Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC- 7

NGÀY 25.3.1975

Cuộc dò gỡ mìn kéo dài đến quá nửa đêm 24.3. Ngay sau khi thông đường chúng tôi được lệnh chở theo bộ binh đi đánh La sơn. Tiểu khu La sơn nằm trên quốc lộ 1 và chỉ cách Huế hơn 20 km. Thực ra lúc đó chúng tôi không nắm được lực lượng địch ở đó như thế nào nên tiến rất thận trọng. Trời tang tảng sáng đại đội tôi đã đến sát La- sơn; một không khí vắng lặng hiện ra trước kính quan sát của chúng tôi: dường như không có một bóng người ở đó, những cái lô- cốt cũng im phăng phắc. Đoán là địch đã bỏ chạy chúng tôi ào lên chiếm La sơn. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác khó tả của mình khi nhìn thấy con đường nhựa láng bóng, thẳng tắp hiện ra trước mắt mình. Cứ như là một giấc mơ!

Nghỉ một lát ăn vội miếng lương khô xong chúng tôi thẳng tiến theo quốc lộ 1 về phía Huế. Huế đã gần lắm rồi! Nhưng những con chiến mã đang say máu của chúng tôi bỗng bị khựng lại- cầu An Nông (cấu Nong) đã bị địch phá khi rút chạy trước đó chưa lâu- một vài thanh gỗ mặt cầu còn đang nghi ngút khói. Con sông này không lớn nhưng rất sâu buộc chúng tôi phải tìm đường vòng tránh mãi đến trưa mới quay trở lại được đường 1.


Tăng tốc độ chúng tôi bù lại thời gian đã mất. Dọc đường đã thấy ngổn ngang súng ống, quần áo rằn ri, có cả một cái xe tăng M48 đang nổ máy ình ình ngay cổng sân bay Phú bài. Thêm ít phút những căn nhà lúp xúp ngoại ô phía Nam thành Huế đã hiện ra trong kính ngắm; vẫn một không khí vắng lặng, bí ẩn bao trùm. Chúng tôi tiếp tục vượt cầu Phú Xuân vào chiếm thành Mang Cá. Đến đây chúng tôi mới biết cờ Giải phóng đã được treo trên Cột cờ bên Thành Nội từ trưa. Thật tiếc, nếu cầu An Nông không bị địch phá chúng tôi đã giải phóng Huế sớm được mấy tiếng đồng hồ. Ôi Cố đô! Thành phố mà chúng tôi đã nghe tên từ thời còn cắp sách tới trường; thành phố mà suốt gần 3 năm qua chúng tôi từng ngày, từng giờ mong ngày hội ngộ! Giờ đây tôi và đồng đội tôi đã thoả niềm mong; một cảm giác lâng lâng vui sướng, tự hào lan toả trong tôi.


Nằm ở thành Mang Cá chừng non một tiếng chúng tôi được lệnh đi diễu quanh một số đường phố. Tôi đoán chắc cấp trên muốn biểu dương sức mạnh của Quân giải phóng nhằm làm yên lòng đồng bào và trấn áp những tên địch còn sót lại. Lần đầu tiên được thấy xe tăng Quân giải phóng đồng bào phấn khởi lắm- nhất là giới thanh niên, học sinh- xe đang chạy mà họ cứ sán vào vẫy cờ, vẫy tay; lúc xe dừng trước cửa Chợ Đông ba có một thanh niên dúi vào tay tôi một tập sách, liếc nhìn qua thấy toàn là chuyện "chưởng" tôi lắc đầu không nhận. Đến 3 giờ chiều chúng tôi nhận lệnh truy kích địch ra cửa Thuận an.


Lực lượng tham gia truy kích địch ra cửa Thuận an gồm "xê 4" xe tăng của chúng tôi và một "xê" bộ binh. Nói là vậy nhưng thực ra chỉ có khoảng 20 tay súng lên ngồi sau xe tăng của chúng tôi. Qua cầu Tràng tiền chúng tôi hướng về phía Thuận an tăng tốc độ. Những làng quê ven đô đã lác đác có cờ giải phóng nên chúng tôi khá yên tâm. Nhưng càng đi thì đường càng vắng vẻ; chỉ thấy ven đường rải rác quần áo, súng ống của quân VNCH trút lại. Gần đến Thuận an- một quang cảnh hỗn độn hiện ra trước mắt chúng tôi- cả một bãi đất rộng như một cái sân bóng đá chất đầy các loại phương tiện chiến tranh: từ xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, cho đến xe tải, xe JEP, xe du lịch, xe Hon- đa..., có cái vẫn còn đang nổ máy ình ình nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người.


Do không có phương tiện vượt sông chúng tôi dừng lại ngay đầu bến phà Thuận an và triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu. Thực ra, với 4 chiếc xe tăng và 20 tay súng bộ binh- lực lượng chúng tôi quá là mỏng yếu nếu so với lực lượng địch đang tập trung cao độ ở quanh đó nên chúng tôi hết sức cảnh giác. Sau khi ổn định đội hình xe 386 hướng pháo ra phía biển bắn 1 phát pháo và 1 tràng đại liên 12 ly 7. Trong chạng vạng hoàng hôn đang tĩnh lặng đến nghẹt thở, tiếng nổ của pháo 100 như trầm vang hơn; còn tràng đạn 12 ly 7 nghe cũng chát chúa hơn. Nhưng tất cả vẫn yên lặng như tờ!.


Biết rằng lính địch vẫn đang ẩn nấp đâu đây, đại đội trưởng Thận cuộn một miếng bìa làm loa gọi họ ra hàng. Sau ba bốn lần gọi lác đác những bóng người từ phía bờ sông đi lên, hai tay giơ cao lên đầu. Một người, hai người... rồi hàng đoàn lũ lượt từ nơi trú ẩn kéo ra, hầu hết đều cởi trần, chân đất; có người còn kéo theo cả bầu doàn thê tử, nhếch nhác và rệu rã đến tột cùng. Lúc đầu chúng tôi còn đếm, còn bắt tập trung thành từng nhóm rồi cho xe chở về Huế; sau đông quá nên chỉ biết phát cho mỗi người một dải băng trắng, bảo họ buộc lên cánh tay trái rồi cứ về quê đợi hôm sau ra trình diện với cách mạng. Chúng tôi không nhớ được hôm ấy đã tiếp nhận bao nhiêu người lính VNCH ra hàng mà chỉ biết là nhiều, nhiều lắm. Đến khoảng 9 giờ đêm lính chỉ còn lác đác, còn đại bộ phận là dân Huế bắt đầu cuộc "di tản ngược" về thành phố.


Từ đó trở đi, tôi luôn đinh ninh là tỉnh Thừa Thiên Huế được giải phóng vào ngày 25.3. Không chỉ tôi mà nhiều CCB các đơn vị khác như 324, 325... cũng nghĩ vậy. Đến năm 2000 đi công tác qua đó dịp tháng 3 tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy họ trương biển kỷ niệm ngày GP vào 26.3. Về nhà viết thư gửi báo QĐND, Viện LSQS..., một bác ở Viện LSQS còn gọi điện xuống: "không chỉ một mình đc có ý kiến vậy, có rất nhiều người đã có ý kiến như thế. Sắp tới đây chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo. Rất mong đc đến dự". Thế rồi mọi chuyện vẫn y nguyên từ đó đến giờ. Nhưng nói gì thì nói, với tôi ngày 25.3 đã trở thành một ngày vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét