Cách đây 40 năm- ngày 24 tháng Tư năm 1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiến công căn cứ Tân Cảnh, trung đội 3 của đại đội xe tăng 7 do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy được lệnh cơ động lên tăng cường cho bộ binh đánh chiếm căn cứ Đắc Tô 2. Tại đây, kíp xe 377 do anh chỉ huy đã tả xung hữu đột, một mình bắn cháy 7 xe tăng địch. Tuy nhiên, do lực lượng xe tăng địch đến phản kích quá đông nên xe 377 đã bị bắn cháy, cả bốn thành viên trên xe đã anh dũng hy sinh. Từ đó, kíp xe 377 đã đi vào huyền thoại. Ngày 09 tháng Hai năm 2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho kíp xe 377. Tên tuổi của Nguyễn Nhân Triển đã có nhiều người biết nhưng mấy ai biết câu chuyện tình “có một không hai” của anh.
Xe tăng 377 tại Tượng đài chiến thắng Đắc Tô- Tân Cảnh |
Kíp xe 377 anh hùng đã nổi tiếng từ lâu và đã được Nhà nước ta tuyên dương anh hùng LLVT năm 2009. Tên tuổi và những nét chủ yếu về cuộc đời 4 người anh hùng trong kíp xe đó cũng đã được nhắc đến nhiều trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, là một chiến sĩ xe tăng thế hệ sau các anh, tôi vẫn lấn cấn một điều về thiếu úy trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển, người chỉ huy của kíp xe này. Tại sao người trung đội trưởng dũng cảm, ngoan cường như thế mà không được tuyên dương công trạng cho xứng đáng, thậm chí đã từng có lúc bị đánh giá là “tư tưởng không thông suốt, có biểu hiện nặng về tình cảm riêng tư mà xao lãng nhiệm vụ”. Mặc dù anh em cùng đơn vị đã cho biết, sở dĩ có nhận xét ấy là vì lúc ấy anh Triển mới cưới vợ và vào chậm phép, vợ anh lại rất xinh đẹp nên anh nhớ vợ nhiều lúc đến ngẩn ngơ cả người. Biết vậy song tôi vẫn muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn về chuyện này.
Nhân dịp mấy ngày nghỉ, tôi quyết định về quê hương Nguyễn Nhân Triển- xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu. Cái địa phương nằm trên Quốc lộ 18 này tôi đã đi qua nhiều lần song chưa bao giờ dừng lại ở đây. Tuy nhiên, mỗi lần đi qua tôi đều nhìn thấy tấm biển rất lớn trước khu nhà làm việc của HĐND, Ủy ban nhân dân xã: “Xã Việt Hùng- Đơn vị anh hùng LLVTND”. Bên cạnh đó là một nghĩa trang liệt sỹ rất khang trang, sạch đẹp chứng tỏ nó được chăm sóc thường xuyên. Lần này, tôi quyết định đi xe máy cho chủ động.
Đang là dịp nghỉ lễ, biết rằng các cơ quan không làm việc nên tôi quyết định sẽ vào nhà quản trang với suy nghĩ những người làm công tác này thường nắm rất chắc về các liệt sỹ của quê hương mình. Trong khi đó, anh Triển cũng là người khá nổi tiếng. Dự đoán của tôi đã đúng, anh Sa, thương binh hạng 2/4 được xã giao nhiệm vụ quản trang ở đây. Biết tôi muốn tìm hiểu về liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển, anh Sa vồn vã tiếp chuyện và kể cho tôi nghe khá nhiều mẩu chuyện về liệt sỹ. Thực tình những chuyện này tôi cũng đã biết cả rồi nên khéo léo lái sang chuyện riêng tư, vợ con của anh Triển là điều tôi đang muốn tìm hiểu. Lúc đó, cả đồng chí Việt, Bí thư Đảng ủy xã cũng sang thăm nghĩa trang. Khi nghe câu hỏi của tôi, cả hai anh đều gật gù: “Chuyện tình của ông Triển thì đúng là có một không hai”. Bảo các anh kể thì các anh cười: “Chú cứ gặp bà Mạc (vợ LS Triển) mà hỏi”. Anh Sa chép miệng: “Mà cái bà này số cũng khổ thật. Cưới đã khổ rồi, ông ấy đi chiến trường được mấy tháng thì hy sinh. Năm 76, tái hôn với một ông khác rồi cũng chẳng ở được với nhau. Bây giờ lại về ở một mình. Đúng là hồng nhan đa truân”. Nghe vậy, tôi quyết định phải gặp bằng được chị Mạc.
Vào xóm hỏi thăm một lúc thì tôi biết chị Mạc đang đi trông cháu cho con gái ở Hà Nội. Lại phải mất gần 1 giờ chờ đợi tôi mới được biết số điện thoại của chị. Bảo chị chỉ đường thì chị cười thật thà: “Chị mới lên đây nên cũng chẳng biết đây là đâu. Chỉ biết đến đầu cầu Đuống thì rẽ trái theo bờ đê khoảng 2 cây số. Đến cái nhà cao tầng màu xanh có 2 chữ Ích Lợi thì rẽ xuống một tý là đến”. Mặc dù chưa thật rõ ràng song với tôi thì thế cũng là đủ.
Phải mất một lúc lâu tôi mới đến được khu vực đó. Rề rề chạy chầm chậm đang định hỏi thăm nữa thì thấy một thiếu phụ bế đứa trẻ đang hớt hải đi ngược chiều, linh cảm báo cho tôi biết đó là chị. Tôi vừa lên tiếng: “Chị Mạc phải không?” thì chị đã cười rõ tươi: “Chị đây! Chú đi nhanh nhỉ. Vừa mới gọi một tý đã đến”. Tôi thật sự ngỡ ngàng, người đàn bà trước mắt tôi đã bước qua ngưỡng cửa tuổi sáu mươi mà dáng người vẫn thon thả, gương mặt nhẹ nhõm như mới ngoài bốn mươi. Chắc chắn khi còn son trẻ chị từng là một phụ nữ đẹp. Tiếng đồn trong đơn vị anh Triển quả không ngoa.
Trong căn phòng trọ hơn chục mét vuông của cô con gái, chị vừa bế cháu vừa tiếp chuyện tôi. Biết tôi là chiến sĩ xe tăng cùng binh chủng với anh Triển, dường như mọi khoảng cách đã được xóa nhòa, chị đối với tôi ân cần như một người chị với đứa em trai và nói chuyện cũng rất tự nhiên. Chị cho biết đây là nơi con gái út của chị ở trọ, cháu làm công nhân công ty may Đức Giang. Năm 1976, sau khi anh Triển báo tử được hơn 1 năm thì chị tái giá. Người chồng mới của chị cũng là bộ đội từ chiến trường ra. Anh chị có với nhau 3 mặt con nhưng rồi anh ghen quá, không chỉ ghen với người sống mà ghen cả với người đã khuất. Không chịu được nên chị đành ly dị. Tuy không sống với nhau nữa nhưng chị không bỏ con. Từ bấy đến giờ chị vẫn chăm lo cho chúng. Bây giờ các cháu cũng đã trưởng thành và có gia đình rồi thì chị lại lẽo đẽo theo bế cháu hết đứa này đến đứa khác.
