Bài 31
九月冰壺相公席上
蓬鬢萧萧黑帽紗
隨風曉入相公家
人生百歲重陽幾
秋色三分九月多
就解愁中應有酒
得行樂地可無花
芒然一醉酬佳節
長笑西風發浩歌
阮飛卿
Phiên âm
Cửu nguyệt Băng Hồ tướng công (1) tịch thượng
Bồng mấn tiêu tiêu hắc mạo sa
Tùy phong hiểu nhập tướng công gia
Nhân sinh bách tuế trùng dương (2) kỷ
Thu sắc tam phân cửu nguyệt đa
Tựu giải sầu trung ưng hữu tửu
Đắc hành lạc địa khả vô hoa
Mang nhiên nhất túy thù giai tiết
Trường tiếu tây phong (3) phát hạo ca.
Nguyễn Phi Khanh
Ghi chú:
- Băng Hồ tướng công: tức Trần Nguyên Đán.
- Trùng dương: theo Kinh dịch thì số 9 là tận cùng của số dương. Ngày 9 tháng 9, có hai số 9 nên gọi là ngày tết “trùng dương”.
- Tây phong: theo thuyết ngũ hành , “tây” thuộc kim mà kim thì ứng với mùa thu, cho nên “tây phong” hoặc “kim phong” đều chỉ gió mùa thu. Trong ca dao dân gian dịch “kim phong” thành “gió vàng”: “Gió vàng hiu hắt đêm thanh / Đường xa dặm vắng xin anh đừng về” (Ca dao).
Dịch nghĩa
Tháng chín trong bữa tiệc của tường công Băng Hồ
Tóc rối bơ phờ trong chiếc mũ sa đen
Sáng ngày theo gió vào nhà tướng công
Đời người trăm năm được mấy tết Trùng dương
Mầu sắc ba tháng mùa thu tháng chín là đậm nhất
Trong lúc giải sầu cần phải có rượu
Được nơi vui vẻ lẽ nào không có hoa?
Mơ màng say tỉnh tạ lòng giai tiết
Cười giòn trước gió tây cất tiếng hát vang.
Dịch thơ:
1.
Bơ phờ mái tóc mũ sa phong
Theo gió ban mai yết tướng công
Thu sắc ba phần dồn tháng chín
Nhân sinh trăm tuổi mấy dương trùng
Giải sầu rượu nọ rằng nên có
Hành lạc hoa kia há lẽ không
Đáp lại tiết lành say túy lúy
Cười giòn hát váng trước tây phong.
Đào Phương Bình dịch
2.
Chiếc mũ sa đen chụp tóc bồng
Sáng ngày theo gió gặp Hồ Công
Đời người trăm tuổi mấy Trùng cửu
Cảnh sắc mùa thu tháng chín nồng
Trong lúc giải sầu đành rượu có
Được thời vui vẻ há hoa không
Mơ màng say tỉnh cùng thu đẹp
Hát váng cười to thật thỏa lòng.
Đỗ Đình Tuân dịch
Bài 32
送行人杜從周
芹水春風佳殿秋
科場歷歷憶同遊
君今又作行人去
我獨胡为省屬留
嶺驛雲開豪跨馬
湖潮雪淨穩豋舟
丈夫送別何須淚
一笑相看撫蒯糇
阮飛卿
Phiên âm
Tống hành nhân Đỗ Tòng Chu
Cần thủy xuân phong quế điện thu
Khoa trường lịch lịch ức đồng du
Quân kim hựu tác hành nhân khứ
Ngã độc hồ vi sảnh thuộc lưu
Lĩnh dịch vân khai hào khóa mã
Hồ triều tuyết tịnh ổn đăng châu
Trượng phu tống biệt hà tu lệ
Nhất tiếu trường khan phủ khoái hầu.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa
Tiễn quan hành nhân Đỗ Tòng Chu (1)
Gió xuân bến cần (2) mùa thu cung quế (3)
Còn nhớ như in bạn cùng đi thi nơi khoa trường
Nay ông lại ra đi làm chức hành nhân (4)
Riêng tôi ở lại làm thuộc viên của sảnh
Trạm ngũ lĩnh mây quang hào hứng lên ngựa
Mặt ngũ hồ tuyết ráo êm ái xuống thuyền
Lúc tiễn biệt bậc trượng phu cần chi rơi lệ
Chỉ cười nhìn nhau vỗ vào bao gươm cỏ khoái là đủ
Ghi chú
- Đỗ Tòng Chu: chưa biết là ai. Qua nội dung câu 1 và câu 2 bài thơ có thể biết đây là một người đã từng dự kỳ thi hương và cùng vào Quốc tử giám với tác giả.
- Cần thủy (hay bến cần) : lấy ý từ hai câu thơ trong bài Phán Thủy (Kinh thi) « Tư lạc phán thủy bạc thái kỳ cần » (Vui thay Phán thủy hãy hái rau cần) : hái rau cần là nói người được tuyển dụng trong nhà quốc học.
- Mùa thu điện quế : ngày xưa khoa thi hương mở vào mùa thu và theo truyền thuyết thì trên cung trăng có cây quế. Do đó nói bẻ cành quế ở cung trăng tức là nói việc đi thi.
- Hành nhân : một chức quan trong sứ bộ (phái đoàn đi sứ) ngày xưa.
- Ngũ Lĩnh, Ngũ Hồ là những cảnh các sứ giả hay nhắc đến
- phủ khoái hầu (vỗ bao gươm cỏ khoái) : lấy tích từ Mạnh Thường Quân truyện chép rằng : Phùng Hoan, nhà rất nghèo, chỉ có một thanh gươm, vỏ gươm bện bằng thứ cỏ khoái (một thứ cỏ dại). Nhưng Phùng Hoan có nhiều mưu trí, giúp Mạnh Thường Quân giải quyết được nhiều công việc khó khăn. Ý câu này muốn chúc Đỗ Tòng Chu hoàn thành sứ mệnh.
Dịch thơ :
1.
Cần thủy tin xuân quế Quảng Hàn
Khoa trường nhớ lại nghĩa kim lan
Hành nhân mừng bác đang đi tới
Sảnh thuộc sao mình vẫn ở yên
Lên ngựa khi mây Mai Lĩnh mở
Xuống thuyền lúc tuyết Động Đình tan
Trượng phu khí khái nhờn ly biệt
Vỗ vỏ gươm cười cởi tấm gan.
Đào Phương Bình dịch
2.
Cung quế bến cần cũng một phen
Bây giờ tôi vẫn nhớ như in
Ra đi bác đã hành nhân chức
Ở sảnh tôi thì vẫn thuộc viên
Trạm Lĩnh quang mây ông cưỡi ngựa
Bến Hồ tuyết tạnh bác lên thuyền
Trượng phu tiễn biệt không rơi lệ
Vỗ nhẹ bao gươm cỏ khoái mềm.
Đỗ Đình Tuân dịch
7/4/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét