Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (38)


236. Ba tiêu 1

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ 2 mầu thâu đêm 3
Tình thư một bức phong còn kín 4
Gió nơi đâu gượng 5 mở xem.
1. Ba tiêu: cây chuối
2. Đầy buồng lạ: buồng chuối đặc biệt hơn các loài hoa quả khác.
3. Mầu thâu đêm: Mùi thơm suốt đêm
4. Phong còn kín: tầu lá chuối khi mới từ nõn chuối bung ra có dạng cuốn tròn như một bức thư còn phong kín. Thơ Trương Duyệt đời Đường bài Hí thảo thụ thi (thơ đùa cây cỏ) có câu: “Hí vấn ba tiêu diệp; Hà sầu tâm bất khai” (Đùa hỏi tầu lá chuối, buồn gì lòng chẳng mở?)
5. Gượng: Gượng nhẹ, trân trọng
237. Mộc cận 1

Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vện 2 nhơ chẳng bén Bụt là lòng 3
Chiều 4 mai nở chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không. 5
1. Mộc cận: hoa râm bụt
2. Vện: âm Hán là viện, âm nôm là vện (vết bẩn, vết nhơ)
3. Bụt là lòng: từ chữ “Phật tức tâm”
4. Chiều: ban, buổi
5. Tuyệt sắc không: rất hợp với quan niệm sắc không của nhà Phật “sớm nở, tối tàn” có đấy, không đấy.
238. Giá 1

Viện 2 xuân đầm ấm nắng sơ dồi 3
Áo tới hong hong 4 thuở mặc thôi
Ăn nước 5 kìa ai được thú
Lần từng đốt mới hay mùi.6
1. Giá: cây mía
2. Viện: chỉ tòa nhà, sân, vườn, khuôn viên
3. Nắng sơ dồi: nắng mới bắt đầu dãi lên
4. Áo tới hong hong: bẹ cây mía (áo) tới lúc tai tái khô (hong hong) thì mặc kệ nó thôi không phải chăm bón nữa, bắt đầu thu hoạch (ăn) được.
5. Ăn nước: Cây mía chỉ ăn nước, phải nhả bã
6. Mới hay mùi: biệt vị ngon ngọt của mía.
239. Lão dung 1

Tìm được lâm tuyền 2 chốn dưỡng thân
Một phen xuân tới một phen xuân
Tuy đà chưa có tài lương đống
Bóng cả 3  như còn rợp đến dân.
1. Lão dung: cây đa
2. Lâm tuyền: rừng suối, nơi hoang vắng
3. Bóng cả: da thuộc loại “cây cao bóng cả” gỗ không dùng làm nhà được nhưng cây lớn bóng mát rộng nên dân thường dùng làm cây che mát.
240. Cúc 1

Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm 2
Có mấy bầu sương 3 nhụy mới đơm
Trùng cửu 4 chớ hiềm thu đã muộn
Cho hay thu muộn tiết càng thơm.5
1. Cúc: hoa cúc
2. Đầm hâm: khí trời ấm áp
3. Bầu sương: Những giọt sương kết tụ lại thành bầu nước
4. Trùng cửu: 9/9 âm lịch
5. Tiết càng thơm: ngày 9/9 xưa là ngày tết thường uống rượu cúc làm vui.
241. Mộc hoa 1

Trời sinh vật vẫn bằng 2 người
Nẻo được thơm tho 3 thiếu tốt tươi
Ắt có hay đòi thửa phận 4
Chẳng yêu thì chớ nỡ chi cười.5
1. Mộc hoa: hoa mộc
2. Vẫn bằng: vẫn như
3, Nẻo được thơm tho: chỗ được thơm tho (thì lại không được tốt tươi)
4. Đòi thửa phận: yên theo phận của mình
5. Nỡ chi cười: ai nỡ chê cười.
242. Mạt lị hoa 1

Mui son bến phấn 2 day day 3
Đêm nguyệt đưa xuân 4 một nguyệt hay
Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận
Hồng nhan kia chớ cậy mình hay.
1. Mạt lị hoa: hoa nhài
2. Mui son bến phấn: con thuyền chở người kỹ nữ, tức người con gái giang hồ
3. Day day: đong đưa
4. Đêm nguyệt đưa xuân: Đêm trăng hoa nhài đưa hương thơm mùa xuân thì chỉ có một mình trăng là biết thôi.
243. Liên hoa 1

Lầm 1 nhơ chẳng bén tốt hòa thanh
Quân tử kham khuôn 2 được thửa danh
Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh
Riêng 3 làm của có ai tranh.
1. Liên hoa: hoa sen
2. Lầm: tiếng cổ chỉ bùn
3. Riêng: âm Hán đọc là trinh, HTC (?) phiên là riêng và hiểu là ai cũng có thể chiếm làm của riêng (không cần phải tranh giành). Cũng có thuyết phiên là Trinh và hiểu là sự trinh trắng của hoa sen không ai hơn được.
244. Hòe 1

Mống 2 lành nảy nảy bãi hòe trồng
Một phút xuân qua 3 một phút trông
Có thuở ngày hè giương tán lục 4
Đùn đùn 5 bóng rợp cửa tam công.
1. Hòe: cây hòe
2. Mống: mầm cây
3.Một phút xuân qua: chỉ thời gian trôi đi nói chung. Ý cả câu luôn luôn trông ngóng, mong mỏi, hy vọng…
4. Giương tán lục: mở rộng tán lá xanh um.
5. Đùn đùn: xum xuê, rậm rạp. cả câu lấy điển trong sách Văn kiến lục đời Tống: Vương Hựu có công lớn trong triều đình mà không được làm Tể tướng, bèn bảo với mọi người rằng, ta chẳng làm thì con ta làm. Rồi ông tự tay trồng ở sân nhà 3 cây hòe và nói: “Con cháu ta ắt làm chức tam công. Sau con thứ ba là Vương Đán quả làm chức Tể tướng. Chí khí của Vương Hựu khiến mọi người cảm phục. Tô Đông Pha có làm bài Tam hòe đường ký để ghi lại việc này.
01/10/2015
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét