Trấn tĩnh lại một chút, chị cất giọng buồn buồn: “Nhưng như thế đâu đã hết. Những ngày sau đó còn khổ cực hơn nữa chứ. Đã tưởng nằm trên xà nhà là ổn rồi, ngờ đâu nước cứ dâng lên mãi. Đến đêm thứ ba thì ngập luôn cả xà nhà. Hai vợ chồng đang ngủ thì thấy nước xâm xấp dưới lưng, vội vàng trở dậy thì thấy nước đã ngập cả cái vạc giường mà còn tiếp tục lên nữa. Anh Triển vội dỡ mấy viên ngói trên đầu rồi hai vợ chồng chui ra. Chẳng biết chạy đi đâu đành ngồi ôm nhau chờ trời sáng trên nóc nhà”. Tôi im lặng chẳng biết nói gì. Quả thật là hiếm có một đám cưới, một đêm tân hôn và một tuần trăng mật nào lại như thế này. Chị lại dụi mắt và chậm rãi: “Sáng ra, thấy đống rạ mà cả nhà đang trú ngụ trên đỉnh vẫn còn cao hơn mặt nước, anh mới dìu chị bơi sang. Thì ra, do rạ nổi được nên nước lên đến đâu, đống rạ lại nổi lên đến đấy như một cái bè, xung quanh lại có bức tường bao nên không trôi đi đâu được. Thế là, cả sáu, bẩy con người phải sống vạ vật trên cái đỉnh đống rạ ấy mất mấy ngày. Đến hôm nước rút bớt một ít anh chị mới trở vào cái phòng hạnh phúc trên xà nhà được”. Tôi tò mò hỏi: “Thế chuyện ăn uống thì giải quyết thế nào?”. Chị cười buồn: “Thằng em út đi sơ tán thì được máy bay trực thăng tiếp tế rồi. Còn cả nhà thì bắc bếp trên đỉnh đống rạ ấy để nấu cơm. Cũng may, ở quê chị có tục “giúp cưới”- nghĩa là bà con trong làng mừng đám cưới bằng gạo. Nhà nhiều thì một thúng, nhà ít thì dăm cân nên sau đám cưới nhà cũng có được vài tạ gạo. Chị cũng chẳng nhớ cụ thể được bao nhiêu, chỉ nhớ anh Triển có cái vỏ chăn bộ đội đem ra làm bao tải đựng mà gần đầy. Thế là nhà có gạo mà cầm cự chứ không thì chết đói”. Đôi mắt chị lại ngân ngấn nước.
Tôi còn nhớ, ở quê tôi trận lụt đó kéo dài cả tháng trời, chắc ở đây cũng vậy. Nhà tôi ở trên đồi cao không bị ngập nên cũng có hai gia đình đến ở nhờ. Nhưng đó là mấy làng vẫn hay bị lụt nên bà con nhà nào cũng có cái thuyền nan. Hàng ngày họ vẫn đi đánh lưới bén kiếm cá ăn và đảo về nhà kiểm tra nhà cửa. Ấn tượng về trận lụt đó trong tôi còn rất rõ song tôi không thể hình dung ra cảnh người ta phải nằm trên xà nhà hàng tháng trời như anh chị. Vì vậy, tôi lại tò mò: “Thế anh chị cứ ở trên đó suốt thời gian bị lụt à?”. Chị cười buồn: “Không ở đó thì biết đi đâu hả chú? Nước thì ngập trắng băng, cả làng chỉ còn nhô lên mấy cái cây cao với vài mái nhà, còn ngập tút cả. Thuyền bè thì chẳng có, biết đi bằng cái gì?”. Tôi buột miệng trêu chị cho không khí đỡ trầm lắng: “Thế thì hai anh chị tha hồ mà yêu nhau”. Chị bật cười: “Phải gió cái nhà chú này. Còn hơi sức đâu mà yêu với đương cơ chứ. Nằm trên xà nhà, nước thì lấp xấp dưới lưng, trên là mái ngói thấp tè. Mà đận sau đợt lụt trời nắng nắng là, thành ra cứ như ở trong cái lò bát quái ấy. Ngột ngạt, bức bối lắm mà không làm sao được, người cứ muốn phát sốt lên. Đến hôm hết phép thì nước vẫn trắng băng cả. Anh Triển cũng đấu tranh tư tưởng lắm nhưng không thể đi được vì nghe tin cả thị xã Bắc Ninh cũng ngập, đường sắt cũng bị ngập, tàu xe không chạy được. Có bơi lên được đến đó thì cũng không biết đi thế nào để về đơn vị được bây giờ”. Cái này thì tôi biết. Hồi đó hầu như mọi con đường ở các vùng bị lụt giao thông đều ngừng trệ. Tôi có đứa bạn có giấy báo nhập học Đại học cũng đành chịu không thể đến trường theo quy định được.
Đã quá trưa. Cơm cũng đã chín. Chị đặt cháu vào võng rồi dọn cơm. Bữa cơm của hai chị em chỉ có đĩa trứng tráng, mấy con tôm rang, bát canh rau ngót và đĩa dưa chuột bóp dấm. Chị chỉ bát canh và đĩa dưa: “Cây nhà lá vườn đấy. Tranh thủ lúc rỗi chị cũng trồng được mấy luống rau. Vừa được ăn rau sạch, vừa đỡ chút tiền cho các cháu”. Tôi buột miệng: “Thế sau khi anh Triển hy sinh chị có được hưởng chút chế độ đãi ngộ gì không?” thì chị nghẹn ngào: “Có được gì đâu chú. Người ta bảo mình chưa có con với anh ấy, sau lại tái giá nên theo chính sách thì không được gì cả”. Biết mình lỡ lời, tôi cắm cúi ăn và kể vài câu chuyện vui cho bữa cơm đỡ nặng nề. Vui vui lên một chút, chị lại nhẩn nha: “Nói thật với chú, giá chị có với anh Triển một đứa con thì chị cũng sẽ ở vậy mà nuôi cháu chứ chẳng đi bước nữa làm gì. Khổ thân anh Triển, cưới vợ thì khổ sở như thế. Vào chiến trường được mấy tháng đã hy sinh, chẳng để lại được giọt máu nào”. Chị đặt bát cơm xuống nghẹn ngào, mãi mới nói tiếp được: “Quãng qua rằm tháng Tám thì phải, khi nước rút kha khá rồi, mặc dù đường 18 vẫn còn có đoạn ngập tới ngang bụng nhưng anh ấy quyết định phải về đơn vị. Hôm ấy chị đưa anh lên Bắc Ninh bằng xe đạp. Cùng đi còn có một cặp vợ chồng ông anh họ nữa. Tàu hỏa hôm ấy vừa mới chạy lại được vài ngày. Lúc tàu chuẩn bị chạy anh ấy cứ dấm dứt khóc vì anh biết mình vẫn chưa có con. Chị chỉ biết động viên anh ấy: “Chúng mình còn trẻ…”. Nào ngờ…”- chị bỏ lửng câu nói rồi bê mâm cơm vào trong.
Vâng! Quả là thế thật. Cho đến lúc đó chị mới 19 tuổi, còn anh cũng mới 23. Còn cả một cuộc đời dài phía trước. Ai mà ngờ được chỉ mấy tháng sau, ngày 24 tháng 4 năm 1972 anh đã hy sinh, để lại chị một đời lỡ dở. Từ trong căn bếp nhỏ, chị đã quay ra, sau khi rót cho tôi một cốc nước chị lại tiếp tục: “Sang đến Hà Nội, vẫn chưa có tàu vào Vinh ngay, anh còn viết cho chị một lá thư. Đã lâu lắm rồi nhưng chị vẫn còn nhớ như in. Anh ấy buồn vì mình đã không cho chị được một đứa con, rồi động viên chị đợi anh về lần sau, nhất định sẽ có”. Hy vọng qua những lá thư của anh chị sẽ tìm hiểu thêm được điều gì đó về người anh hùng liệt sỹ, tôi hồi hộp: “Sau đó anh ấy có viết thư về cho chị nhiều không và chị còn giữ được bức nào không?”. Chị cười buồn: “Không. Ngoài lá thư gửi từ ga Hà Nội thì khi vào đến đơn vị ở Quảng Bình, anh ấy chỉ gửi cho chị một bức nữa thôi. Thế nhưng mất hết cả rồi”. Tôi tiếc nhưng vẫn cố: “Thế lá thư thứ hai anh ấy viết gì, chị nhớ không?”. Chị cười: “Thì cũng chỉ động viên chị vui lên, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. À! Trong bức thư này, anh ấy có chỉ đường cho chị vào thăm, chị nhớ là anh ấy dặn phải đi tàu vào Vinh, sau đó đi ô tô qua ngã ba Đồng Lộc rồi hỏi thăm là sẽ đến. Nhưng chỉ để mà chỉ thôi chứ thời chiến, máy bay nó đánh như thế ai mà đi vào trong đó được”.
Tôi ngậm ngùi. Giá như chị có đi thì khi vào trong đó cũng chẳng gặp được anh bởi vì tôi biết, chỉ sau khi anh vào đến đơn vị ít ngày là đơn vị anh đã lên đường hành quân vào Tây Nguyên. Cho đến lúc đó, tiểu đoàn 297 của anh là đơn vị xe tăng đầu tiên hành quân bộ vào B dài, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức hành quân đường dài, mở ra một thời kỳ mới cho sự có mặt của xe tăng trên khắp chiến trường miền Nam. Và cũng chỉ khoảng 3 tháng sau, các anh đã tham gia trận Đắc Tô- Tân Cảnh để rồi anh mãi mãi đi vào lịch sử. Để lấy lại không khí, tôi vui vẻ hỏi: “Thế sau khi chia tay, chị có hay mơ thấy anh ấy không?”. Chị lắc đầu: “Ít lắm. Chỉ có một lần, quãng độ ba, bốn tháng sau khi anh đi, chị mơ thấy anh về. Anh ấy cứ đứng sừng sững ở cạnh giường, chẳng nói năng gì cả. Đến lúc chị tỉnh hẳn dậy thì lại chẳng thấy ai. Từ sau đó, chị không bao giờ mơ thấy anh về nữa”. Tôi rùng mình, chẳng lẽ đó là ngày 24 tháng 4 năm 1972, ngày anh đi vào cõi bất tử?
Di ảnh của LS Nguyễn Nhân Triển
Đứa cháu ngoại trên võng đã dậy, nó không khóc mà chỉ “ọ, ẹ” nho nhỏ. Chắc nó đã đói. Chị bế cháu lên, nựng nó một chút đã thấy nó toét miệng cười hớn hở. Chẳng biết nói gì hơn, tôi chỉ hỏi: “Cho đến giờ chị có thắc mắc gì không?”. Chị mỉm cười: “Thực tình, là vợ liệt sỹ mà chẳng được chút chế độ nào, nhiều lúc chị nghĩ cũng tủi. Nhưng biết làm sao, chính sách nhà nước như thế rồi, mình có kêu cũng chẳng được. Bây giờ, tuổi đã cao, cậu em nó cũng thương, đang định làm cho chị một ngôi nhà mới. Nhưng giá có nhà chắc chị cũng chẳng ở, cứ lẽo đẽo đi bế con cho hết đứa này đến đứa khác thế này”. Mắt chị sáng lên nhìn thằng cháu: “Có vất vả một tý nhưng cứ thấy chúng nó khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn là vui lắm rồi”.
Chị lại nựng thằng bé, nó cười như nấc lên từng chặp. Gương mặt chị giãn ra, trở lại vẻ thanh thản đến vô cùng. Dường như tất cả hạnh phúc đối với chị bây giờ chính là những đứa cháu đang ngày một lớn khôn. Tôi tạm biệt chị, hẹn ngày gặp lại. Miệng thì cười đấy nhưng trong lòng vẫn vương vấn chút xót xa. Tôi và đồng đội có thể làm gì giúp chị bây giờ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét