Bài 21.
奉詔長安道中作
武林一帯碧迢迢
王事寜辭跋涉遙
山舘宿晴煙樹合
郡庭簿暖雪花消
武夫感泣觀唐詔
父老扶黎聴漢朝
自愧微勞何補報
願揚皇化憺天驕
阮飛卿
Phiên âm
Phụng chiếu Trường An đạo trung tác
Vũ lâm nhất đới bích chiêu chiêu
Vương sự ninh từ bạt thiệp diêu
Sơn quán túc tình yên thụ hợp
Quận đình bạc noãn tuyết hoa tiêu
Vũ phu cảm khấpquan đường chiếu
Phụ lão phù lê thính Hán triều
Tự quí vi laohà bổ báo
Nguyện dương hoàng hóa đảm thiên kiêu
Nguyễn Phi Khanh
Dịch nghĩa
Thơ làm trong lúc phụng chiếu vua đi Trường An (1)
Vũ Lâm (2) một dải mầu biếc dằng dặc
Việc vua đâu dám từ chối lặn lội xa xôi
Quán trên núi sớm tạnh mưa khói đọng lùm cây
Sân nơi quận ấm áp hoa tan giọt tuyết
Kẻ vũ phu cảm động khóc khi xem chiếu chỉ vua Đường (3)
Các phụ lão chống gậy lê ra nghe chính lệnh triều Hán (4)
Tự thẹn chút đỉnh khó nhọc này nào đã báo đáp được gì
Nguyện nêu đức hóa của nhà vua trấn áp giặc trời. (5)
1. Trường An: một địa danh thuộc tỉnh Ninh Bình
2.Vũ Lâm: * một vùng thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa
**một vùng ở tỉnh Giang Tây Trung Quốc cũng hay được các nhà thơ xưa lấy làm điển tích bởi ngày xưa Đông Việt Vương khởi binh chống nhà Hán thì Hán Vũ Đế đã sai tướng ra Vũ Lâm dẹp quân của Đông Việt Vương. Có thể Nguyễn Phi Khanh đã lấy tích này để nói việc vâng lệnh vua đi dẹp giặc chăng ?
3.Đường Đức Tông khi xưa có tính đa nghi, lại dùng phải kẻ gian xảo là Lư Kỷ, vì vậy sinh loạn. Diêu Lệnh Ngôn và Chu Thử làm phản, kéo quân xâm chiếm kinh đô. Đức Tông phải bỏ chạy, đến khi Lý Thịnh lấy được kinh đô mới dám về. Đức Tông ra chiếu tự buộc tội mình và từ đó chăm lo việc nước chu đáo.
4.Lấy tích từ việc vua Hán Minh Đế, tiếp tục chính sách trung hưng của vua cha là Quang Vũ đế, đặc biệt chăm sóc người cao tuổi, thường đến nhà Thái học làm các lễ lớn để dưỡng lão. Cả hai câu 5 và 6 đều nhắc điển để nói đến việc đi dẹp giặc lúc bấy giờ.
5. Thiên kiêu (giặc trời) lấy tích từ câu thơ của Tô Đông Pha tiễn Tử Do đi sứ Khiết Đan có câu: “Chẳng nề vó ngựa xông sương tuyết / Phải bắt thiên kiêu biết phượng lân”(bắt bọn giặc trời phải biết đến oai đức của nhà vua)
Dịch thơ
Một dải Vũ Lâm biếc dặm ngàn
Việc vua lặn lội dám từ nan
Quán sơn mưa tạnh cây vương khói
Sân quận hoa cười giọt tuyết tan
Phụ lão tâm tòng ơn Hán đế
Vũ phu khóc cảm chiếu Đường ban
Thẹn mình chút đỉnh ơn chưa báo
Nêu đức vua nhà nguyện giữ an.
Đỗ Đình Tuân dịch
Bài 22
天長試後有感
萬里來觀國上濱
科場誤作彀中人
東風御菀花容動
细雨乾坤柳色新
雙鯉闊傳紅上信
扁舟囚繫客中身
今朝最是愁腸處
一別庭闈勝半春
阮飛卿
Phiên âm
Thiên Trường thí hậu hữu cảm
Vạn lý lai quan quốc thượng tân (1)
Khoa trường ngộ tác cấu trung nhân (2)
Đông phong ngự uyển hoa dung động
Tế vũ càn khôn liễu sắc tân
Song lý khoát truyền giang thượng tín (3)
Biển chu tù hệ khách trung thân
Kim triêu tối thị sầu tràng xứ
Nhất biệt đình vi thắng bán xuân. (4)
Nguyễn Phi Khanh
1.quốc thương tân: thượng khách của nhà nước, chỉ những người đến dự kỳ thi ở Thiên Trường (Nam Định ngày nay).
2.Lấy ý từ lời mừng của Đường Thái Tông đại ý: Tất cả anh hùng trong thiên hạ đều đã vào trong tầm cung của ta”
3. Lấy ý từ một đoạn thơ trong Nhạc Phủ: “Khách từ xa đến chơi / Cho cá chép một đôi / Gọi trẻ mổ cá chép / Trong có thư của người”
4.Đình vi: nơi cha mẹ ở, cũng đồng thời chỉ cha mẹ
Dịch nghĩa
Cảm xúc sau khi thi ở Thiên Trường
Từ muôn dặm đến xem những thượng khách của nước nhà
Đã lỡ là người ở “trong tầm ngắm” của khoa trường
Gió xuân trong vườ ngự dáng hoa lay động
Mưa nhỏ khắp bầu trời xanh non nhành liễu
Đôi cá chép thảnh thơi truyền tin tức trên sông
Chiếc thuyền nhỏ còn giam hãm tấm thân trên đất khách
Sáng nay chính là lúc đau lòng nhất
Từ khi xa cách đình vi đã quá nửa xuân rồi.
Dịch thơ:
1.
Làm khách vương triều vượt dặm khơi
Trong vòng khoa bảng vướng mà chơi
Gió xuân vườn ngự hoa lay động
Mưa bụi phương trời liễu tốt tươi
Đôi chép trên sông đưa mảnh thiếp
Chiếc thuyền đất khách buộc thân người
Hôm nay chính lúc đau lòng nhất
Xa cách song thân mấy tháng trời.
Đào Phương Bình dịch
2.
Muôn dặm về làm khách quốc gia
Lỡ vào tầm ngắm của trường khoa
Gió xuân vườn ngự hoa lay động
Mưa bụi nơi nơi liễu mượt mà
Đôi chép trên sông mang lá thiếp
Con thuyền đất khách buộc thân ta
Hôm nay chính lúc đau lòng nhất
Đã nửa xuân rồi nhớ mẹ cha.
Đỗ Đình Tuân dịch
30/3/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét