Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC

Ngày 31.3.1975- sau hơn một ngày trấn giữ ở Thương cảng Bạch Đằng, đại đội tôi lui về chốt giữ khu vực Bảo tàng cổ vật Chàm và Trường trung học Sao Mai. Xe tôi nằm trong một ngõ nhỏ phía bên phải Bảo tàng Cổ vật Chàm, trước một dãy nhà vách gỗ, mái tôn khá lụp xụp. Vừa đặt chân đến một thành phố mới được giải phóng sau hàng trăm năm sống dưới ách thống trị hết của Pháp rồi đến Mỹ như Đà nẵng, chúng tôi phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo. Lúc nào trên xe cũng phải có người trực cảnh giới, toàn xe không được đi đâu xa, luôn sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, vào ban ngày chúng tôi thỉnh thoảng cũng vào ngồi nghỉ và đồng thời làm công tác dân vận ở một số nhà dân quanh chỗ xe đỗ.
Trong ngôi nhà đối diện với nơi xe tôi đỗ có hai ông bà già, một cô con gái và hai thanh niên khoảng gần ba mươi tuổi. Cô gái là học sinh trung học, còn hai thanh niên tự giới thiệu là thợ điện, mặc dù chúng tôi đều ít tuổi hơn song họ cứ gọi chúng tôi là các anh Giải phóng và xưng em ngọt xớt. Trong những câu chuyện còn khá dè dặt, họ hỏi rất nhiều về miền Bắc, về Mặt trận giải phóng, về cách đối xử của chế độ mới với những người sống dưới chế độ cũ và chúng tôi đã giải thích cho họ những vấn đề cần thiết nhất.
Khi đã tự nhiên hơn, các câu chuyện của chúng tôi đã mở rộng ra nhiều đề tài khác nhau. Hai thanh niên hỏi chúng tôi đánh vào Đà nẵng bằng đường nào, và khi biết chúng tôi đưa xe tăng vượt đèo Hải Vân để giải phóng Đà nẵng họ phục lắm. Bởi vì hồi đó đường qua đèo Hải Vân chưa mở rộng như bây giờ và nó vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai có việc phải đi qua nó bằng đường bộ, trong khi những chiếc xe tăng lại nặng nề và to lớn thế kia.
Thực ra, đối với chúng tôi- những lái xe đã đưa được xe tăng vượt Trường sơn vào chiến trường miền Nam thì việc lái xe tăng qua đèo Hải Vân chỉ là chuyện vặt. Mặc dù đèo có cao, vực có sâu, nhiều cua gấp song đường lại rộng, mặt đường láng nhựa tốt bằng vạn đường Trường sơn, nếu nói về độ hiểm trở còn thua cả Đèo Ngang. Nhắc đến đèo Ngang tôi bỗng cao hứng đọc luôn bài thơ Qua Đèo Ngang của bà huyện Thanh quan, lại còn “tiện mồm” bình luận vài câu nữa. Hai thanh niên chăm chú ngồi nghe, họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên, sau đó một người dè dặt hỏi ”Chắc trước khi vào lính anh đã học qua văn khoa?”. Tôi giật mình vì sự quá đà của mình bởi trước khi đi bộ đội tôi mới chỉ học hết lớp 10/10, hồi học phổ thông môn Văn cũng chỉ tàm tạm nhưng được cái thuộc nhiều thơ. Trả lời như vậy rồi song họ vẫn không tin, họ nói ở trong này chỉ có học qua Văn khoa mới có thể bình thơ hay như thế! Thôi thì kệ họ muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Sau bữa cơm trưa , hai thanh niên ra xe mời bọn tôi vào nhà uống nước, họ có một vẻ gì đó rất trịnh trọng làm chúng tôi cảnh giác, nghe ngóng. Sau khi mời chúng tôi ngồi uống nước, một trong hai người đứng dậy, hai tay chắp trước bụng nói khẽ khàng “Thưa các anh Giải phóng, từ hôm qua đến nay chúng em đã nói dối các anh, chúng em không phải là thợ điện mà là thợ máy không quân Sài gòn, cả hai đều đã đi tu nghiệp ở Mỹ về và làm việc ở sân bay Đà nẵng. Từ hôm giải phóng về lánh tạm nhà bà con ở đây, mong các anh đừng bắt tội”. Chúng tôi hơi ngỡ ngàng vì từ hôm qua tới nay ra vào uống nước, nói chuyện mà có ai nghi ngờ điều gì đâu. Một lần nữa chúng tôi nhắc lại Lời kêu gọi của Mặt trận Giải phóng và khuyên họ đến Uỷ ban quân quản trình diện, họ hứa sẽ nghe theo và thu xếp đi ngay.
Sự việc diễn ra quá nhanh làm mấy anh em xe tôi cứ bàn tán và đặt câu hỏi “Tại sao đến hôm nay họ mới ra trình diện”. Mỗi ng
ười một ý, còn riêng tôi, tôi biết: hai người lính ấy đã tin rằng chúng tôi- những người lính cách mạng- mà trong hành trang khi ra trận lại có cả thơ của Bà huyện Thanh quan chắc chắn sẽ không bao giờ làm hại họ.

Bảo tàng Chàm mấy hôm ấy các nhân viên chạy đâu hết cả, cửa giả mở toang. Bọn tôi cũng vào xem nhưng chỉ hiểu lơ mơ và thấy rất nhiều thứ lạ lẫm với mình.


1 nhận xét: