Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC

Ngày 29.3.1975

Một giờ sáng chúng tôi được lệnh đi đánh Đà nẵng. Đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu nên chỉ ít phút sau chúng tôi đã lên đường. Thừa Thiên Huế đã giải phóng hoàn toàn nên chúng tôi rất yên tâm không phải vừa đi vừa nghe ngóng; đường sá lại tốt nên chúng tôi cơ động với tốc độ rất cao. Phải công nhận đường nhựa do Mỹ làm cực tốt, xe chạy hết tốc độ mà không hề hấn gì, chỉ để lại trên mặt đường hai vệt trắng do một tý bột đá bị xích xe cào lên. Con Gấu- chúng tôi đặt tên cho con chó là Gấu để nhớ về con chó bị bỏ lại ở hậu cứ A Lưới- vẫn nằm chồm hỗm trên tháp pháo. Chính xác nó là con chó của lính tăng rồi.
Tuy nhiên không phải cứ đường tốt là không có vấn đề gì! Ngay sau khi đổ hết đèo Phước Tường tôi không nhìn thấy xe 386 đi đầu đâu nữa. Nghĩ thầm trong bụng "Sao hôm nay tay Hoả (Lữ VănHoả- lái xe 386) chạy ghê thế; mới thoáng cái đã mất hút!" và tăng tốc độ đuổi theo. Nhưng vừa hết đèo hơn trăm mét đã thấy đại đội trưởng Thận đứng bên đường, quần áo ướt lướt thướt vẫy tay ra hiệu cho bọn tôi dừng lại. Lúc đó bọn tôi mới nhìn thấy cái xe 386 đang chúc đầu xuống cống chỉ còn hở tý đuôi xe. Ngay lập tức công tác cứu kéo được triển khai và chỉ mười lăm phút sau xe 386 đã được kéo lên. Té ra do chạy tốc độ cao, không làm chủ được tay lái xe bị "phản chuyển hướng" và lao xuống cống. Thật hú vía- nếu dưới cống không có nước thì không biết kết cục thế nào. Thế là cánh lái xe chúng tôi lại có thêm một bài học.
Tiếp tục lên đường- khoảng 9 giờ sáng chúng tôi đã đến Lăng Cô. Mặc dù phải tập trung sức lực và trí tuệ vào điều khiển xe tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp đến nao lòng của một vùng quê mới lạ. Bên là núi biếc, bên là biển xanh, phía trước là Hải Vân cao vời vợi. Tôi tự nhủ: "Hoà bình rồi nhất định mình sẽ phải quay lại nơi đây ".
Nhưng niềm phấn khích của chúng tôi bỗng bị "dội một gáo nước lạnh": cầu Thừa Lưu đã bị phá (sau này mới biết là do quân ta phá để cắt QL1). Tôi nhớ lại hôm đánh Huế mà lòng ngao ngán- cũng chỉ vì cây cầu An Nông bị phá mà chúng tôi đã mất 3-4 tiếng đồng hồ vòng tránh. Đại trưởng Thận ra lệnh :"Trong lúc chờ công binh khắc phục, toàn đại đội tranh thủ nấu ăn trưa và kiểm tra kỹ thuật!". Đúng lúc đó- đại đội 3- người anh em cùng tiểu đoàn 4 từ phía sau vượt lên. Vì đó là đại đội xe tăng bơi nên họ nhanh chóng vượt sông làm chúng tôi càng sốt ruột.
Ăn trưa xong, xe pháo cũng đã kiểm tra ngon lành nhưng công binh vẫn chưa làm xong ngầm, những sọt đất đá đổ xuống sông cứ chìm nghỉm đi chẳng để lại đấu tích gì. Bỗng ai đó kêu lên: "Hay là cho xe đi qua cầu đường sắt". Nhìn về phía thượng nguồn quả nhiên có một cây cầu đường sắt nằm cách đó vài chục mét còn nguyên vẹn. Đại đội trưởng Thận dẫn chúng tôi lên xem; sau khi nghiền ngẫm một lúc anh quả quyết: "Cứ liều một cái xem sao chứ chờ công binh làm ngầm thì không biết đến bao giờ!".
Quả thật đây là một quyết định khá liều lĩnh và có lẽ trong lịch sử sử dụng xe tăng chưa hề có tiền lệ. Nhưng cũng chính quyết định này đã cho phép chúng tôi vượt được sang bờ Nam để tiếp tục hành trình.



Quá trưa chúng tôi đến chân đèo Hải Vân. Đã nghe nói khá nhiều về con đèo này nhưng cánh lái xe "xê 4" chúng tôi không hề "ngán" bởi những tay lái đã vượt Trường sơn thì sự hiểm trở của Hải Vân không nghĩa lý gì. Chỉ mỗi tội đèo dài quá nên những chiếc xe tăng hạng nặng của bọn tôi vượt qua khá vất vả. Do động cơ luôn làm việc quá tải nên hầu như lúc nào nhiệt độ dầu nhờn, nhiệt độ nước làm mát cũng trên 100 độ C; thỉnh thoảng lại phải dừng lại để xử lý. Lên gần đến đỉnh đèo thỉnh thoảng lại thấy một đám mây tràn xuống mặt đường làm tầm nhìn chỉ còn vài mét; ở những khúc cua biển hiện ra dưới sâu hun hút xanh ngắt một màu- thật không hổ danh "Đệ nhất hùng quan". Cho đến khoảng nửa chiều chúng tôi lên tới đỉnh đèo.





Trên đỉnh đèo mấy cái lô cốt còn đang nghi ngút cháy, chúng tôi biết đó chính là chiến tích của đại đội 3 nên lập tức đổ đèo. Biết rằng đã có lực lượng ta ở phía trước nên chúng tôi hành quân với tốc độ cao nhất. Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi đã có mặt ở ngoại ô Đà nẵng; lúc này chúng tôi được tin quân ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu ở Đà nẵng, song đây là một thành phố rất lớn lại tập trung một lực lượng quân sự đông đảo của quân lực Sài gòn nên tình hình còn rất lộn xộn và chưa ổn định; cấp trên giao cho đại đội tôi chiếm Thương cảng Bạch đằng và bảo vệ khu trung tâm thành phố.



Được bộ đội địa phương dẫn đường chúng tôi nhanh chóng đi sâu vào thành phố và sau gần một giờ đã đến đúng vị trí quy định. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là so với Huế- Đà nẵng lớn hơn rất nhiều và cũng lạ lẫm hơn nhiều; những ánh mắt nhìn chúng tôi có cái gì đó như dò hỏi, như nửa tin nửa ngờ. Nhưng bao trùm lên tất cả là niềm vui, niềm tự hào khi được đặt chân lên một địa danh lịch sử, một căn cứ quân sự khổng lồ mà Mỹ- nguỵ đã đổ bao tiền của để dựng lên. Cơm nước xong, được ưu tiên không phải gác- tôi hạ ghế, quay cánh cửa lái xe vào che sương rồi thiếp đi trong làn gió Sông Hàn mát rượi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét