Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

CHÚC MỪNG SINH NHẬT

TRIANCUOCDOI chúc mừng sinh nhật Nguyễn Thị Vân Anh. Chúc chị một tuổi mới nhiều niềm vui, gia đình hạnh phúc, an lành!

30 tháng 4 và bài thơ Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố


PN - Tác giả của bài thơ hay này là một cây bút rất quen biết với độc giả cả nước: nhà thơ Hưởng Triều.
 


    Trần Bạch Đằng, Trần Quang, Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý... là những bút danh khác nhau của ông. Hưởng Triều gắn bó với Sài Gòn từ thuở thiếu thời. Nhiều năm trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ông bí mật có mặt ở Sài Gòn trên cương vị một cán bộ lãnh đạo. Thành phố lớn nhất nước ở phương Nam này là một trong những cảm hứng sáng tác của ông. Bài ca khởi nghĩa viết năm 1967 là một trong những thành công đáng chú ý của Trần Bạch Đằng, được người đọc – đặc biệt các chiến sĩ quân giải phóng – yêu thích.
    Và khi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc, như nhiều nghệ sĩ khác, ông vô cùng hào hứng viết bài thơ mới – một trong những bài thơ hay nhất của ông: Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố.



Bài thơ khiến người đọc chú ý ngay từ những câu đầu tiên. Xét về hình thức nghệ thuật, có một chút cường điệu, ngoa dụ chăng?

Thế là trái đất ngừng quay
Trời nín thở. Biển ngất ngây. Bàng hoàng
Thắng rồi! Thần thoại Việt Nam
Cả thời gian, cả không gian đổi màu
Thắng rồi! Lịch sử xôn xao
Hành tinh thêm một tự hào mông mênh
Thắng rồi! Ấp ủ chung riêng!
Nhẹ lâng những cặp chim chuyền sáng nay.

    Trái đất ngừng quay/ trời nín thở/ biển ngất ngây/ thời gian không gian đổi màu... Đúng là có biện pháp tu từ, nhưng không lố, không chướng, mà phải nói như thế mới cực tả được hiện thực tâm trạng của tác giả cũng như của đông đảo nhân dân nước ta trong thời điểm lịch sử trọng đại ấy.
    Câu thơ như vang vọng những tiếng reo vui: Thắng rồi! Thắng rồi!... nhưng bản lĩnh già dặn của người chiến sĩ cách mạng đã góp phần kiềm chế sự hân hoan chính đáng nhưng có phần quá đáng trong ông. Vì vậy mạch thơ nhanh chóng chuyển ý. Tác giả đã dành những phút trầm tư để cảm nhận sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm vóc, ảnh hưởng lớn lao của chiến thắng lịch sử này:

Cao. Ai tính nổi mấy tầm?
Sâu. Ai ước nổi tột cùng mà đo?
Dài. Ai biết đến bao giờ?
Rộng. Ai đoán hết cuộc cờ năm châu?

    Ai tính nổi? Ai ước nổi? Ai biết? Ai đoán hết?... những câu thơ được đặt dưới dạng thức nghi vấn. Nhưng chẳng cần tinh tế lắm cũng rõ, thi sĩ hỏi không phải vì hoang mang bị động, mà như muốn cùng người đọc tiếp tục nghĩ suy, để đi đến tận cùng của sự thật.
    Nghĩ quá lên, sẽ là kiêu ngạo đáng ghét. Nghĩ không hết nhẽ, sẽ hạn chế lòng tự hào chính đáng của nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến việc huy động tổng lực cho công cuộc xây dựng xã hội mới... công bằng, dân chủ, văn minh.
Sáu câu tiếp theo thật chân thành, dễ thương:

Trong tay quả chín, mặc dầu
Bâng khuâng như mối tình đầu, lạ không?
Đã ôm hạnh phúc giữa lòng
Hỏi sao nhân quả xoay vòng như bay
Ba mươi năm dọn mấy ngày
Cổ kim lật sách tìm hoài – riêng ta!

    Nói là chân thành và dễ thương, vì tác giả không giấu giếm một hiện tượng tâm lý rất thật, phổ biến chứ không cá biệt: nắm trong tay thành quả của 30 năm chiến đấu không ngưng nghỉ - một thành quả vĩ đại - tự nhiên không thể không ngạc nhiên, bâng khuâng, lạ lẫm. Đó cũng là tâm trạng của Xuân Diệu ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945.
Ôi thu ơi, ta sống hay là ta chết?
    Và cũng là tâm trạng của Chế Lan Viên, thể hiện trong một bài thơ rất hay - bài 1975, năm vĩ đại và ngày vĩ đại:Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại.
    Có thể cảm nhận sâu sắc điều này: 35 năm đã qua đi nhưng kỷ niệm về những ngày lịch sử ấy vẫn tươi nguyên. Chủ yếu vì sức chấn động, lan tỏa của sự kiện ấy quá lớn. Nhưng một phần cũng nhờ những cánh thơ lấp lánh, giàu sức ám ảnh như Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố mà chúng tôi vừa trình bày ở trên. 
30/04/2010
PGS.TS Trần Hữu Tá
Nguồn: http://www.phunuonline.com.vn

THÓC ƠI !

(Kính viếng liệt sỹ Thóc nhân ngày 30-4 )





Tôi gặp anh ở chiến trường Nam Bộ
Trong trận Gian Xơn bên trảng Tư Lời
Anh nắm tay tôi hẹn ngày về Nam Sách
Giờ nằm đâu sao không thấy ,Thóc ơi!

Rừng Trường Sơn xà xuống lòng người
Gió lào thổi cát bay chát đắng
Ngọn Cheo Reo quấn vành mây trắng
Đau nhói con tim, lạnh buốt thời gian

Cả đoàn người lặng lẽ thắp nhang
Những vết hằn chìm sâu trên trán
Những bàn tay chai sần bè bạn
Nâng niu hoa nắng tím chiều

Tôi bước theo ngọn gió liu riu
Thầm cầu mong gặp anh lần cuối
Ngày mai về trên quê ta đổi mới
Quả ngọt hoa thơm, khỏa lấp lòng người

Hàng bia mộ trắng kín sườn đồi
Những địa chỉ lập lòa hương khói
Thắp nắm hương chia cho đồng đội
Anh nằm đâu sao không thấy, Thóc ơi !

                                 T A N

TRỞ LẠI ĐƯỜNG 10

    Đường 10 là con đường nối từ huyện Xuân Lộc qua Cam Đường, qua Long Thành - nơi căn cứ tỉnh ủy Biên Hòa của chúng tôi đóng - rồi thẳng về tp Biên Hòa. Đó là con đường chạy qua vùng giáp ranh của ta và địch. Nơi đây có ấp Bình Sơn gồm đa số là dân từ Quảng Nam - Đà Nẵng và Nghệ An di cư vào sau 1954 để làm nghề trồng và cạo mủ cao su cho các đồn điền người Pháp. Họ sống trong ấp chiến lược của Ngụy quyền, nhưng lòng họ hướng về chính quyền Mặt trận giải phóng Miền Nam VN. Họ đã tham gia cách mạng bằng cách tiếp tế cho cán bộ giải phóng trong căn cứ Tỉnh ủy tại Suối Quýt huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai. Sáu năm sau giải phóng, chúng tôi mới có dịp trở lại thăm đất cũ...Bài thơ TRỞ LẠI ĐƯỜNG 10 ra đời trong hoàn cảnh ấy. Đó là tâm sự của người cũ về thăm đất cũ, người xưa. Xin được kính tặng nhân dân Bình Sơn -  Long Thành Đồng Nai và các chiến hữu cùng thời gian khổ và oanh liệt ấy!
     Con đường 10 chính là con đường mũi quân ta từ Đà Nẵng đánh qua Xuân Lộc qua đây để về Biên Hòa (cả bộ binh lẫn xe tăng). Tôi may mắn được chứng kiến những ngày hậu cần và công binh của ta về “MÓC” gạo từ cơ sở Bình Sơn chở vào chất đống như núi, rồi che bạt ngụy trang ngay bên cạnh chỗ tôi ở, rồi vận động mọi người dọn đường dưới rừng để ÉM sẵn xe tăng. Chiều 26 tháng 4, chúng tôi được lệnh chuẩn bị theo quân giải phóng ra tiếp thu huyện lỵ Long Thành. Thế là từ 27 tháng 4 trở đi, bọn tuyên huấn chúng tôi được bám theo sau quân giải phóng, được hòa vào dòng thác người cuộn về Long Thành ngày 28-4 và Biên Hòa ngày 1-5 năm 1975.
     Bài  thơ TRỎ LẠI ĐƯỜNG 10 gợi lại khí thế ngày giải phóng tại đấy và nói lên tâm tư của mình đối với vùng căn cứ cũ . Xin đăng lại bài thơ này để góp mặt cùng anh Phong và chú Nguyệt với tư cách là “người trong cuộc” mừng ngày đại thắng.
    Bài thơ này rút trong tập TÌNH YÊU MÙA GẶT -  nxb ĐỒNG NAI năm 1983. Các phần bài thơ như sau:
Từ Xuân Lộc sang Long Thành
Con đường 10 rẽ vào căn cứ cũ
Rẽ vào xã Bình Sơn cạo mủ
Xã giáp ranh thức ngủ với chiến trường
Mắt nhìn thẳng đối phương
Lòng hướng về cách mạng
Lô cao su nuôi sống cánh rừng già
Bằng những cà-mèn gạo phủ cơm trên mặt*
Khi qua mắt quân thù
Bằng sức trẻ thanh niên tải đạn tự chiến khu
Nuôi sống một dải chiến trường
Bằng giọt máu yêu thương gửi vào chiến dịch
Bằng những đội du kích
Mang biệt danh A, B…
Từ các ngả đổ về
Đường 10 thành sông lớn
Rất trẻ, rất gan
Chảy xiết từ Quảng Nam – Đà Nẵng
Những pháo lớn, xe tăng tắm mình trong nắng
Cuộn về hướng Long Thành
Có một dòng sông chảy rất hiền lành
Từ Bình Sơn đổ tới:
Dòng gạo trắng và dòng người phấn khởi
Đón mừng mùa - nước - lên
Sẵn sàng bỏ quên
Gia tài trong lòng địch
Tất cả đầu tư cho mục đích:
GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM…
Những người dân Đà Nẵng, Quảng Nam
Gặp gỡ đồng hương trong đại quân hùng hậu
Những đốm lửa ỉ âm nung nấu
Trong kẽm gai quân thù
Cháy bùng lên trước gió…
Nơi gặp gỡ những dòng sông thắm đỏ
Là chính nơi đây – Đường 10
Hợp nhất rồi, dòng nước cuộn trôi
Những trực thăng điên cuồng nhả đạn
Những “Hổ vằn”, ”Hổ xám”**
Những bốt đồn và những rào gai…
Sóng ở Tam An cũng rộn rã đổ rồi !
Đường 10, Đường 10 ơi!
Người nâng bước những đoàn quân chiến thắng
Người rực rỡ như dòng sông chở nắng
Tới Long Thành, Biên Hòa và Thành Phố Hồ Chí Minh
Sáu năm qua đất nước có hòa bình
Đường 10 hóa dòng sông xanh biếc
Sóng lá vỗ hai bên bờ tha thiết
Niềm vui ươm trong nõn đậu, nõn mì ***
Dòng nhựa trắng cao su ấp ủ điều chi
Mà sóng sánh trong chén đầy, lô mới
Nóc Sở ngày xưa cờ đỏ bay phấp phới
Tiếng tầm vào ca vời vợi cánh rừng
Gặp lại má nuôi tủi tủi mừng mừng
Tôi im lặng nghe má hờn, má giận:
- Má biết lắm - các con còn rất bận
Nhưng chẳng nhẽ đã quên một quãng đường 10
Quãng đường đã đi qua là quãng phải trở lui
Khi đã đến đích rồi, con ạ !
Lời má nói vẫn là thương yêu đó
Từ thuở qua đường 10
Trời Biên Hòa rực rỡ nắng tinh khôi
Cái nắng tự Đường 10 chở đến
Ơi sắc nắng cho lòng ta xao xuyến
Nhớ khôn nguôi về một quãng đường đời !...
Long Thành 8-1981 TD
*Dân tiếp tế cho cán bộ CM bằng cách cho gạo
Vào dưới ca-men rồi phủ cơm lên trên coi như mang
Cơm vào rẫy ăn trưa..để qua mắt địch
**Biệt danh bọn biệt kích, ác ôn
***nõn cây sắn ăn củ

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 30

    (Tiếp theo và hết)
                           

       Đầu năm 1973 Trung đoàn bộ trung đoàn 30 về đóng quân tại con sông Nậm Cốc, con sông này mùa khô thì rất hiền lành, nước trong vắt và nông thôi. Thế mà mùa mưa sao nó hung dữ vô cùng, nước đỏ ngàu cuồn cuộn chảy thật là khủng khiếp. Nhưng bù lại 2 bên bờ sông măng le nhiều vô kể, loại măng ngọt dễ ăn không đầy bụng mà chỉ có ở rừng Lào và nhất lại là ở 2 bên bờ sông Nậm Cốc- nơi Trung đoàn đóng quân mới nhiều như vậy. Ngày nào không phải đi kiểm tra tuyến đường thì lại cùng anh em nuôi quân ra bờ sông lấy măng về cải thiện.
    Năm nay ở Lào im hẳn tiếng máy bay vì (Mĩ đã ký hiệp định ngừng bắn với Lào) nên Trung đoàn chỉ còn lo đánh quân thám báo, biệt kích và Phỉ Hoàng Pao thôi để bảo vệ cho các đoàn quân đi vào phía trong.
     Khoảng thời gian này, Trung đoàn 30 vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm. Xe của Trung đoàn đưa Chính ủy cùng Trung đoàn trưởng ra ngầm Tà Lê để đón đoàn.
      Vì an toàn của chuyến đi, xe phải qua đoạn đường dài 50km, dưới lòng con suối cạn, nước săm sắp chỉ 20 phân, đá cuội lởm chởm thật khó đi. Xe cứ lắc ngang, lắc dọc, nhảy chồm chồm, người mệt lả. Hôm nay không thấy Chính ủy tán chuyện và cười nữa vì đường quá khó. Thế rồi cũng đến được địa điểm đón đoàn là đỉnh đèo Phu Li Nhích - một trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng. Mà cách ngày đón đoàn khoảng 3 năm thì nơi đây vô cùng ác liệt. Cứ 15 phút lại có một trận bom tọa độ và B52 rải thảm nên bây giờ, giũa ban ngày đất đỏ quạch vẫn còn khét lẹt mùi thuốc bom. Đứng trên đỉnh đèo cứ nghĩ mãi cái ngày nhập tuyến năm 1970 nó kinh sợ thế nào.
    Thế rồi đoàn xe của đại tướng đến. Nhìn những chiến sĩ công binh ăn mặc chỉnh tề, tay cầm 2 lá cờ đỏ phất chỉ đường mà thấy uy nghiêm vô cùng. Xe của Trung đoàn đi đầu đi đoàn khách về Trung đoàn Bộ. Trong đoàn của Đại tướng có nhà thơ Chế Lan Viên, đúng là nhà thơ cách mạng, con người bình dị nhưng xuất khẩu thành thơ. Lúc đó chính ủy Thảo vui quá có hỏi: “Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi, gia đình ra sao?”. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc ngay: “Trải qua 27 năm trường/ Ăn cơn tập thể nằm giường cá nhân”. Chính ủy Thảo cười cười, hình như chính ủy đã hiểu, còn tôi thì trả biết thế nào gia cảnh làm sao mà tính tuổi cho nhà thơ.
     Hôm sau, đoàn khách của Đại tướng lên đường đi thăm đơn vị khác. Còn Tôi được lệnh đưa chính ủy và Trung đoàn trưởng đi Quảng Bình. Xe chạy một ngày đến chiều tối mới tới bến phà Long Đại, sang bên kia là xã Hiền Linh, huyện Lệ Thủy, nơi Bộ tư lệnh 559 đại hội tổ chức mừng công. Năm nay Bộ tư lệnh 559 mở Đại hội thật là hoành tráng, băng rôn khẩu hiệu, cờ rực rỡ một màu đỏ. Điện kéo thắp sáng cả xã Hiền Linh mà chỉ bằng hai máy phát điện. Tất cả chúng tôi ở chiến trường về dự hội nghị cùng người dân xã Hiền Linh thì thấy một điều mới lạ.
     Ngay chiều hôm mới đến, các đại biểu dự hội nghị mỗi người được phát một bộ quân trang, một đôi giày đen. Tối hôm ấy chính ủy bảo "đã lâu rồi tớ mới được đi một đôi giày đen đẹp thế, thôi đi luôn nằm ngủ cho nó bõ…còn đôi giày cũ tớ cho cậu”. Suốt ba ngày đại hội mừng công, sáng ra hai thủ trưởng thì đi họp, còn tôi thì cứ đi xem các đoàn văn công từ Bắc vào biểu diễn. Cái đêm thứ ba thật là đáng nhớ. Để chào mừng thành công đại hội, hình như Bộ tư lệnh 559 dồn tất cả vào những màn pháo hoa cực kỳ đẹp, sáng rực cả vùng hai bên bờ sông Long Đại. Mà mấy năm trước, hai bên bờ sông này đầy bom từ trường hòng ngăn chặn những đoàn xe của đoàn 559 ra trận. Đó là những điều thật là ý nghĩa trên dòng sông của xã Hiền Linh, Lệ Thủy, Quảng Bình.
    Hôm sau chính ủy nói “Bây giờ chúng ta về thăm quê”. Thế là tất cả đều vui sướng. Sau mấy năm trời xa nhà đi chiến đấu, bây giờ về thì không biết gia đình vui mừng đến đâu. Chả thế mà trên đường từ Quảng bình về đến bến phà Phả Lại, mới có khoảng 4 giờ chiều nhưng xe chúng tôi lại phải chờ phà lâu quá, sao hôm nay bến phà đông xe thế mà phà thì lại chạy chậm, sang đến bên kia sông đã hơn 5 giờ chiều rồi. Ngồi trên xe Chính ủy nói “Đến đây tớ thuộc đường rồi, cậu chạy thẳng về nông trường chè Sao Đỏ". Chính ủy vào nhà còn tôi quay đầu xe cùng Trung đoàn trưởng về Hiệp Hòa, Hà Bắc kẻo trời muộn, bến phà lại đông. Đấy, ở chiến trường ra về thăm quê là thế đó, toàn vội vàng thôi.
     Sau hai mươi ngày về thăm nhà, hôm nay là đến ngày vào đơn vị. Tôi và Trung đoàn trưởng vào đón Chính ủy đi cũng là chiều rồi. Lần này đàng hoàng hơn còn vào nhà, nước nôi nhưng cũng chỉ khoảng một tiếng. Tối hôm đó ra ăn cơm và ngủ ở Hà  Nội, nhà số 3 trên đường Ông Ích Khiêm. Hồi đó thoáng đãng lắm, xe đỗ cả đêm chẳng làm sao. Nhưng tối hôm đó thì tôi lại bị sốt rét ngủ ngoài xe người run cầm cập. Cứ tưởng là hôm sau không đi được. Chính ủy vào lấy thuốc sốt rét cho tôi uống để sáng hôm sau còn tiếp tục hành quân. Nhưng không sao người lính đã quen với sốt rét rồi.
    Vào đến đơn vị lúc này theo yêu cầu của cấp trên. Trung đoàn 30 chuyển quân từ nước bạn Lào về Quảng Nam. Bảo vệ và nâng cấp con đường 14 mà các nhà thơ thường gọi là Đông Trường Sơn đấy.
    Trung đoàn về đóng quân tại một khu rừng còn nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ toàn là lim, sến, táu. Đặc biệt ở đây có một loại cây ăn quả rất ngon. Bộ đội ta ăn đến no bụng mà không làm sao cả. Nguời dân Quảng Nam gọi là quả Boòng Boong. Từ những cây gỗ lim ấy trung đoàn đã bắc một cây cầu phao qua dòng sông Bung. Thế là các đoàn xe pháo nườm nượp qua cầu mà không gặp một trở ngại nào.
    Đầu xuân năm sau, tôi đưa đoàn cán bộ trung đoàn ra Quảng Bình công tác 15 ngày. Về đến trung đoàn bộ tôi cầm gói thuốc lào Thanh Hóa đến phòng “Anh Việt” rủ cùng lên biếu Chính uỷ Thảo quà từ Quảng Bình vào. Anh Việt nói “Chính uỷ Nguyễn Hữu Thảo đã chuyển đơn vị khác rồi, mới đi được năm hôm thôi”.
   Thế là từ đây tôi không biết Chính uỷ ở đâu? Cuộc đời Thủ trưởng và người lính cận vệ chia tay nhau thật là đơn giản thế. Những ký ức về ông cứ theo tôi suốt hành trình. Mãi đến năm 2009, tôi và Thế mới biết được ông đã yên nghỉ ở Thành phố Nha Trang.
Tất cả những kỷ niệm thời máu lửa của Ông và những người lính trung đoàn 30 vẫn còn nguyên vẹn…
                                         
                                                            
                      Bắc Giang, ngày 28 tháng 04 năm 2012
Hà Văn Phong

HỒI ỨC THÁNG TƯ: MÀN PHÁO HOA ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI

Bắn pháo hoa vào dịp trọng đại như Tết Nguyên đán, lễ mừng quốc khánh hay lễ mừng chiến thắng đã trở thành thông lệ và khá quen thuộc với người dân cả nước. Tuy nhiên, cách đây hơn 30 năm, những ai có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh tối 30 tháng tư năm 1975, chắc sẽ không quên, tại khu vực bến cảng Sài Gòn đã có một màn pháo hoa mừng chiến thắng khá đặc biệt. Có một điều thú vị: Tác giả màn pháo hoa ấy chính là cán bộ, chiến sĩ đại đội 4 xe tăng của lữ đoàn 203-những người đã húc cổng, cắm cờ tại Dinh Độc Lập buổi trưa hôm đó.



    14 giờ ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau khi tình hình ở Dinh Độc Lập đã trở lại bình thường, đại đội 4 của tôi được giao nhiệm vụ chiếm giữ cảng Sài Gòn và kiểm soát tình hình đi lại trên sông. Ngay sau khi nhận lệnh, đại đội trưởng Bùi Quang Thận lập tức tập hợp đội hình, phổ biến nhiệm vụ tổ chức cho đại đội tăng cơ động về phía cảng.
    Lúc này quảng trường trước cửa Dinh Độc Lập và các con đường xung quanh đều đông nghẹt người. Có thể nói gần như tất cả nam, phụ, lão, ấu của thành phố đã đổ về đây để chứng kiến giờ phút trọng đại của dân tộc. Từ trong sân dinh đi ra, xe của chúng tôi phải bò từng tí một vì bà con cứ xúm xít xung quanh vẫy chào, chụp ảnh, tặng hoa. Phải mất một lúc lâu chúng tôi mới qua khỏi đám đông và nhanh chóng tăng tốc độ.
Chừng hai mươi phút sau, chúng tôi đã đến con đường trước cổng cảng (tôi cũng không nhớ tên đường đó là gì). Một khung cảnh cực kỳ hỗn loạn diễn ra trước mắt: hai cánh cổng ra vào cảng mở toang, hàng đoàn người đang ùn ùn khuân hàng từ cảng ra ngoài. Người thì súc vải, người thì thùng rượu, người thì tay xách nách mang đủ các thứ lỉnh kỉnh… Họ đang hôi của! Mấy chiến sĩ bộ binh ngồi trên xe giương súng AK lên trời bắn chỉ thiên nhưng hình như không có tác dụng gì. Mọi người chỉ có vẻ vội vã hơn mà thôi. Xe chúng tôi vẫn nhích chậm chạp vì quá đông người. Mãi một lúc sau xe đầu tiên mới vào được cổng cảng và nổ một phát pháo lên trời. Tiếng trọng pháo nổ giữa thành phố nghe thật khủng khiếp và ngay lập tức có tác dụng. Tất cả mọi người xung quanh vội vã nằm ẹp xuống đất và tản đi. Cảng bỗng vắng tanh.
    Ngay sau khi vào cảng, chúng tôi cho xe tiến sát ra mép cầu cảng. Những khẩu pháo 100mm hướng xuống mặt sông đầy uy lực. Trên cầu cảng rải rác còn vài chiếc xe du lịch đổ ngổn ngang. Chắc là của những người giàu hay quan chức di tản bỏ lại. Dưới sông chỉ có một tàu vận tải loại nhỏ đang neo tại cầu tàu. Chúng tôi yêu cầu những người còn đang ở trong cảng ra ngoài hết rồi đóng cổng lại. Chỉ mất khoảng mười phút, đại đội tôi đã hoàn toàn làm chủ cảng Sài Gòn.
    Ít phút sau, hai chiếc tàu kiểu sà lan tự hành chạy từ phía hạ lưu lên. Chúng tôi vẫy nhẹ tay, hai chiếc tàu đã lập tức bẻ lái cặp sát vào cầu cảng. Những người chủ tàu lên bờ trình báo: “Tàu của họ là tàu dân sự nhưng bị chính quyền ngụy trưng dụng đi phục vụ chuyển quân. Tuy nhiên, trưa nay lính tráng đã bỏ chạy hết nên bây giờ họ đang trên đường về nhà”. Khi hỏi: “Tại sao trên tàu nhiều súng như vậy?” họ cho biết: “Lính Việt Nam cộng hòa khi tan rã đã bỏ lại tất cả súng ống, đạn dược và cả quần áo nữa”.
    Sau khi kiểm tra các loại giấy tờ thấy đúng như họ nói, chúng tôi đồng ý sẽ cho họ về nhà nhưng yêu cầu họ phải đưa tất cả các loại vũ khí dưới tàu lên bờ. Nhìn thấy hai hòm pháo sáng còn nguyên để trong góc ca-bin tôi yêu cầu đưa lên bằng hết.

    Một trong những thứ mà tôi quan tâm nhất lúc này là pháo sáng Mỹ. Những quả pháo sáng có vỏ là một ống nhôm gần bằng cổ chân, một đầu là hạt nổ, một đầu là nắp đậy được dán kín bởi băng keo. Với kết cấu như vậy dù có ngâm nước cả tháng nó vẫn không hề gì. Khi sử dụng chỉ việc bóc băng keo ra, lồng cái nắp vào đáy ống và dập mạnh xuống đất. Thế là một quả pháo sáng sẽ vọt lên. Nhờ có dù nên pháo sáng sẽ lơ lửng trên không chừng vài ba phút, soi tỏ một diện tích khá rộng. Hôm trước, khi tiến đánh Ngã ba Thái Lan dưới Long Thành bắt được một chiếc M113 còn nguyên vẹn, tôi cũng đã thu giữ một hòm pháo sáng đưa sang xe mình. Cũng chẳng có ý định rõ rệt dùng để làm gì mà chỉ là cái ý thích “nghịch ngợm” của một chàng trai mười chín, đôi mươi mà thôi. Tôi đã là “thủ kho” pháo sáng. Lúc này thì tôi có trong tay những ba hòm.

    Đợi một lúc nữa không có tàu nào qua lại, anh Thận phân công lái xe tăng ở lại cảnh giới, còn lại đi nấu cơm và thu dọn khu vực kho. Cả một dãy mười cái kho rộng mênh mông cửa mở toang. Hàng hóa đã bị những người hôi của khuân đi khá nhiều nhưng còn “bát ngát”. Thôi thì đủ thứ thượng vàng, hạ cám, có những kiện hàng to như cả gian nhà, nhỏ thì cái bát, đôi đũa đều có nhưng có lẽ nhiều nhất là vải vóc. Vì đã được giáo dục rất kỹ về kỷ luật chiến lợi phẩm nên chúng tôi chỉ xin phép nhặt mỗi xe mấy thứ lặt vặt, một ít đồ ăn uống và ít vải để lau xe. Thấy đống rượu và mực khô xếp cao chất ngất, mấy anh lớn tuổi xin phép khuân vài thùng về xe. Sau mấy ngày toàn lương khô, nước lã, bữa cơm đầu tiên ngày chiến thắng có đồ hộp Mỹ, lại được ăn bằng bát sứ và đũa son trên cầu tàu lộng gió. Bữa ăn thật ngon lành. Tôi bỗng se sắt nhớ anh em mới đây thôi còn chia bánh lương khô bên suối nay đang nằm lại bìa rừng.

    Cơm nước xong, chúng tôi kéo nhau ra sát mép cầu cảng ngồi. Ở đó có một đống gỗ súc vứt ngổn ngang. Gần hai chục anh em kẻ đứng, người ngồi trên súc gỗ điểm lại tên những người ngã xuống suốt chặng đường từ ngoài Bắc vào tới đây, nhắc chuyện quê hương và nhớ những người thân ở quê đang ngóng đợi. Ai cũng nghĩ chỉ ít ngày nữa là mình sẽ được về quê.

    Chiều ngày hoà bình đầu tiên trên bến cảng thật bình yên. Mặt sông, những dề lục bình trôi lững lờ. Gió thổi mát rượi xua tan hết những mệt nhọc của hơn một tháng trời ròng rã chiến đấu từ Huế vào đến Sài Gòn. Hai anh trung đội trưởng Trị và Tráng thì thầm gì đó với đại đội trưởng Thận rồi chạy ù đi, chúng tôi chỉ thấy đại đội trưởng gật đầu và tủm tỉm cười.
    Một lúc sau đã thấy hai anh khệ nệ đem về hai chai rượu Na-pô-lê-ông và mấy con mực nướng (đã xin phép). Lần đầu tiên trong đời tôi thấy những con mực to như vậy-con nào con nấy phải bằng cái quạt nan. Trung đội trưởng Trị mở nút chai rượu rót đầy vào cái bát đưa cho đại đội trưởng. Mùi rượu thơm lan tỏa. Anh Thận nâng cao bát rượu và nói:
- Nào, bây giờ đại đội ta sẽ uống rượu mừng chiến thắng!
    Nói rồi anh ngửa cổ uống một ngụm, bát rượu được chuyển sang cho chính trị viên Toàn, đại đội phó Phượng rồi lần lượt đến chúng tôi. Tôi cũng làm một ngụm to, bị sặc ho khù khụ. Mặc dù vậy chúng tôi đều thấy lâng lâng, không hiểu vì men rượu hay vì niềm vui chiến thắng.
     Chiều xuống dần. Mặt trời đã lặn hẳn. Hoàng hôn Sài Gòn tím thẫm trông thật lạ. Chợt nhớ đến ba hòm pháo sáng ở xe tôi đề xuất:
- “Đại trưởng” ơi! Mình bắn pháo sáng mừng chiến thắng nhé!
Anh Thận tỉnh như sáo:
- Có pháo sáng à?
Tôi đáp:
- Xe em có ba hòm. Tổng cộng là một trăm hai mươi quả.
Đại đội trưởng Thận mừng rỡ:
- Thế thì đem ra đây! Bao nhiêu năm mới có ngày hôm nay, không mừng sao được. Ai nấy háo hức tự cho mình cái quyền được tôn vinh ngày trọng đại này.

Tôi gọi pháo thủ Thọ cùng về xe khuân pháo sáng đến. Ba hòm pháo sáng được khui ra, tôi chia cho mỗi người mấy quả. Anh Thận bảo:
- Tất cả mở nắp ra! Đợi lệnh của tớ mới được đập nhé!
    Lúc này anh như trẻ lại hàng chục tuổi, tôi đã từng phụt pháo sáng, nhưng sao lúc này tim cứ rộn ràng đập. Cả thành phố sẽ hướng về đây.

Đợi mọi người sẵn sàng anh Thận mới hô:
- Hai, ba!
   Gần hai chục cánh tay cùng dập mạnh xuống. Chỉ nghe những tiếng “vút”, “vút” rồi gần hai chục quả pháo sáng nở bừng trên bầu trời tím thẫm. Một góc Sài Gòn bừng sáng, mặt nước sông lung linh phản chiếu lên càng làm cho chùm ánh sáng thêm huyền ảo. Chúng tôi sung sướng ngước nhìn và reo hò đến vỡ họng. Anh Thận giục chuẩn bị rồi hô tiếp. Lại một loạt nữa được bắn lên. Loạt trước chưa tắt hẳn được loạt sau tiếp sức ánh sáng càng rực rỡ. Chợt ai đó lên tiếng:
- Bắn thế này thì nhanh hết lắm! Có lẽ phải bắn từ từ thôi.
    Đại đội trưởng Thận đồng ý:
- Bây giờ ngồi thành vòng tròn. Bắt đầu từ tớ rồi lần lượt từng người nhé. Nào bắt đầu!
    Nói rồi anh dập mạnh tay xuống. Chỉ thấy những tiếng vút, vút nối nhau. Trên bầu trời tím thẫm những quả pháo sáng lần lượt bừng nở, quả này vừa tắt đã có quả khác bắn lên. Cả một góc Sài Gòn bừng sáng, chúng tôi reo hò đến khản cổ. Đó đây một vài quả pháo sáng được bắn lên như phụ họa cùng bữa tiệc pháo sáng của chúng tôi.

    Buổi bắn pháo sáng của đại đội tôi kéo dài đến gần ba mươi phút. Bầu trời khu vực cảng Sài Gòn như ban ngày và ngập trong tiếng reo hò của mấy chục lồng ngực trẻ.

    Cho đến giờ, đã ba mươi mấy năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên cái vùng ánh sáng lung linh, huyền ảo ấy. Đã từng chứng kiến nhiều cuộc bắn pháo hoa ở nhiều nơi, nhưng với lính đại đội 4 và tôi, đêm pháo sáng mừng Đại thắng trên bến cảng Sài Gòn 30 tháng 4 năm 1975 là đêm pháo hoa đẹp nhất trong đời.

NKG

LỜI CHÚC MỪNG

          LỜI CHÚC MỪNG NHÂN NGÀY 30-4
                  Thân mến gửi các em học sinh trường cấp III Chí Linh

Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu lớp học sinh của trường cấp 3 Chí linh, huyện Chí Linh lần lượt rời ghế nhà trường, vào Nam chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước để bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Nhưng chắc chắn con số đó không nhỏ!
       Nhân dịp kỷ niệm37 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ Quốc (30/4/1975 - 30/4/2012) Tôi thân tình gửi tới các thày giáo, các em học sinh trường cấp 3 Chí Linh (Nay là trường T.H.P.T Chí Linh thị xã Chí Linh) đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam ,đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.
          Chúc các thày, các em cùng gia đình sức khỏe và hạnh phúc.
        Xin được cúi đầu kính cẩn trước vong linh các liệt sỹ, đã hy sinh vì Tổ Quốc.

                                            Đông Triều 29/4/2012
                                                    Thày Tư gv Toán trường c3 Chí Linh

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Đá Nhảy




Không định thăm Đá Nhảy
Chỉ tình cờ qua đây
Đá như người cúi lạy
Sóng trắng đầu tung bay

Hai đêm nằm  trên xe
Lắc đều như đánh võng
Vẫn ngon lành giấc mộng
Biết mình còn khỏe khoe.
28/4/2012
Đỗ Đình Tuân

Ngỡ ngàng





Gặp em bất chợt ngỡ ngàng
Vừa quen vừa lạ đích hàng xóm anh
Bốn mươi năm lẻ xa tình
Giờ đây gặp lại đã thành “cụ non”
Vội vàng hỏi chuyện chồng con
Dịu dàng dung dị em còn gửi thưa
Bao năm chẳng khác ngày xưa
Dáng xưa nếp cũ thân thưa dịu dàng
Bây giờ con cháu đàng hoàng
Công danh thành đạt trong hàng đại gia
Còn anh giờ đích cụ già
Cháu con nhỏ nhít chưa là thảnh thơi
Gặp nhau mươi phút mau trôi
Bao nhiêu kỷ niệm bồi hồi xốn xang
Liệu em có trách anh chăng
Anh thì ghi nhớ tấm lòng bạn quê.

 

     MẠNH LINH