Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 30

    (Tiếp theo và hết)
                           

       Đầu năm 1973 Trung đoàn bộ trung đoàn 30 về đóng quân tại con sông Nậm Cốc, con sông này mùa khô thì rất hiền lành, nước trong vắt và nông thôi. Thế mà mùa mưa sao nó hung dữ vô cùng, nước đỏ ngàu cuồn cuộn chảy thật là khủng khiếp. Nhưng bù lại 2 bên bờ sông măng le nhiều vô kể, loại măng ngọt dễ ăn không đầy bụng mà chỉ có ở rừng Lào và nhất lại là ở 2 bên bờ sông Nậm Cốc- nơi Trung đoàn đóng quân mới nhiều như vậy. Ngày nào không phải đi kiểm tra tuyến đường thì lại cùng anh em nuôi quân ra bờ sông lấy măng về cải thiện.
    Năm nay ở Lào im hẳn tiếng máy bay vì (Mĩ đã ký hiệp định ngừng bắn với Lào) nên Trung đoàn chỉ còn lo đánh quân thám báo, biệt kích và Phỉ Hoàng Pao thôi để bảo vệ cho các đoàn quân đi vào phía trong.
     Khoảng thời gian này, Trung đoàn 30 vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm. Xe của Trung đoàn đưa Chính ủy cùng Trung đoàn trưởng ra ngầm Tà Lê để đón đoàn.
      Vì an toàn của chuyến đi, xe phải qua đoạn đường dài 50km, dưới lòng con suối cạn, nước săm sắp chỉ 20 phân, đá cuội lởm chởm thật khó đi. Xe cứ lắc ngang, lắc dọc, nhảy chồm chồm, người mệt lả. Hôm nay không thấy Chính ủy tán chuyện và cười nữa vì đường quá khó. Thế rồi cũng đến được địa điểm đón đoàn là đỉnh đèo Phu Li Nhích - một trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng. Mà cách ngày đón đoàn khoảng 3 năm thì nơi đây vô cùng ác liệt. Cứ 15 phút lại có một trận bom tọa độ và B52 rải thảm nên bây giờ, giũa ban ngày đất đỏ quạch vẫn còn khét lẹt mùi thuốc bom. Đứng trên đỉnh đèo cứ nghĩ mãi cái ngày nhập tuyến năm 1970 nó kinh sợ thế nào.
    Thế rồi đoàn xe của đại tướng đến. Nhìn những chiến sĩ công binh ăn mặc chỉnh tề, tay cầm 2 lá cờ đỏ phất chỉ đường mà thấy uy nghiêm vô cùng. Xe của Trung đoàn đi đầu đi đoàn khách về Trung đoàn Bộ. Trong đoàn của Đại tướng có nhà thơ Chế Lan Viên, đúng là nhà thơ cách mạng, con người bình dị nhưng xuất khẩu thành thơ. Lúc đó chính ủy Thảo vui quá có hỏi: “Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi, gia đình ra sao?”. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc ngay: “Trải qua 27 năm trường/ Ăn cơn tập thể nằm giường cá nhân”. Chính ủy Thảo cười cười, hình như chính ủy đã hiểu, còn tôi thì trả biết thế nào gia cảnh làm sao mà tính tuổi cho nhà thơ.
     Hôm sau, đoàn khách của Đại tướng lên đường đi thăm đơn vị khác. Còn Tôi được lệnh đưa chính ủy và Trung đoàn trưởng đi Quảng Bình. Xe chạy một ngày đến chiều tối mới tới bến phà Long Đại, sang bên kia là xã Hiền Linh, huyện Lệ Thủy, nơi Bộ tư lệnh 559 đại hội tổ chức mừng công. Năm nay Bộ tư lệnh 559 mở Đại hội thật là hoành tráng, băng rôn khẩu hiệu, cờ rực rỡ một màu đỏ. Điện kéo thắp sáng cả xã Hiền Linh mà chỉ bằng hai máy phát điện. Tất cả chúng tôi ở chiến trường về dự hội nghị cùng người dân xã Hiền Linh thì thấy một điều mới lạ.
     Ngay chiều hôm mới đến, các đại biểu dự hội nghị mỗi người được phát một bộ quân trang, một đôi giày đen. Tối hôm ấy chính ủy bảo "đã lâu rồi tớ mới được đi một đôi giày đen đẹp thế, thôi đi luôn nằm ngủ cho nó bõ…còn đôi giày cũ tớ cho cậu”. Suốt ba ngày đại hội mừng công, sáng ra hai thủ trưởng thì đi họp, còn tôi thì cứ đi xem các đoàn văn công từ Bắc vào biểu diễn. Cái đêm thứ ba thật là đáng nhớ. Để chào mừng thành công đại hội, hình như Bộ tư lệnh 559 dồn tất cả vào những màn pháo hoa cực kỳ đẹp, sáng rực cả vùng hai bên bờ sông Long Đại. Mà mấy năm trước, hai bên bờ sông này đầy bom từ trường hòng ngăn chặn những đoàn xe của đoàn 559 ra trận. Đó là những điều thật là ý nghĩa trên dòng sông của xã Hiền Linh, Lệ Thủy, Quảng Bình.
    Hôm sau chính ủy nói “Bây giờ chúng ta về thăm quê”. Thế là tất cả đều vui sướng. Sau mấy năm trời xa nhà đi chiến đấu, bây giờ về thì không biết gia đình vui mừng đến đâu. Chả thế mà trên đường từ Quảng bình về đến bến phà Phả Lại, mới có khoảng 4 giờ chiều nhưng xe chúng tôi lại phải chờ phà lâu quá, sao hôm nay bến phà đông xe thế mà phà thì lại chạy chậm, sang đến bên kia sông đã hơn 5 giờ chiều rồi. Ngồi trên xe Chính ủy nói “Đến đây tớ thuộc đường rồi, cậu chạy thẳng về nông trường chè Sao Đỏ". Chính ủy vào nhà còn tôi quay đầu xe cùng Trung đoàn trưởng về Hiệp Hòa, Hà Bắc kẻo trời muộn, bến phà lại đông. Đấy, ở chiến trường ra về thăm quê là thế đó, toàn vội vàng thôi.
     Sau hai mươi ngày về thăm nhà, hôm nay là đến ngày vào đơn vị. Tôi và Trung đoàn trưởng vào đón Chính ủy đi cũng là chiều rồi. Lần này đàng hoàng hơn còn vào nhà, nước nôi nhưng cũng chỉ khoảng một tiếng. Tối hôm đó ra ăn cơm và ngủ ở Hà  Nội, nhà số 3 trên đường Ông Ích Khiêm. Hồi đó thoáng đãng lắm, xe đỗ cả đêm chẳng làm sao. Nhưng tối hôm đó thì tôi lại bị sốt rét ngủ ngoài xe người run cầm cập. Cứ tưởng là hôm sau không đi được. Chính ủy vào lấy thuốc sốt rét cho tôi uống để sáng hôm sau còn tiếp tục hành quân. Nhưng không sao người lính đã quen với sốt rét rồi.
    Vào đến đơn vị lúc này theo yêu cầu của cấp trên. Trung đoàn 30 chuyển quân từ nước bạn Lào về Quảng Nam. Bảo vệ và nâng cấp con đường 14 mà các nhà thơ thường gọi là Đông Trường Sơn đấy.
    Trung đoàn về đóng quân tại một khu rừng còn nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ toàn là lim, sến, táu. Đặc biệt ở đây có một loại cây ăn quả rất ngon. Bộ đội ta ăn đến no bụng mà không làm sao cả. Nguời dân Quảng Nam gọi là quả Boòng Boong. Từ những cây gỗ lim ấy trung đoàn đã bắc một cây cầu phao qua dòng sông Bung. Thế là các đoàn xe pháo nườm nượp qua cầu mà không gặp một trở ngại nào.
    Đầu xuân năm sau, tôi đưa đoàn cán bộ trung đoàn ra Quảng Bình công tác 15 ngày. Về đến trung đoàn bộ tôi cầm gói thuốc lào Thanh Hóa đến phòng “Anh Việt” rủ cùng lên biếu Chính uỷ Thảo quà từ Quảng Bình vào. Anh Việt nói “Chính uỷ Nguyễn Hữu Thảo đã chuyển đơn vị khác rồi, mới đi được năm hôm thôi”.
   Thế là từ đây tôi không biết Chính uỷ ở đâu? Cuộc đời Thủ trưởng và người lính cận vệ chia tay nhau thật là đơn giản thế. Những ký ức về ông cứ theo tôi suốt hành trình. Mãi đến năm 2009, tôi và Thế mới biết được ông đã yên nghỉ ở Thành phố Nha Trang.
Tất cả những kỷ niệm thời máu lửa của Ông và những người lính trung đoàn 30 vẫn còn nguyên vẹn…
                                         
                                                            
                      Bắc Giang, ngày 28 tháng 04 năm 2012
Hà Văn Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét