Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

VÀI LỜI VỀ TẬP “THƠ KỂ CHUYỆN MÌNH” CỦA ÔNG BẠN HÀNG XÓM

         Tập thơ có dư một trăm bài có lẻ , được ông viết viết rải rác  từ năm 1969 đến những tháng cuối của năm 2014. Tính ra cũng gần 46 năm, ngót một phần hai thế kỷ. Nhưng số lượng bài đáng kể đều được viết vào những năm gần đây. Cứ theo ngày tháng ghi ở cuối mỗi bài mà thống kê lại thì  năm 2008 viết 17 bài; năm 2009 viết 18 bài; năm 2010 viết 10 bài; năm 2011 viết 12 bài; năm 2012 viết 12 bài... và năm 2014 viết 11 bài…
Bài thơ đầu tiên được viết vào tháng 3 năm 1969, khi ấy tác giả đang là một chiến sĩ Trường Sơn mới 26 tuổi đời. Bài thơ ấy nguyên văn như sau:
Một mình một võng một tăng
Đêm nay gió lạnh mình nằm dưới mưa
Trường Sơn ngày nắng đêm mưa
Mưa mưa tạnh tạnh nằm chờ sáng mai
Đêm qua thức trắng đêm dài
Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ ai đang chờ…?
Ngu ngơ mong đến bao giờ
Miền Nam giải phóng ta về quê hương ?
Chẳng may nấm đất vùi xương
Tăng đây võng đấy cuộn tròn bó ta …!
(Đêm Trướng Sơn) 3/1969
Bài thơ đã vô tình lưu giữ lại được tâm trạng của một người lính Trường Sơn những năm tháng ấy: Vào một đên mưa rừng Trường Sơn rả rich. Mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Người chiến sĩ không ngủ được chỉ nằm nghe mưa và chờ trời sáng. Trong lòng não nuột biết bao nỗi lo buồn “Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ ai đang chờ”. Niềm khát khao cháy bỏng của người lính ấy là “Miền Nam giải phóng ta về quê hương” cũng không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Mà nỗi ám ảnh về điều “chẳng may” thì luôn luôn hiện hữu: “Chẳng may nấm đất vùi xương , Tăng đây võng đấy cuộn tròn bó ta…!”
Nhưng may mắn hơn hàng triệu những đồng đội khác, người chiến sĩ Trường Sơn năm ấy đã ra khỏi cuộc chiến tranh lành lặn và trở về làng:
Chiến trường mình ở cũng lâu
Tám năm chín tháng đương đầu đạn bom
Tưởng chừng mình cũng không còn.
Nào ngờ cái số mình còn sống dai
Không vỡ đầu, chẳng sứt tai
Phải đâu có tài, nhờ ở vận may
Vẫn còn mạnh khỏe chân tay
Trụ được đến ngày giải phóng Miền Nam.
(Nhờ ở vận may)4/6/1976
             Cũng bắt đầu từ đây, tác giả mới bước vào cuộc sống đời thường: Lấy vợ, sinh con rồi lo nuôi dạy con cái khôn lớn… Cái “công cuộc sinh nhai” ở thời bao cấp cũng chẳng dễ dàng gì. Tác giả cũng đã phải xoay xở đủ nghề để lo bát cơm manh áo. Năm 1992 còn lưu lại được một bài Làm nghề phụ. Bài thơ rất dài trong đó tác giả kể tất tần tật những nghề mà tác giả đã trải qua từ việc đan rổ rá dần sàng… đến quấn hương bài bán trong dịp tết, mùa xuân thì vào rừng lấy hoa chit về bán, rồi rủ bạn bè mua gỗ về đóng đồ mộc…Làm gì cũng vất vả, phải tính toán kỹ càng, sắp xếp hợp lý thì mới hòng kiếm được miếng ăn. Chỉ xin trích một đoạn nói về hoạt động của cái Công ty đan lát Bắc Băng ấy:
Nhà ta có một rặng tre
Dạy con đan lát làm nghề thủ công
Sáng ra bố chặt tre xong
Ra nan vài tiếng phơi xong mới làm
Đan rổ, đan xảo, đan sàng
Các con còn nhỏ bảo ban làm nghề
Buổi sáng mẹ đi chợ về
Mua gạo, mua sắn kịp về bữa trưa
Mặc cho trời nắng hay mưa
Ngày nào cũng vậy cả nhà tập trung
Các con đan lát vừa xong
Bố thì đánh cạp, cạp xong sang chiều
Mẹ xem cạp được bao nhiêu
Tối quay vào nức để mai có hàng
Lịch trình sắp xếp gọn gàng
Người nào việc ấy rõ ràng không quên
Các con học chính, học thêm
Nhờ làm nghề phụ có tiền tiêu pha
Các con có việc ở nhà
Không còn rảnh rỗi la cà dong chơi...
Cái cuộc vật lộn với sinh nhai ấy ngỡ như một thoáng thôi, vậy mà đã đã kéo dài suốt tuổi trẻ trai và thời trung niên của đời người. Hơn ba chục năm sau, khi các con đã trưởng thành ông mới lại quay về với thơ. Ông  “Vào Hội Thơ” (cố nhiên là hội thơ của phường của xóm thôi). Mà đã vào Hội Thơ thì phải làm thơ. Bây giờ ông mới thấy“Làm thơ cũng khó” và ông “Tự nhủ” mình: “Mình biết mình chẳng có tài, Viết dăm ba chữ nên bài cho vui”. Khi vào hội thơ ông có lời tuyên ngôn rất giản dị và chân thật:
Xưa kia tôi chẳng làm thơ
Hôm nay vào hội viết sơ mấy dòng
Tôi mong các cụ cảm thông
Để tôi vào hội cho đông thêm người
Non tay các cụ đừng cười
Có sao nói vậy lời lời chân phương
(Vào hội thơ)19/8/2008
          Cho nên đa phần những bài thơ của ông là viết vào những năm gần đây. Mảng tập trung nhất vẫn là viết về cuộc sống của gia đình. Trước hết vẫn là lo đảm bảo đời sống vật chất để không đến nỗi quá thiếu thốn. Ông tính toán  và lo làm “Vườn rau sạch”, lo trồng cây ăn quả để có “Của nhà” mà dùng... Để làm được việc này,  bài học thấm thía của đời ông là phải cần kiệm. Ta hãy nghe ông thổ lộ trong bài Dạy con:
Làm người phải nghĩ trước sau
Ăn tiêu tiết kiệm thì sau mới còn
Tiết kiệm từ lúc còn son
Lúc còn trẻ khỏe thì còn kiếm ra
Phòng khi lúc yếu khi  già
Bấy giờ tiết kiệm chẳng ra một đồng...
Bước vào tuổi già điều làm ông sung sướng hơn cả là con cái trưởng thành. Cả ba con của ông đều học hành đến nơi đến chốn, đều dựng vợ gả chồng xong xuôi và có công ăn việc làm tử tế... So với những người cùng thời, cùng xuất thân lam lũ mà thành tựu được như vậy cũng không phải là nhiều. Rồi những đứa cháu nội, cháu ngoại lần lượt ra đời, có nếp có tẻ...càng làm lòng ông tươi nở và ấm áp hơn. Đôi khi cũng nhờ có cháu mà quan hệ ông bà càng thêm gần gũi:
Đêm qua cháu ngủ với bà
Ông không có cháu thế là nằm không
Cháu ơi sang ngủ với ông
Bà không có cháu nằm không một mình
Tình tang tang tính tang tình
Nằm không một mình buồn lắm cháu ơi
Từ khi bén tiếng quen hơi
Ông bà có cháu chẳng rời được ra
Cháu ơi, cháu ngủ với bà
Ông sang nằm cạnh cả nhà cho vui.
(Thơ vui)3/2/2009
Nhưng niềm vui nào cũng có giá của nó. Có cháu thì vui, nhưng có cháu cũng lại thêm lo, thêm buồn. Ấy là những khi bà phải đi trông cháu nơi xa:
Đêm nằm ngủ chẳng được ngon
Vì tôi nhớ cháu, nhớ con vắng nhà
Thương thằng cháu nội nơi xa
Nó đi nó kéo cả bà đi theo
Thế là nhà cửa vắng teo
Tối ăn cơm sớm nằm khoèo mình ông. (Nằm khoèo mình ông)2/5/2009
          Vốn là người cả nghĩ, những lúc như thế trong “Tâm tư”  ông  lại ngổn ngang nhiều lo tính: “Cuối năm công việc bộn bề / Tết đến xuân về tính toán ra sao / Chưa cháu ông ước bà ao / Bây giờ có cháu lúc nào cũng lo…”.
          Trong dư trăm bài thơ có lẻ ấy, phần chủ yếu là ông kể chuyện mình: Chuyện ốm đau bệnh tật của bản thân, chuyên làm ăn vun vén gia đình, chuyện mẹ, chuyện em, chuyện con, chuyện cháu, chuyện dòng họ…Nhưng ông cũng không quên mảng đời sống xã hội. Ông rất nhiệt tình với Hội Đồng hương Tứ Kỳ ở Chí Linh. Ông bền bí tham gia công tác Hội Người Cao Tuổi…Ông cũng rất tích cực tham gia công tác của xóm phố…nêu cao ý thức trách nhiệm của người đảng viện, người cựu chiến binh “anh lính Cụ Hồ”, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với Bác…Rất khó mà điểm hết những nội dung khá phong phú và nhiều mặt mà ông đã thể hiện trong tập thơ…Trừ khi chúng ta đọc từ từ kỹ lưỡng từng bài từng bài một.
          Nhưng tuyệt nhiên cũng không nên xem đây như một tập thơ với tư cách là một “thi phẩm nghệ thuật”. Ông cũng như rất nhiều những hội viên CLB thơ làng, thơ xóm khác, làm thơ không phải là để lập ngôn, để thi thố tài năng hay cao giọng dạy đời. Làm thơ, với những người như ông, chỉ là mượn một hình thức chắp vần trong truyền thống văn nghệ dân gian, vốn đã được nhập tâm từ tấm bé, qua lời ru của bà, của mẹ…Nhiều người, đến lượt mình lại ôm ẵm con cái và ru lại những bài ca xưa. Bây giờ có phong trào thơ CLB thì các cụ làm thơ, nghĩa là chắp vần, chắp vè kể lại chuyện mình, chuyện làng, chuyện xóm… và giãi bầy những tâm sự của mình…Có cụ thì chắp vần khá vững vàng, cũng có cụ thì còn bập bỗm. Có cụ thì biết chắp nhiều kiểu vần hơn, nhưng có cụ thì chỉ biết chắp mỗi kiểu vần lục bát…Nội dung có bài khá gọn gàng suôn sẻ, cũng nhiều bài còn lòng vòng quanh co nhưng cuối cùng thì người đọc cũng lượng hiểu ra được ý của người viết. Với hình thức sinh hoạt thơ ca này, các cụ có trong tay một “liệu pháp tinh thần” để tự giãi bầy, để chia sẻ cùng nhau, gắn kết hơn tình thân bầu bạn, xóm giềng, hàng phố…và ít nhiều cũng làm sang trọng hơn cho người viết. Hiểu như thế ta sẽ thấy những tập thơ loại này, cho dù còn xa mới đạt đến tiêu chí của một “thi phẩm nghệ thuật” nhưng trên thực tế nó vẫn có những đóng góp nhất định cho đời sống tinh thần của chúng ta hôm nay và sẽ là những tập tư liệu vô cùng quý báu cho con cháu sau này muốn tìm hiểu về đời sống tinh thần của tiên tổ.
 
Sao Đỏ ngày 22/12/2014 
Đỗ Đình Tuân

2 nhận xét:

  1. Điểm "thơ" rất gọn rất tinh
    Làm cho cái ý cái tình nổi lên
    Đến phần kết cũng khá duyên
    Chê thì đã khéo và khen vừa chừng

    Trả lờiXóa
  2. Đỗ Đình Tuân không có khôn khéo gì trong những lời khen chê này cả. Chỉ đậm nhạt điểm qua một số nội dung tiêu biểu của tập thơ và muốn có một đánh giá công bằng khách quan đối với hiện tượng gọi là thơ phong trào hiện nay. Cũng là nghĩ sao nói vậy thôi chứ không có gì muốn khôn khéo ở đây cả. Dù sao thì đây cũng thuộc vào loại ý kiến trái chiều so với tình hình chung hiện nay. Người ta khen nhau hết cỡ luôn, vỗ tay ràn rạt luôn, tặng cho nhau những danh hiệu cao quý và sang trọng luôn: nhà thơ nọ, nhà thơ kia, nữ sĩ nọ, nữa sĩ kia...Tự đánh giá về CLB của mình mà có người viết "Văn chương đạo đức thấu trời xanh". Kết quả hiển nhiên của những lời khen vội vàng dễ dãi ấy là làm cho những người làm thơ "ngộ nhận về mình". Bị những lời khen bao vây và huyễn hoặc họ lao vào những cơn "tự sướng giả tao". Nếu có lúc tỉnh ra chắc họ sẽ rất xấu hổ.Bằng không họ chỉ là những thằng hề, thậm chí là những người tâm thần trước con mắt của những người ngoài cuộc.

    Trả lờiXóa