Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

30 tháng 4 và bài thơ Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố


PN - Tác giả của bài thơ hay này là một cây bút rất quen biết với độc giả cả nước: nhà thơ Hưởng Triều.
 


    Trần Bạch Đằng, Trần Quang, Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý... là những bút danh khác nhau của ông. Hưởng Triều gắn bó với Sài Gòn từ thuở thiếu thời. Nhiều năm trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ông bí mật có mặt ở Sài Gòn trên cương vị một cán bộ lãnh đạo. Thành phố lớn nhất nước ở phương Nam này là một trong những cảm hứng sáng tác của ông. Bài ca khởi nghĩa viết năm 1967 là một trong những thành công đáng chú ý của Trần Bạch Đằng, được người đọc – đặc biệt các chiến sĩ quân giải phóng – yêu thích.
    Và khi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc, như nhiều nghệ sĩ khác, ông vô cùng hào hứng viết bài thơ mới – một trong những bài thơ hay nhất của ông: Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố.



Bài thơ khiến người đọc chú ý ngay từ những câu đầu tiên. Xét về hình thức nghệ thuật, có một chút cường điệu, ngoa dụ chăng?

Thế là trái đất ngừng quay
Trời nín thở. Biển ngất ngây. Bàng hoàng
Thắng rồi! Thần thoại Việt Nam
Cả thời gian, cả không gian đổi màu
Thắng rồi! Lịch sử xôn xao
Hành tinh thêm một tự hào mông mênh
Thắng rồi! Ấp ủ chung riêng!
Nhẹ lâng những cặp chim chuyền sáng nay.

    Trái đất ngừng quay/ trời nín thở/ biển ngất ngây/ thời gian không gian đổi màu... Đúng là có biện pháp tu từ, nhưng không lố, không chướng, mà phải nói như thế mới cực tả được hiện thực tâm trạng của tác giả cũng như của đông đảo nhân dân nước ta trong thời điểm lịch sử trọng đại ấy.
    Câu thơ như vang vọng những tiếng reo vui: Thắng rồi! Thắng rồi!... nhưng bản lĩnh già dặn của người chiến sĩ cách mạng đã góp phần kiềm chế sự hân hoan chính đáng nhưng có phần quá đáng trong ông. Vì vậy mạch thơ nhanh chóng chuyển ý. Tác giả đã dành những phút trầm tư để cảm nhận sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm vóc, ảnh hưởng lớn lao của chiến thắng lịch sử này:

Cao. Ai tính nổi mấy tầm?
Sâu. Ai ước nổi tột cùng mà đo?
Dài. Ai biết đến bao giờ?
Rộng. Ai đoán hết cuộc cờ năm châu?

    Ai tính nổi? Ai ước nổi? Ai biết? Ai đoán hết?... những câu thơ được đặt dưới dạng thức nghi vấn. Nhưng chẳng cần tinh tế lắm cũng rõ, thi sĩ hỏi không phải vì hoang mang bị động, mà như muốn cùng người đọc tiếp tục nghĩ suy, để đi đến tận cùng của sự thật.
    Nghĩ quá lên, sẽ là kiêu ngạo đáng ghét. Nghĩ không hết nhẽ, sẽ hạn chế lòng tự hào chính đáng của nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến việc huy động tổng lực cho công cuộc xây dựng xã hội mới... công bằng, dân chủ, văn minh.
Sáu câu tiếp theo thật chân thành, dễ thương:

Trong tay quả chín, mặc dầu
Bâng khuâng như mối tình đầu, lạ không?
Đã ôm hạnh phúc giữa lòng
Hỏi sao nhân quả xoay vòng như bay
Ba mươi năm dọn mấy ngày
Cổ kim lật sách tìm hoài – riêng ta!

    Nói là chân thành và dễ thương, vì tác giả không giấu giếm một hiện tượng tâm lý rất thật, phổ biến chứ không cá biệt: nắm trong tay thành quả của 30 năm chiến đấu không ngưng nghỉ - một thành quả vĩ đại - tự nhiên không thể không ngạc nhiên, bâng khuâng, lạ lẫm. Đó cũng là tâm trạng của Xuân Diệu ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945.
Ôi thu ơi, ta sống hay là ta chết?
    Và cũng là tâm trạng của Chế Lan Viên, thể hiện trong một bài thơ rất hay - bài 1975, năm vĩ đại và ngày vĩ đại:Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại.
    Có thể cảm nhận sâu sắc điều này: 35 năm đã qua đi nhưng kỷ niệm về những ngày lịch sử ấy vẫn tươi nguyên. Chủ yếu vì sức chấn động, lan tỏa của sự kiện ấy quá lớn. Nhưng một phần cũng nhờ những cánh thơ lấp lánh, giàu sức ám ảnh như Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố mà chúng tôi vừa trình bày ở trên. 
30/04/2010
PGS.TS Trần Hữu Tá
Nguồn: http://www.phunuonline.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét