Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chuyện ghi chép ở bệnh viện

Xe đẩy bệnh nhân mới vào phòng, giường số 30. Một người đàn ông hơi thấp, mặc áo vét đen đẩy xe, cùng với nhân viên đỡ bệnh nhân nằm xuống giường. Bà kêu ré lên é é é. Tất cả vội vã đi ra ngoài. Bệnh nhân tự nhỏm dậy, ngồi nhìn ngơ ngác, đoạn nhổ đánh toẹt một bãi nước bọt trên sàn nhà đang sạch bóng loáng. Đó là người đàn bà chừng  60 tuổi, da dẻ hồng hào, khuôn mặt nhỏ nhắn. Bàn tay phải bị co nắm lại, chân phải hình như cũng cứng ngắc.
Tôi nằm ở giường cách khá xa, hỏi vọng “Bác đau bệnh gì ạ?”
Bà đáp:
-         Rồi, rồi, hờ hờ….
Tôi kiên nhẫn hỏi tiếp:
- Thế con bác đâu? Không có ai ở trong này với bác à?
Bà chỉ tay ra phía cửa và gật gật đầu “rồi rồi”….
Tôi và Thu, bệnh nhân nằm giường bên cạnh nhìn nhau ngán ngẩm. Tôi lắng nghe Thu thì thào:
-         Sáng nay em thấy nói có ca ung thư xương cứ kêu lên é é khi có ai đụng tới người, các bác sĩ bảo cho về thôi không chữa được… Hay chính là ca này? Chắc bà ấy xin ở lại và được chuyển sang phòng mình đây.
Tôi thở dài nói khẽ:
-         Vâng phòng mình xơi “quả độc” rồi. Mình kinh nhất cái đoạn bà ấy nhổ lung tung xuống sàn, vừa rồi lại nhổ tiếp nửa trên giường nửa dưới đất đấy. Không biết chồng và con cháu đi đâu hết nhỉ chả thấy ai.
Thu hơi đăm chiêu:
-         Ông lúc nãy đẩy xe vào, chắc chỉ là người chuyển giúp, ông ấy đi mất tiêu rồi…
Thật khổ. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh bệnh nhân bị bỏ rơi. Khi có việc cần các bác sĩ y tá hỏi đến chẳng có người nhà nào chăm sóc cả. Rồi bệnh nhân cùng phòng thương tình giúp được gì thì giúp thôi.
Người đàn bà vẫn ngồi, mái tóc uốn dở cắt ngang quá gáy rối bù. Bà mặc chiếc quần lửng chỉ dài quá đầu gối một tỵ, để lộ ra cặp đùi trắng trẻo có da có thịt, tươi trẻ hơn rất nhiều so với vẻ già nua bên ngoài. Chúng tôi chán chả hỏi chuyện gì nữa. Bỗng người đàn ông mặc áo vét đen quay lại. Bà bệnh nhân mới tên là Vân vui vẻ hẳn lên và cười “hờ hờ”… Ông xách theo mấy củ khoai lang luộc, ngồi xuống ghế vươn về phía sau khoan khoái, rồi thong thả bóc từng củ đưa cho bà ăn, và chủ động chuyện trò với cả phòng:”Các bác ạ, tôi năm nay 75 tuổi rồi, tôi vẫn còn đi dạy thêm để nuôi vợ tôi đây, và một thằng con trai 22 tuổi nữa. Vợ tôi bị tai biến mạch máu não đã 7 năm nay. Nghe gì bà ấy cũng hiểu hết nhưng không nói được…” Nói đoạn, ông âu yếm nhìn vợ:”Sao, em ăn thấy có ngon không? Khoai mới luộc còn nóng hổi đấy!” Bà Vân gật gật đầu, “rồi rồi”, “hờ hờ hờ hờ”… Cả phòng ai cũng ái ngại thương ông chồng quá, mỗi người một câu, khiến người đàn ông dường như vừa ngường ngượng vừa phấn khích thật khó tả.Ông tự giới thiệu tiếp, ông chính là nghệ sĩ ưu tú tên tuổi không thật nổi trội nhưng đã để lại những ca khúc bất hủ trong lòng thính giả một thời. Ông về hưu chục năm nay, bây giờ nhiều nơi vẫn mời ông dạy thanh nhạc, dạy hát, cả tân nhạc, cả hát sẩm, thôi thì đủ thứ. Vì bận chăm vợ con nên một tuần ông chỉ dạy mấy buổi thôi, vừa có thêm thu nhập vừa tìm được niềm vui từ các cháu các em đang say sưa luyện giọng luyện nghệ thuật biểu diễn trên các sân khấu rực rỡ ánh đèn. Tôi vừa chăm chú nghe ông kể chuyện vừa dán mắt vào người đàn bà tay vung vẩy vụng về , miệng nhai miếng khoai vẻ mãn nguyện, và luôn nhìn chồng với vẻ trìu mến.  Bất giác, tôi trở về với sự cố bất thường của mình mấy tuần trước đây. Sáng hôm ấy, tôi đã uống thuốc huyết áp rồi mới đến lớp bồi dưỡng viết văn, vậy mà giữa đường đi ăn cơm trưa với anh Vũ Lan, tự nhiên thấy toát mồ hôi trong khi trời trở gió lạnh. Nửa người bên trái tôi gần như tê liệt, rồi chợt rung lên bần bật, mắt trái như xụp xuống, khớp vai và tay bên trái cứng đờ và đau kinh khủng. Tôi cố ăn cho hết đĩa cơm rồi anh Vũ Lan chở đến nhà người bạn cũ của tôi  gần đó theo hẹn thăm từ trước. Lúc đó tôi chẳng nghĩ mình bị tăng huyết áp, chỉ nghĩ chắc phải gió nên khó chịu thôi. Vào đến cửa, tôi chỉ kịp nói với anh bạn:”Anh Vinh ơi, em mệt lắm anh ạ”. Chủ nhà niềm nở đón chúng tôi vào và lo lắng:”Em mệt sao, hai người ăn cơm trưa cùng vợ chồng mình nhé?” Tôi thều thào nhát gừng “em cùng đi với anh Vũ Lan đây,anh ấy ở gần nhà em,cùng đi học lớp viết văn, hai anh em ăn cơm hàng rồi bây giờ ghé thăm anh chị. Lúc nãy em đã gọi điện hẹn anh đấy … nhưng thôi anh đừng hỏi em nữa, em mệt lắm”. “Hay là em có bị huyết áp không, để anh bảo vợ anh đo cho em nhé, nhà có máy mà”. Tôi ngần ngừ:”Dạ thôi, sáng nay em uống thuốc rồi ạ, em nhờ chị sau, bây giờ em ngồi yên cho trấn tĩnh lại đã”. Thế rồi, tôi uống chén nước nóng nhâm nhi mấy cái kẹo chủ nhà mời, để mặc hai anh chuyện trò với nhau. Một lát sau, tôi mới vào phía trong, chị Hải – vợ anh Vinh đang dọn cơm. Tôi nhờ chị đo huyết áp, 210/112. Chị Hải kinh ngạc yêu cầu đo lại. Tôi cũng hoảng nhưng biết chắc đó là sự thực rồi. Lần thứ hai, dù tôi đã gắng thở sâu và bình thản, nhưng vô ích, con số 210/115 hiện lên trêu tức. Hai vợ chồng hò nhau cấp tập lấy thuốc hạ huyết áp cho tôi uống. Người tôi như bốc lửa bên trong mà bên ngoài ai cũng thấy là tái dại. Tôi thoáng nghĩ đi cấp cứu vào bệnh viện, nhưng rồi nhớ lần năm xưa cũng thế này, đang đêm vào Bệnh viện Hữu Nghị uống tới 5 loại thuốc ngủ mà mắt cứ trân trân nhìn trần nhà, bong bóng báo hiệu huyết áp cứ căng lên tròn mọng không chịu xẹp tí nào mặc cho đủ loại thuốc hạ cấp hạ mãn đã tuồn vào miệng…Cái cảm giác đến gần cái chết cứ gặm nhấm trong nỗi hoảng sợ không thể nào chế ngự ấy đã không cho phép tôi chịu đựng lặp lại một lần nữa. Tôi thầm nghĩ, thì cứ về lớp học bình thường đi, hạ huyết áp được thì tốt không thì … cho “đứt” luôn, tôi đã có Minh Quang chờ đợi ở thế giới bên kia cơ mà!Ôi, giá như cái buổi chiều liều mạng hôm ấy để lại hậu quả cho tôi về tai biến như người đàn bà này nhỉ, bây giờ tôi lại đang nằm liệt hay đang ngồi chồm hổm để chờ miếng ăn mà “rồi rồi hờ hờ” như thế thì thật là….Nhưng tôi đâu có diễm phúc được như bà ấy. Liệu sẽ có người đàn ông nào dù chỉ một lần bón cháo bóc khoai cho tôi không ? (ngoại trừ con cái trong nhà thì không kể rồi). May chăng anh Vũ Lan có thể làm được điều ấy. Anh luôn như một người anh xót thương tôi cả trong khi tôi khỏe mạnh nữa là lúc ốm đau. Nhưng chắc tôi không dám nhận cái điều tự mình tưởng tượng ra ấy đâu. Bất giác tôi rùng mình nhận ra tôi đang là tôi nằm đây, trong căn phòng sạch sẽ ấm cúng của bệnh viện, tôi  đang đau liên miên nhưng tôi chưa bị tai biến, tôi chưa cần ai phải chăm sóc gì đặc biệt cả. Chẳng nhận ra mọi người đang trò chuyện với người đàn ông đến đoạn nào, tôi đột nhiên hỏi:”Thưa bác, thế con trai hai bác đâu rồi? bác bảo có con trai 22 tuổi mà”. Người đàn ông đáp lại thật buồn:” Vâng chúng tôi có con trai. Nhưng thằng bé lại bị tâm thần, may mà nó cứ uống thuốc rồi ngủ suốt ngày chẳng phá phách gì” Ôi trời! tôi không kìm được thốt lên:”Sao bác lại vất vả đến vậy? Thế hai bác chỉ có một con thôi sao?” Ông chậm rãi:” Không thực ra tôi có 4 con hai trai hai gái nữa cơ, chúng đã trưởng thành hết rồi và ăn nên làm ra, nhưng đó là con của người vợ đầu. Còn với cô này, tôi chỉ có một thằng bé ấy. Vợ đầu của tôi tuyệt  lắm, “công dung ngôn hạnh” đủ điều. Chúng tôi đã sống hạnh phúc với nhau 25 năm trời rồi cô ấy bị ung thư đại tràng chữa trị cầm cự một năm thì mất. Lúc đầu tôi tưởng như không thể đứng vững được nữa, nhưng sau rồi tôi gặp cô Hạnh. Cô ấy là họa sĩ cơ đấy. Cô Hạnh chưa có gia đình, tôi thì đã 4 con và lớn hơn cô ấy 15 tuổi. Tôi cũng băn khoăn lắm khi quyết định tái giá, nhưng quả thực Hạnh rất nhiệt tình yêu tôi, và cũng chắc tại duyên phận nữa, chúng tôi lấy nhau. Tôi từ chối nhiều đám khác giầu có trẻ đẹp vì họ có con riêng, tôi sợ sẽ phức tạp. Lấy cô Hạnh thì đơn giản hơn. Có điều cả nhà tôi, chẳng ai ưng cô ấy cả. Bọn con tôi rất ghét cô ấy, nên giờ cô ấy ốm đau, chỉ mình tôi cố gắng chăm, chứ tôi  chẳng báo cho chúng biết. Đấy là với cô Hạnh thôi, chứ tôi mà ốm thì các con tôi quây quần chăm sóc chu đáo lắm. Tôi vẫn thường đoàn tụ ở nhà chúng vui vầy với các con và cháu nội cháu ngoại đủ đầy mà”…Trong lúc chồng kể chuyện, bà Hạnh vẫn ngồi chăm chú nghe, thi thoảng “rồi rồi” chứ không cười hơ hơ gì nữa.
Chúng tôi lặng đi khi nghe tâm tình của người đàn ông xa lạ mà bỗng nhiên như thân quen từ bao giờ. Tôi thầm trách bốn đứa con (dâu rể là thành tám) đã thiếu độ lượng và cảm thông thương bố. Ký ức lại vụt hiện về. Tôi và MQ cũng sống với nhau 22 năm và nếu kể 3 năm yêu nhau thì cũng là 25 năm. MQ cũng ra đi trong khi chúng tôi đang có một gia đình hạnh phúc. Tôi đã đau đớn nhưng không nghiêng ngả. Tôi từ chối mọi tình yêu đơn phương của bao người đàn ông đến với tôi để dồn tâm tư tình cảm chăm sóc cho những đứa con và anh linh người chồng thân yêu bạc mệnh. Và như thế tôi cảm thấy yên ổn. Thành ra dù  không may tôi bị bệnh hiểm nghèo đến thế nào, chắc chắn tôi không phải nhận ở những đứa con sự ghẻ lạnh, quay lưng và suy diễn lung tung nào cả. Nghĩ lan man vậy, nhưng tôi hiểu mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Không thể bắt người nghệ sĩ ưu tú kia phải ở vậy suốt trong phần đời còn lại khi ông mới ở tuổi 50 sung sức. Nhưng mà … thật tội nghiệp, cái “tập 2” của ông quá nặng nề và bất hạnh. Đấy là tôi cứ nghĩ thế, chứ hầu như ở người đàn ông đó, chưa bao giờ có một phút giây thể hiện mệt mỏi. Ông luôn ôn tồn dỗ dành vợ từng ly từng tý. Vợ ăn xong mấy miếng khoai luộc, ông lại săm sắn mua về cặp lồng cơm, bón cho vợ từng miếng một, có lúc bà nhè ra đĩa không ăn nữa, ông thản nhiên ăn nốt phần còn lại khiến chúng tôi rùng mình rồi ai nấy đều thấy cay cay con mắt. Ông ăn ngon lành, một loáng là xong. Rồi ông tươi cười dìu vợ vào toilet để bà đi tiểu. Bà Vân có thể đứng và bước được bằng  chân trái, còn chân phải yếu chỉ lê theo. Ông sốc một bên nách bà, một tay đỡ ngang hông. Thi thoảng hình như bị đau, bà kêu ầm lên “giời ơi giời ơi”. Ông chỉ một mực nhẹ nhàng, “cố gắng một tý nào, có anh dắt rồi đừng sợ”… Đợi vợ đi tiểu xong, ông lại tiếp tục làm nốt phận sự đưa vợ trở lại giường, rồi dặn vợ, “anh đi rửa bát đĩa nhé, rồi anh cho em uống thuốc”… Bà Vân cười cười “hờ hờ” rồi rồi nhìn theo ông chồng lật đật tới chỗ bồn nước rửa chén. Xong việc, ông đỡ nhẹ bà nằm xuống giường, xong ra ngồi tựa vào chiếc ghế dành cho khách, ngửa cổ ra phía sau. Thoáng một cái ông đã ngáy khò khò ngon lành. Ông già 75 tuổi mà dễ ăn dễ ngủ thế đấy. Nhìn ông với dáng đi bệ vệ, thong thả, tự tin, nét mặt hiền lành chân chất không có chút gì kênh kiệu amator của giới nghệ thuật, chẳng ai hình dung được ông đã và đang trải qua những ngày khốn khó đến thế. Thật ra, sự khốn khó không nằm ở chỗ tiền bạc. Lương hưu hai vợ chồng chừng 10 triệu, ông dạy thêm hàng tháng trung bình 6 triệu nữa. Tổng cộng 16 triệu với ba nhân khẩu là sống ung dung trong ngôi nhà gác bốn tầng bảy phòng cách trung tâm thành phố chừng  15 km rồi. Nhưng cái khốn khó là ở chỗ, ông cứ phi xe máy vù vù mỗi buổi dạy cả đi lẫn về 30 km giữa những đám đông ùn tắc giao thông để đến lớp và để trở về với bà vợ yêu quí suốt ngày chỉ “rồi rồi, giời ơi, hờ hờ”, và chỉ mặc mỗi áo mà không mặc cả quần lót lẫn quần dài để đi vệ sinh cho đại tiện, tự vịn tay lê la ra toilet, tự xúc cơm bằng một bên tay chưa liệt... Là ông kể như thế, rằng chỉ khi vào bệnh viện thế này, lạ nước lạ cái, ông mới phải dìu bà ra toilet và bà mới kêu tướng lên thôi, chứ ở nhà bà cũng phải tự vận động nhất là lúc ông đi vắng. Vậy đó, thời gian thấm thoắt đã 7 năm từ cái ngày bà lên gác ba phơi quần áo, rồi khi xuống lỡ hụt chân ngã, cái căn bệnh huyết áp đã quật bà không thương tiếc, để rồi ông phải lăn lộn lắm chữa chạy lắm mới được như ngày hôm nay. Cái khốn khó là ở chỗ, cậu con trai quí tử được bố mẹ nuông chiều từ bé, thích chơi hơn thích học, được gia sư đến tận nhà kèm cặp nhưng vẫn lơ đãng với một đống các môn văn hóa mà cậu cho là chết tiệt, để rồi khi mẹ cậu bị tai biến, bố cậu đã mua cho cậu một cái máy vi tính. Những tưởng để cậu ngồi yên giải trí không phải lùng sục trò gì ngoài đời nữa, nào ngờ một mình ở nhà cậu học thì ít, chơi game thì nhiều, chơi đến nỗi quên ăn quên ngủ, quên bố nhọc nhằn chăm mẹ ở bệnh viện, quên mẹ ngơ ngơ chỉ trỏ nói lời ngòng ngọng ú ớ. Cho tới một hôm, với căn bệnh ảo tưởng nhiễm tự bao giờ, cậu bám đu người vào lan can đòi nhảy xuống từ tầng tư, khiến cả tổ dân phố hốt hoảng người mang đệm kẻ mang chăn ra chắn đỡ cậu. Kết quả là cậu không tắc tử mà thành dở điên dở dại. Đi chữa bệnh bác sỹ cho uống thuốc tâm thần, cả ngày cứ việc ngủ tới 11 giờ trưa dậy ăn cơm (bố nấu), hoặc khi bố mẹ vào bệnh viện thế này, thì cậu lang thang ra chợ gần nhà mua cái bánh mì hay đĩa cơm bình dân. Nghĩa là cậu còn biết sử dụng đồng tiền bố đưa cho mà tự mua đồ ăn cho mình, ăn xong lại ngủ tiếp.
Càng nghe chuyện càng não lòng. Càng não lòng càng thương ông nghệ sĩ, thương bà họa sĩ thuở nào cầm cây cọ vẽ chân dung ông chồng mà nét phong độ cứ hiển hiện như cái gì rất tự nhiên hồn nhiên trong giọng cười của bà. Ai nói gì bà cũng hiểu, nên tôi thường chuyện trò với bà. Tôi nói vui, bà có ông chồng thật tuyệt vời. Nhưng bà phải cố gắng lên, phải vịn thành giường mà tập đi này, phải làm sao cho chồng bớt cực nhọc một chút, không thì ông ấy đi theo mấy cô bác sĩ tầng dưới kia kìa. Các cô ấy trẻ đẹp lại mê giọng hát của ông nhà bà lắm đó. “Rồi rồi”, bà gật đầu vẻ nghiêm trang rồi lại hờ hờ cười. Tôi đang nói cười tán dóc thì ông chồng về. Ông phụ họa luôn một cách rất duyên:” Đúng rồi đó, nhiều cô thích anh lắm. Em không cẩn thận cứ la hét to cứ cáu kỉnh là anh đi luôn đấy nhé”. Dường như hiểu và quen với kiểu trêu như thế, bà cười to và bảo “rồi rồi”. Nói chuyện với bà, tôi bị lây thói quen, suốt ngày ai dặn gì tôi, hay hỏi gì tôi cũng luôn miệng “rồi rồi”. Tôi bảo mấy chị em bệnh nhân “mọi người thấy chưa, mình giống bà Vân rồi, mình không còn thói quen nói cho có đầu có đuôi nữa ha ha ha….” Đang vui vẻ thế bỗng dưng xảy ra một chuyện bất ngờ. Chả là bữa đó đến giờ ông phải đi dạy, ông nhờ một bà em gái tới trông vợ mình. Bà em tuổi chừng ít hơn bà Vân một chút, tháo vát, nhanh nhẹn, trông khá sắc sảo. Bà em vui chuyện, mau mồm mau miệng kể oang oang với mọi người :”Ôi dào, nói thật với các bác chứ, em thương ông anh em, em mới đến trông thay, cứ cứ như cái bà này ấy à, em là em cạch mặt”. Mọi người nhao nhao hỏi lí do và chờ trả lời. Bà em tiếp một tràng:”Bà này ghê gớm lắm, lấy anh em mà giữ hết tiền không xì đồng nào cho các con chồng. Anh em có làm thêm được tí nào hay có bổng lộc ở đâu thì dấu diếm mang về cho các con. Chị dâu đầu của em tốt lắm và phúc hậu vừa đẹp người đẹp nết chứ không như bà này. Các bác có tưởng tượng được không, bà này còn không bao giờ vào thăm bố mẹ chồng cơ, cứ đứng ngoài đường chờ chồng vào thăm bố mẹ xong, ra đón bà về nhà chị em bên ngoại thế thôi, hỏi ai mà chịu được? Bây giờ thì suốt ngày cứ dạng tè he ngay trên giường  để chồng lau đít cho, cấm có chịu khó tập tành gì”. Bà Vân lắng nghe, mặt đỏ lên vì tức giận, lúc đầu thì chỉ rít khẽ “giời ơi” sau rồi la to dần “giời ơi giời ơi” bàn tay đập đập vào ngực, chỉ chỉ ra phía ngoài ý chừng muốn tống cổ cô em ra rồi bà la hét gầm rú với một âm thanh tưởng như nhà sập đến nơi… Chúng tôi cuống quýt trấn an bà Vân, thôi nào bà quát to thế ồn ào quá bác sĩ vào đây mắng cho bây giờ, còn cô em ơi cô ra ngay bên ngoài đi, khủng khiếp quá khủng khiếp quá… Bà em không phải người vừa nhưng đến nước này thì cũng chịu thua buộc phải chạy ra. Tôi vừa hoảng sợ, vừa thông cảm với bà em tâm sự trải lòng trút giận vừa thấy làm vậy không phải, ai đời người ta bất lực không nói được không giải thích được điều gì mà mình lại nói vỗ mặt như thế.
Vừa lúc ông chồng về. Bà vẫn còn tức bực. Bà tiếp tục đập tay vào ngực, vừa chỉ ra phía cửa như muốn phân bua. Chúng tôi đành tóm tắt sự việc  bằng thông tin ngắn gọn là cô em vừa kể xấu về vợ ông nên vợ ông tức giận. Ông vỗ nhẹ vào vai bà ôn tồn, “thì người ta nói xấu em, nhưng em không xấu, em vẫn là người tốt thì có sao đâu mà! Thôi để anh đi rửa mặt một tí rồi anh xuống mua phở cho em nhé”. Bà Hạnh chỉ chỉ tay vào chồng. Ông hiểu ý bèn cười, “được rồi, còn anh thì anh sẽ mua cơm về đây ăn. Nếu em ăn phở xong lại thích ăn cơm nữa anh sẽ xúc thêm cho, được chưa. Và nếu phở em ăn không hết, anh sẽ ăn nốt cho hết khỏi phí mà”. Được lời như cởi tấm lòng, bà cười vang “hờ hờ hờ” thật to, khiến chúng tôi lại phải ra hiệu suỵt suỵt khẽ chứ buổi trưa đừng làm ồn.    
Đêm đến, ông phải về nhà với thằng con. Mấy cháu con bà chị ông anh của bà tới trông giùm. Các cháu đều bận đi làm bận con nhỏ nhưng rất tốt rất nhiệt tình chịu khó đỡ đần ông nghệ sĩ, vào bệnh viện từ 9 giờ tối tới 7 giờ sáng hôm sau mới về. Họ cũng chăm chút cho bà Vân, dìu bà đi vệ sinh, nhưng với họ, bà thường la lớn hơn, kêu ca “giời ơi” liên mồm chứ không “ngoan” như với ông chồng. Cũng may là ngoài một đôi lần đi vệ sinh, đêm bà ngủ ngon không quấy đảo gì ai. Các cháu cũng tự kể thêm cho tôi nghe rằng bà Vân ghê gớm lắm, bà bắt nạt chồng trong khi ông thật hiền lành và tốt bụng. Cũng có nhiều lần thuê người giúp việc nhưng bà không chấp nhận ai cả, người lâu nhất là hai tháng, người mau nhất là hai giờ. Trong số họ, có một bà đáo để, ngay từ đầu đã trấn áp bà Vân, bắt vào khuôn vào phép trong sinh hoạt. Lúc đầu bà Vân sợ phải nghe theo bà giúp việc nhưng rồi bà như “tỉnh” lại, bà làm cho mấy trận gào thét đánh lại, cuối cùng người giúp việc phải thua và tháo chạy. Thành ra quanh quẩn chỉ có ông nghệ sĩ phục vụ bà thôi chứ không thuê ai được. Nghe cháu kể thế, tôi hình dung liên tưởng ngay ra cái lúc bà nổi đóa với cô em chồng, nên tin ngay. Tôi kể lại cho mọi người nghe mặc dù kể rất khẽ, nhưng bà vẫn lắng nghe và lờ  mờ hiểu ra hay sao ấy mà bà trợn mắt lên với tôi ngay và lắp bắp “giời ơi”, khiến tôi phải đánh trống lấp, tôi bảo tôi không nói gì bà đâu, tôi kể chuyện nhà hàng xóm của tôi cơ mà, còn bà thì tôi hiểu rồi, lúc nào bà cũng tuyệt vời, được chưa nào? Nghe vậy nét mặt căng thẳng của bà có phần chùng lại rồi cuối cùng bà lẩm bẩm “rồi rồi”…
Thời gian trôi thật là nhanh. Bệnh bà cũng thường. Bà chỉ rối loạn tiêu hóa nhẹ và buồn nôn lúc mới vào viện, sau uống thuốc mấy ngày là ổn. Thế là dù mới được ít ngày, ông nghệ sĩ xin cho bà xuất viện sớm. Tối hôm đó, ông chở con trai đến viện đón mẹ về. Ông bảo thằng bé yêu cầu thế. Ôi chao khỏi phải nói, chúng tôi ai cũng nóng lòng chờ đợi gặp mặt thằng bé. Thì đây, nó đang lừ lừ đi vào phòng theo sau bố. Nghe ông nhắc, nó chào các cô các bác cẩn thận rồi đứng lui vào một góc phòng. Thằng bé trẻ hơn tuổi 22 nhiều. Người cũng thâm thấp như bố nhưng không béo bằng bố. Da cậu trắng bóc, mịn màng còn hơn da con gái chỉ tội xanh xanh yêu yếu. Đôi mắt mở to, đen láy và đẹp một cách hiền hậu. Cái mũi cao, miệng xinh, môi hồng hồng trên khuôn mặt tròn trịa cùng cái đầu húi cua trông ngồ ngộ nhưng thật dễ thương. Tôi nhắc cậu:”Cháu ngồi xuống ghế đi cháu!” Cậu bé lắc nhẹ:”Cháu không ngồi xuống ghế được ạ, ngồi khó lắm”. Tôi quan sát, đoán vì bụng cậu hơi phệ và chiếc sơ mi kẻ chật bó sát người gây cản trở chăng, nên tôi dắt cậu ra mép giường và bảo cháu ngồi xuống đây sẽ dễ hơn. Quả nhiên, cậu ngồi xuống thoải mái. Chúng tôi mỗi người một câu hỏi cậu tíu tít. Cậu chậm rãi nhưng đều trả lời đầy đủ, rõ ràng. Cậu còn nhớ rõ cậu 22 tuổi tức là cậu sinh năm 1992. Bà Hạnh vui lắm, tay xoa vào vai con, vào lưng con trìu mến và cũng chỉ biết “hờ hờ” cười mãn nguyện. Ông bố thường hay tranh trả lời thay con, nhưng thực ra cậu bé tỏ ra vẫn hiểu và khi các cô gặng thì vẫn trả lời theo đúng ý của mình chứ không phụ thuộc vào bố. Tôi hỏi tiếp cậu mấy điều, và sau đây là lời đối thoại của hai cô cháu:
- Thế cháu có thích nghe nhạc không?
-         Có ạ.
-         Cháu thích nghe nhạc gì?
-         Nhạc cổ điển ạ.
-         Cháu có thích tập đàn không?
-         Dạ không.
-         Cháu có thích cái gì không? Dùng máy tính, đá bóng, xem xiếc chẳng hạn?
-         Cháu chẳng thích cái gì.
-         Thế khi bố cháu đi vắng, cháu thường ra chợ ăn phở hay ăn cơm?
-         Cháu ăn phở ạ.
-         Buổi sáng cháu dậy lúc mấy giờ?
-         Cháu ngủ đến 11 giờ mới dậy.
Tôi quay sang bố cháu: ”Bác ạ, em thấy cháu tỉnh táo lắm mà, cháu trả lời mọi thứ đàng hoàng. Em mạn phép bác nói vài suy nghĩ của em, giá mà bác có thể xin bác sĩ theo dõi và cho giảm dần liều thuốc để cháu có nhiều thời gian thức hơn, bác bày cho cháu tưới chậu cây, quét cái nhà, tập hát, tập đàn một cách đơn giản có lẽ sẽ tốt hơn cho cháu”.
Người đàn ông xua xua tay:”Không được đâu mà. Tôi bận đi dạy, lại bận chăm mẹ nó nữa, tôi chẳng kèm cặp gì được nó. Để nó ngủ ít rồi nó lại hoạt động, trông thấy ô tô là lao vào nhảy lên xe thì tôi cũng đến chết. Chỉ có, thi thoảng tôi đi nhà hát làm giám khảo gì đó, tôi dẫn nó đi theo ngồi xem thôi. Đành chỉ thế thôi.”
Tôi vẫn cố:”Hay là bác mở lớp dạy ở nhà để khỏi đi lại nhiều, bác có tuổi rồi, bây giờ giao thông lộm nhộm lắm, bọn trẻ hay lách hay lượn mình có cẩn thận vẫn nguy hiểm. Mà bác làm việc tại nhà sẽ có thời gian chăm vợ con hơn”.
Ông cười giải thích: ”Tôi không dạy ở nhà được đâu ạ, bà này suốt ngày “rồi rồi” “giời ơi” nhòm ngó nghe đủ thứ chuyện thì ai mà học được cơ chứ. Thành ra tôi cứ phải đi. Mấy bữa nay vợ tôi phải vào viện thì tôi dạy ít buổi, chứ lúc bình thường tôi dạy nhiều hơn. Dạy để kiếm thêm và cũng để vui hơn, đỡ căng thẳng. Còn khi về nhà là cứ vui như tết. Tôi luôn phải bày trò, kể chuyện vui, khôi hài, pha trò để mẹ con cô ấy cười suốt ấy mà. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, cô ấy không may bị bệnh, bị di chứng thế này, xem như đã thành người khuyết tật. Vậy thì mình hãy đối xử với cô ấy không chỉ là đối xử của người chồng đối với người vợ mà còn là đối xử với người khuyết tật, mình phải chăm sóc phải nhường nhịn, bao dung, đừng làm người ta bị tổn thương…Còn với tôi, vất vả đã quen rồi, tôi cứ nghĩ đó là số phận, mình phải chịu. Đoạn đời đầu tôi đã quá hạnh phúc, quá sung sướng, thì đoạn sau phải bù lại phải khổ, cũng chẳng trách trời đất làm chi các bác ạ…Tôi còn nghĩ đến cả sau này, khi tôi yếu đau nằm xuống, phần tôi chả lo vì có con cháu tận tình rồi, tôi chỉ lo cho cô Vân, tôi đã dự tính đâu đó để thu xếp gửi một bà chị một bà em ruột của cô ấy chăm sóc rồi, cũng chẳng biết làm thế nào khác nữa.”
Nghe người đàn ông phân giải, chúng tôi ai nấy đều thầm cảm phục và càng thương xót ông nhiều hơn. Riêng tôi, ngoài sự thương xót ấy, hình ảnh của cậu bé tâm thần lúc nào cũng ám ảnh tôi. Hàng đêm, phần vì bị đau nhiều tôi không ngủ được, phần vì nghĩ miên man tới cậu bé tôi không sao chợp được mắt. Cuộc đời của nó sẽ ra sao, từ nay đến cuối đời còn xa lắc ấy, nó cứ uống thuốc để ngủ để thức lờ vờ mãi vậy sao. Trông nó gần giống với cháu ngoại tôi, cũng trắng cũng xinh cũng ngoan và đều ham thích trò chơi máy tính, nhưng cháu tôi thì đoạt huy chương vàng  toán Olimpic Châu Á Thái Bình Dương năm xưa, bây giờ thì đang học đang luyện để đầu năm tới thi tuyển may ra có được đi thi Tin học quốc tế không, và không được thì cũng đã được vào thẳng đại học vì có giải quốc gia từ năm ngoái rồi. Còn thằng bé tội nghiệp ấy, ai cứu nó, ai đưa nó từ từ ra khỏi cuộc đời sống mà như đã chết này? Trong những phút lãng mạn tột cùng, tôi thầm ước, giá như tôi trẻ lại được chỉ cần mươi tuổi, giá tôi đừng có ốm đau sầu não gì, tôi sẽ chạy thẳng đến nhà ông nghệ sỹ và xin được kèm cặp thằng bé. Tôi chẳng sợ gì bà Vân căng thẳng vì sự hiện diện của tôi trong ngôi nhà xa lạ ấy, tôi cũng không sợ ông nghệ sỹ hiểu lầm gì về tôi, chẳng sợ mọi người nghĩ tôi cũng đang tâm thần như cậu bé…Trời ạ, tôi cam đoan rằng những ngón tay trắng trẻo thuôn dài của nó sẽ lướt trên phím đàn để cả nhà được nghe những âm thanh diệu kì, sẽ lướt trên bàn phím máy tính để ghi lại những đoạn văn tôi tập viết về cuộc đời này, những kỉ niệm cười ra nước mắt…Và sau hết, chắc rồi cũng phải có lúc, ông nghệ sĩ già tài hoa phúc hậu ấy sẽ phải hát tặng tôi nghe ít nhất một lần, ca khúc đã từng lay động trái tim thính giả một thời không thể nào quên.

Hà Nội, 24/12/2014
Hồ Minh Quang 
      

4 nhận xét:

  1. Vừa có tài văn vừa có tấm lòng nên rất xúc động

    Trả lờiXóa
  2. Em cảm ơn anh Đình Tuân đọc và động viên ạ.

    MQ nhờ ban biên tập sửa giúp:

    1. Có một chỗ "anh Trụ" đổi là "anh Vũ Lan" cho thống nhất.
    2. Nhân vật Hạnh đổi tên là "Vân" Hạnh là tên thật của bệnh nhân để vậy không tiện. MQ viết và đăng vội quá nên lỗi, mong được thông cảm. MQ xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  3. Truyện rất hấp dẫn bởi thật mà vẫn độc đáo. Độc đáo trong cuộc đời, số phận và cách ứng xử của từng nhân vật.
    Phần suy ngẫm của tác giả về cậu con trai của nhân vật chính trong truyện rất xúc động bởi tấm lòng người viết thật nhân văn.
    Chị tích cực viết loại truyện kí như thế này chắc sẽ thành công đáng kể đấy ạ

    Trả lờiXóa
  4. Tôi thích truyện bởi tình nhân ái của tác giả

    Trả lờiXóa