Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Một Sa Pa…mờ sương



      Tôi đến Sa Pa đầu tháng 12. Cái rét đậm vẫn dùng dằng chưa tới, bầu trời còn đầy nắng. Ở xứ sở xa mờ này thật lạ. Trời hanh khô và nắng vàng nhạt như tiết cuối thu, nắng chan hòa là thế mà sao vẫn thấy cái khô khan buốt giá của tiết trời. Nếu cứ đi lại ngoài sân, ngoài đường, người còn vương nắng núi đồi nên cảm thấy ấm áp dễ chịu, nhưng chỉ cần vào trong nhà vài phút, cái lạnh cứ toát dần làm chân tay buốt giá đến tê cóng.
       Tôi cũng đã đến Đà Lạt với khoảng thời gian đủ cho tôi cảm nhận được hương vị rất riêng của sứ xở mù sương này. Thành phố bình yên, không ồn ào với những con đường nghiêng nghiêng dốc,  và đặc biệt không thấy ai mặc quần áo dân tộc thiểu số đi trên phố. Còn ở đây thì khác hẳn, Sa Pa ồn ã với những tà áo đủ các sắc mầu dân tộc thiểu số. Cũng vẫn tà áo ấy, cũng vẫn những viền váy nhiều nếp gấp lượn của người Mông ấy mà sao trông cứ nhẹ bẫng đi với cảm giác hẫng hụt. Cũng đúng thôi khi hàng hóa Trung Quốc tràn gập, giá cả trôi nổi bọt bèo thì tìm đâu thấy những mặt hàng thổ cẩm chính cống dệt bằng tay nữa. Mọi cái đều khác xa những tưởng tượng với những ai chưa từng đặt chân đến Sa Pa,
       Tôi có hai người bạn thân, một đứa đang sống nơi xa với những mùa đông đầy băng giá. Một đứa cứ mải mê những công việc và luôn thầm nhủ sẽ có một lần đến được với Sa Pa để ngắm tuyết rơi. Chắc hắn cứ nghĩ Sa Pa vào mùa đông rét lắm và vắng lắm. Nhưng «rét lắm» thì đúng, còn «vắng lắm» thì sai, bởi trước kia mỗi phiên chợ mọi người mới xuống phố để đi chơi hoặc mua bán một lần. Còn bây giờ, tất cả hầu như đều bị thương mại hóa... Rất đông những người tụ tập lại thành nhóm ngồi bất kỳ ở chỗ nào, Trong số đó đông nhất là những bé gái  từ 9-15 tuổi, sau đó là những phụ nữ đã luống tuổi và cả những bà già, hễ thấy khách là họ xúm lại «tiếp thị» níu kéo khách để bán hàng. Nhiều em chỉ mượn cớ bán hàng để lang thang theo khách ngoại quốc hết ngày này, đêm kia, làm phiên dịch, đưa đường cho khách thăm thú, luồn lách hết bản này bản nọ để rồi khách cho ăn, cho uống, cho tiền. Tôi đã chứng kiến các em nói chuyện với hai người Anh và một người Áo thành thạo, tự tin như người cùng bản nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng Anh nhanh như gió. Mắt tôi như hút vào những khuôn mặt còn gây thơ  «măng sữa », về đêm rét thế mà mặt em nào cũng hồng hào dù trên người chỉ mặc bộ quần áo dân tộc mỏng manh. Thế mới biết trên con đường kiếm kế sinh nhai, đồng tiền quả có sức hút mãnh liệt, và cái gì rồi sẽ là nguy cơ đe dọa cả cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Sa Pa?.
       Ngay cả CHỢ TÌNH ở đây không những đêm mà chiều nào cũng có.  Một chiều, thấy một đôi trai gái ngồi tự tình trên vách đá với vẻ mộng mơ, khi giơ máy ảnh định chụp thì..."bụp" -  một cái dù được bật bung ra, che kín chỉ còn chừa một bàn tay với ba ngón cụp xuống, ngón tay trỏ và gón cái dâng cao, chuyển động vân vê mà bất cứ ông tây hay ông ta nào cũng đều hiểu đó là động tác ...sỉa tiền mới được chụp hình.
       Tôi tha thẩn đi giữa cái mù mờ của sương, cái cập quạng của ráng chiều và cái ồn ào của chợ, vừa vui vừa buồn. Vui vì được nghe điệu khèn, điệu hát, giọng đùa nhau rôm rả giữa trai thanh gái lịch, được thấy vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của đêm cao nguyên mù sương nơi đây, buồn vì những điều mà anh bạn cùng đi cho tôi là...vớ vẩn... Cứ muốn tin rằng: Những gì tôi thấy và cảm nhận nơi đây chỉ là nhất thời cho sự mưu sinh khi cuộc sống còn thiếu thốn khó khăn, do hoàn cảnh cơ nhỡ đưa đẩy mà thôi!...

                            SaPa - 12 / 2010
                                             NTQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét