Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

LỜI XIN LỖI KHÔNG BAO GIỜ KỊP NÓI

(Giải B- Ký ức Mùa Xuân đại thắng 2005- Báo QĐND)

Ngày 29 tháng 3 năm 1975- Sau khi tiến công giải phóng Đà nẵng, đại đội 4 xe tăng chúng tôi được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh khu vực Thương cảng Bạch đằng và Bảo tàng cổ vật Chăm để bảo vệ trung tâm thành phố. Ba ngày sau, tình hình đã ổn định chúng tôi bàn giao lại nhiệm vụ cho Ban quân quản và tập trung về căn cứ sư đoàn 3 QLVNCH tại Khánh sơn để làm công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc vào phía Nam tham gia chiến đấu giải phóng các tỉnh còn lại. Vừa về đến Khánh sơn pháo hai Vũ Xuân Trực của xe tôi được điều đi làm pháo thủ xe khác, chúng tôi được thông báo là sẽ được bổ sung một pháo hai mới trong một vài ngày tới.
Sáng hôm sau, khi tôi đang chúi đầu vào buồng truyền động kiểm tra các thông số kỹ thuật của động cơ và các cụm máy thì trung đội trưởng Mai Hồng Trị gọi trưởng xe tôi ra nhận pháo hai mới. Tôi thò đầu ra tò mò tự đánh giá về thành viên mới của xe mình và thầm đoán xem liệu hắn ta có thể hoà nhập vào cái tập thể nhỏ bé 380* đã từng gắn bó mấy năm nay của chúng tôi không?. Đối với lính xe tăng bọn tôi điều đó là cực kỳ quan trọng bởi mỗi thành viên tuy có chức trách nhiệm vụ khác nhau nhưng đều là một bộ phận không thể tách rời của kíp xe, chả thế có một nhà thơ đã từng viết “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay”. Thực tình lúc đó tôi hơi thất vọng vì trước mắt tôi là một thân hình khá lẻo khoẻo, một khuôn mặt trắng trẻo hiền lành và đôi bàn tay mỏng mảnh rất thư sinh, sau lưng là một chiếc ba-lô lép kẹp và trên vai lại vác theo một cây đàn ghi ta đã cũ; nếu so với những tiêu chuẩn thông thường thì Nguyễn Kim Duyệt- pháo hai mới của xe tôi không đạt cho lắm. Nhìn chung, đã là lính xe tăng đều phải khoẻ vì thao tác cũng như điều kiện làm việc của ai cũng hết sức nặng nhọc, song riêng với pháo hai tiêu chuẩn sức khoẻ là cần thiết nhất. Các bạn hãy hình dung- trong một không gian chật hẹp đụng đâu cũng là thép của buồng chiến đấu xe tăng- anh bạn pháo hai của chúng ta cần phải có sức khoẻ như thế nào mới xoay trở được để tống những viên đạn nặng trên ba chục cân vào buồng đạn với tốc độ bắn trung bình 3 đến 4 phát mỗi phút, lại còn phải nạp đạn đại liên, phải đội cửa lên bắn 12ly7, bắn AK, ném lựu đạn ... mỗi khi cần thiết. Thực tế ở đại đội tôi hồi đánh cứ điểm Tà Lương pháo hai Bùi Văn Đạt nạp đến quả đạn thứ 16 thì ngất xỉu. Thế mà Duyệt lại thư sinh quá, trắng trẻo quá và có vẻ gì đó hơi nữ tính trên khuôn mặt cũng như trong giọng nói nhỏ nhẹ của mình.
Nhưng ngay sau đó Duyệt đã làm cho chúng tôi tạm yên lòng bằng những thao tác gọn gàng chính xác khi lau chùi, bảo dưỡng khẩu đại liên và sắp xếp lại các trang bị trong buồng chiến đấu. Trước những con mắt còn đầy vẻ dò xét của chúng tôi Duyệt lẳng lặng làm những công việc thuộc phạm vi chức trách của mình với một sự thành thạo và cẩn trọng rất tự tin. Và một điều bất ngờ nữa đến- chiều hôm đó - vẫn với những thứ thực phẩm mà chúng tôi đã ngán đến tận cổ, chỉ thêm một nắm rau tập tàng Duyệt đã cho chúng tôi được ăn một bữa cơm ngon lành như khi còn ở nhà vậy.
Buổi tối hôm đó, trên tháp pháo chúng tôi ngồi tâm sự và nghe Duyệt đàn . Đến lúc ấy chúng tôi mới được biết thêm: Duyệt vốn là dân Hà nội, đang học Đại học năm thứ hai thì nhập ngũ và cũng đã tham gia chiến đấu trên cương vị pháo hai ở Quảng Trị hơn một năm rồi, vì vậy tôi tự nhủ “Tay này cũng được đây.”
Ngày 14 tháng 4 năm 1975 đại đội tôi bắt đầu cuộc hành quân “Thần tốc” về phương nam. Trong hành quân chiến đấu của xe tăng thì vất vả nhất là lái xe, còn các thành viên khác thì cũng đỡ căng thẳng hơn. Đối với pháo hai công việc chủ yếu là chăm lo việc hậu cần, cơm nước cho cả xe Duyệt đã hoàn thành một cách xuất sắc. Với đôi tay khéo léo và năng khiếu về nội trợ cộng thêm bản tính cần cù, chăm chỉ chúng tôi thường xuyên được ăn ngon, ăn nóng. Bản thân tôi là lái xe vất vả nhất nên cũng được Duyệt chăm sóc một cách đặc biệt hơn. Các chặng nghỉ dài khi nấu cơm Duyệt đun thêm một bi-đông nước sôi và treo vào buồng động lực, vì vậy mỗi khi nghỉ ngắn, xe mới chỉ dừng vài phút sau là tôi đã có một ca sữa nóng ngon lành để lại sức. Và dù chỉ mới ít ngày cùng sống với nhau Duyệt đã chiếm được cảm tình rất sâu sắc của Luông, Thọ và tôi.
Vì đã là sinh viên “hụt” nên tôi và Duyệt dễ gần gũi với nhau hơn, ở những chỗ nghỉ dài hay chờ khắc phục cầu, đường chúng tôi hay mắc võng cạnh nhau nằm tâm sự. Tính Duyệt hiền lành, ít nói, cứ thủ thỉ như con gái nhưng nhiều khi cũng dí dỏm ra phết. Là con thứ tư trong một gia đình khá giả, Duyệt được tiếp thu một nền giáo dục khá toàn diện theo nề nếp một gia đình Hà Nội gốc. Nhà có bốn anh em thì Duyệt và người anh thứ hai đã tham gia quân ngũ. Những ngày chiến đấu trên chiến trường miền Nam, Duyệt không có một ước mơ nào hơn là sau chiến tranh được quay về trường tiếp tục học tập để thực hiện những hoài bão của mình.
Sau hơn chục ngày hành quân chúng tôi đã đến vị trí tập kết ở Long khánh, từ đây vào Sài gòn chỉ còn khoảng gần 100 km và chúng tôi biết rằng mình sắp được tham gia trận đánh cuối cùng. Tối 26.4.1975- sau khi đi nhận nhiệm vụ về, Trưởng xe Nguyễn Đình Luông gọi cả 4 chúng tôi lại và với một vẻ mặt quan trọng anh thì thầm: “Chiến dịch giải phóng Sài gòn đã chính thức được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh và sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới, cả đại đội mình sẽ nằm trong đội hình thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập”. Giở cái bản đồ du lịch to bằng tờ giấy học sinh anh chỉ: “Cứ đi qua cầu Sài gòn, đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái là đến Dinh. Nhiệm vụ của từng người thế nào thì đã rõ cả rồi, bây giờ phải chuẩn bị cho thật tốt để không xảy ra bất cứ điều gì đáng tiếc trong chiến đấu.”. Anh còn bảo chúng tôi chỉ cắm lá cờ cũ, còn lá cờ mới cất trong tháp pháo để dành cắm trên nóc Dinh Độc lập.
Ngay sau đó chúng tôi bắt tay vào công tác chuẩn bị. Biết rằng trận chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng ác liệt, kẻ thù sẽ chống trả điên cuồng bằng tất cả sức mạnh còn lại nên ngoài cơ số đạn theo xe chúng tôi còn nhận thêm mười viên đạn xuyên nưã. Buồng chiến đấu vốn đã chật hẹp nên để xếp thêm số đạn đó chúng tôi phải bỏ hết tư trang và tất cả những gì không cần thiết ra ngoài. Ba cái ba-lô của Luông, Thọ và tôi đã được buộc gọn gàng sau tháp pháo, còn Duyệt vẫn lúi húi tìm cách nhét cái ba-lô của mình vào một góc buồng chiến đấu. Trưởng xe Luông lẩm bẩm: “Mày làm cái gì mà cứ loay hoay mãi thế, nhanh lên còn làm việc khác”. Vốn thẳng ruột ngựa pháo thủ Trương Đức Thọ quát tướng lên: “Đời lính có cái quái gì mà cứ giấu giấu giếm giếm như giấu vàng ấy. Đem buộc ra ngoài tháp pháo như bọn tao ấy”. Nó còn lẩm bẩm nói với tôi: “Chẳng biết nó nhặt nhạnh được nhữg gì mà cất kỹ thế?”. Quả thật, nếu có máu tham hoặc không sợ kỷ luật chiến trường thì trong các chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng chúng tôi cũng "nhặt" được khối thứ có giá trị. Những vì đã hiểu hơn về Duyệt tôi gàn: “Thôi! Mặc kệ nó. Miễn là không ảnh hưởng đến thao tác là được”. Còn Duyệt vẫn như mọi ngày, nó lẳng lặng tháo hẳn mấy viên đạn ra, nhét cái ba-lô của mình sâu vào sát vành tháp pháo rồi cố định đạn lại như cũ. Bọn Thọ, Luông có vẻ vẫn không thoải mái cho lắm nhưng thấy không ảnh hưởng gì nên cũng thôi.
Chiều 27.4 xe tôi được lệnh lên đường làm nhiệm vụ tăng cường cho đại đội 5 và sáng 28.4 bắt đầu tham chiến ở căn cứ Nước Trong. Có thể nói đây là chốt chặn cuối cùng trên cánh cửa phía Đông tiến vào Sài gòn nên địch chống trả rất quyết liệt. Xe tăng chúng tôi cùng bộ binh phải giành giật với chúng từng khoảnh rừng cao su một và thương vong của ta ở đây cũng khá nhiều. Đúng như tôi linh cảm từ ngày đầu Duyệt về xe, Duyệt đã chứng tỏ mình là một pháo hai có hạng và đầy bản lĩnh. Với những thao tác chính xác, nhanh gọn chỉ vài giây sau khẩu lệnh của Trưởng xe Luông một viên đạn pháo đã được nạp vào buồng đạn để pháo thủ Thọ sẵn sàng nhả đạn. Được các đồng chí bộ binh chỉ mục tiêu, chúng tôi đã diệt được khá nhiều mục tiêu ở tiền duyên phòng ngự cuả địch.
Tuy nhiên, do địch còn quá mạnh, các xe của đại đội 5- đơn vị mà xe tôi đến tăng viện hoặc bị thương vong, hoặc hết đạn đã quay về phía sau để bổ sung- nên đến gần trưa chúng tôi được lệnh ở lại cùng bộ binh giữ vững trận địa, chờ lực lượng phía sau lên tiếp tục tiến công.
Thấy gần đó có một hõm đất trũng, trưởng xe Luông lệnh cho tôi đưa xe xuống để lợi dụng địa hình địa vật bảo toàn lực lượng. Tôi vừa tăng ga cho xe chạy được vài mét thì bỗng dưng thấy tất cả tối sầm lại, tôi ngất đi không biết bao lâu. Khi tỉnh lại thì thấy pháo thủ Thọ ngồi ngay phía sau lưng đang vỗ vào vai tôi hổn hển: “Xe trúng đạn rồi, Luông và Duyệt bị thương nặng lắm”.
Tôi nhoài người ra phía sau ngửa cổ nhìn lên; trên ghế trưởng xe trưởng xe Luông nằm bất động ôm lấy cái đài vô tuyến điện. Bên buồng pháo hai Duyệt ngồi tựa lưng vào vách ngăn buồng động lực, nửa người bên trái từ thái dương xuống đến đùi tơi tả, đầm đìa máu. Thọ quay thử pháo thấy bị kẹt cứng, khẩu đại liên bên pháo thì bẹp rúm ró, khẩu cao xạ 12ly7 trên cửa pháo hai bay đi đâu mất. Biết rằng không còn khả năng chiến đấu, tôi và Thọ bàn nhau quay về phía sau để cấp cứu thương binh.
Về đến bệnh xá tiền phương sư đoàn 304 chúng tôi đưa Luông và Duyệt xuống cấp cứu. Đến lúc này tôi mới biết: một quả đạn pháo cỡ lớn đã bắn trúng tháp pháo xe tôi ngay trên buồng pháo hai. Viên đạn nổ ngay trên nóc quạt thông gió làm thủng một lỗ đút lọt nắm tay, toàn bộ mảnh đạn và mảnh quạt gió chụp xuống buồng chiến đấu xe tôi và pháo hai Duyệt là người hứng chịu nhiều nhất. Sức nổ mạnh của quả đạn cũng hất tung khẩu cao xạ 12ly7 nặng gần 1tạ cố định trên cửa pháo hai và toàn bộ những gì chúng tôi cố định ở ngoài tháp pháo.
Tại nơi cấp cứu, trưởng xe Luông nằm thiêm thiếp mê man, có điều lạ quả đạn nổ chỉ cách anh chưa đầy một mét, cái đài vô tuyến điện phía trong anh thủng lỗ chỗ mà gần như không có mảnh đạn nào trúng người anh, chắc là anh chỉ bị sức ép và chấn thương do va đập vào vành tháp pháo. Còn Duyệt máu me đã được lau đi, cả một nửa người tơi tả vì mảnh đạn nhưng lại rất tỉnh, Duyệt nắm tay tôi thều thào: “ Quê** ơi, tao đau lắm. Chắc tao không sống được” . Kinh nghiệm chiến trường làm tôi thấy lo vì những ai bị thương nặng mà tỉnh táo thường khó qua khỏi, song lúc này tôi không dám nghĩ đến điều đó mà chỉ biết động viên Duyệt yên tâm điều trị để chóng về với xe. Nhớ lại cả xe từ hôm qua đến giờ chưa ăn cái gì, tôi bảo Thọ đi xin cho Duyệt cốc sữa. Vừa bón cho Duyệt từng thìa sữa nhỏ tôi vừa thủ thỉ chuyện trò, nhắc lại những câu chuyện mà hai chúng tôi đã từng nói với nhau những lúc dừng chân trên đường hành quân. Ăn gần hết cốc sữa thì Duyệt thiu thiu như ngủ. Lúc này đồng chí trợ lý chính sách của lữ đoàn cũng đã có mặt, anh truyền đạt lệnh của trên là bàn giao thương binh ở lại đây, còn chúng tôi phải trở về vị trí tập kết ngay để khôi phục xe chuẩn bị chiến đấu tiếp.
Tôi và Thọ lên xe lấy tư trang để lại cho Duyệt. Moi cái ba- lô nặng trịch từ vành tháp pháo ra Thọ lẩm bẩm: “Chẳng hiểu nó có cái gì mà nặng thế. Mà lại còn ấn vào tận vành tháp pháo nữa chứ”. Vừa nói nó vừa lật cái nắp ba-lô lên. Cả hai chúng tôi cùng lặng người đi: trong cái ba-lô cũ kỹ, mà có lúc chúng tôi đã từng nghĩ là những của quý Duyệt nhặt nhạnh từ Huế và Đà nẵng chỉ có bộ quần áo cũ, cái võng và một bó sách!
Lật qua vài quyển sách tôi thấy toàn sách học tiếng Anh, tiếng Pháp và từ điển Anh- Việt, Việt- Anh, Pháp- Việt.... Nhớ lại những lời tâm sự của Duyệt mắt tôi rơm rớm nước, còn Thọ trầm ngâm: “Thế mà có lúc mình đã nghĩ oan cho nó. Bây giờ phải xin lỗi nó mới được”.
Mang cái ba- lô vào chỗ Duyệt chúng tôi thấy Duyệt vẫn nằm thiêm thiếp như đang ngủ. Đồng chí quân y sĩ ngồi bên ra hiệu cho chúng tôi im lặng. Tôi hỏi nhỏ: “Liệu bạn tôi có qua khỏi không?”. Anh chỉ trả lời chung chung: “Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, các đồng chí cứ yên tâm”.
Thời gian không cho phép chúng tôi ở lại lâu hơn, chúng tôi bàn giao cái ba- lô của Duyệt cho đồng chí trợ lý chính sách rồi quay ra xe. Pháo thủ Thọ cứ bần thần không yên, tôi biết nó đang áy náy vì chưa kịp nói lời xin lỗi với Duyệt. Không biết làm cách nào hơn tôi động viên Thọ: “Thôi! Ta cứ về đơn vị cái đã, chắc rằng ít hôm nữa anh Luông với Duyệt sẽ khỏi và về với xe mình, lúc đó nói chuyện với nó cũng được”.
Nhưng không còn kịp nữa rồi, ngay tối hôm đó chúng tôi được tin Duyệt đã hy sinh sau khi chúng tôi đi khỏi chừng hai tiếng. Cả hai chúng tôi lặng người đi và lao vào sửa chữa xe pháo để ngày mai tiếp tục đi chiến đấu . Không nói với nhau lời nào nhưng tôi biết cả Thọ và tôi mãi mãi sẽ trĩu nặng trong lòng nỗi day dứt vì một lời xin lỗi không bao giờ kịp nói.
 LS Nguyễn Kim Duyệt

NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
(Nguyên chiến sĩ lái xe tăng 380)

Ghi chú:
* Xe 380 thuộc biên chế đại đội 4, lữ đoàn xe tăng 203. Trong trận đánh Nước Trong ngày 28.4.1975, xe 380 được bổ sung cho đại đội 5 của tiểu đoàn 2 cùng lữ đoàn. Các thành viên của xe gồm:
- Trưởng xe Nguyễn Đình Luông, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nguyên sinh viên Trường trung cấp TDTT Thanh Hóa.
- Pháo thủ Trương Đức Thọ, quê Vũ Thư, Thái Bình.
- Lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt, quê Chí Linh, Hải Dương.
- Pháo hai Nguyễn Kim Duyệt, nhà ở số 39- Đại La, Hà Nội. Nguyên là sinh viên khoá 15 Đại học nông nghiệp 1 Hà nội; đang học năm thứ hai thì nhập ngũ. Hiện mộ phần đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, Đồng Nai.
** Quê: Từ mà bộ đội xe tăng thường dùng để gọi đồng đội một cách thân mật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét