"Cũng năm 66-67 này, một biến cố lớn đến với gia đình tôi. Đó là ông nội tôi đột ngột qua đời. Hôm ấy là ngày 12 tháng Chạp năm Bính Ngọ (22.01.1967), tôi đang chở bột mỳ từ Bến Bình về đến Quán Sui thì gặp một chiếc xe bò đi ngược chiều mà người cầm lái lại chính là bố tôi. Tôi hơi ngạc nhiên dừng xe lại hỏi thì bố tôi chỉ trả lời vắn tắt: “Ông bị ốm. Bố đưa ông đi viện”. Tôi tiếp tục đi giao hàng và khi về nhà thì biết, ngày hôm ấy trời ấm nên buổi trưa ông tôi đã tắm giặt sạch sẽ. Buổi chiều, cụ không đan lát như mọi ngày mà lại ngồi trên nhà đọc sách và viết lách gì đó. Tầm 2 giờ, tự nhiên cụ ngã ra và khó thở. Như bây giờ thì ta hiểu đó là vị “tai biến mạch máu não”, còn lúc ấy cứ bảo là bị cảm gió. Sẩm tối, bác Sánh tôi về bảo tôi đánh xe lên bệnh viện. BV huyện lúc đó sơ tán ở xã Chí Minh- cách nhà tôi khoảng 7 km. Tôi lên đến nơi thì đã khá muộn và biết ông tôi đã mất. Bác tôi và bố tôi lót chăn vào xe rồi đưa ông tôi ra và đăp lên trên một tấm chăn chiên. Sau đó bố tôi bảo tôi đánh xe về, còn hai người phải ở lại làm các thủ tục với BV. Tôi cứ nghĩ chỉ một lát sau họ sẽ xong, nào ngờ càng đi thì càng không thấy tăm hơi. Mà con đường từ Chí Minh về nhà lúc ấy còn vắng lắm, nhất là đoạn qua Dốc Mật, hai bên đường không có một nhà dân nào, toàn là rừng bạch đàn âm u. Trong màn đêm đen đặc, trên chiếc xe bò lộc cộc là thi hài của ông và đánh xe là đứa cháu 12 tuổi đầu, thật sự là tôi rất sợ. Sợ lắm. Lần đầu tiên tôi ở gần với người chết như vậy, mà lại chỉ có một mình trong đêm tối mịt mùng. Và cũng lần đầu tiên tôi hiểu được nỗi đau khi một người thân của mình vĩnh viễn ra đi. Phải gần một tiếng sau, lúc tôi đã về gần đến Sao Đỏ thì bác tôi với bố tôi mới đạp xe kịp. Bác tôi lên ngồi với tôi, còn bố tôi về trước để sửa soạn việc nhà. Hồi ấy, đám tang của ông nội tôi cũng là một đám rất to, vải trắng của con cháu, học trò, bạn bè, v.v… đến phúng viếng kéo dài hàng cây số.
Xung quanh cái chết của ông tôi cũng có nhiều chuyện khó lý giải. Dường như ông tôi biết ngày ra đi của mình hay sao ấy. Năm ấy, do chợ Ngái chuyển đi nên dù đã sang tháng Chạp ông tôi cũng không viết lá nhãn và câu đối để bán nữa mà chuyển sang đan lát cho vui. Bình thường, giờ ấy là ông tôi ngồi dưới bếp chẻ nan, đan lát nhưng không hiểu vì sao hôm ấy cụ lại ngồi ở nhà trên viết lách. Phải chăng, để khi mình đến cõi thì con cháu còn biết ngay. Lại còn tắm rửa sạch sẽ nữa chứ mặc dù đang là mùa đông giá lạnh. Còn một bằng chứng nữa rất thuyết phục là sáng hôm sau, chú ruột tôi từ nhà quê (Gia Lộc) ra, ông kêu khóc rất thảm thiết: “Chỉ vì tôi tham cấy nốt mảnh ruộng mà không gặp được bố mình”. Hỏi tại sao, chú tôi chìa cái thư ông tôi mới gửi về ra, trong đó có đoạn: “Chú (ông tôi gọi thay cháu) sắp xếp công việc ra ngoài này (Chí Linh) tôi có việc cần trao đổi, chậm nhất là trưa 12 tháng Chạp. Khi ra, chú nhớ mang theo cho tôi bức ảnh truyền thần của tôi”. Sao ông tôi lại bắt chú tôi ra trước buổi trưa ngày 12- ngày mà lúc 14 giờ ông tôi bị tai biến? Và tại sao lại phải mang bức ảnh truyền thần ra, để làm gì?... Những câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp thật thỏa đáng. Phải chăng, là một nhà nho, có hiểu biết về Tử Vi nên ông tôi đã biết trước về điều này? Còn chuyện nữa, ngay khi đưa ông tôi về đến nhà thì ông Huyên Tân Đảo- người khá thân thiết với bố tôi, đã nhận nhau làm anh em và ông Dưỡng hàng xóm sang chia buồn. Lúc đó, ông tôi chưa nhập quan, hai ông khấn vái rất thành tâm: “Cụ sống khôn, chết thiêng phù hộ độ trì cho chúng tôi sau này ra đi cũng được thanh thản, nhẹ nhàng như cụ!”. Quả nhiên, sau này hai người đó cũng ra đi rất dễ dàng, không ốm đau gì.
Ông tôi mất đi để lại một khối di cảo khá lớn- đó là mấy chục quyển sách chữ Nho, toàn loại đóng bằng giấy bản, không biết do ông tôi viết hay là sách mua. Cũng có một số cuốn viết bằng chữ quốc ngữ, chủ yếu là các bài điếu văn, câu đối… sau khi viết hộ nhà ai đó thì ông tôi chép vào. Trong gia đình thì cả bố tôi và chú Khiển tôi đều học hành lõm bõm nên không quan tâm mấy đến đống sách vở này. Vì vậy, cụ Muôn (bạn xướng họa thơ) và bác Sánh tôi (gọi ông tôi là chú ruột) là người chữ nghĩa khá hơn đã xin mang về gìn giữ và nghiên cứu. Sau năm 75, khi nằm ở Long Bình tôi được đọc một vài quyển sách về Tử Vi thì mới hiểu thêm đôi chút, và cũng qua đó mới biết đối với trẻ con dưới 13 tuổi các cụ ngày xưa chỉ xem cung Tật Ách là chủ yếu. Điều đó lý giải tại sao trong lá số của tôi, ông tôi chỉ ghi vắn tắt như trên mà không ghị cụ thể hơn về các cung khác. Đến khi được ra Bắc, tôi vào nhà bác Sánh ngay để tìm lại tập lá số Tử Vi trên thì hỡi ôi, tất cả đã tiêu tán, mục nát hết vì mối xông, vì mưa lụt. Chính vì vậy, cho đến giờ tôi cũng không biết chính xác ngày, giờ sinh của mình để tự mình lập cho mình một lá số Tử Vi".

Cụ thông hiểu nho y lý số nên tiên đoán được ngày giờ ra đi của mình đó. Cụ đúng là người có kiến thức thông tuệ thật.
Trả lờiXóa(Song Thu)