Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Đến Khổ hạnh lâm

    Người ta nói, trên đời này có một chữ Duyên. Khi còn nhỏ, tôi chỉ hiểu là cái duyên của một người con gái: Đẹp phải có duyên mới mặn mà. Có người không phải đẹp “sắc nước hương trời” nhưng nếu được khen là có duyên thì cũng nhiều người yêu mến. Đến khi lớn hơn, biết thêm còn cái duyên kì ngộ. Con người ta có duyên với nhau. Chàng trai người dân tộc nào nhỉ, nhặt được chiếc khăn Piêu thì tha thiết hỏi: “ Chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau, thời tôi chờ”. Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì đanh đá: “Có phải duyên nhau thì thắm lại, đừng xanh như…” .
    Và còn cái duyên khác nữa.
    Làm việc dài ngày tại Ấn Độ, có lần tôi bị xì-trét nặng. Sáng chủ nhật đang lang thang trong công viên cạnh một đền thờ, tôi đã gặp một nhà sư Việt Nam vóc dáng nhỏ gầy, gương mặt phúc hậu ngồi nghỉ trên ghế đá. Chắc thấy bộ dạng của tôi, nhà sư cất tiếng hỏi. Qua câu chuyện, tôi biết nhà sư đang chuẩn bị về Bodhgaya, nơi được gọi là đất Phật ở Ấn Độ. Ông hỏi tôi đã đến đó chưa và có muốn đi không? Đang cần thay đổi tâm trạng mình, tôi nói ngay là muốn đi. Hóa ra, đường cũng xa lắm, xấp xỉ nghìn cây số và khi đó chỉ phương tiện tầu hỏa là phù hợp nhất. Tầu ở đây thực sự là loại tầu “chợ”, thời gian chạy là 17 tiếng đồng hồ. Nhà sư đã có vé, bảo tôi: “anh cứ ra ga, nếu có duyên, anh sẽ đi được”. Sáu giờ chiều, tôi tìm nhà sư ở ga Nizamudin và mua vé ghế dự bị. May sao, trước giờ tầu chạy 10 phút, tôi được lên tầu. Và thế là có chuyến hành hương không định trước đến đất Phật.
    Trong suốt hành trình, nhà sư đã kể cho tôi nhiều chuyện về miền đất ấy và sự tích của Phật giáo. Thì ra, Đức Phật vốn là một người thực, hoàng tử của một vương quốc (nằm trong đất Ấn Độ, Nê Pan ngày nay), ông đã từ bỏ kinh thành, vợ con, để đi tìm câu trả lời: tại sao con người sinh ra lại khổ đau, bất hạnh, bệnh tật và chết. Ông đã tu luyện nhiều nơi, đã nghiền ngẫm chân lý trong một hang đá trên lưng chừng núi (hang Khổ hạnh). Lúc đầu, theo con đường hành xác, ngày chỉ ăn vài hạt đậu hoặc vừng, ông đã kiệt sức tưởng chết. May có người chăn dê ở rừng cây Sê sam bên dưới thấy ông gục trong hang đã đổ cho ông bát sữa dê. Từ đó, ông chuyển sang ăn để đủ sống, để tu luyện (giáo lý Trung Đạo). Đến một ngày, có lẽ đã tìm ra chân lý của mình, ông ra bờ sông Ni Liên Thiền, thả một bình bát (?) và khẩn cầu: nếu con đường đã chọn là đúng thì bình bát hãy trôi ngược dòng. Được biết ngay chiều hôm đó, ông đã lội qua sông, sang khu vực nay là Bồ đề Đạo tràng. Tiếp tục thiền định 49 ngày nữa dưới một gốc cây bồ đề lớn và khi tự mình giác ngộ, Ngài, giờ đã là Đấng Giác Ngộ, xuống tắm dưới một hồ sen và từ đó giảng giáo lý của mình cho những người đầu tiên…
    Năm ngày ở đất Phật, nhà sư đã cho tôi thăm nhiều nơi, trong đó có lễ phát chẩn ở rừng cây Sê Sam và thăm hang Khổ hạnh. Tôi có duyên chăng để được gặp nhà sư Việt Nam kia, có duyên chăng để đến nơi này một cách bất ngờ như thế? Chỉ biết rằng chuyến đi đã đem lại nhiều hiểu biết hơn về Phật giáo, tiếp cho tôi nguồn năng lượng mới, không chỉ đủ vượt qua những khó khăn ở thời điểm ấy.
                Đến Khổ hạnh lâm
 
   Ở nơi nào trong gió trong mây
Ở nơi nào trong lá trong cây
Trong những tảng đá ngổn ngang bờ dốc thoải
Còn vương lại điều Người tự hỏi
Đâu cuộc đời bất diệt mai sau?
    Sống ở trên đời ai không có nỗi đau
Nhưng bỏ cả ngai vàng dễ mấy?
Tôi đã đến ngồi vào hang đá ấy
Nghe gió núi thì thầm kể chuyện người xưa:
     Mấy hạt vừng ăn đâu để cầu no
Bát sữa dân lành mang bao triết lý
Rừng Sê Sam, đã bao mùa thay lá
Đã bao đời cây, đã mấy đời người?
     Ni Liên Thiền lặng lẽ nước sông trôi
Đâu bình bát ngược dòng năm tháng ấy
Trong sắc nắng một chiều vàng sắp lụi?
Tôi bỗng rùng mình:
Nếu bình bát trôi xuôi?
     Nếu trôi xuôi bình bát ấy nhỏ nhoi
Thì ánh sáng trong Người có tắt?
Thì thế giới có không đất Phật?
Bao con người sẽ sống kiếp bơ vơ?

    Trăng cũng vừa lên khỏi cánh rừng xa
Soi rõ bước chân Người quả quyết
Và gió sông gửi theo Người câu hát
Trong hành trang cuộc đời, thoát khỏi cảnh trầm luân…

    Có tiếng ai nấc nhẹ sau lưng
Lại một tấc lòng đau cầu nguyện
Ra khỏi hang trong mùi hương nến quyện
Thấy trong lòng sống lại lúc trẻ thơ
    Tuổi lên mười nghe bà niệm nam mô
Và theo mẹ lên chùa dâng oản chuối
Quá nửa cuộc đời hôm nay mới tới
Thả hồn mình trên đất Phật mênh mang…

                                Bodhgaya, Ấn Độ
                                   Đỗ Văn Nghị

2 nhận xét:

  1. Trong vô tận thế giới hữu hình và vô hình, mười phương chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều phát nguyện cứu độ chúng sinh nơi trần gian khổ ải với luân hồi sinh lão bệnh tử. Nếu không có Phật Thích Ca thì sẽ có Đức Phật khác xuất hiện ở thế giới này để làm Phật sự. Khó nhất là có đủ duyên để về với Phật hay không.

    Trả lờiXóa
  2. Mình ít hiểu biết về Phật giáo. Tuy vậy mình thấy đó là nơi hướng con người tới cõi thiện thì vẫn rất ngưỡng vọng. Mình nghĩ mỗi người nên có trong lòng một đức tin để sống tốt hơn cũng chính là góp phần nhỏ bé làm cho cõi đời đẹp hơn vậy.
    Nghị đúng là đã có duyên nên mới gặp được nhà sư Việt ở xứ đó và cùng Người hành hương về đất Phật.

    Trả lờiXóa