Chị Mạc cùng cháu ngoại |
Khi câu chuyện đã trở nên thân mật hơn, tôi mới hỏi: “Tại sao những người ở quê đều nói đám cưới của chị với anh Triển là có một không hai trên đời ?” thì chị cười hơi có vẻ ngượng ngập, đôi má đã điểm một vài nét tàn nhang thoáng ửng đỏ lên. Sợ mình thất thố, tôi đưa đà: “Chị thông cảm, em hơi tò mò một chút. Nếu ngại thì chị không kể cũng không sao. Chắc là đám cưới to lắm phải không?”. Im lặng một lát như hồi tưởng lại câu chuyện của 40 năm trước chị nhẩn nha tiếp: “To gì mà to. Anh ấy là bộ đội, được về phép mấy hôm là cưới. Mà hồi ấy đám cưới nào chả tổ chức theo đời sống mới. Chỉ làm vài mâm liên hoan trong họ hàng, còn lại là liên hoan bánh kẹo và văn nghệ thôi”. Những đám cưới kiểu này thì tôi cũng đã từng chứng kiến nên không lạ gì. Tôi tiếp tục khai thác: “Thế anh chị yêu nhau có lâu không?”. Chị lại cười: “Cũng chẳng lâu la gì. Thực ra hồi trước chị yêu anh Chuẩn, là bạn thân của anh Triển cơ. Chỉ đến khi anh Chuẩn hy sinh thì anh Triển mới để ý đến chị. Thế rồi, hai gia đình “giấm sẵn” với nhau. Khi anh Triển về phép là hỏi và cưới luôn. Tất cả chỉ gói gọn trong có vài ngày”. Tôi đùa cho không khí nhẹ nhàng hơn: “Anh Triển giỏi thật đấy. Người như chị mà chỉ có mấy ngày đã bị cưa đổ”. Chị bật cười lắc đầu: “Ông ấy thì cưa cẩm gì. Người đâu mà cứ thật như đếm. Hôm hai nhà bố trí cho hai người đi lên Nội Doi mua phân hóa học cả một ngày mà ông ấy chỉ nói được vài câu”. Tôi tiếp tục: “Thế mà chị lại bị đổ à ?” thì chị trầm giọng: “Biết anh ấy là người hiền lành, chân thật nên cũng thương. Lại nữa, từ ngày biết tin anh Chuẩn hy sinh, anh ấy đã viết thư về động viên chị rất nhiều nên cũng dễ thông cảm với nhau. Chứ hồi ấy, chị tham gia văn nghệ rồi đội thông tin lưu động của huyện cũng nhiều người để ý lắm”. Chợt chị ngẩng lên nhìn đồng hồ: “Thôi chết! Trưa quá rồi, chú bế cháu cho chị một lát để chị đi nấu cơm. Trưa nay chú ở lại đây ăn cơm với chị”. Không cho tôi kịp từ chối, chị dúi thằng bé cho tôi rồi bước nhanh vào bếp.
Thằng bé cháu ngoại chị thật là ngoan. Từ lúc tôi vào chưa hề nghe nó khóc lấy một tiếng. Lúc chị em tôi nói chuyện nó cứ tưởng đang nói chuyện với nó nên hớn hở quay nhìn hết người này đến người kia. Nó cũng chẳng lạ gì tôi mà cứ toét cái miệng chưa có răng ra cười mỗi khi tôi tặc lưỡi “nói chuyện” với nó. Tôi nhìn ngang ngửa, cái phòng trọ là một nửa của gian nhà cấp 4 kiểu nhà trọ sinh viên. Để có chỗ cho mẹ vợ nghỉ, cậu con rể đã phải làm thêm một cái gác xép gần sát trần nhà. Chỉ một loáng đã thấy chị quay ra dang tay đón thằng bé: “Ra với bà nào! Có tè ra ông không đấy?”. Tôi cười thành thật: “Em cũng mong nó tè ra để lây một chút”. Thấy tôi đang nhìn ngó cơ ngơi của con, chị buồn buồn: “Chỉ có thế này thôi mà hơn 1 triệu một tháng đấy. Mà lương của chúng nó cũng chỉ thuê được thế này thôi”. Chị hỏi thăm gia cảnh của tôi. Biết chị thực sự quan tâm nên tôi có thế nào kể thế. Thấy chị vui vui, tôi quay lại đề tài đám cưới của chị và anh Triển. Một lần nữa thoáng chút hồng trên đôi má nhưng rồi chị cười: “Chú đã quan tâm thì chị kể, cũng chẳng có gì đặc biệt lắm đâu”. Ngừng lại một lát chừng như để sắp xếp lại những mẩu ký ức, chị chậm rãi: “Ngày anh chị cưới nhau là ngày mồng 2 tháng Bảy âm lịch năm 71. Hôm ấy, bên nhà anh Triển cũng mượn được chục cây tre với vài tấm cót dựng thành cái rạp trước sân. Bàn ghế thì mượn của bà con trong xóm, đủ loại, đủ kiểu. Cả ghế đẩu, ghế dựa, trường kỷ và ghế tre nữa, trông buồn cười lắm. Còn phông trang trí thì mượn được mấy cái vỏ chăn hoa, một anh trong chi đoàn cắt hộ đôi chim bồ câu với hai chữ lồng bằng giấy dán lên đấy là xong. Sau bữa liên hoan chiều độ 5, 6 mâm gì đó thì buồi tối mới chính thức là lễ thành hôn. Vì chị tích cực tham gia văn nghệ và đội thông tin lưu động của huyện nên tối hôm đó mọi người đến dự đông lắm. Ngoài bà con trong làng, ngoài xóm còn có cả đội thông tin lưu động của huyện và đơn vị bộ đội tên lửa kết nghĩa về dự. Bàn ghế chẳng đủ, nhiều người còn phải đứng nhưng rất vui. Rất nhiều tiết mục văn nghệ được biểu diễn. Chị cũng tham gia hát một bài, bài “Cái sọt tre” thì phải”. Thực tình là bài hát này tôi chưa biết nên nhìn bộ mặt ngơ ngác của tôi chị lẩm nhẩm mấy câu. Thì ra đó là bài hát thời chống Mỹ, ca ngợi cái sọt tre lúc thì gánh đất làm thủy lợi, lúc lại gánh đất đào công sự cho bộ đội.
Dường như những kỷ niệm cũ đang ùa về dào dạt làm mắt chị ngân ngấn nước. Tôi thầm đoàn chắc là chuẩn bị đến hồi đặc biệt nhất của đám cưới. Đúng là như vậy. Lặng im một lúc, chị mới kể tiếp giọng bồi hồi: “Đang vui như thế thì bỗng từ phía đình làng một hồi trống ngũ liên dội đến. Thế rồi ngoài ngõ vang lên tiếng loa cứ oang oang, đại khái là: “Đồng bào chú ý! Hiện nay, đê Long Tửu đã bị vỡ, nước lụt sắp tràn về. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đề nghị toàn thể bà con nhanh chóng sơ tán người và gia súc lên vùng cao ở núi Từ Phong và Đông Du. Những đồ vật không mang đi được thì phải kê cao để tránh nước ngập”. Tiếng loa cứ nhắc đi nhắc lại mấy câu như thế. Không chỉ có tiếng loa mà bấy giờ trống mõ từ đầu làng tới cuối xóm cứ thúc ầm ầm. Thế là tất cả mọi người nhớn nhác hết cả lên, ai nấy cuống cuồng chạy về nhà lo chạy lụt. Các anh bộ đội cũng lập tức phải chạy ngay về đơn vị. Cuối cùng còn trơ khấc lại đôi vợ chồng mới và người nhà ngơ ngác nhìn nhau. Chị thì chẳng biết làm gì, chỉ biết khóc thầm thương cho cái thân mình. Đời người chỉ được một lần mà lại lỡ dở thế này, chắc có điềm báo gì đây”. Chị lặng lẽ đưa tay lên dụi mắt, mãi sau mới chậm rãi: “Cũng may, nhà anh Triển lúc đó là ngôi nhà ngói ba gian, hai chái khá vững chắc nên ông cụ quyết định chỉ cho mỗi cậu em út dắt trâu lên Đông Du sơ tán thôi, còn tất cả sẽ ở lại nhà. Cụ cho dỡ rạp, lấy tre đem vào gác lên xà nhà. Một gian thì đưa lên đó đôi vạc giường làm chỗ ngủ cho anh chị. Cụ còn đùa bảo: “Buồng hạnh phúc của anh chị đấy”. Gian bên kia thì đưa đồ đạc, thóc gạo lên. Còn cả nhà sẽ ở trên đỉnh đống rạ ngoài vườn. Chuẩn bị xong là gần hết đêm. Thế thì chú bảo đám cưới của anh chị có buồn không chứ. Có lẽ người ta bảo là có một, không hai cũng không sai”. Chị lại đưa tay dụi mắt. Tôi cũng thầm cám cảnh cho anh chị. Trận lụt năm 71 thì tôi cũng đã từng chứng kiến, mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã bị nhấn chìm trong nước. Nhưng một đám cưới mà bị nó cắt ngang một cách phũ phàng như vậy, một cái buồng hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới cưới như vậy chắc cũng không nhiều. Có lẽ vì thế mà người ta đồn đại là đám cưới “có một không hai”.
(Còn nữa)
Bài đã đăng trên Tuần VN song bị cắt đi khá nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét