Đã lại bước sang tháng 11 – tháng của những người làm nghề “gõ đầu trẻ”, những người làm nghề lái đò trên bến thời gian. Những ngày này chẳng hiểu vì sao vẫn cứ làm cho những người làm nghề sư phạm bồi hồi cảm xúc. Là một người đã có 40 năm theo nghề và đã về hưu gần 9 năm, với bao thăng trầm, chìm nổi... lại càng lắm ưu tư. 49 năm nghĩ lại, buồn vui lẫn lộn… buồn nhiều, vui ít hay buồn ít, vui nhiều chẳng biết thế nào. Thôi thì cứ giãi bầy chân thật ra cho mọi người chia sẻ và phẩm bình sẽ rõ xem như thế đáng vui hay lại đáng buồn.
Nghề sư phạm cũng có nhiều sự buồn. Thứ nhất là người ta chưa coi trọng ông thày như người ta nói. Ngày xưa, theo đạo Tam cương Ngũ thường thì xếp ông thày chỉ sau ông vua: Quân - Sư - Phụ! Nghĩa là người ta coi ông thày hơn cả ông bố. Vì ông bố chỉ đẻ ra phần xác, còn ông thày thì đẻ được cả phần hồn. Mà theo Đum-Bát-zê, người đã được giải thưởng Lê-nin về tiểu thuyết Quy - Luật - Của - Muôn - Đời có kết luận rằng: Phần hồn nặng gấp nghìn lần phần xác! Và lại có câu "Nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Thế mà thời trước vẫn có tuần huyện Trang dám nói với thày học rằng :"Sợ thày không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân ", khi thày đi hộ giá vua chạy trốn đang bị tuần huyện Trang phát hiện định bắt để nộp cho giặc lĩnh thưởng. Thời bây giờ vẫn còn những học sinh ra trường mới lên được chức thiếu úy công an, mà khi gặp thày giáo lại hỏi: Anh có phải là thày giáo dạy tôi ngày xưa không hả? Ông giáo thẹn quá, bèn bảo: Tôi không có người học trò nào như anh cả!
Ôi! Người ta không hiểu rằng: có một thời học sinh thì mình là người - có - học. Còn không có một ông thày để chào thì chỉ là người - thất - học hoặc là người - vô - học ! Một vấn đề nữa là người ta để cho ông thày là một trong bốn nhà nghèo (nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài, bốn nhà nghèo ấy bằng hai nhà nghèo). Rồi người ta còn cắt cả phụ cấp thâm niên của nhà giáo nữa; Mặc dù nghề sư phạm là nghề khoa học có độ trầm tích chất xám rất cao. Thậm chí có kẻ dám hành hung thày giáo mà vẫn không bị trừng phạt. Khốn nỗi trong đội ngũ sư phạm hiện nay cũng còn nhiều sư - hổ - mang làm vấy bẩn thanh danh nhà giáo. Ví như ông cán bộ giảng dạy trường đại học nọ gạ tình sinh viên khi được hướng dẫn sinh viên này làm khóa luận tốt nghiệp... Rồi nạn thành tích đã biến bao nhiêu thày cô giáo thành những chuyên - gia - nói - dối. Gần đây khi xem clip ghi trộm cảnh một cô bảo mẫu giáo tư thục ở ấp Bình Thuận 1, xã Thuận Giao, Huyện Thuận An Tỉnh Bình Dương nắm tóc em bé 2 tuổi, giậm chân lên lưng, dội nước vào mặt trong khi làm cái việc gọi là "tắm" cho bé... tôi thấy sởn cả gai ốc và thấy như chính mình bị sỉ nhục. Tôi nghĩ, chắc các nhà giáo dục các cấp cũng cảm nhận như tôi, cũng thấy buồn cho giáo dục như tôi. Tôi cứ băn khoăn: Tại sao ta cứ chú trọng quá nhiều đến ĐÀO TẠO mà không chú trọng đúng mức đến khâu GIÁO DỤC MẦM NON? Nếu chúng ta quốc lập hóa cấp MẦM NON MẪU GIÁO thì dù tốn kém thật, nhưng sẽ giải quyết được TỪ GỐC vấn đề giáo dục nhân cách con người (vì các cụ thường nói DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ ). Đồng thời với việc giải quyết từ gốc vấn đề nhân cách con người là cũng giải phóng sự bức xúc của vô vàn các bậc phụ huynh - những lao động chính của xã hội hiện nay! (Hình như Hội đồng nhân dân Hà Nội vừa rồi đã có một quyết định táo bạo rằng trong nhiệm kỳ này sẽ xây dựng hàng ngàn trường MẪU GIÁO CÔNG LẬP. Hoan hô!) Rất, rất nhiều sự buồn. Nhưng kể ra làm gì cho nó buồn thêm. Phải khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, để mà hy vọng để mà đi tới.
Cái vui của nghề giáo cũng nhiều vô - thiên - lủng. Nhưng vui nhất là khi đã về hưu rồi vẫn có hs cũ nhớ tới mình. Tôi được biết một số thày ở trường THPT CHÍ-LINH đã được học sinh cũ ra trường hơn 40 năm rồi vẫn về mời các thày đi du lịch tận HÒN NGỌC VIỆT NHA TRANG. Rồi lại còn mở cho các thày một blog trên MẠNG để gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi thường xuyên với nhau và còn muốn nhận ở nhau những lời động viên, khuyên bảo trong cuộc sống nhiều thử thách hôm nay. Tôi dám chắc một điều rằng, đây là món quà còn rất hiếm trong môi trường GD nói chung và quan hệ thày trò nói riêng. Nó còn quý hơn cả vàng bạc, châu báu ấy chứ. Còn tôi, người ra cùng khóa với một số thày ở THPH Chí-Linh, sau 19 năm giảng dạy xa quê (THPT Thanh Hà 1966-1971, vào Đông Nam Bộ (1972-1984), rồi về quản lý trường THPT Mạc Đĩnh Chi bên Nam Sách từ 1985 -2003, thời kỳ khó khăn tưởng như không thể vượt qua đành phải giải thể. Nhưng chính những ngày gian khổ giữ vững ngôi trường ấy, hình như đã là chất keo gắn kết thày trò chúng tôi lại. Từ khi về hưu đến nay đã gần chục năm, mà Hội Đồng Môn học sinh cũ nhân 15 năm, 20 năm, 25 năm, 30 năm ra trường... đều được các em nhớ và mời đến để cùng ôn lại cái thời gian khổ không thể nào quên ấy. Không chỉ được khao mà còn được các em khen thưởng nữa chứ. Đây, em Nguyễn Đình Thư hiện đang làm Chủ tịch hội đồng Quản trị Công ty xuất khẩu đồ gỗ ở Tp Hồ Chí Minh, Hội trưởng Hội cựu học sinh THPH Mạc Đĩnh Chi tại thành phố, đã viết trong Diễn văn chào mừng các thày cô như sau:
"25 năm là một chặng đường dài, đủ cho chúng em hiểu được công lao của thầy, cô là vô cùng to lớn. Mọi người thường nói thầy, cô là người lái đò. Những chuyến đò âm thầm, lặng lẽ theo dòng thời gian đưa người lữ khách đến những nơi họ cần đến (…). Thầy cô dạy cho chúng em biết rằng cuộc sống có rất nhiều khó khăn, nhưng cũng có vô vàn niềm vui. Thầy, cô là người chắp cánh những ước mơ, giúp chúng em có được sự trưởng thành như hôm nay. Ngôi trường THPT Mạc Đĩnh Chi chính là nơi đầu tiên thắp sáng những ước mơ, khát vọng cho bao thế hệ học sinh chúng em... Đất nước cho chúng em một quê hương để thương để nhớ. Cha mẹ cho chúng em hình hài để sống và trưởng thành. Thày, cô cho chúng em một nền tảng vững chắc để bước vào đời. Chúng em xin gửi đến thày, cô lời biết ơn chân thành và sâu sắc nhất "
Và, việc tại sao các em lại vẫn nhớ đến chúng tôi như vậy? Có thể là vì những đặc điểm riêng của mỗi người:
Thầy Yến rất hiền - Hiệu trưởng đầu tiên
Thầy Dự thơ ca, thầy Sim hay hát
Thầy Tâm dạy văn, thầy Minh không sách
Cô Oanh sinh cao, cô Oanh toán thấp....
Thầy Yến rất hiền - Hiệu trưởng đầu tiên
Thầy Dự thơ ca, thầy Sim hay hát
Thầy Tâm dạy văn, thầy Minh không sách
Cô Oanh sinh cao, cô Oanh toán thấp....
Một lớp trưởng của khối lớp - em Nguyễn Trọng Ngóng, trong một bài thơ mang tựa đề “Chúng em còn nhớ” đã nói đến đức bao dung, độ lượng của các nhà giáo. Em đã viết :
Chúng em còn nhớ bao ngày
Bài không học thuộc đứng ngây góc phòng
Thầy, cô rồi cũng thương lòng
Ngày thi tốt nghiệp điểm hồng vẫn trao
Và
Mới mà đã sắp luống chiều
Thời gian ta có còn nhiều nữa đâu
Hãy vui sống để cho nhau
Kính thầy, yêu bạn dài lâu, vẹn tròn
Từ những niềm vui như thế, tôi ngộ ra một điều rằng: Mỗi hành vi, cử chỉ của nhà giáo đều để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm học sinh. Nếu là hành vi đẹp, các em sẽ nhớ mãi, và hành vi không đẹp các em cũng không bao giờ quên (bởi miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời mà). Cho nên Nhà giáo phải phấn đấu để đồng thời là nhà - giáo - dục thì mới hòng để lại ấn tượng tốt trong lòng các em. Bởi trong đời người học sinh phải học qua rất nhiều ông thày. Nhưng các em chỉ có thể nhớ đến người nào gần gũi, thương yêu chân thành đối với các em, có ảnh hưởng tốt đến nhân cách của các em. Chỉ những ai “tất cả vì học sinh thân yêu” mới được các em hàm ơn và ghi nhớ suốt đời.
Hạnh phúc là mang lại cho nhau những niềm vui nho nhỏ. Và hạnh phúc lớn là được nhận lại những niềm vui nho nhỏ từ người khác, nhất là từ học sinh của mình. Với suy nghĩ như vậy, tôi cảm thấy các thày ở THPT Chí Linh và chúng tôi đều rất nhiều hạnh phúc, đều rất lắm niềm vui !!!!
Phố Hóp 02-11-2011 Người Hạnh Phúc Họ Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét