Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Lớp học đầu đời

    Năm 1960 tôi đi học vỡ lòng.
    Cho đến giờ đã qua bao nhiêu lớp học từ phổ thông, bổ túc, học nghề đủ thứ, nhưng ấn tượng về lớp học vỡ lòng thì thật không gì sánh được.
    Phố Nam Sách năm ấy hình như không có lớp công lập dậy trẻ trước khi vào lớp một. Tôi nói hình như vì mình bé tí nào biết gì đâu. Lớp vỡ lòng ở khu Hoàng Hanh, gần đình Vạn. Người đầu tiên dậy tôi học chữ là bác Nha, chúng tôi gọi là bác và xưng cháu chứ không gọi là thầy. Bác Nha lúc ấy đã già, thường mặc bộ quần áo ta bằng vải thô màu gụ. Bác hay bị ho, có lúc cơn ho kéo dài và bác phải ngồi thở rất mệt nhọc. Nhớ nhất là bác có cặp kính lão đeo trễ trên sống mũi, khi nhìn xuống trò thì qua phía trên của kính, trông rất nghiêm. Bác dạy học tại nhà, trên một gác hẹp bằng gỗ lúc đi lại cứ kêu cọt kẹt, cọt kẹt.. Lớp có khoảng gần hai chục cô cậu còn thò lò mũi và có đứa còn đái dầm. Bác có một cây thước to và dài mấy chục phân, thường gõ nhịp cho trò đọc theo và để răn đe duy trì kỉ luật lớp học.
    Mỗi buổi học bắt đầu bằng việc các trò mang vở lên cho bác kẻ thêm dòng phụ bằng bút chì và viết chữ mẫu ở đầu dòng bằng mực đỏ. Chúng tôi được học viết chữ rất cẩn thận. Bác dặn: “chữ nào cũng phải có chân, không có chân thì nó ngã mất”. Còn bé, nghe bác dặn thế thì nhớ lắm, sợ chữ nó ngã thật nên chăm chú từng nét. Những chữ a, c, d, g… trần thùi lụi thì phải bắt đầu bằng một nét hất lên làm “chân”. Ngày ấy chúng tôi viết bằng bút mực, gọi là bút “dông” (?), có một cái quản bút dài thường sơn hai mầu. Ngòi bút làm bằng sắt, thường là loại ngòi “lá tre”. Mực viết thì mầu xanh hoặc tím, dạng bột, mua ở mấy bà hàng xén đem về pha với nước. Làm gì có hộp đựng bút, cái thước kẻ vuông có chia xăng-ti-met và bút thường bị mất hoặc ngòi bút bị cong vì để trong túi vải cùng quyển vở với vài thứ đồ chơi như hòn bi, con gụ.
    Cuối buổi học các trò mang vở lên để bác xem. Bác không chấm điểm, chỉ khen những đứa viết sạch, đẹp. Đứa nào vẽ bậy hay làm bẩn vở thì “được” để hai tay lên bàn. Bác cầm cái thước to tướng dứ dứ và hỏi: “vẽ bẩn thế này thì mấy thước?”, sợ chết khiếp. Chẳng biết ngày xưa mình “hậu đậu” thế nào mà hay “được” để tay lên bàn lắm. Bác hỏi thì trả lời lí nhí “một ạ”. “hôm nay bẩn hơn cả hôm qua thì một thế nào được?”. Lại lí nhí: “hai ạ”. “Đét”, giật bắn mình. Bác vụt thước xuống bàn: “hôm nay bác cho nợ”, thế mà khóc. Bác chẳng vụt bao giờ mà sợ thế, không biết tôi “còn nợ” bác bao nhiêu thước nữa cho đến ngày viết được đủ mấy chục chữ cái… 
     Nhưng một lần có một đứa bị vụt là thằng Phúc. Chả là trong lớp có cái Dung, con ông Tiếp thợ may ở cuối phố La Văn Cầu viết chữ đẹp nhất. Thằng Phúc thì ngoẹo cổ, méo mồm mà chữ chẳng ra chữ rất hay “được” để tay lên bàn. Hôm ấy nó nhờ cái Dung viết hộ, lúc mang vở lên cho bác, cậu ta hí hửng lắm. Khi bác hỏi: “ai viết đây?” thì cái Dung lại nhanh nhảu: “cháu ạ”. Thế là Phúc bị một thước vào tay. Nhưng thằng ấy gan lì lắm, chẳng thèm chảy nước mắt. Nhà Phúc nghèo, mẹ nó bán rau ở chợ Huyện. Hình như nó lớn hơn tôi vài tuổi. Nó rất thân với tôi, thường bênh tôi khỏi bị mấy đứa ở Hoàng Hanh bắt nạt.
    Gần cuối năm học vỡ lòng, con trai của bác dạy chúng tôi. Chẳng biết bác ốm hay làm sao nhưng chúng tôi không được gặp bác nữa. Ngày ấy bé quá, nào có biết gì đâu.
    Khi tôi có con đi học lớp một, hay bị cô giáo phê bình không giữ vở sạch, bố tôi bảo: “nó còn hơn anh chán, anh đi học bác Nha, mỗi ngày một lọ mực. Mực bôi từ quần áo lên đến mặt ấy chứ”.
    Quá nửa thế kỉ rồi, tôi vẫn nhớ lớp học vỡ lòng ở phố Nam Sách ngày nào. Nhớ thằng Phúc, cái Dung, nhớ cái cầu thang gỗ ọp ẹp trong căn nhà nhỏ ấy và nhất là nhớ bác Nha. Sau này gặp những bức ảnh bác Hồ trong bộ quần áo nâu là bao giờ tôi cũng liên tưởng đến bác Nha,. Bây giờ, gõ bàn phím nhoay nhoáy, nhưng tôi vẫn có thói quen chép những bài thơ của mình trên giấy bằng những con chữ đầu tiên học từ bác Nha, người thầy dạy chữ đầu tiên của tôi./.
 
Đỗ Văn Nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét