Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Trả bao giờ cho hết


     Gần 11 giờ đêm, đang xếp mấy đồ vặt cho chuyến công tác sớm mai thì chuông điện thoại bàn reo. Phương nhấc máy nghe rồi đưa cho Sinh, giọng đay nghiến:
     “Này của nợ nhà ông đây. Rõ thật là bôi mỡ vào người cho kiến đốt”.
     Sinh lặng người, cầm lấy ống nghe, một giọng lanh lảnh: “Anh Sinh à? Em Nhung đây…”
     Sinh không trả lời, đặt ống nghe xuống, với tay rút cái dây nối vào ổ cắm tường. Anh ngồi bần thần mấy giây rồi vội vã vào buồng vệ sinh. Lúc quay ra phòng ngủ, thấy Phương nằm quay mặt vào trong, Sinh mở máy điện thoại, đặt báo thức lúc 4 giờ rồi nằm xuống. Mai anh phải đi sớm và chuyến đi có nhiều việc phải làm. Định cố ngủ nhưng Sinh thao thức mãi.
   Cây số 40 đường 128, những vòm cây rừng rậm rạp. Dòng suối nhỏ trong vắt. Sinh và Thân men theo đường nhỏ ven suối sang trạm cơ vụ 73. Thân xách theo giò phong lan rừng đang nở rất đẹp mới lấy được hôm qua. Đơn vị cậu ta ở cách chỗ Sinh gần một giờ đi bộ, trong một khu rừng già ít bị bom đạn, mùa này phong lan nhiều lắm. Thảo nào hôm nay, cậu ta cứ sang giục Sinh đi bằng được.
    “Mày mồm miệng hơn tao, mày nói chuyện là chính đấy nhé - Thân nheo nheo mắt - Ở đó có lão Đệ, xê phó, đang tán em Nhung đấy, nhưng nó không thích đâu”.
    Cái lán lợp cọ, vách cũng bằng cọ của trung đội nữ nằm sát bờ suối. Những chiếc khăn tay trắng phơi ngay ngắn trên cái dây ở hiên cho thấy dù ở chiến trường, con gái vẫn gọn gàng hơn hẳn. Trong lán chỉ có vài người chắc là trực đêm, giờ đang ngủ.
    Nhung cũng vừa được đánh thức dậy khi có đồng hương đến. Cô cuộn cao thêm búi tóc rồi dẫn hai người ra bờ suối. Dáng cao, da xanh mai mái do sốt rét, mắt Nhung thật đẹp và ánh nhìn dịu dàng. Tháng trước, Thân kể nó mê Nhung lắm. Cùng là lính thông tin, cô cậu vẫn thỉnh thoảng gọi cho nhau bằng đường dây nội bộ. Sinh thì mới gặp Nhung một lần khi đi cắt lá tranh lợp nhà, lúc Nhung đang lên trạm giao liên. Ở chiến trường, đồng hương hàng tỉnh cũng là quí, huống hồ, Thân lại cùng huyện với Nhung.
     Chuyện cứ lan man về những người mà cả ba cùng biết cho tới lúc mấy tiếng kẻng cơm vang lên ở đâu đó phía dưới. Sinh và Thân chia tay cô bạn đồng hương. Đã lội ra giữa dòng suối mà Thân còn đứng lại nói với thêm mấy câu. “Nó yêu Nhung thật rồi” Sinh nghĩ lúc cả hai đã sang tới bờ bên này, cô gái vẫn đứng nhìn theo cho đến khi hai cậu khuất hẳn trong rừng cây lúp xúp. Trên đường về, nắng oi ả, bụng đói, lại phải đi qua mấy vạt rừng tranh cháy dở vừa nóng, vừa bụi, cả hai cứ lầm lũi bước, chẳng ai nói chuyện gì.
     Một tối, cậu liên lạc đại đội gọi Sinh lên xê bộ có điện thoại. Tưởng ai, hóa ra Thân, giọng cậu ta gấp gáp:
     “Nhung bị thương rồi, mày biết chưa?”
     “Khổ thế, có nặng không? Nó đi chi viện binh trạm 12 ở Bãi Hà tuần trước mà”.
     “Tao không biết rõ, cả trạm thông tin ở đó bị trúng bom. Nghe nói bị vào đầu. Số bị thương đưa về tuyến sau hết”.
     Sinh sững người, anh biết trạm thông tin ở đó, rừng bị bom đạn nhiều, trống trải lắm, mấy căn hầm rất khó ngụy trang.
     Tháng sau, Sinh nhận lệnh ra Bắc.
     Suốt một năm vừa ôn kiến thức phổ thông, vừa học tiếng Nga ở Trường văn hóa Quân đội là một thử thách lớn với Sinh và nhiều đồng đội cùng lứa. Mấy năm trong chiến trường họ có lúc nào nghĩ tới việc lại có ngày đèn sách thế này. Lớp học chia thành từng tổ và mỗi tổ có một giáo viên kèm cặp thêm. Rồi mọi chuẩn bị cũng hoàn tất, Sinh lên đường sang Liên Xô. Sáu năm đại học và gần 4 năm chuyển tiếp nghiên cứu sinh, anh về nước vào đúng thời kì khó khăn những năm tám mươi, nhận công tác tại một nhà máy quốc phòng ở Phú Thọ và anh cưới Phương, nhà ở Hà Nội, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu. Cuộc sống một chốn đôi quê, công việc nhiều thách thức choán hết thời gian của anh. Sinh không biết tin tức về đồng đội ở đơn vị cũ cho đến một lần về quê.
     Đang thẩn thơ chờ mẹ chọn mua thức ăn ở chợ huyện, anh gặp Phong, cùng trung đội ngày trước, quê ở Thanh Hà, đang đi bán giống cây vải thiều. Khỏi phải nói các anh mừng thế nào. Sinh kéo bằng được Phong về nhà bố mẹ mình chơi. Cho đến chiều thì tin tức về nhiều đồng đội cũ đã được Phong kể. Hơn chục năm, mọi sự thay đổi nhiều quá. Phong đã có hai con nhỏ, kinh tế rất vất vả do vợ yếu, ruộng khoán, nhà không có trâu. May mà có hơn chục cây vải của cha mẹ để lại, giờ Phong chiết cành đem bán kiếm thêm. Thân đã ở hẳn trong Nam, chẳng biết làm gì. Phong bảo: 
     “Đồng hương với nhau, tao biết thằng Thân có chí lắm, chẳng biết giờ làm ăn trong ấy thế nào mà không thấy về quê. Cái Nhung thì…mày nhớ Nhung ở trạm cơ vụ 73 không?”
     “Ừ Nhung, Nhung thì sao rồi?” Sinh hấp tấp hỏi. Phong và Nhung là người cùng huyện, thế mà Sinh cũng quên không hỏi gì về cô.
     “Hồi tao về phục viên, cũng chỉ biết nó bị tâm thần, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi. Có mỗi bà mẹ già, nhiều khi phải nhờ hàng xóm đi tìm nó về. Không phải lúc nào nó cũng điên, bình thường thì cũng chăm chỉ làm, hết làm ruộng lại mò cua bắt ốc. Hai mẹ con ở với nhau thôi. Nó như thế lấy ai chứ? Chữa chạy thì quanh quẩn mấy viên thuốc ở bệnh viện huyện là cao nhất, mà cũng chỉ những lúc nó bị phát bệnh thôi. Hai mẹ con giờ túng bấn lắm, mà mẹ nó thì già rồi.
     Mấy năm gần đây mới biết là cái Nhung được hưởng chế độ bệnh binh, nhưng đúng là tâm thần, nó mang hết giấy tờ về cất ở nhà mà chẳng nộp cho cơ quan nào cả. Bà cụ cũng chẳng biết gì, thấy nó hay giận dỗi khi mẹ động đến cái túi vải cất trong bồ thóc thì cũng thôi. Thì ra nó có đủ cả giấy ra viện, Hồ sơ giám định thương tật, giấy giới thiệu về Ty thương binh xã hội hưởng chế độ bệnh binh. Cho tao xem mà nó cứ gườm gườm như sợ tao lấy mất. Phải mấy lần đến thuyết phục cùng với cô em họ thì nó mới cho mang đi nộp. Nhưng đã hơn hai năm nay, đã hỏi mấy lần vẫn chưa có kết quả gì. Sao số nó khổ thế không biết”.
    Chuyện ấy làm Sinh bùi ngùi thương cảm vài hôm, rồi công việc, cuộc sống bề bộn lại cuốn lấy anh. Sinh chẳng có lúc nào nghĩ tới.
     Sinh được điều động về Viện nghiên cứu của Tổng cục Công Nghiệp quốc phòng do đề tài “Gia công nhiệt các dạng phi tiêu chuẩn” của anh ở nhà máy đã được đánh giá tốt, nay Tổng cục muốn phát triển đề tài để thay thế một số loại linh kiện đang phải nhập khẩu.
     Bắt đầu từ năm ngoái, Sinh tham gia gặp mặt một số anh em đơn vị cũ ở quê nhân dịp 22/12. Hóa ra họ đã âm thầm tổ chức như thế mấy năm rồi mà lúc đó Sinh mới biết. Cũng dịp ấy, chính Phong bảo anh hỏi Cục Chính sách Quân đội về trường hợp của Nhung: “Chúng tao về hết cả rồi, chỉ còn mày ở trong Quân đội, lại ở ngay gần Bộ, mày không giúp thì chẳng ai giúp được. Đấy tuần trước tao sang nhà nó, đúng lúc nó đang lên cơn. Nó chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn tao trắng dã. Mẹ nó chỉ biết khóc”.
     Sinh đã nhờ anh bạn làm ở Cục chính sách mang bộ hồ sơ vào nộp. Bạn anh bảo: “chắc là không khó vì giấy tờ còn đủ cả”. May sao chỉ gần tháng, anh đã có trong tay bản sao Quyết Định hưởng chế độ bệnh binh hàng tháng, bản kê quy đổi thanh toán số trợ cấp truy lĩnh từ khi được hưởng lên đến gần trăm triệu đồng. “Đây là quyết định của Bộ Lao động thương binh xã hội. Bản chính được gửi theo đường công văn. Phòng Lao động của huyện sẽ chi trả. Mình phải làm từ trên thế này mới nhanh được chứ cả nước, hồ sơ từ cơ sở lên nhiều lắm, đa số còn thiếu yếu tố nên chậm là thường. Có trong cơ quan này mới biết gánh nặng chiến tranh, mất mát hy sinh ghê gớm thế nào”- Bạn Sinh phân trần.
     Khi Phong báo lên là ở nhà đã nhận được trợ cấp và sổ bệnh binh của Nhung, anh vui lắm, hệt như ngày bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ mấy năm trước.
     Chuông báo thức reo đến lần hai, Sinh mới choàng tỉnh, đầu nặng chình chịch. Phương càu nhàu:      “ Anh mang chìa khóa cửa đi, tôi mệt quá, bảo anh thay điện thoại bàn đi anh chẳng thay, rồi cô ta lại cứ gọi lên, tôi chịu sao được?”. 
     Sinh không nói gì. Anh khó chịu về thái độ của vợ, nhưng tự nhủ: “cô ấy không phải người xấu, chỉ là không trong hoàn cảnh của mình nên không thông cảm thôi”. Mà cũng khó thật, từ sau khi anh mang bản gốc hồ sơ của Nhung lên Hà Nội, cứ vài tuần, Nhung lại gọi điện đòi anh mang trả. Nói với Phong thì nó bảo: “ôi giời, nó tâm thần mà, mày đừng chấp. Sai lầm của tao là cho nó biết số điện thoại nhà mày. Chỉ lúc nó điên thôi, chứ bình thường nó ơn mày lắm, mày biết không, mày là thằng bạn tuyệt vời”.
     Cái lạnh buổi sớm cuối thu làm Sinh thấy đầu nhẹ hơn. Anh ra chỗ hẹn chờ xe đứng đợi. Trời vẫn còn tối. Một người đàn bà thồ rau trên cái xe đạp cũ, chắc từ ngoại thành vào, đang oằn mình trên bàn đạp. “Cuộc đời mỗi người một số phận”. Bất giác, anh lại nghĩ tới Nhung. Rồi cô ấy sẽ còn gọi anh, còn tìm gặp anh, chỉ để đòi cái bộ hồ sơ thương tật ấy. "Làm sao bây giờ?"./.
Đỗ Văn Nghị

3 nhận xét:

  1. Đỗ Văn Nghị quả là một cây bút tung tẩy trên nhiều lĩnh vực văn chương. Từ làm thơ, bình thơ đến viết tản văn và giờ là viết truyện nữa. Có thể nói ở lĩnh vực nào bạn cũng có được những thành công nhất định. Song với riêng tôi, tôi thích thơ, bình thơ và bài tản văn về chuyện cái liềm của bạn. Còn truyện ngắn này thì tôi chưa thích lắm. Vì tôi nghĩ,truyện và kí nói chung neo đậu trong tâm hồn người đọc là bởi có những nhân vật sống động với tính cách rõ nét thông qua những cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và nhất là diễn biến tâm trạng thật cụ thể, riêng biệt. Đọc truyện của Nghị mình thấy ngôn ngữ của tác giả nhiều hơn. Thiết nghĩ nếu bạn chú trọng đến việc khắc họa nhân vật và lựa chọn những chi tiết đắt giá từ cuộc sống thực thì với vốn sống và khả năng sáng tạo của bạn, chắc chắn sẽ có những tác phẩm truyện đáng kể đấy. Cố lên nha.
    Vài ý kiến nhỏ của mình nếu có gì chưa ổn mong bạn thông cảm. Mình chỉ muốn bạn viết càng ngày càng tốt hơn thôi. Mình luôn chờ đón tác phẩm của bạn và sẽ đọc kĩ lưỡng rồi nhận xét chân thành đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cô Song Thu, chắc dạo này cô đang lo các cháu nên ít thấy viết. Nhưng em lại được cô đọc và nhận xét, thật là mừng. Em thử kể một chuyện mà em biết kĩ nhất, xem có thành truyện được không. Quả thực em không hình dung được sẽ viết thế nào cho thành truyện. Với lại, em thích đọc thơ hơn mà. Chúc cô vui khỏe ạ.

      Xóa
  2. Chuyện nhỏ trong muôn ngàn chuyện về những cuộc chiến tranh lớn của dân tộc. Em cũng như cô Song Thu, thấy thiếu một nhân vật rõ tính cách. Nhưng một lần nữa, em cảm nhận sự tàn nhẫn của chiến tranh, cảm nhận mong manh thân phận con người, nhất là những người phụ nữ. Chuyện có vẻ có hậu mà vẫn buồn làm sao...

    Trả lờiXóa