Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

MÃI XÓT CAY


(họa bài thơ TRẦM TƯ VƯỜN VẢI của thày Thanh Dạ)

Nhắc đến vườn vải chín đỏ cây
Côn Sơn nhớ lại...tại nơi này
Địa linh nhân kiệt còn lưu giữ
Để mãi muôn đời lệ xót cay.

30/11/2011
MH 

Làm thế nào để xác định “thơ thật” và “thơ giai thoại”?


Tri Ân vừa mới đưa giai thoại “Bác Hồ đối đáp câu đối và họa thơ”. Sau đó có một bạn đọc nặc danh hỏi bài thơ đó có đúng là thơ của Hồ chí Minh không? Qua đây tôi thấy rằng chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc khác cũng thắc mắc và hồ nghi như thế. Nhất là với Bác Hồ, một nhân vật lịch sử còn rất gần gũi với chúng ta. Bác Hồ lại còn là một lãnh tụ rất hay làm thơ, hay vận dụng ca dao hò vè… nên chúng ta càng dễ tin hơn đó là thơ của Bác Hồ thật. Muốn xác định bài thơ trong giai thoại đó có phải là của Bác thật không, cách đơn giản nhất là căn cứ vào những văn bản chính thức do nhà nước ta công bố. Cụ thể là Hồ Chí Minh toàn tập. Hiện nay  thì chưa thấy có, nhưng nhỡ như Hồ Chí Minh toàn tập cũng còn bỏ sót thì sao?
Theo tôi vẫn có thể căn cứ vào một số điểm sau đây để xác định:
Thứ nhất là căn cứ vào nội dung bài thơ có phù hợp với mục đích chính trị của cụ Hồ Chí Minh hay không? Năm 1946, với tư cách là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, Bác  đã tuyên bố “giải tán” Đảng Cộng sản. Thực ra là rút vào hoạt động bí mật. Sau đó lại mời đại biểu các đảng đối lập khác cùng tham gia chính quyền. Nguyễn Hải Thần còn được mời làm Phó Chủ tịch nước. Mục đích chính trị của cụ Hồ Chí Minh lúc ấy là đại đoàn kết dân tộc để cố kết lực lượng toàn dân chống giặc ngoại xâm, cứu nước. Vậy thì sao ngay trong lúc ấy, cụ Hồ Chí Minh lại nói vỗ mặt với Nguyễn Hải Thần “Ông biết phần ông, tôi biết tôi” thì còn đoàn kết cái nỗi gì? Cụ Hồ Chí Minh không thể ấu trĩ về mặt chính trị như vậy được.
Thứ hai là căn cứ vào giọng điệu bài thơ có phù hợp với tính cách và khẩu khí của cụ Hồ Chí Minh không? Trong đời thực, cụ Hồ là người rất  khiêm tốn, giản dị và hòa nhã với mọi người. Nhất là đối với các nhân sĩ, trí thức, các bậc cao niên, Bác thường xưng hô một điều cụ, hai điều cụ chứ không ông ông tôi tôi kiểu cá mè một lứa như trong bài thơ họa. Càng rất khó tin cái giọng điệu “làm phách”: “Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi / Cờ tàn mới biết tay cao thấp / Há phải như ai cá đớp mồi”.
Cũng vào giai đoạn này ở Chí Linh cũng rộ lên một câu chuyện Bác Hồ về thăm đền Kiếp Bạc và có đề thơ. Nguyên văn bài “thơ giai thoại” ấy như sau:
Cũng mày cũng mặt cũng anh hùng
Tôi-Bác cùng nhau bạn kiếm cung
Bác giết quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có anh linh cười một tiếng
Giúp tôi độc lập chóng thành công.
Mãi đến thời chống Mỹ, nhiều phụ huynh còn hỏi tôi về bài thơ này có phải thật là của Hồ Chí Minh không? Tôi cũng chỉ bằng cứ vào cái giọng điệu phi Hồ Chí Minh của bài thơ mà giải thích là không phải. Sau này đi hỏi thăm một số cụ ở Phả Lại tôi mới biết bài thơ đó là do một nhóm các cụ nhà nho ở thị xã Bắc Ninh làm ra thôi.

29/11/2011
Đỗ Đình Tuân

LUẬT CHƠI XƯỚNG - HỌA THƠ

 

Chơi mà cũng có Luật! Nghe ra có vẻ lạ. Song, đúng là như vậy. Bởi nếu không có luật thì cuộc chơi nào cũng sẽ trở thành CUỘC CHỌI. Mà chọi thì kể cả CHỌI TRÂU ở ĐỒ SƠN rồi bên thắng, bên thua cũng thành món nhậu cả. Phải có luật để định giá đúng, sai để có chuẩn cho người ta phấn đấu. Nếu không thì LOẠN XÌ NGẦU RÁO CHỌI. Ngay như 2 người cùng nhau thuê một phòng trọ cũng phải có quy định với nhau về giờ giấc đi, về…khóa mở ra sao. Có thế mới hợp đồng ăn ở lâu dài với nhau được. Chơi Thơ cũng vậy. Lục bát cũng có luật, Đường luật cũng có luật. Xướng - Họa cũng có luật …Người hiểu luật, chấp hành tốt thì không bị phê phán chê bôi. Do vậy mới có câu “Nhập gia tùy tục”. Còn không thì chuẩn bị sẵn tinh thần nhận lấy búa rìu phê phán để được sáng mắt, sáng lòng. Thế mới là khiêm tốn, mới là CẦU THỊ. Vậy nên cứ phải theo luật mà chơi, mà sống. Xin các thi huynh, thi hữu cố gắng tìm hiểu LUẬT XƯỚNG HỌA để cho nhau những tặng phẩm có giá trị cao, giá trị hoàn hảo đó nha. Chúc các thi huynh, thi hữu thành công! Bây giờ Thanh Dạ xin mời các thi huynh, thi hữu họa 2 bài thơ TỨ TUYỆT cho dễ hơn - vì không phải trả nhiều VẦN và không cần ĐỐI cũng được:
                 
             Bài 01: TRẦM TƯ VƯỜN VẢI
            
             Bây giờ quả đỏ trĩu trên cây
             Nhớ máu ngày xưa xối đất này
             Mật ngọt làn môi, Lòng bỗng chát
             Quầng thâm mắt lá; Lệ vương cay!

             Bài 02 :THƯƠNG TIẾC LÃO NÔNG

             Suốt đời cặm cụi dưới đồng sâu
             Giông bão, đa đoan bạc mái đầu
             Dứt áo ra đi cơn gió thoảng
             Giữa mùa gặt hái lúa đang mâu!

Xin kính mời các thi huynh, thi hữu. Kính chúc các thi huynh, thi hữu thành công!

Phố Hóp 11h15’ ngày 27-11-2011 T.D

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TỨ XUÂN

              

Xuân đã bao lần thay sắc xuân,
Với xuân phong độ vẫn như xuân,
Xuân vui kỳ thú xuân xuân mãi,
Chớ để vì xuân, ta mất xuân .

LỜI HUẤN GIÁO

                           
    Vận nước đỏi thay, là trai phải tu tài ,tu nghiệp.
Lòng người đen bạc, phận gái cần tích đức tích nhân.

Kính thưa các thầy cô và các thành viên Xóm Tri Ân

Trước khi có đôi lời thưa cùng các thày cô, các anh chị, em xin được gửi đến các thày cô, các anh chị lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Kính Thưa các thày cô, các anh chị!
Là một thành viên của Xóm, em nghĩ: đến với Blog TRI ÂN CUỘC ĐỜI là đến một sân chơi bổ ích, nơi được chơi hết mình, với tinh thần tự nguyện cống hiến. Đây đúng là nơi: được ăn, được nói, được gói mang về. Bởi lẽ: Được ăn là được thưởng thức những giá trị  nghệ thuật vừa dung dị, chân thật, vừa hấp dẫn, hợp khẩu vị từ các bài thơ, áng văn, bản nhạc của các thành viên và của nhiều tác giả khác (như vậy là ngon rồi phải không ạ). Được nói là tất cả chúng ta đều được nói một cách rất tự nhiên, thoải mái; được khuyến khích nói hết những tâm sự, bức xúc trong lòng, được giãi bày, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, được cười đùa, thư giãn... Được gói mang về, đó là những gì nhận biết được thêm qua những cuộc giao lưu, cuộc chơi xướng - họa, đối đáp, cuộc tranh luận… trên Blog TRI ÂN CUỘC ĐỜI. 

Chắc hẳn tất cả chúng ta đều rất vui mừng vì thời gian gần đây, Blog TRI ÂN CUỘC ĐỜI của chúng ta ngày càng sôi động bởi các bài viết cứ đổ về như một dòng chảy bất tận, luôn hướng bạn đọc vươn đến tầm NHÂN VĂN và giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ. Một trong những yếu tố quan trọng và quyết định sự thành công bước đầu đó là tính tranh luận, phản biện trong sân chơi. Nhờ có sự tranh luận, phản biện đó đã tạo bầu không khí nóng ấm của Blog. 

Trong bài viết LỜI CẢM ƠN CÁC THI HƯU của thày Nguyễn Duy Dự (Thanh Dạ) có đề cập đến việc tiếp tục phong trào xướng - họa thơ trong Xóm, em nghĩ đó là một việc làm hay và rất mong được các thày cô và các anh chị hưởng ứng.

Thay mặt BQT Blog, em xin được chúc mừng và cảm ơn các thày cô, các anh chị đã  đóng góp tích cực cho sân chơi. TRI ÂN CUỘC ĐỜI luôn mong muốn nhận được sự tiếp tục chơi hết mình, sự cống hiến nhiều hơn nữa của các thày cô và các anh chị.  

29/11/2011
 Minh Hương

Cùng chia sẻ

 


(Họa thơ Tạ Anh Ngôi- ngược vận)

Hội ngộ hôm nay nhớ những lần
Ngày xưa ao ước bước thanh vân
Tim hừng nắng lửa bình minh hạ
Mộng nức hương hoa buổi sớm xuân
Đâu biết cuộc đời nhiều trắc trở
Nào hay sự thế lắm xoay vần
Kẻ may người rủi cùng chia sẻ
Sống đẹp làm nòng: LẼ ÁI NHÂN

28/11/2011
Đỗ Đình Tuân

NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI NHẤT TOÀN QUỐC THƠ ĐƯỜNG-LUẬT 2009

 
  Đó là một cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh ,nói giọng miền Nam…mà đoàn đại biểu Hội Thơ Đường - luật Hải Dương gặp trên chuyến tàu Hà-nội đi Huế cuối tháng 3-2009. Đoán biết chúng tôi là dân “thơ thẩn”, cô chủ động bắt chuyện: “Em cũng là đại biểu Đại hội thơ Đường - luật toàn quốc của thành phố Hồ Chí Minh ra Huế họp nè!” Rồi cô nói rõ hơn rằng quê cô ở Hưng-Yên;Mượn dịp này về thăm quê từ mấy hôm trước.Nay lại lộn lại Huế dự Đại Hội, xong là “dô luôn trỏng…”. Với giọng nói mềm mại, có phần ngọt ngào, chân thật…cô đã chinh phục đoàn chúng tôi một cách nhanh chóng. Chúng tôi “kết nạp” cô vào đoàn ngay tắp lự. Cô tin tưởng và cởi mở khoe: “Kỳ này em ra còn có một việc nữa là nhận giải Nhất thơ năm 2009 nữa đó nha !” Bọn tôi tỏ vẻ nghi ngờ, hỏi: “giải nhất bài gì? thử đọc nghe coi!”  Cô bảo đó là bài “Thu trên non” và đọc luôn:
  
      Thu vừa thức giấc ở trên ngàn
      Tiếng thở bình minh, sương sớm tan
      Có bước chân nào đi rất khẽ
      Hay làn gió mới thoảng âm vang
      Hương rừng phảng phất màu hoang dại
      Mạch sống bừng lên khúc rộn ràng
      Đất trở mình vui theo suối chảy
      Líu lo chim hót gọi mùa sang

 Chúng tôi hoan hô nhiệt liệt chúc mừng, xen lẫn vào  vài câu thì thào hỏi lại rằng có đối hay không …của ai đó. Cái không khí lạ lùng của thi ca lập tức làm cho mọi người quấn quýt nhau ngay…Rồi những ngày ở Cố-đô, lúc ăn cơm, lúc xuống thuyền nghe hát trên Sông Hương…cô đều tranh thủ tách đoàn về ngồi với “Đồng - hương, Đồng - khói” Hải-Hưng !...
      Lần chia tay đầy lưu luyến ở Huế cũng là bắt đầu việc xướng - họa thơ với nhau từ xa giữa chúng tôi và NHẬT-HẠ (Bút danh của cô; Còn tên thật của cô là Bùi Thị Hạnh). Trong những bài xướng họa ấy, chỉ có bài “Tha thiết tình ai” của Tạ Anh Ngôi (bài xướng - mà tôi đã giới thiệu với xóm) và bài họa sau đây của Bùi Thị Hạnh tạo thành một cặp xướng - họa “đôi lứa xứng đôi”nhất. Xin giới thiệu lại:
      Bài xướng: Tha thiết tình ai (Tạ Anh Ngôi)
   
      Lựa phím nâng đàn đợi cố nhân
      Câu thương câu nhớ ướp hương vần
      Trải dài năm tháng trao cho hạ
       Tô đậm tứ,câu gửi tới xuân
       Chén rượu la đà tình viễn xứ
       Tiếng tơ day dứt bước phong vân
       Ánh trăng mờ ảo khơi vườn mộng
       Tha thiết tình ai biết mấy lần

       Bài họa của Nhật-hạ như sau:Cố nhân

        Dưới cội mai già nhớ cố nhân
        Thiết tha nhắn gửi một đôi vần
        Gió theo gót hạ xanh đường hạ
        Trăng dọi đường xuân đẹp gót xuân
        Chạm chén sơn hà tình lữ khách
        Vịnh câu phong nguyệt cảnh yên vân
         Đêm xưa đối bóng bên bờ mộng
         Thoảng chút thương yêu nhớ những lần…

         (Bài viết ngày 08-3-2010 tại tp Hồ Chí Minh)

          Khoảng tháng 8-2010 Nhật Hạ một mình lên tàu ra Bắc đi thăm Côn-sơn, Kiếp-bạc và thăm chúng tôi để nói lời chia tay sang Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình .
          Những dòng này của tôi rất có chọn lọc. Nếu nó mang lại chút gì thí dụ cho thi huynh, thi hữu về thơ đường - luật và cách xướng họa thơ đường - luật; đồng thời mang lại chút an ủi nỗi nhớ của kẻ xa quê …thì tôi rất lấy làm vui

          Phố Hóp 20h ngày 28-11-2011 thanh dạ -thành viên xóm Tri Ân

Vài ý nói thêm về thơ họa hợp cách

 

Trong cách ăn, cách chơi của các cụ ngày xưa thường có những quy cách rất chặt chẽ. Từ các lối hát đúm, hát ca trù, quan họ…đến chơi thơ xướng họa... Những người tham gia cuộc chơi thường phải tuân thủ rất nghiêm nhặt các quy định ấy. Riêng trong hát ca trù nếu sai quy cách còn phải bị phạt.
Trong các cuộc thi tuyển nhân tài ngày xưa, có một môn thi bắt buộc là thi thơ làm về một đề tài nào đó. Nếu thơ làm sai luật thì sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. chỉ những bài hợp cách mới được xem xét bình chọn về độ hay dở. Tôi cũng đã từng đọc một tài liệu giới thiệu về một CLB thơ của các cụ nho sĩ ngày xưa ở Thanh Hóa. CLB này hàng tháng cũng tổ chức thi thơ để đọ tài cao thấp với nhau. Những người làm thơ không sạch nước cản cũng bị loại khỏi CLB.  Đủ biết các cụ nhà mình  ngày xưa rất coi trọng phép tắc và luật lệ.  
Còn quy cách chơi thơ xướng họa như thế nào tôi đã giới thiệu ở bài “ví dụ về thơ xướng họa hợp cách” rồi. Sở dĩ tôi phải viết bài ấy vì ở các chiếu thơ Đường hiện nay người ta rất hay chê bôi  dè bỉu nhau về niêm với luật, về quy nọ với cách kia. Chẳng hạn có một tác giả có bài mời họa thế này:
Hội thơ cao tuổi của phường ta
Đoàn kết chung vui tựa một nhà
Sinh hoạt thường kỳ luôn nảy lộc
Thơ ca tháng tháng vẫn đơm hoa
Nam thì sôi nổi thơ cùng nhạc
Nữ cũng tưng bừng múa với ca
Đất nước thanh bình tươi sáng mãi
Sân chơi lành mạnh thật chan hòa.
                                (HV)
Có một ông họa lại như sau:
Sao Đỏ thân thương của chúng ta
Thi hữu bên nhau một mái nhà
Tuổi cao đâu chỉ vui hưởng lộc
Góp cho đời trái ngọt thơm hoa
Phái mày râu say thơ với nhạc
Phái đẹp ngọt ngào điệu dân ca
Sống khỏe sống vui đời trẻ mãi
Nặng nghĩa anh em mãi chan hòa.
                        (NVT)
Và cái bài họa này bị chê rất nhiều: nào là chưa biết làm thơ Đường vì thất niêm, vì đối không chuẩn, rồi chưa biết họa thơ vì dùng lại chữ áp vần của bài xướng (chan hòa)…Nghe thì thấy khó chịu nhưng nghĩ ra thì thấy rất trúng và rất công bằng.  Lời ngay thường hay trái tai mà. Nhưng thường thì những lời chê ấy cũng chỉ xì xèo ở bên ngoài thôi vì phải giữ “hòa khí”. Nhưng nếu không thật lòng thì “hòa khí” cũng chỉ là giả tạo.
Đọc trên Tri Ân tôi thấy nhiều bài thơ họa sai quy cách quá. Chắc chắn là thiên hạ coi thấy người ta sẽ đánh giá các thày chẳng ra sao. Vì thế mới có bài “ví dụ về thơ xướng họa hợp cách”. Cố nhiên đây mới chỉ là nói về quy cách chứ không bàn gì  đến chuyện hay dở cả. Thơ đúng cách chưa chắc đã hay mà thơ phá cách đôi khi lại rất hay.
Sau bài đó ít hôm trên Tri Ân lại thấy xuất hiện hai cặp thơ xướng họa giữa  Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, giữa Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh và đưa một cách rất lửng lơ. Không hề có một chú giải gì về mục đích đưa ra. Điều này đã gây ra những băn khoăn thắc mắc cho người đọc. Thanh Dạ trong lời cảm ơn đã viết: “Còn như trong 02 cặp xướng họa do TRI ÂN đưa lên thì BÀI HỌA vẫn có quyền lặp lại cả những từ,những chữ ÁP VẬN ?”
Tôi xin thưa với ông Thanh Dạ rằng quy cách và luật chơi luôn luôn vẫn là quy cách và luật chơi. Không vì Nguyễn Thị Lộ, Hồ Chí Minh không hợp cách  mà quy cách và luật chơi phải thay đổi theo. Chưa kể mấy cặp thơ xướng họa ấy là rút ra từ giai thoại văn học. Tức là do dân gian bịa ra chứ đâu phải thật sự là thơ của Nguyễn Thị Lộ và Hồ Chí Minh. Những ví dụ ấy để trong giai thoại có nó thì được nhưng tách ra như từng giới thiệu trên Tri Ân thì lại là một sai lầm nghiêm trọng.  Bởi vì nó sẽ làm cho người đọc nghiễm nhiên hiểu rằng đó là thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Hồ Chí Minh thật. Cứ giở Nguyễn Trãi toàn tập, Hồ chí minh toàn tập ra mà coi (phần ghi tác phẩm ấy) sẽ không thấy những bài thơ ấy đâu.

28/11/2011
Đỗ Đình Tuân


Bất chợt.

  (Họa bài thơ THA THIẾT TÌNH AI của Tạ Anh Khôi)


Ô kìa một tuyệt thế giai nhân!
Thi sĩ ngẩn ngơ vội chắp vần:
Hai má hây hây màu cánh phượng
Đôi môi chúm chím sắc tầm xuân
Mắt đen sóng sánh bên ngài liễu
Răng trắng ngọc ngà ẩn  tóc vân
Dáng vẻ thướt tha trong nắng sớm
Ngất ngây du khách biết bao lần.

Nha trang - 28/11/2011  
MH                                               

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

NGÀY MAI

 (Kính gửi thày Thanh Dạ và thày Đỗ Đình Tuân)

Ghé về phố Hóp thăm Thày,
Rượu không kịp uống, thịt cầy cũng chưa
Bởi đường xa ngái, dạ thưa:
Bạn đường thì lại chào thua thứ này!
Thôi đành hẹn đến ngày mai,
Em về phố Hóp cùng Thày nhâm nhi
Rồi ngày mai nữa lại đi
Sang phố Sao Đỏ li bì cháo ngan
Thày Tuân đã dọn sẵn sàng….


 Nha trang - 27/11/2011
MH

Cháo ngan




Hôm qua Duy Dự sang chơi
Từ xa đã thoảng thấy hơi cháo gà
Hỏi rằng đãi khách phương xa
Sao không cá chép, ba ba, thịt cầy?
Rằng đoàn khách khó tính thay
Không mê rượu Hóp thịt cầy như ta
Chỉ mê gạo nấu thịt gà
Để thiên lý mã đường xa nhẹ nhàng
Cháo về phố biển Nha Trang
Cháo vào Thanh Hóa, Nghệ An, Tuy Hòa
Lần sau nếu khách lại ra
Tôi chuyển cháo gà thành món cháo ngan.

27/11/2011
Đỗ Đình Tuân

NGÓNG ĐỢI THI NHÂN

 
(họa bài Tha Thiết Tình Ai
của Tạ Anh Ngôi)

Nâng đàn, lựa phím đợi thi nhân
Để được giao lưu, được họa vần
Tháng lại, ngày qua đi hết hạ
Phượng tàn, sen héo hẹn sang xuân
Đồ ăn có sẵn cầy-tơ-Hóp
Thức uống thường lưu rượu-nếp-Vân*
Chỉ thiếu một người ta muốn gặp
Càng mong càng nhỡ biết bao lần

Phố Hóp 23h40’ ngày 27-11-2011 T.D

Hưu nhàn, hưu bấn

 


Xóm lá Tri ân bỗng xôn xao
Luận bàn nhàn, bấn thấy rào rào
Lơ ngơ có kẻ đang ngoài cổng
Tấp tểnh sân trong sửa bước vào
Rối rít, rầu rầu rồi cũng tới
Hưu nhàn, hưu bấn có làm sao!
Thong dong bút, sách cùng thơ phú
Sáng tối Tri ân luôn đón chào

26/11/2011
VA

BÁC HỒ ĐỐI ĐÁP CÂU ĐỐI VÀ HỌA THƠ

 

               Vào khoảng tháng 12 năm 1943, Người tham dự bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Tại bữa tiệc này, Nguyễn Hải Thần,  vốn tự phụ về vốn Hán học của mình nên vừa có ý tự đắc vừa muốn lấy lòng quan trên đã buông ra một vế đối ngụ ý so sánh Hầu Chí Minh với Hồ Chí Minh để thách đối:
 “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, nhị vị đông chí , chí giai minh” (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị là đồng chí, chí đều sáng)
          Mọi người trong bữa tiệc còn đang suy nghĩ tìm cách đối lại thì Hồ Chí Minh đã ung dung đối lại như sau:
          “Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách” (Ông cách mạng, tôi cách mạng, tất cả đều cách mạng thì cách mạng tất thành công).
          Vế đối của Bác rất chỉnh cả về ý tứ lẫn ngôn từ lại có tầm tư tưởng cao, có tính cách mạng triệt để. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh không ngớt lời ca ngợi: “Đối hay lắm, hay lắm”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ Chí Minh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.
          Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Hải Thần cùng một số người Việt Nam nữa như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh theo đoàn quân Tiêu Văn của Tưởng Giới Thạch về nước. Để thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng, nhằm tập trung lực lượng kháng chiến ở Nam bộ, ngày 01/01/1946 Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó được bổ sung vào Quốc hội (không qua bầu cử) đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp chính thức. Nhân dịp này, Nguyễn Hải Thần đã làm thơ gửi Hồ Chủ tịch:
 
                   “Gánh vác việc đời ông với tôi
                   Con đường gai góc sẻ làm đôi
                   Cùng chung đất nước chung bờ cõi
                   Cũng một ông cha, một giống nòi
                   Đành chịu nước cờ thua nửa ngựa
                   Còn hơn miệng thế chế mười voi
                   Mấy lời nhắn nhủ cùng ông biết
                   Nước ngược buông câu phải lựa mồi”
 
          Thâm ý của Nguyễn Hải Thần là muốn khuyên Hồ Chủ tịch đành chịu phần thua, lựa chiều lòng Trung Hoa Quốc dân đảng. Biết rõ ý đồ ấy, Hồ Chủ tịch đã họa lại như sau: 

                   “Ông biết phần ông, tôi biết tôi
                   Quyết giành thắng lợi chẳng chia đôi
                   Đã sinh đầu óc, sinh tai mắt
                   Nỡ bỏ ông cha, bỏ giống nòi
                   Họ trót sa chân vào miệng cọp
                   Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi
                   Cờ tàn mới biết tay cao thấp
                   Há phải như ai cá đớp mồi”
 
          Bài thơ họa lại, lời lẽ thật đanh thép, vừa thể hiện tinh thần quyết vượt mọi khó khăn, hiểm nguy giành thắng lợi vừa phê phán mạnh mẽ thái độ hèn hạ của bọn người cam tâm làm tay sai ôm chân Quốc dân đảng Trung Hoa, bỏ ông cha, bỏ giống nòi.
          Bài họa thật sắc sảo, tài tình! 
 
                                      Vũ thị Song thu (sưu tầm)
                                      Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống 

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

LỜI CẢM ƠN CÁC THI HỮU

Trong thời gian vừa qua, tôi có mời các thi hữu họa bài “Cứ ngỡ về hưu…” của tôi. Các thi hữu đã rất nhiệt tình họa lại. Điều đó làm tôi rất cảm động. Vậy xin có lời chân thành cảm ơn các thi hữu, thi huynh. Kính chúc các thi huynh, thi hữu mạnh khỏe, vui vẻ và càng ngày càng yêu…thơ hơn. Tôi cũng cảm ơn riêng thi hữu Đỗ Đình Tuân đã kịp thời có bài “VÍ DỤ VỀ THƠ XƯỚNG - HỌA HỢP CÁCH” góp phần hướng dẫn cho mọi người tham gia chiếu chơi thú vị này. Hôm nay TRI ÂN CUỘC ĐỜI lại đăng lên 2 thí dụ về xướng họa của các bậc tiền bối Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị LộNguyễn Hải Thần-Hồ Chí Minh…cũng là góp phần làm rõ Luật chơi thơ xướng họa. Tựu trung là xướng - họa thơ đường - luật khó hơn xướng - họa các thể thơ khác ở chỗ bài họa phải trả lại đủ 05 vần và không được lặp lại những chữ ÁP VẬN của bài xướng (nếu xướng - họa thơ Đường - luật TỨ TUYỆT hẳn có phần dễ hơn ;vì chỉ phải trả lại có 03 vần). Còn như trong 02 cặp xướng họa do TRI ÂN đưa lên thì BÀI HỌA vẫn có quyền lặp lại cả những từ, những chữ ÁP VẬN ? …Qua đợt xướng - họa lần này, tôi thấy rất vui như được gợi chuyện với nhiều thi huynh, thi hữu. Từ đó tôi nảy ra ý kiến đề nghị BQT XÓM tiếp tục phát động phong trào xướng - họa trong xóm cho không khí khu dân cư thêm phần rộn rã, vui tươi; Lại vừa nâng cao được “tay nghề” khi làm thơ Đường - luật. Nếu được, tôi xin trân trọng cảm ơn! Nhân đây tôi xin giới thiệu một bài thơ mời họa của thi hữu Tạ Anh Ngôi (đương kim phó chủ-tịch Hội Thơ Đường Luật VN tỉnh HẢI DƯƠNG) như sau:
              
         THA THIẾT TÌNH AI*

Lựa phím, nâng đàn đợi cố nhân
Câu thương, câu nhớ ướp hương vần
Trải dài năm tháng trao cho hạ
Tô đậm tứ câu gửi tới xuân
Chén rượu la đà tình viễn xứ
Tiếng tơ day dứt bước phong vân
Ánh  trăng mờ ảo khơi vườn mộng
Tha thiết tình ai biết mấy lần

Phố Hóp 13h15 ngày 27-11-2011 T.D

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

NGÀY XƯA



 
                            Nguyễn Đình Hiển



Hình như trong xóm luộc khoai
Mùi thơm bay tận ra ngoài bờ tre
Giật mình một chút hương quê
Mà đưa ta mãi trở về ngày xưa

Đưa ta về với ngày mưa
Mẹ ta ngồi khóc khi vừa gặt xong
Đưa ta về với dòng sông
Một thời lễnh loãng chảy không nhớ bờ

Đưa ta về thuở học trò
Một đàn quỉ sứ reo hò vỡ sân
Đưa ta về với ngày rằm
Hương chùa vấn vít oản nằm nghe chuông

Đưa ta về với con đường
Chân trâu dẫm nát còn vương cỏ gà
Ngày xưa có mất đâu mà
Chạm vào thương nhớ đó là ngày xưa

N.Đ.H

Lời bình: 

Tám câu lục bát của Đình Hiển cùng đồng thanh gọi: Ngày xưa ơi! Ngày xưa của tuổi học trò ai chẳng có. Ngày xưa nằm lại sân đình, gốc đa, bến đò, đêm trăng, triền đê lộng gió... Năm nhịp đưa ta, Đình Hiển dẫn người đọc về miền xưa bé của mình theo nhịp ngũ cung thanh bằng ngang qua miền thơ dại.

Đưa ta về với ngày mưa/ với dòng sông/ thuở học trò/ với ngày rằm/ với con đường. Năm nhịp đưa thì nhịp giữa: thuở học trò là không nắm bắt được. Còn ngày mưa, dòng sông, ngày rằm, con đường là những thứ thật cụ thể, nắm bắt được. Cả ảo lẫn thực nơi tác giả dẫn người đọc đến đều gợi về ký ức, nơi cất giấu những kỷ niệm đẹp. Khi nhặt lên, chỉ cần thổi nhẹ lớp bụi thời gian, chúng đều óng lên sự diệu kỳ. Ứng với mỗi câu sáu trong nhịp đưa ta là một niềm trăn trở.

Ngày mưa - mẹ ta ngồi khóc. Lúa mới gặt chạy lụt. Hạt lúa đã nảy mầm. Nỗi giêng hai vừa qua, ngày ba, tháng tám vừa qua. Mấy tháng trời chờ cây mạ lớn, nảy đòng, đơm bông, chắc hạt thế, chắc ăn là thế, ngày mưa cánh đồng lênh loang, trắng phau. Nước. Nước ngập. Mẹ khóc như mưa, khóc cho những hạt lúa mới gặt đã nảy mầm. Lấy gì cho mùa sau? Thóc nảy mầm cầm lòng sao đặng.

Dòng sông - chảy không nhớ bờ. Cái lễnh loãng học trò cướp luôn cả ký ức dòng sông cuộn chảy. Sông ơi, ta tắm mình trong ngươi một thuở. Thuở ấy giờ xa lắm. Tay giang tay ôm ngươi vào lòng. Mi lểnh loảng ôm ta vào dạ. Thuở học trò, đám quỉ sứ đứng hàng thứ ba trong tam thế. Tiếng hò reo trận giả vỡ sân đình, vỡ cả ánh trăng đêm rằm đang ngủ hờ dưới đáy ao.

Ngày rằm - Ta đưa, hương chùa vấn vít. Oản xôi chuối nằm im thin thít - nghe chuông. Chuông nguyện đơn côi, thả từng tiếng vào thinh không tịch mịch. Chuông cũng lênh loang, mạ màu trầm âm thanh thiền trên mặt ruộng, rồi bất giác vút lên nhằm cái hố đen trên nền trời mà lao vào như thiêu thân. Hố đen nuốt chửng tiếng chuông để đêm đêm dội lại người thơ trong những cơn mơ về bất chợt.

Con đường chân trâu dẫm nát. Con đường còn vương chút cỏ gà thua trận. Ngọn cỏ hình đầu gà thua trận gãy đôi, thao láo nhìn trời, nhìn lũ trẻ vô tư trong trò chơi đồng dao thuở nhỏ. Con đường in dấu chân về làng, in dấu chân dời làng. Hai dãy dấu chân song hành quá khứ và hiện tại. Dấu chân trở về - trở về ngày xưa bé. Trở về cổng làng ào như cơn rụng lá xanh. Trở về nơi chôn “nhau” mẹ đã cắt rốn ngày ta bật tiếng khóc đầu tiên chào mặt trời. Và mẹ cho ta dòng sữa non đầu tiên mát ngọt. Cha cho ta ánh nhìn đầu tiên và cái tên đầu tiên dùng suốt cuộc đời. Ngày xưa ơi! Gọi lên là day dứt gọi là thấy là thương là gặp. Ngày xưa luôn thường trực, bởi:
Ngày xưa có mất đâu mà
Chạm vào thương nhớ đó là ngày xưa

Ngày xưa của Đình Hiển xưa trong từng ngày, xưa cả từng đêm, xưa của mọi người. Bằng tám câu lục bát của mình, nhà thơ đã tụng ca cho nỗi nhớ nằm sâu trong ký ức.

Rằm tháng Giêng Tân Mão – Vân Đình Hùng

Chốn cũ



Mành mành nắng trải hoàng hôn,
Khói lam chiều cuốn gió vờn ngọn tre.
Thương em một lối đi về,
Vai gầy trĩu nặng lời thề tóc tơ.

Anh về chốn cũ bơ vơ,
Lạc trong hoài niệm ngây thơ một thời
Lắng  xa vọng tiếng ru hời,
Nao nao, ước được một lời em ru!...

Nha Trang - 02/99
MH

Quen lạ, mới cũ trong thơ

                    


Đọc thơ in trên Văn nghệ Hải Dương thấy một âm điệu chung là rất quen thuộc, rất truyền thống. Quen thuộc, truyền thống nhưng không nhàm, không cũ. Nhất là ở cái “đề tài muôn thuở”. Những mối tình lỡ dở thì có lẽ hầu như ở người làm thơ nào cũng có. Nhưng viết được những câu thơ:
Nửa đời
Nhặt giấc mơ hoang
Một đêm vấp nhớ
Bàng hoàng gọi em
(Nửa đời-Thanh Trắc Nguyễn Văn-trang 4, số 112)
Quen trong cái âm điệu lục bát mà lạ trong “giấc mơ hoang”, trong “vấp nhớ”. Câu thơ gợi một nỗi nhớ chợt đến nhưng cồn cào thảng thốt, không cầm lòng được. Điềm tĩnh hơn, ta gặp lại trong thơ Triều vân:
Cuốc kêu da diết hàng tre
Bờ sông khao khát nắng hè phôi pha
Tấc gang đã bậc ông bà
Bâng khuâng lọn gió đồng xa ngược về
(Gần xa-Triều Vân-trang 15, số 104)
Có rất nhiều quen thuộc. Nhưng cái “lọn gió đồng xa ngược về” thì thật lạ. Ở đây ta thấy có đậm, có nhạt; có tản, có tụ; có bồi hồi mà có cả bâng khuâng. Vừa  mơ hồ lãng đãng lại vừa hiện hữu. Những trạng thái lung linh, chập chờn  này của tình cảm, cảm xúc,  có lẽ chỉ có nghệ thuật thơ ca là diễn tả được gọn gàng và hiệu quả đến như vậy?
Nguyễn Ngọc Hưng lại thường trực hơn, thao thiết hơn. Cả trong nỗi nhớ, cả trong lời tự trách đau đớn và đầy tiếc nuối:
Giếng làng
văn vắt gương trong
Dòng sông ơi
nhớ ai
 ròng rã
 trôi

Đáy ao
trăng
lặn mất rồi
Bạc mầu rong dại
trắng đôi mắt khờ

Vọng về
xa ngái tuổi thơ
Còn xanh tiếng sóng ru bờ
miên man…
(Miên man-Nguyễn Ngọc Hưng-trang 6, số 110)
            Trở về chốn cũ, gặp lại ngày xưa, nhưng vắng bóng người xưa, thế là tự nhiên thành bơ vơ, cô quạnh. Cái cảnh ngộ ấy, cái tâm trạng ấy, phổ biến lắm, quen thuộc lắm. Vậy mà đọc “Về thăm núi Thúy” của Vũ Minh Tuấn, ta vẫn thấy những câu thơ rất lạ:
              Đá im lặng thế buồn chưa
 Tường vi lại nở thêm mùa xa nhau.
(Về thăm núi Thúy-Vũ Minh Tuấn-trang 16,số 110)
Đá im lặng là một lẽ tự nhiên. Vậy mà ở đây hình như nó lại thành vô lý không thể chấp nhận được.Hoa cũng thế “Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình” (Nhật ký trong tù-Hồ Chí Minh) mà ở đây tự nhiên “lại nở thêm mùa xa nhau”? Cái lối “cưỡng ép” tự nhiên này tưởng là vô lý, nhưng theo logic của tình cảm cảm xúc thì lại thành hợp lý. Hãy giả như trong chuyến về thăm núi Thúy này, tác giả tình cờ lại gặp được “người xưa”? Cũng rất khó đoán ra những cảm xúc cụ thể, nhưng có nhiều khả năng đá sẽ phải hát, hoa sẽ phải cười…
Hình như ở cái đề tài “cũ rích và muôn thuở” này, nếu cảm xúc chân thành, rồi nhờ tài năng sáng tạo của  nhà thơ, nó được đông kết lại trong những không gian tâm trạng cụ thể và riêng biệt, thì nó thành hay, thành mới lạ. Và cái mới lạ trong sự quen thuộc này mới là cái mới lạ hợp lẽ tự nhiên. Cũng giống như một lớp chồi non nảy nở từ những cành gốc cũ, một lớp người trẻ từng hoài thai, sinh thành và được nuôi dưỡng từ lớp người già. Những cái mới, cái lạ gắn bó với truyền thống này, khi đạt chuẩn của cái đẹp, nó sẽ được định hình và không bao giờ cũ nữa. Còn những cái mới lạ học đòi, vay mượn, những cái mới, cái lạ đứt đoạn với truyền thống,…thì mới rồi lại cũ, cũ rồi sẽ thành rác vứt đi. Nó cũng giống như chúng sinh cứ mãi mãi trầm luân trong bể khổ luân hồi, hết làm kiếp người lại sang làm kiếp trâu, kiếp ngựa…Rất ít có khả năng thoát khỏi vòng kiếm tìm luẩn quẩn.
Ở những đề tài “xê dịch”, thơ in trên Văn nghệ Hải Dương, có nhiều mới lạ hơn. Hình như các nhà thơ Hải Dương đều mang “tâm hồn đồng bằng”, nên khi đi lên miền núi họ phát hiện ra nhiều cái mới lạ lắm. Chẳng hạn:
Đường đồi
Nắng khấp khểnh
Ngã xuống bờ khe
Gượng dậy
Đã hoàng hôn…
(Đường đồi-Thái Bá Lý-trang 35, số 107)
“Nắng khấp khểnh” là cái nắng rất mới, rất lạ, rất cựa quậy. Chưa ai nói thế bao giờ cả. Chu Văn An ngày xưa ở Chí Linh có hai lần nhắc đến nắng nhưng đều là ánh nắng chiều, tuy rất ấn tượng nhưng trầm tĩnh. Một lần là cái nắng soi sáng nửa lòng khe: “Tà dương đạm mạt bán khê minh” (Linh sơn tạp hứng). Một lần là vệt nắng chiều vắt ngang sườn núi: “Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành” (Thanh Lương giang). Cái nắng trong Ngậm ngùi của Huy Cận thì hình như cũng đang đi sao mà vẫn tĩnh tại thế: “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi”…Chỉ có cái “Nắng khấp khểnh” của Thái Bá Lý là chật vật quá: trượt chân ngã xuống bờ khe rồi phải ỳ ạch mãi đến tận hoàng hôn mới gượng dậy được. Thái Bá Lý đã làm cho “nắng ngã” để người xem được một “trận cười”, một niềm hào hứng hiếm có.
 Nguyễn Siêu Việt vượt Cống Trời, đinh ninh rằng mình đang thoát tục lên tiên. Cứ nghĩ chắc sẽ gặp nhiều cái mới cái lạ và đẹp như mộng. Nào ngờ lại gặp ngay cái rất quen, rất trần tục: Núi Vú Nàng. Và chàng ta bỗng “sững sờ, xốn xang…” trước cái cặp vú thiên tạo này:
Cặp ngực non trần thế
Cứ vạn năm chẳng già.
(Núi Vú Nàng-Nguyễn Siêu Việt- trang 7, số 104)
Thực ra thì núi Vú Nàng cũng chỉ lạ ở số lượng ít có, lạ ở quy mô ít gặp, chứ vật liệu tạo nên nó chắc cũng chỉ là đất đá? So với vẻ đẹp của những “đôi gò bồng đảo” bằng da bằng thịt ngoài đời thì sao bằng được? Từ hàng nghìn năm trước khi sáng tạo ra chữ diệu (妙) để chỉ sự tinh khéo, thần tình, mầu nhiệm… không thể hơn được, con người đã phải mượn hình ảnh người thiếu nữ để gợi ra ý ấy (chữ diệu gồm chữ “nữ” và chữ “thiếu” gộp lại). Cũng có nghĩa là từ hàng nghìn năm trước con người đã phải thừa nhận cái vẻ đẹp đỉnh nhất chính là cái vẻ đẹp của người thiếu nữ.
            Trần Nhuận Minh có điều kiện đi xa hơn nên “ghi chép ở VANCOUVER” cũng có nhiều sự lạ so với xứ ta nhất. Mầu “cờ Nước” của xứ ấy cũng đỏ nhưng lại là mầu đỏ của lá phong. Mà cuộc sống thì bình yên thân thiện quá:
            Hải cẩu bò lên bến cảng
Bồ câu đậu xuống vai người
Công viên hoa đua nhau nở
Thủ hiến dắt chó đi chơi…

Thành phố trong sương huyền ảo
Dãy nhà óng ánh kim cương
Gấu rừng xin ăn trước cửa
Ngủ đêm xe để ngoài đường…
(Ghi chép ở VANCOUVER-Trần Nhuận Minh-trang 8, số 105)
Người với vật, quan với dân, thiên nhiên hoang dã với văn minh hiện đại  cứ bá vai bá cổ nhau mà chung sống. Con người xứ ấy sao mà thuần hậu, xã hội xứ ấy sao mà an ninh, yên ổn thế? Đọc “Ghi chép ở VANCOUVER” tôi cứ liên tưởng đến xã hội thời Nghiêu - Thuấn. So với xứ ta thấy cái gì họ cũng khác. Có lẽ điều duy nhất họ thua ta là ở xứ họ lại không có anh hùng và chắc cũng ít nhà thơ?
Núi sông không có anh hùng
Bình yên cho mọi tấm lòng, màu da
Thì ra cái kém của họ cũng lại là một cái hơn. Và đó cũng là vấn đề chúng ta đáng suy nghĩ nhất?

Trong tình hình “loạn thơ” hiện nay, đầy rẫy những thứ lạ hoắc, càng đầy rẫy những thứ quen nhàm, đọc thơ in trên Văn nghệ Hải Dương, thấy các nhà thơ tỉnh ta rất hiền lành và điềm tĩnh. Chủ yếu họ vẫn lầm lũi và bền bỉ kiếm tìm trong dòng thơ truyền thống. Tuy không thời thượng nhưng vừa tầm với khả năng của họ và gần gũi với số đông độc giả sẻ chia hơn. Thơ họ có hay và cũng có cả chưa hay. Cũng tất yếu như “nhân vô thập toàn” vậy thôi. Nhưng nhìn chung họ tránh được những xu hướng bất cập hiện thời là quen nhàm và lạ hoắc. Vì thế mà rất đáng đọc.

22/11/2011
Đỗ Đình Tuân