Vào khoảng giữa năm 2012, tôi biết đến bài thơ “TA VỀ” của
ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao Thông vận tải thì lấy làm thích
thú lắm . Liền sau đó tôi đã viết đôi dòng cảm nhận về bài thơ với nhan đề: TA VỀ ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA" rồi đưa lên blog
cá nhân. Ngay sau khi, bài thơ và bài bình của tôi đưa lên, đã được nhiều bè bạn gần xa
và một vài trang web chia sẻ.
Thế
rồi đến
cuối tháng 5 năm 2014, một trò cũ của " ông xã" tôi là Đào Bá Phách, vốn
từng công
tác ở Bộ Giao thông vận tải,( nay đã nghỉ hưu) biết được bài viết này
nên gửi cho
tác giả Phạm Thế Minh. Ông Phạm Thế Minh liền viết lời phúc đáp gửi cho
tôi và cả cho ông xã tôi nữa. Trong
lời phúc đáp đó, tác giả đã trao đổi thêm với tôi về hoàn cảnh ra đời
của bài
thơ và còn gửi cho tôi hai bài thơ khác ra đời cùng thời với bài TA VỀ.
Vì Thế
tôi mới hiểu thêm phần nào về tác giả và vỡ lẽ ra rằng, bài TA VỀ tôi có
trong
tay còn một vài chỗ chưa khớp với nguyên bản của nó. Tôi cũng gửi lời
phúc đáp lại tác giả nhưng nó chỉ mang ý nghĩa xã giao thôi. " Ông xã"
tôi gửi lời phúc đáp nhưng lại có tính chất trao đổi lại cùng tác giả về
nguyên tác và bản lưu truyền bài " TA VỀ"
Hôm nay,
tôi xin đăng lại bài bình cùng bức thư của ông Phạm Thế Minh, cũng như lời trao đổi lại của " ông xã" tôi để các bạn hiểu cụ
thể hơn. Tôi cũng coi đây là lời giới thiệu thêm về tác giả bài TA VỀ và đồng
thời là lời đính chính cho bài thơ tôi bình lần trước
TA VỀ- ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA
Thường
lệ, hôm nào khi tôi dậy nấu
ăn sáng thì ông xã cũng ngồi máy tính, nếu đọc được cái gì hay hoặc sáng tác
được thi phẩm nào là lại khoe ngay với vợ. Hôm nay thấy ông xã ư ử ngâm thơ,
tôi nghĩ chắc là một tác phẩm mới ra lò đây nên cố ý lắng nghe. Khi nghe đến
câu :
« Đã vào vòng xoáy
bon chen
Phẩm hàm cao sự thấp hèn
càng cao »
thì thích thú vô
cùng và buột miệng thốt lên : « Tuyệt ! Anh mới viết
à ?’
-
Đâu
có, đây là bài thơ Ta về của ông Phạm Thế Minh đấy.
-
Em
chưa nghe danh nhà thơ này bao giờ ?
-
Ông
ấy không phải nhà thơ chuyên nghiệp mà là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
-
Thế
mà làm thơ hay nhỉ ? Có thể đây là lời gan ruột đây ! Anh lần ở đâu
ra vậy ? In ra cho em một bản nhé.
-
Anh
nghe đọc bài này cách đây khá lâu rồi nhưng chưa có nguyên bản. Hôm qua đi họp
lớp, một ông bạn có nguyên bản đăng ở báo Người Hà Nội, anh bảo hắn gửi mail
cho anh đấy. Nói vậy rồi ông xã in ngay cho tôi một bản.
Ăn sáng xong, tôi ngồi đọc lại bài thơ và
càng thấy thích thú hơn. Vội vào mạng tìm hiểu về tiểu sử và con người tác giả.
Nhưng không tìm được gì. Chỉ được biết về mấy cuộc trả lời phỏng vấn của ông
thôi. Vì vậy ý định giới thiệu về tác giả và bình bài thơ này của tôi không
thực hiện ngay được.
Song bài thơ cứ bám riết vào tâm trí tôi, thúc giục tôi chia sẻ. Tôi xin
đưa nguyên văn bài thơ mà tôi có trong tay lên blog và viết đôi dòng cảm nhận
của mình về thi phẩm này để chia sẻ với mọi người
TA VỀ
Thế là hết nợ công danh
Ta về gặp lại chính mình từ đây
Mặc trời cao kệ đất dầy
Ta về làm gió làm mây riêng mình
Đã ăn nhầm bả hư vinh
Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen
Đã vào vòng xoáy bon chen
Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao
Ta về bạn với trăng sao
Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay
Ta về vui giữa tỉnh say
Để quên đi những tháng ngày đáng
quên
Để quên đi những tị hiềm
Và quên đi những nỗi niềm được thua
Sáng nay thanh thản vãn chùa
Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu chuyện kể về "Người không quen ở nhà
mình”.Cho nên dù đã về hưu, ông ta vẫn hàng ngày cắp cặp đến cơ quan; ghé chỗ
này một tý, chỗ kia một tẹo; thậm chí vẫn ngồi vào bàn làm việc của mình và phán này
phán nọ khiến cho mọi người thật khó xử và khó chịu. Lại nghe nhiều lãnh đạo
sắp phải về hưu thì chạy đôn chạy đáo mong kéo dài thêm thời gian công tác. Khi
không thể kéo dài được thì buồn lắm, tiếc lắm, hụt hẫng lắm…Chỉ có những công
chức bình thường hoặc những người lao động nặng nhọc hay trong môi trường độc
hại, được nghỉ hưu là thấy vui sướng thoải mái thôi.
Vậy mà, Phạm Thế Minh, một Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi về hưu
lại reo lên: “ Thế là hết nợ công danh”. Nhưng hình như đây không phải là tiếng
reo vui viên mãn, thoải mái của một người đã công thành danh toại, đã bằng lòng
với tất cả mà giống như sự trút bỏ một ràng buộc, một vướng mắc chi đó. Cho nên
những câu thơ tiếp theo mới là:
Ta về gặp lại chính mình từ đây
Mặc trời cao kệ đất dầy
Ta về làm gió làm mây riêng mình
Có lẽ, với ông, về hưu là trở về với con người thực của chính mình, là trở
về với sự tự do tự tại, sự thanh thản ung dung mà lúc còn tại vị không thể có
được. Nhưng dường như ẩn trong những câu thơ trên còn có một cái gì đó như là
buông xuôi như là phó mặc của một người lực bất tòng tâm : “Mặc trời cao kệ đất
dầy”. Vì ta chẳng thể làm gì khác được, ta chỉ có thể “ làm gió làm mây riêng
mình”thôi. Nhưng muốn vậy, cần phải thoát ra khỏi cái “bả hư vinh”, cái “ vòng
xoáy bon chen” trong vòng tục lụy mà bao kẻ hám danh mưu lợi cố lấn vào
Đã ăn nhầm bả hư vinh
Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen
Đã vào vòng xoáy bon chen
Phẩm ham cao sự thấp hèn càng cao
Xưa nay, ta vẫn quen nghĩ tới một phía tốt đẹp rằng danh vọng, địa vị là một cái gì
rất đỗi cao quý. Muốn vươn tới được là phải trau dồi phấn đấu không ngừng và
danh vọng càng cao thì tài càng cao và đức càng lớn. Nhưng Thứ trưởng
Phạm Thế Minh lại chỉ ra mặt trái củả nó như một nghịch lý « Phẩm hàm cao sự thấp hèn
càng cao » Liệu có phải, Ở nơi ấy, ông đã thấy được những bon chen, những mưu cầu lợi
danh làm cho không ít kẻ bất chấp mọi
thủ đoạn, đánh mất cả nhân phẩm , đánh mất chính mình ? Liệu có phải
ông đã muốn chống đối lại những thói tật xấu xa đê hèn đó nhưng chống không
nổi ? Và liệu có phải ông đã mơ hồ nhận ra rằng nếu còn tại vị, chưa chắc
ông đã thoát khỏi cái « bả hư vinh », cái « vòng xoáy bon
chen » ấy ? Tất cả mới chỉ là
giả định, thật khó mà phân tích cho cụ
thể rõ ràng được Bởi vì, xưa nay, với mỗi áng thơ, mọi sự bóc tách, khám phá nếu không khéo rất
có thể làm cho nó vốn tinh tế trở nên thô thiển chăng ? Song dẫu sao, đọc
bài thơ trên, tôi vẫn thấy, đó không chỉ
là sự khám phá, phê phán mặt trái chốn
công quyền mà nó giống như một niềm xót xa, một sự thức tỉnh bừng ngộ. Thì ra, công danh, quyền
lực, địa vị cũng chính là cái bẫy, cái bả đối với những ai không biết giữ mình.
Và chắc chắn là muốn giữ được mình ở nơi ấy cũng khó lắm thay ! Liệu có
bao nhiêu người giữ được mình trong sạch để thật sự trở thành nhà lãnh đạo của dân, vì dân ?
Và còn bao nhiêu kẻ bị cuốn vào cái « vòng xoáy bon chen » kia để
thành ra « Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » ? Dẫu bây giờ ta
chưa thể thấy hết được, nhưng ta tin rằng lịch sử sẽ phán xét công bằng và nhân
dân cũng rất công tâm. Ta hãy đọc lại
câu ca dao sau để hiểu rõ sự công tâm ấy :
Thương dân, dân lập đền thờ
Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương
Hay nhìn lại lịch sử nước nhà, chúng ta sẽ thấy rõ những ông vua sáng,
những bậc quan hiền đều được vinh danh và ngược lại, những bạo chúa, những quan
tham đều bị muôn đời nguyền rủa. Hiểu thấu đạo lý ấy, nên Phạm Thế Minh mới
muốn « quên đi những nỗi niềm được thua » trong chốn bon chen để giữ
cho lòng mình thanh sạch
Ta về bạn với trăng sao
Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay
Ta về vui giữa tỉnh say
Để quên đi những tháng ngày đáng quên
Để quên đi những tị hiềm
Và quên đi những nỗi niềm được thua
Thế rồi, sau khi đã quên những( bon chen, tị hiềm, được thua) thì tâm hồn
thật thanh thản, thanh sạch và cuộc sống hiện ra trước mắt mới đẹp đẽ, trong
trẻo, tinh khiết và đáng yêu làm sao
Sáng nay thanh thản vãn chùa
Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa
Tôi chưa hề biết một ông Phạm Thế
Minh trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và nếu có biết đi nữa, chưa
chắc tôi đã cảm phục, ngưỡng mộ ông. Nhưng đọc bài thơ này của ông, tự nhiên
tôi thấy ông thật đáng kính, đáng nể. Với tôi, ông không chỉ là một nhà thơ
đích thực ( dù cho tôi mới chỉ biết mỗi bài thơ trên của ông) mà ông còn là một
con NGƯỜI viết hoa trang trọng. Ông đã bước qua những hỗn tạp của thói đời để
đến được sự thanh sạch của tâm hồn, đã vượt qua phần “con” để đến được phần “
NGƯỜI” thuần hậu tinh khiết. Nói theo triết lý của nhà Phật thì ông đã chiến
thắng kẻ thù lớn nhất của mình- chiến thắng chính mình.
Vượt qua cái ý nói với mình, bài thơ đã chạm tới một vấn đề lớn lao và nhạy cảm chốn công đường. Vì thế, với tôi, bài thơ vừa cô đúc, khái quát như một châm ngôn về lẽ đời muôn thuở lại vừa đượm chất trữ tình sâu lắng của một con người có tâm, có tầm, có nhãn quan tinh tế.
Vượt qua cái ý nói với mình, bài thơ đã chạm tới một vấn đề lớn lao và nhạy cảm chốn công đường. Vì thế, với tôi, bài thơ vừa cô đúc, khái quát như một châm ngôn về lẽ đời muôn thuở lại vừa đượm chất trữ tình sâu lắng của một con người có tâm, có tầm, có nhãn quan tinh tế.
Sao
Đỏ: 20-6-2012
Nguyễn Vũ Song Thu
(Còn nữa)
Bài thơ hay quá và lời bình của Song Thu thì quá hay. Xin cảm ơn tác giả bài thơ và tác giả bài bình.
Trả lờiXóaMQ xin phép chép lại và tự hứa sẽ học thuộc lòng bài thơ này mặc dù bây giờ hay quên lắm.
Cám ơn chị Kim Thư đã chia sẻ và động viên em ST ạ. Có lẽ em phải mua băng dính về dính mũi vào thôi kẻo nổ mất thì chí nguy.
Trả lờiXóaHôm qua nhà em bị hỏng đường truyền nên không vào mạng được. Hôm nay mới đáp lời chị là hơi muộn. Mong chị thông cảm nha