mưa như thế, vào dịp nhận đường tiêu chuẩn
thì đúng là vui nhộn. Cả phòng gom giấy vụn lại đun nước sôi pha đường xì xà xì
xụp. Sao cốc nước ngày ấy ngọt thế không biết, uống đến đâu ấm và lịm đến đó. (Ngọt
vào xương và lịm đến tận bây giờ!).
Những ngày lội mưa đi học ở Morrin. Ngày 2 buổi. Ống
quần cứ vừa ráo nước lại ướt sũng. May ra chỉ qua 1 đêm, hơi ẩm là sáng hôm sau
lại mặc đi tiếp. Lũ con gái chịu đựng 2,3 ngày thì thay bộ khác. Con trai thì
không biết nữa. 1 tuần? 2 tuần? theo tháng hay theo mùa mưa nhỉ????? Có giời
mới biết! Chỉ đến khi dân Văn, Sử được học ở 27 Nguyễn Huệ tình trạng ngập úng
2 ống quần mới chấm dứt.
Những ngày mưa trên thư viện Tỉnh. Dân Văn hay được
các khoa khác tị nạnh là học nhàn, suốt ngày đọc truyện. Mà đúng vậy. Mỗi đợt
các thầy ở Hà Nội vào là đọc sách thay cơm luôn. 2 buổi lên giảng đường, tối đến là lang
thang hết Dân gian đến Cổ đại, Trung đại, rồi Hiện đại. Hết “đôi mắt bò cái mênh mông” đến “ta tồn tại hay không tồn tại?”. Những
tập tiểu thuyết cao ngất ngưởng cứ thế là đọc thun thút. Đọc và đọc. Tranh nhau
sách. Tranh nhau chỗ ngồi. Tranh nhau liếc trộm ai đó. Tranh nhau lội mưa.
Rồi những trận mưa của cái thất tình. Năm thứ tư nhàn nhã hơn, chỉ phải học 1 buổi. Thế là “nhàn cư vi bất thiện”. Thế là ngơ ngẩn. Thế là yêu. Rồi thế là thất
tình thôi. Thế là lại dỗi. Thế là lại ứ ừ. Thế là khóc. Khóc tỉ ti. Khóc dấm
dứt. Khóc ầm ầm. Đứa nào cũng phải qua 1 lần khóc vì cái tình tình chi rứa đó.
Nó cũng khóc. Vì người yêu không viết thư. Vì thấy bạn khóc là khóc phụ họa cho
khí thế. Như là bệnh lây truyền ấy.
Mưa Huế trắng chợ An Cựu. Góp mỗi đứa mấy hào, mua tôm
về làm bánh bột lọc. Hôm nào tôm rẻ, còn dư tiền mua được cả rổ quả trứng gà
vàng ươm, ngọt lịm. Thế là ngày hôm đó các phòng tất bật và náo nhiệt vô cùng.
Tất nhiên là chỉ phòng bọn con gái thôi. Con trai thì còn bận chui đầu vào hộc
tủ, chổng mông lên giời để khóc tình, hồn vía đâu mà ăn bánh bột lọc cơ chứ.
Có những buổi tối mưa lạnh, cả phòng đã đóng cửa cài
then. Có tiếng thì thào, rồi tiếng gõ cửa. Giường nó sát ngay cửa nên thò đầu ra. Một
bó hoa hồng đẫm nước mưa giúi vào mặt: “ Của
C3 này!”. Hóa ra là Tứ Hải, An, Toàn, Thiệu,…(và còn ai nữa thì nó không
biết đâu) vừa đi hái trộm hoa ở Nhà thờ An Cựu hay Chùa nào đó. Những bông hoa
đầy gai, hái vội rồi giấu vào vạt áo ai đó nên dẫu ướt mưa nhưng lại ấm nồng.
Cả phòng rú lên mừng rỡ. Và nó, rưng rưng cho đến tận bây giờ. Gai hoa hồng
nhọn và sắc lắm, chắc là cào rướm da ai rồi nhỉ!
Trước dãy nhà C có 1 đám đất trống. Tố Hoa là người
đầu tiên mang hoa về trồng. Thế là C3 có
vườn hoa con con nhưng đầy màu sắc. Nhiều nhất là cây Thạch thảo. Thân
thấp, hơi mềm, lá xanh thẫm và có lông mịn, hoa thì tím ngát. Có nhiều loại hoa
được gọi là Thạch thảo nhưng nó chỉ chấp nhận cây hoa “Thạch thảo C3” ấy thôi. Loài hoa thật lạ, càng mưa càng lạnh màu
tím càng thẫm đến nao lòng.
Cứ thế, mỗi khi trời mưa là nó lại nhớ Huế. Nhớ Thạch
thảo của C3. Mỗi lần nhớ là nó như được sống lại khoảng trời “Tuổi trẻ rung chuông, Tình yêu trái phá”(Thơ
Tứ Hải) của Văn K2. Mong rằng, nó sẽ còn được sống lại nhiều lần hơn nữa. Giá
đừng bao giờ quên thì hay biết mấy nhỉ!!!
33 năm thôi mà! Vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua!
Đã
xong gánh nặng tang bồng
Thong
dong cánh hạc mơ mòng thị xưa
Ai
về Nguyễn Huệ chiều mưa
Nhuộm
giùm thạch thảo cho vừa ước ao!
VA
Bài viết thấm đẫm chất sinh viên nên đã làm thức dậy kỉ niệm của nhiều người từng qua cửa ấy.
Trả lờiXóaVăn viết thật tự nhiên, giàu cảm xúc, đậm chất thơ. Đọc thích lắm Vân Anh ạ.
Nhưng "nó" đứng chỗ nào, Song Thu nhìn không ra?