Nguyễn Phi Khanh
(1356-1429)
Nguyễn Phi Khanh vốn tên là Nguyễn ứng Long, hiệu là Nhị Khê, người làng Chi Ngãi huyện Phượng Sơn (sau đổi là Phượng Nhỡn), lộ Lạng giang (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Sau di cư đến huyện Thường Phúc, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô, xứ Sơn Nam thượng (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) dạy học. Nguyễn ứng Long xuất thân nghèo khổ nhưng có tài nên được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán mời làm gia sư để “kèm cặp” cho cô con gái lớn là Trần Thị Thái (Theo Nguyễn Trãi kể thì mẹ ông là con thứ ba của Trần Nguyên Đán).
Không ngờ thày trò yêu nhau làm cô Thái có thai. Trước tình thế “nguy hiểm” ấy, Nguyễn ứng Long đã vô cùng hoảng sợ bèn bỏ trốn. Rất may là Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vốn biết người và độ lượng đã cho tìm về và nói với Ứng Long rằng: “Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như sao? Nếu được như Tương Như để tiếng đời sau thì ta cũng bằng lòng”. Ngay sau đó ông đã tác thành cho đôi trẻ và tạo điều kiện cho Nguyễn Ứng Long dùi mài kinh sử.
Không ngờ thày trò yêu nhau làm cô Thái có thai. Trước tình thế “nguy hiểm” ấy, Nguyễn ứng Long đã vô cùng hoảng sợ bèn bỏ trốn. Rất may là Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vốn biết người và độ lượng đã cho tìm về và nói với Ứng Long rằng: “Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như sao? Nếu được như Tương Như để tiếng đời sau thì ta cũng bằng lòng”. Ngay sau đó ông đã tác thành cho đôi trẻ và tạo điều kiện cho Nguyễn Ứng Long dùi mài kinh sử.
Từ đó Nguyễn ứng Long ra sức học hành sôi kinh nấu sử mong đáp lại ý nguyện của Trần Nguyên Đán. Năm 1374, lúc mới có 19 tuổi ông đã đỗ Tiến sĩ. Những người cùng thi đỗ với ông lần lượt đều được triều đình bổ dụng. Riêng trường hợp của Nguyễn Ứng Long thì Thượng hoàng Nghệ Tông phán rằng: “Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quý, là kẻ dưới mà phạm người trên, bỏ không dùng”. Vì thế mà suốt 26 năm còn lại của nhà Trần, Nguyễn ứng Long không được ra làm quan,chỉ ngồi dạy học ở làng Ngọc ổi. Học trò làng Ngọc ổi sau này nhớ ơn ông mới đổi tên làng mình từ Ngọc Ổi thành Nhị Khê.
Đến thời Hồ Quý Ly ông mới đổi tên là Nguyễn Phi Khanh và ra làm quan cho nhà Hồ. Lần lượt thăng trải qua các chức: Học sĩ Viện hàn lâm,Thông chương đại phu, Tư nghiệp Quốc tử giám… Khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại, ông cùng với nhiều quan chức khác đều bị bắt đưa về Kim Lăng (Trung Quốc). Một người con trai của ông là Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi) đi theo cha, sau khi ông mất, di hài ông được mang về nước, chôn cất tại núi Báo Đức, thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh ngày nay.
Nguyễn Phi Khanh còn để lại các tác phẩm: Nhị Khê thi tập, Nguyễn Phi Khanh thi văn tập, Thanh Hư động ký, Diệp mã nhi phú. Nguyên cảo các sách này viết bằng chữ Hán và đều thất truyền. Số thơ văn hiện còn đến ngày nay là được chép trong các tập: Việt âm thi tập, Quần hiền phú tập, Toàn Việt thi lục...Sau đây chúng tôi xin trích giới thiệu một số ít bài:
Bài ký động Thanh Hư 1
(Bản dịch bài Thanh Hư động ký)
Trong việc “xuất”, “xử” của kẻ hiền đạt, thì “xuất” là để hành động theo lẽ trời, “xử” là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh, chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại thì đâu được như thế?
Tướng công Băng Hồ 2 của ta, lấy cái tài trời xây núi dựng để quyết định mưu lược cho nhà vua, làm rường cột cho tông xã. Khi xẩy ra cuộc biến Đại Định 3, Người đã có công dẹp yên nội loạn. Trong lúc vận nước đương như treo trên sợi tóc, Người một mình gánh vác công việc của những ngày nước nhà điêu đứng vậy. Đó chính là buổi đầu của việc xây dựng trời đất. Nếu không phải Người đã hành động theo lẽ trời thì có thể làm như thế được chăng? Đến khi tình hình hỗn loạn đã được dập tắt, hiệu quả của việc nhân nghĩa đã tỏ rõ, vương nghiệp đã vững như âu vàng, nước nhà đã yên như bàn thạch, thì cái chí của Lưu Hầu, Tấn Công 4 mới mạnh mẽ như không có gì ngăn cản được Người nữa, đây lại là một dịp để tỏ rõ sự sáng suốt giữ mình của Người vậy. Nếu không phải Người biết tìm thú yên vui theo lẽ trời, lại có thể như thế được chăng?
Bấy giờ Người mới tâu xin một khu đất hoang ở Côn Sơn,5 sắp đặt cất một ngôi nhà để làm nơi lui về nghỉ ngơi. Hai đức vua 6 khen ngợi công lao trước đây của Tướng công, không ép buộc cái chí của Người, vì vậy thể theo với ý của Người. Người bèn tìm nơi thích hợp, xem xét hình thế. Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là nguồn suối được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ các nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, Chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một mầu xanh, khu đông vây bọc, những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là “Thanh Hư động”.
Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng 7tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá, ý đều là để nêu công lớn trước đây cuả Người, và cũng là để tỏ sự khuyến khích và khen ngợi Người vậy. Sau khi Người từ giã triều đình về nghỉ ở đây, có khi rong ngựa chơi vùng Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than 8. Hoặc có lúc cùng bạn như Tạ Phó đi chơi núi, hoặc có lúc hát bài từ “Quy khứ” của Đào Tiềm 9. Đầu bịt chiếc khăn, lững thững bên đèo. Khói ngàn , ráng đỏ, như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng, hoa suối, hoặc mầu biếc đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu, trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như đã hòa với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật. Ôi! trong vũ trụ, tạo hóa bày ra những cảnh như thế để chờ đợi người cũng nhiều. Nhưng dịp thành công như Tiêu Hà 10 là người chỉ huy có tài còn bị cùm trói; Mã Viện 11 là người có mối chí thân trong tiêu phòng còn bị dèm pha, đó chẳng phải là họ làm nên công trạng, mà không biết con đường lui đó ư ? Đến như Vĩnh Thúc 12 mười lần dâng sớ xin nghỉ, mà chí nhớ đất Dĩnh chưa thỏa, Ôn Công 13 một năm ốm đến sáu tháng, mà lòng nhớ đất Lạc không nguôi, đó chẳng phải là việc lui về nghỉ ngơi cũng có khi phải chờ đợi mà khó được đó ư ?
Nay Tướng công ta, lúc đầu trời đã giúp cho cái hội công danh; về sau lại dành cho cái thú sơn thủy, khỏi được tiếng thành công mà không biết đường lui, khỏi cái nỗi phải thở than vì lui về không được. Ấy là khi “xuất” với “xử”, khi “động” với “lạc” đều là theo lẽ trời. Vậy còn phàn nàn gì về cái ý tạo vật đã đãi người? Ôi! thân phận một kẻ đại thần, khi tiến, khi lui, đều có quan hệ đến vận mệnh của nước nhà, cho nên người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, nào phải như kẻ bỉ phu thờ vua, đã lo được lại lo mất, khi được thì a dua, nịnh hót, chẳng việc gì là chẳng làm; khi mất thì hắt hủi bỏ đi, trong lòng hậm hực. Như vậy, sao đáng cùng họ mà bàn việc “xuất” và “xử” của người hiền đạt được?
Than ôi! Trời đất quang tạnh khó lường; hào kiệt kinh luân có hội. Ứớc gì được bay bổng lên giữa khoảng trời trong mát, xanh biếc kia để cùng vui chơi ở chỗ mà tạo hóa đã sắp đặt để chờ Người?
Tháng chạp năm Giáp Tý,
niên hiệu Xương Phù thứ tám(1384)
niên hiệu Xương Phù thứ tám(1384)
Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh ghi
Trần Lê Sáng dịch
Chú thích:
1-Động Thanh Hư: ở núi Côn Sơn, trước thuộc huyện Phượng Sơn, nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
2-Băng Hồ: tên hiệu của Trần Nguyên Đán, nhạc phụ của Nguyễn Phi Khanh.
3-Đại Định: niên hiệu của Dương Nhật Lễ.
4-Lưu Hầu: tước phong của Trương Lương, người đời Hán. Tấn Công: tước phong của Bùi Độ, người đời Đường. Hai người này sau khi lập được công lớn đều xin về nghỉ.
5-Côn Sơn: tên một quả núi , trước thuộc huyện Phượng Sơn, nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
6-Hai đức vua: chỉ Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông.
7-Thái Thượng hoàng: chỉ Trần Nghệ Tông.
8-Miền Bình Than: vùng sông Lục Đầu, nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
9-Tạ Phó: tức Tạ An. Tạ An và Đào Tiềm là những nhà ẩn dật nổi tiếng đời Tấn bên Trung Quốc.
10-Tiêu Hà: Một trong những công thần của Hán Cao Tổ (Lưu Bang), giữ chức Tướng quốc. Trong thời kỳ làm quan có lần ông bị bắt giam. Về sau nhà Tây Hán tìm cách giết công thần, Tiêu Hà phải đi ở ẩn để lánh nạn.
11-Mã Viện: danh tướng nhà Đông Hán, có con gái làm Hoàng hậu. Có lần Mã Viện đi đánh giặc, đem về mấy xe ý dĩ, có người nói dèm với vua rằng ông mang mấy xe vàng ngọc về nhà.
12-Vĩnh Thúc: tên chữ của Âu Dương Tu, người đời Tống. Ông là một hiền sĩ nổi tiếng, có chí ẩn dật, đất Dĩnh là quê của ông.
13-Ôn Công: biệt hiệu của Tư Mã Quang, một người hiếu học đời Tống, bị Vương An Thạch đầy ra đất Lạc. Sau về làm Tể tướng được tám tháng thì mất
Một số bài thơ:
家園樂
故園亂後有先盧
六歲兒童頗愛書
啼鳥落花深巷永
涼風殘夢午窻虚
心從閑處千憂失
学到充時四體舒
逐物勞人休誤我
安仁志已遂幽居
阮飛卿
Phiên âm
Gia viên lạc
Cố viên loạn hậu hữu tiên lư
Lục tuế nhi đồng phả ái thư
Dề điểu lạc hoa thâm hạng vĩnh
Lương phong tàn mộng ngọ song hư
Tâm tòng nhàn xứ thiên ưu thất
Học đáo sung thời tứ thể thư
Trục vật lao nhân hưu ngộ ngã
An nhân chí dĩ tại u cư.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa:
Thú quê nhà
Sau loạn trong vườn cũ còn mái nhà xưa
Đứa trẻ sáu tuổi đã ham đọc sách
Chim kêu hoa rụng ngõ sâu vắng vẻ
Gió lạnh mộng tàn song trưa trống trải
Lòng hướng về cái nhàn ngàn mối lo tan hết
Học đến mức sung mãn chân tay thư thái
Chạy theo vật dục người đời nhọc nhằn ta chớ lầm nữa
Được ở chỗ thanh u chí an nhàn đã toại rồi.
Dịch thơ
Loạn về vườn cũ nhà xưa
Đứa con sáu tuổi đã ưa sách đèn
Chim kêu hoa rụng trước thềm
Ngõ sâu gió lạnh mộng tàn song trưa
Hướng nhàn lòng hết âu lo
Học càng sâu rộng càng thư thái người
Chạy theo vật dục kệ đời
Chí nhàn ta đã toại rồi u cư.
Đỗ Đình Tuân dịch
遊崑山
一筇山上柱雲烟
回首塵埃路隔千
雨後泉聲流簌簌
天晴嵐氣淨涓涓
百年浮世人皆夢
半日偷閑我亦仙
兴去欲來僧院宿
昏鍾崔月挂峰前
阮飛卿
Phiên âm
Du Côn Sơn
Nhất cùng sơn thượng trụ vân yên
Hồi thủ trần ai lộ cách thiên
Vũ hậu tuyền thanh lưu tốc tốc
Thiên tình lam khí tịnh quyên quyên
Bách niên phù thế nhân giai mộng
Bán nhật thâu nhàn ngã diệc tiên
Hứng khứ dục lai tăng viện túc
Hôn chung thôi nguyệt quải phong tiền.
Dịch nghĩa
Chơi Côn Sơn
Một cây gậy trúc chống khói mây trên núi
Ngoảnh lại chốn bụi bặm đường cách xa nghìn dặm
Sau mưa tiếng suối chảy ầm ầm
Trời tạnh lam chướng sạch làu làu
Cuộc phù thế trăm năm người người đều như mộng
Trộm cái nhàn nửa ngày ta cũng là tiên
Hứng đã hết muốn đến chùa nghỉ
Chuông chùa dục trăng treo trước núi.
Dịch thơ
Gậy trúc trên non chống khói mây
Ngoái nhìn trần thế cách nghìn cây
Sau mưa tiếng suối ầm ầm chảy
Trời tạnh sương lam phảng phất bay
Phù thế trăm năm người thảy mộng
Nửa ngày nhàn thú tớ tiên đây
Hứng vơi muốn đến nhà chùa nghỉ
Chuông giục trăng treo trước núi này.
Đỗ Đình Tuân dịch
村居感事寄呈冰壺相公
稻畦千里赤如燒
田野咻嗟意不聊
后土山河方滌滌
皇天雨露正迢迢
吏胥網罟渾多竭
民命膏脂半已消
好把新詩當奏牘
只今卧病未能朝
阮飛卿
Phiên âm
Thôn cư cảm sự ký trình
Băng Hồ tướng công
Đạo huề thiên lý xích như thiêu
Điền dã hưu ta ý bất liêu
Hậu thổ sơn hà phương địch địch
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu
Hảo bả tân thi đương tấu độc
Chỉ kim ngọa bệnh vị năng triều.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa :
Ở quê xúc động trước sự việc xẩy ra
gửi trình tướng công Băng Hồ
Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy
Đồng quê than van không biết trông cậy vào đâu
Non sông của Hậu thổ (1) đang nứt nẻ
Mưa mọc của Hoàng thiên (2) hãy còn xa vời
Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt
Mỡ màng củ dân đã cạn mất nửa
Xin đem bài thơ mới này thay cho tờ tấu
Hiện nay đang nằm trên giường bệnh chưa thể đến chầu được.
Ghi chú :
1. Hậu thổ : thần đất
2. Hoàng thiên : trời
Dịch thơ
Lúa đồng ngàn dặm đỏ như thiêu
Thôn xóm than phiền chẳng chỗ kêu
Đất rộng mênh mông đều nứt nẻ
Trời cao thăm thẳm cứ trong veo
Tham quan miệng lưỡi vơ hầu hết
Mầu mỡ dân gian nửa đã tiêu
Dâng áng thơ này thay biểu tấu
Hiện đang nằm bệnh chửa lai triều.
Đỗ Đình Tuân dịch
客路
生世那堪賤丈夫
離襟忍帯淚痕枯
日沉建嶺冥投舘
雪霽長州曙戒途
天地未容斯道捨
江山肯外此身孤
明詩倘效毫分補
萬里寜辭我僕痡
阮飛卿
Phiên âm
Khách lộ
Sinh thế na kham tiện trượng phu
Ly khâm nhẫn đới lệ ngân khô
Nhật trầm Kiến Lĩnh minh đầu quán
Tuyết tĩnh Trường Châu tự giới đồ
Thiên địa vị dung tư đạo xả
Giang sơn khẳng ngoại thử thân cô
Minh thời thảng hiệu hào phân bổ
Vạn lý ninh từ ngã bộc phu.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa
Đường khách
Sống trên đời chịu sao được tiếng trượng phu hèn
Vạt áo chia ly đành mang theo ngấn lệ khô
Mặt trời lặn trên Kiến Lĩnh (1) nhá nhem tìm quán trọ
Tuyết ráo đất Trường Châu (2) tảng sáng dậy dò đường
Trời đất chưa nỡ để đạo này bị xóa bỏ
Non sông cũng chưa bỏ ra dìa tấm thân cô đơn này
Ví chăng có gắng gỏi báo đáp được mảy may nào cho đời thịnh
Đường đi vạn dặm dù thầy tớ mệt nhoài đâu dám từ nan.
Ghi chú: 1+2 đều chưa rõ là vùng nào (?)
Dịch thơ
Chịu sao được tiếng trượng phu hèn
Vạt áo chia ly khô lệ hoen
Kiến Lĩnh bóng chìm tìm quán trọ
Trường Châu tuyết ráo dặm đường lên
Sâu xa đạo ấy trời đâu bỏ
Đơn độc thân này nước chẳng quên
Gắng gỏi chút công phò nước thịnh
Dù xa khó mấy nguyện gan bền.
Đỗ Đình Tuân dịch
題玄天寺
仙家一簇聳雲岑
路入煙蘿窅窕深
樹影長年圍古簡
花枝清午囀幽禽
官閑我得修身訣
老去天知学道心
若見赤松憑寄語
佳遊何日果幽尋
阮飛卿
Phiên âm:
Đề Huyền Thiên tự (1)
Tiên gia nhất thốc tủng vân sàm,
Lộ nhập yên la yểu điệu thâm.
Thu ảnh trường niên vi cổ giản;
Hoa chi thanh ngọ chuyển u cầm.
Quan nhàn ngã đắc tu thân quyết,
Lão khứ thiên tri học đạo tâm.
Nhược kiến Xích Tùng 2 bằng ký ngữ,
Gia du hà nhật quả u tầm.
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa:
Đề chùa Huyền Thiên
Một tòa nhà tiên cao ngất từng mây,
Đường vào dây leo khói phủ sâu thăm thẳm.
Bóng cây quanh năm vây dòng suối cũ,
Buổi trưa thanh vắng trên cành hoa vẳng tiếng chim líu lô.
Quan nhàn hạ ta tìm được bí quyết tu thân,
Già đi rồi lòng học đạo đã có trời biết.
Nếu thấy vị tiên Xích Tùng nhớ nhắn một lời,
Đến ngày nào mới có cuộc chơi hứng thú ở chốn thanh vắng.
Ghi chú
1. Huyền Thiên tự : tên một ngôi chùa xây dựng từ đời Lý, Mở rộng quy mô ở đời Trần, hiện nay vẫn còn dấu tích và được dân địa phương bước đầu xây dựng lại. Huyền Thiên tự nay thuộc địa phân khu dân cư Hữu Lộc phường Văn An thị xã Chí Linh.
2. Xích Tùng : Biệt hiệu của một vị tiên.
Dịch thơ
Nhà tiên một khóm cao cao
Dây leo khói phủ đường vào âm âm
Cây rừng vây suối quanh năm
Líu lo chim hót trên cành hoa trưa
Quan nhàn ta học phép tu
Già rồi trời có biết cho lòng này
Xích Tùng xin hỏi có hay
Bao giờ mới được thú này tại đây ?
Đỗ Đình Tuân dịch
18/4/2012
Đỗ Đình Tuân
18/4/2012
Đỗ Đình Tuân
Tôi cho rằng ông Đỗ rất tâm đắc với bài khảo cứu này .Phải không ?
Trả lờiXóa