Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Cấu tứ trong thơ (1)

 


                                  
Vì quan niệm về “tứ thơ” khác nhau nên cách hiểu về “cấu tứ” cũng rất khác nhau. Đọc những bài phân tích bình luận thơ ca, tôi thấy có người còn dùng cả “siêu cấu tứ”. Nếu hiểu “ siêu cấu tứ” là loại “cấu tứ cao cấp”, là “siêu hạng” thì tất nhiên sẽ có loại “cấu tứ bình thường” và “cấu tứ thấp cấp”. Nhưng trong văn chương người ta chỉ chấp nhận cái hay cái đẹp, cho nên chắc chắn loại “cấu tứ thấp cấp” sẽ bị loại bỏ. Như vậy chắc chắn chỉ còn lại hai loại là “cấu tứ” và “siêu cấu tứ”. Lại có người dùng “cấu tứ lỏng”. Cứ hiển nhiên mà suy ra thì tất yếu phải có “cấu tứ đặc” và giữa chúng còn phải có dạng “cấu tứ sền sệt” nữa chứ ?
Tôi không dám bàn tới “siêu cấu tứ” và “cấu tứ lỏng” sợ nó lại nảy sinh vấn đề, không yên bụng được. Tôi chỉ xin bàn đến chuyện “cấu tứ bình thường”. Trong trường hợp này chữ “cấu” có hai nghĩa thích hợp: nghĩa thứ nhất là “cấu tạo” và nghĩa thứ hai là “xây dựng”. Theo quan niệm của tôi thì “Tứ là một ý nào đó đã được đầu thai vào một hình ảnh cụ thể và tồn tại với tư cách là một hình ảnh văn chương”. Như vậy thì cấu tạo của “tứ thơ” tất yếu sẽ phải có hai phần: phần vỏ hình và phần ruột ý. Các tục ngữ, thành ngữ của ta mỗi câu thường tồn tại dưới dạng một “tứ thơ”. Chẳng hạn: “nước chảy, đá mòn” vốn là một hiện tượng thực tế trong tự nhiên. Nước rất mềm và đá thì rất cứng. Vậy mà nước vẫn mài mòn được cả đá. Cái mềm lại làm mòn được cái cứng. Nhu thắng cương. Lý do làm nên điều khác thường ấy chỉ là vì dòng nước đã bền bỉ chảy suốt ngày đêm năm tháng không ngừng không nghỉ. Dân gian đã mượn cái hình ảnh này để gói vào trong đó một chân lý của đời sống: tính kiên trì nhẫn nại, lòng bền bỉ phấn đấu của con người có thể tạo ra được sự kỳ diệu khác thường. Cũng tương tự dân gian còn có câu: “mài sắt nên kim”…Trong cuộc sống hàng ngày ta có thể dùng lại những câu này trong giao tiếp. Nhưng muốn làm thơ thì phải tạo ra được tứ mới, chứ không thể nhai lại tứ của người ta được. Có một lần, tôi đã thấy bác Nguyễn Văn Lập, nguyên giáo viên Trường cấp 3 Chí Linh, viết một bài thơ về cái đồng hồ quả lắc của nhà bác ấy mà vô tình đã tạo ra được một “tứ thơ mới” từ cái ý rất cũ này:
Boong…boong…nghe vẳng ở bên tai
Mấy tiếng mấy giờ đúng chẳng sai
Dãy số nhỏ to vòng khép lại
Hai kim dài ngắn chạy đua hoài
Báo cho người lớn khi làm việc
Nhắc nhở em thơ lúc học bài
Tích tắc đêm ngày không phút nghỉ
Vừa đo vừa đếm tháng năm dài.
                            (Đồng hồ quả lắc)

Đọc những câu đầu của bài thơ, thấy nó cũng bình thường, có lẽ rất nhiều các ông giáo già đều làm được. Nhưng đọc đến hai câu cuối thì bỗng nhiên một “tứ thơ mới” vụt bật ra, khá thú vị. Phần vỏ ngoài của cái tứ thơ này lại là một âm thanh “Tích tắc đêm ngày không phút nghỉ / Vừa đo vừa đếm tháng năm dài”. Câu thơ đã tạo ra được một sự đối lập giữa tiếng tích tắc mong manh nhỏ bé và rất khoảnh khắc của chiếc đồng hồ với cái chức năng vô cùng kỳ lạ của nó là đo đếm tháng năm dài, đo đếm cái trường thời gian vô thủy, vô chung. Đọc bài thơ xong, nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc trong đêm, cứ thấy gợi ra những ngẫm ngợi lý thú vô cùng.
Cái “tứ thơ mới” này của bác Lập, thực ra nó cũng chỉ “mới” ở phần vỏ “hình”. Còn phân ruột “ý” thì cũng giống như ý của “nước chảy đá mòn”, của “mài sắt nên kim”. Cố nhiên là khi một “ý” đã đầu thai vào một “hình” nào đó thì do tác động qua lại giữa nội dung và hình thức cái “ý” ấy tất yếu cũng sẽ có sự dị biệt đi chút ít. Nhưng là đại đồng và tiểu dị thôi.

1/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét