Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Quen lạ, mới cũ trong thơ

                    


Đọc thơ in trên Văn nghệ Hải Dương thấy một âm điệu chung là rất quen thuộc, rất truyền thống. Quen thuộc, truyền thống nhưng không nhàm, không cũ. Nhất là ở cái “đề tài muôn thuở”. Những mối tình lỡ dở thì có lẽ hầu như ở người làm thơ nào cũng có. Nhưng viết được những câu thơ:
Nửa đời
Nhặt giấc mơ hoang
Một đêm vấp nhớ
Bàng hoàng gọi em
(Nửa đời-Thanh Trắc Nguyễn Văn-trang 4, số 112)
Quen trong cái âm điệu lục bát mà lạ trong “giấc mơ hoang”, trong “vấp nhớ”. Câu thơ gợi một nỗi nhớ chợt đến nhưng cồn cào thảng thốt, không cầm lòng được. Điềm tĩnh hơn, ta gặp lại trong thơ Triều vân:
Cuốc kêu da diết hàng tre
Bờ sông khao khát nắng hè phôi pha
Tấc gang đã bậc ông bà
Bâng khuâng lọn gió đồng xa ngược về
(Gần xa-Triều Vân-trang 15, số 104)
Có rất nhiều quen thuộc. Nhưng cái “lọn gió đồng xa ngược về” thì thật lạ. Ở đây ta thấy có đậm, có nhạt; có tản, có tụ; có bồi hồi mà có cả bâng khuâng. Vừa  mơ hồ lãng đãng lại vừa hiện hữu. Những trạng thái lung linh, chập chờn  này của tình cảm, cảm xúc,  có lẽ chỉ có nghệ thuật thơ ca là diễn tả được gọn gàng và hiệu quả đến như vậy?
Nguyễn Ngọc Hưng lại thường trực hơn, thao thiết hơn. Cả trong nỗi nhớ, cả trong lời tự trách đau đớn và đầy tiếc nuối:
Giếng làng
văn vắt gương trong
Dòng sông ơi
nhớ ai
 ròng rã
 trôi

Đáy ao
trăng
lặn mất rồi
Bạc mầu rong dại
trắng đôi mắt khờ

Vọng về
xa ngái tuổi thơ
Còn xanh tiếng sóng ru bờ
miên man…
(Miên man-Nguyễn Ngọc Hưng-trang 6, số 110)
            Trở về chốn cũ, gặp lại ngày xưa, nhưng vắng bóng người xưa, thế là tự nhiên thành bơ vơ, cô quạnh. Cái cảnh ngộ ấy, cái tâm trạng ấy, phổ biến lắm, quen thuộc lắm. Vậy mà đọc “Về thăm núi Thúy” của Vũ Minh Tuấn, ta vẫn thấy những câu thơ rất lạ:
              Đá im lặng thế buồn chưa
 Tường vi lại nở thêm mùa xa nhau.
(Về thăm núi Thúy-Vũ Minh Tuấn-trang 16,số 110)
Đá im lặng là một lẽ tự nhiên. Vậy mà ở đây hình như nó lại thành vô lý không thể chấp nhận được.Hoa cũng thế “Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình” (Nhật ký trong tù-Hồ Chí Minh) mà ở đây tự nhiên “lại nở thêm mùa xa nhau”? Cái lối “cưỡng ép” tự nhiên này tưởng là vô lý, nhưng theo logic của tình cảm cảm xúc thì lại thành hợp lý. Hãy giả như trong chuyến về thăm núi Thúy này, tác giả tình cờ lại gặp được “người xưa”? Cũng rất khó đoán ra những cảm xúc cụ thể, nhưng có nhiều khả năng đá sẽ phải hát, hoa sẽ phải cười…
Hình như ở cái đề tài “cũ rích và muôn thuở” này, nếu cảm xúc chân thành, rồi nhờ tài năng sáng tạo của  nhà thơ, nó được đông kết lại trong những không gian tâm trạng cụ thể và riêng biệt, thì nó thành hay, thành mới lạ. Và cái mới lạ trong sự quen thuộc này mới là cái mới lạ hợp lẽ tự nhiên. Cũng giống như một lớp chồi non nảy nở từ những cành gốc cũ, một lớp người trẻ từng hoài thai, sinh thành và được nuôi dưỡng từ lớp người già. Những cái mới, cái lạ gắn bó với truyền thống này, khi đạt chuẩn của cái đẹp, nó sẽ được định hình và không bao giờ cũ nữa. Còn những cái mới lạ học đòi, vay mượn, những cái mới, cái lạ đứt đoạn với truyền thống,…thì mới rồi lại cũ, cũ rồi sẽ thành rác vứt đi. Nó cũng giống như chúng sinh cứ mãi mãi trầm luân trong bể khổ luân hồi, hết làm kiếp người lại sang làm kiếp trâu, kiếp ngựa…Rất ít có khả năng thoát khỏi vòng kiếm tìm luẩn quẩn.
Ở những đề tài “xê dịch”, thơ in trên Văn nghệ Hải Dương, có nhiều mới lạ hơn. Hình như các nhà thơ Hải Dương đều mang “tâm hồn đồng bằng”, nên khi đi lên miền núi họ phát hiện ra nhiều cái mới lạ lắm. Chẳng hạn:
Đường đồi
Nắng khấp khểnh
Ngã xuống bờ khe
Gượng dậy
Đã hoàng hôn…
(Đường đồi-Thái Bá Lý-trang 35, số 107)
“Nắng khấp khểnh” là cái nắng rất mới, rất lạ, rất cựa quậy. Chưa ai nói thế bao giờ cả. Chu Văn An ngày xưa ở Chí Linh có hai lần nhắc đến nắng nhưng đều là ánh nắng chiều, tuy rất ấn tượng nhưng trầm tĩnh. Một lần là cái nắng soi sáng nửa lòng khe: “Tà dương đạm mạt bán khê minh” (Linh sơn tạp hứng). Một lần là vệt nắng chiều vắt ngang sườn núi: “Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành” (Thanh Lương giang). Cái nắng trong Ngậm ngùi của Huy Cận thì hình như cũng đang đi sao mà vẫn tĩnh tại thế: “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi”…Chỉ có cái “Nắng khấp khểnh” của Thái Bá Lý là chật vật quá: trượt chân ngã xuống bờ khe rồi phải ỳ ạch mãi đến tận hoàng hôn mới gượng dậy được. Thái Bá Lý đã làm cho “nắng ngã” để người xem được một “trận cười”, một niềm hào hứng hiếm có.
 Nguyễn Siêu Việt vượt Cống Trời, đinh ninh rằng mình đang thoát tục lên tiên. Cứ nghĩ chắc sẽ gặp nhiều cái mới cái lạ và đẹp như mộng. Nào ngờ lại gặp ngay cái rất quen, rất trần tục: Núi Vú Nàng. Và chàng ta bỗng “sững sờ, xốn xang…” trước cái cặp vú thiên tạo này:
Cặp ngực non trần thế
Cứ vạn năm chẳng già.
(Núi Vú Nàng-Nguyễn Siêu Việt- trang 7, số 104)
Thực ra thì núi Vú Nàng cũng chỉ lạ ở số lượng ít có, lạ ở quy mô ít gặp, chứ vật liệu tạo nên nó chắc cũng chỉ là đất đá? So với vẻ đẹp của những “đôi gò bồng đảo” bằng da bằng thịt ngoài đời thì sao bằng được? Từ hàng nghìn năm trước khi sáng tạo ra chữ diệu (妙) để chỉ sự tinh khéo, thần tình, mầu nhiệm… không thể hơn được, con người đã phải mượn hình ảnh người thiếu nữ để gợi ra ý ấy (chữ diệu gồm chữ “nữ” và chữ “thiếu” gộp lại). Cũng có nghĩa là từ hàng nghìn năm trước con người đã phải thừa nhận cái vẻ đẹp đỉnh nhất chính là cái vẻ đẹp của người thiếu nữ.
            Trần Nhuận Minh có điều kiện đi xa hơn nên “ghi chép ở VANCOUVER” cũng có nhiều sự lạ so với xứ ta nhất. Mầu “cờ Nước” của xứ ấy cũng đỏ nhưng lại là mầu đỏ của lá phong. Mà cuộc sống thì bình yên thân thiện quá:
            Hải cẩu bò lên bến cảng
Bồ câu đậu xuống vai người
Công viên hoa đua nhau nở
Thủ hiến dắt chó đi chơi…

Thành phố trong sương huyền ảo
Dãy nhà óng ánh kim cương
Gấu rừng xin ăn trước cửa
Ngủ đêm xe để ngoài đường…
(Ghi chép ở VANCOUVER-Trần Nhuận Minh-trang 8, số 105)
Người với vật, quan với dân, thiên nhiên hoang dã với văn minh hiện đại  cứ bá vai bá cổ nhau mà chung sống. Con người xứ ấy sao mà thuần hậu, xã hội xứ ấy sao mà an ninh, yên ổn thế? Đọc “Ghi chép ở VANCOUVER” tôi cứ liên tưởng đến xã hội thời Nghiêu - Thuấn. So với xứ ta thấy cái gì họ cũng khác. Có lẽ điều duy nhất họ thua ta là ở xứ họ lại không có anh hùng và chắc cũng ít nhà thơ?
Núi sông không có anh hùng
Bình yên cho mọi tấm lòng, màu da
Thì ra cái kém của họ cũng lại là một cái hơn. Và đó cũng là vấn đề chúng ta đáng suy nghĩ nhất?

Trong tình hình “loạn thơ” hiện nay, đầy rẫy những thứ lạ hoắc, càng đầy rẫy những thứ quen nhàm, đọc thơ in trên Văn nghệ Hải Dương, thấy các nhà thơ tỉnh ta rất hiền lành và điềm tĩnh. Chủ yếu họ vẫn lầm lũi và bền bỉ kiếm tìm trong dòng thơ truyền thống. Tuy không thời thượng nhưng vừa tầm với khả năng của họ và gần gũi với số đông độc giả sẻ chia hơn. Thơ họ có hay và cũng có cả chưa hay. Cũng tất yếu như “nhân vô thập toàn” vậy thôi. Nhưng nhìn chung họ tránh được những xu hướng bất cập hiện thời là quen nhàm và lạ hoắc. Vì thế mà rất đáng đọc.

22/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét