Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Thơ tươi


Khi đọc thơ, tìm hiểu thơ của đời mà thực chất là tự học để thỏa mãn tính ham mê của riêng mình trên thực tế cũng là tự tích lũy vốn hiểu biết văn chương. Thường thì khi gặp những vấn đề chưa rõ tôi phải đi tìm tài liệu viết về những vấn đề đó để vỡ vạc. Những cái gì mình cho là hợp lý thì lại kiểm chứng lại trong thực tế tác phẩm. Cái công việc tìm tòi đọc đạch ấy đã dần dần hình thành những ý kiến riêng. Chính trên cơ sở những ý kiến riêng này mà tôi viết nghị luận văn chương. Cũng chỉ với mục đích đóng góp một tiếng nói, chứ không dám cả quyết rằng cái gì mình nói ra cũng đúng, hay chí ít cũng hợp lý cả. Khi cần minh họa cho những ý kiến của mình, về cơ bản tôi chỉ sử dụng những tác phẩm thành công và đã được khẳng định. Đôi khi cũng có dùng thơ mình, thơ bạn, những cũng lựa chọn kỹ, chứ không phải bài nào cũng dùng được cả. Bởi vì dẫn chứng không tiêu biểu thì nó làm xụp đổ ngay cả luận điểm của mình, chứ đứng làm sao được. Đó là khi viết nghị luận.
Còn khi làm thơ, thì cứ nảy ra ý gì, hứng gì thì tôi viết về cái ấy. Tôi không quan tâm đến “cấu véo” cái gì cả. Cứ viết tự nhiên. Nó muốn ra thế nào thì nó ra. Nó có thể hay, có thể dở…Kệ nó. Cái gì hay được bầu bạn thích, bản thân mình để lâu lâu rồi mà đọc lại vẫn còn thấy thích thì giữ lại, ghi vào sổ. Đồng thời cũng ghi luôn trong trí nhớ. Bây giờ cao tuổi, trí nhớ giảm sút nhiều thì phải lấy ghi chép làm tin. Còn những bài dở thì vứt đi. Chẳng luyến tiếc làm gì. Với lại tôi cũng chẳng có tài cán gì trong việc làm thơ. Chủ yếu thơ tôi cũng chỉ là chắp vần, kể vè. Cho nên mở đầu bài “Tự bạch” tôi mới viết “Tôi tuy nặng gánh phó thường dân / Không dám làm thơ chỉ ghép vần”. Đấy là lòng thành nghĩ thật, chứ chẳng phải là “khiêm tốn với chả khiêm kém” gì cả. Cho nên ai chê thơ tôi dở thì tôi xin nhận cả.Còn ai khen hay, tôi cũng chỉ xin nhận một tỉ lệ phần trăm nhất định, đủ để “nở mũi” một chút thôi. Cái tạng của tôi là cái tạng hay vui đùa, hay tào lao, tếu táo “Câu đùa, câu thật bỡn người thân”. Mà người đời đâu phải ai cũng thích đùa. Thành thử cũng nhiều lần phải trả giá. Cộng thêm với việc viết nghị luận phê bình, tuy cũng chỉ là viết chung chung giữa đường giữa chợ, nhưng người đọc lại cứ hay liên hệ vơ vào, rồi họ cho tôi là có ý này, ý nọ…Tôi thường rất khó xử với cái mái tóc tôi là vì thế. Tôi không dám để nó dù. Nó dù thì cái mặt còm của tôi trông khác gì mặt khỉ? Nhưng cũng không dám cạo trọc. Cạo trọc thì trông nó lại giống cái mặt “cụ Chí Phèo”. Bởi nó sẽ lộ bem ra không biết bao nhiêu là vết sẹo, dấu vết của những lần va chạm “sứt đầu, mẻ trán”. Nhưng cái nghiệp thế rồi, đành phải thế chứ biết tính sao đây? “Văn chương dẫu chẳng nên cơm cháo / Nghiên bút còn vương chút nợ nần”. Mà đã là “nợ nần” thì tất nhiên phải trả. Chứ chẳng lẽ lại ỳ ra như cái anh Vinashin, để chủ nợ người ta lại phải đâm đơn kiện thì còn ra cái thể thống gì nữa?
Tự kiểm lại thì thơ tôi đa phần là tả thực, là những câu vè vui vui thì đúng hơn. Chẳng hạn bài mới viết nhất ra đời trong một hoàn cảnh thế này. Tôi vừa bật máy tính ra thấy trên Desktop xuất hiện một File mới “Ảnh máy ảnh”. Tôi mở File này ra kiểm tra. Thì ra hôm chú Lượng về đem biếu bố cái xe đạp máy YAHAMA, mới lấy máy ảnh ra chụp lung tung rồi đưa vào đây. Xem những ảnh trong File này tôi thích nhất bức ảnh Minh Hà. Trông nó cười rất tự nhiên làm tôi cũng phải bật cười theo. Hai ông cháu nhìn nhau cười một lúc rồi tự nhiên mấy câu thơ chảy ra:  
 
Minh Hà cười rất tự nhiên
Sờ mò lục lọi huyên thiên suốt ngày 
Giòn cười lại khóc tươi ngay 
Có Minh Hà xuống nhà đầy niềm vui
(Cháu nội Minh Hà-DoDinhTuan’s blog thứ tư ngày 9 tháng 11 năm 2011).
 
Giá như ngày trước, những bài thơ như thế này có điên lắm cũng chỉ đọc cho vợ con nghe một lần rồi vứt đi. Nhưng bây giờ thì sẵn có DoDinhTuan’s blog đấy. mà DoDinhTuan’s blog là cái gì? Chẳng qua cũng chỉ là một tờ báo liếp dán ngõ nhà riêng. Nhưng cái ngõ nhà riêng ấy bây giờ lại nối với đường làng ngõ xóm, rồi thông ra đến xã lộ, huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ…đến đại đại lộ thông tin toàn cầu. Cho nên không cần đọc, cứ dán lên đấy là sẽ có người xem. Ít nhất là những người quan tâm đến mình. Cũng có thể thêm vài người vãng lai, do có duyên kiếp gì đó với mình mà dừng lại ngó qua tí chút. Thế chẳng đã vui sao? Vả lại đã sinh ra cái tờ báo liếp ấy thì cũng phải có cái gì mà bôi lên đấy chứ. Không bôi lên thì ai người ta còn ngó ngàng tới nữa? Nhưng loại thơ như thế này tôi chỉ tự gọi là loại THƠ TƯƠI:
 
Thơ mình là loại thơ tươi
Chung vui đôi chút, cùng cười vài giây
Xin đừng phân biệt dở hay
Phân chia cao thấp béo gầy làm chi
Chóng chầy rồi cũng vứt đi
Kẻ đem đút bếp, người thì vo viên
Mấy ai lắm bạc nhiều tiền
Thuê nhà xuất bản đem in để đời
Để đời, đời mở ra coi
Thấy không bưng mũi, trề môi là mừng.
                                            2008
 
Nó cũng giống như cá tươi, sau sống. Cứ chế biến cho tươm tất và sạch sẽ. Cho chúng chung cả vào một nồi lẩu nước sôi sình sịch, nhâm nhi chén bát với nhau một bữa cho thật đã. Chúng sẽ nằm trong bụng ta khoảng một đêm. Những cái gì tinh túy béo bổ nó sẽ được cơ thể ta tinh lọc và đưa vào máu thịt. Những cái gì còn bất cập thì cơ thể sẽ thải loại.Nhưng đời vẫn cần những bữa ăn tươi, cần những thực phẩm tươi sống. Thế thì tôi cứ xin vui vẻ mà làm thơ tươi. Có điều đã là thơ tươi thì phải sử dụng ngay. Không được để quá đát. Để quá đát chúng sẽ thành rác thơ. Không dùng được mà lúc ấy chúng còn làm khổ ta. Vậy thôi.

11/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét