Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

BAO GIỜ

Bao giờ trở lại ngày  xưa,
Cho ta về với nắng mưa dãi dầu.
Về bên gốc bí gốc bầu,
Bên cầu ao nhỏ ngồi câu cá cờ.
Với bao mơ ước tuổi thơ,
Đàn chim vỗ cánh trên bờ tre xanh.
Bước đi giữa chốn thị thành,
Muôn hồng, ngàn tía mơ cành khế tươi.
Nước quê nhuộm thắm nụ cười,
Ngấm vào máu thịt từ thời ấu thơ
Lặng nhìn về bến sông mờ,
Nghe văng vẳng tiếng : Bao giờ…ngày xưa .
             
                         Hà Nội : 7/ 2013
                               Cẩm Tú

5 nhận xét:

  1. Ngày xưa khuất dạng nắng mưa
    Tóc mây bạc trắng theo mùa nhớ nhung !
    Đâu mùa xuân sắc,trẻ trung
    Đâu mùa bươn trải,vẫy vùng nơi nơi
    NGÀY XƯA ƠI,NGÀY XƯA ƠI
    CHO TA VỀ LẠI MỘT THỜI THƠ NGÂY !

    Trả lờiXóa
  2. Thơ người mang dấu yêu xưa
    Giữ nguyên kỉ niệm tuổi thơ không mờ
    Chân tình lắng đọng vào thơ
    Nhớ, cay con mắt, lại mơ mộng cười
    Quê hương chùm khế ngọt tươi
    Bâng khuâng gọi nhớ giữa nơi đô thành
    Cánh diều thả ước mơ xanh
    Bay lên cao mãi gió ngàn vi vu
    Bàng hoàng tiết đã vào thu
    Ngẩn ngơ trao gửi lời ru ấm tình
    Cây đa giếng nước sân đình
    Bao giờ trở lại với mình tuổi thơ?

    Trả lờiXóa
  3. "NƯỚC QUÊ" không biết có phải là NƯỚC MẮM CÁY đặc sản của Thanh Hà không?Tôi tuy không được"ngấm"thứ nước quê ấy từ nhỏ, nhưng tôi cũng rất nghiện,nhất là MẮM CÁY XAY.
    Tôi thích bài thơ vì bài thơ NẶNG TÌNH,GIÀU Ý.

    Trả lờiXóa
  4. Nhìn chung bài thơ có tình. Đó vẫn là thế mạnh của thơ Cẩm Tú. Nhưng thơ Cẩm Tú vẫn còn nhiều "SẠN" ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như ở bài này tôi chỉ thích được có 4 câu đầu, vì nó khá nuột nà không vấp SẠN. Những câu còn lại nhiều sạn trong cách dùng từ và xử lý vần điệu.Xin đơn cử vài ví dụ:
    -Ở câu: "Đàn chim vỗ cánh trên bờ tre xanh" thì "bờ tre xanh" là không ổn. Bởi vì với những người nhà quê như bọn tôi khi nghe nói "bờ tre" là nghĩ ngay tới gốc những rặng tre có bóng râm và gió mát. Chẳng nhẽ đàn chim của Cẩm Tú lại vỗ cánh ở dưới gốc tre à? Nhưng nếu thay "bờ tre xanh" bằng "bờ trời xanh" thì lại được. Người đọc có thể nghĩ tới một áng mây thành, hay một đường chân trời phía xa xa...
    -Ở câu kết: "Nghe văng vẳng tiếng: bao giờ... ngày xưa". Thì vừa "chập vần", vừa tối nghĩa, làm người đọc ớn đến cổ. Tối nghĩa do sự vênh váo giữa 2 vế của đẳng thức chữ A=B. A là tiếng (âm thanh) nhưng B lại không là tiếng nữa mà lại là "bao giờ...ngày xưa" (thời gian). Tiếng = Thời gian ?
    Nhưng trong cái đoạn nhiều sạn này cũng có những câucâu, những chữ thật hay. Chẳng hạn:
    Bước đi giữa chốn thị thành
    Muôn hồng nghìn tía mơ cành khế tươi
    hoặc chữ "nước quê" là một cách kết hợp từ rất mới và rất có sức gợi. Ông Tạ Anh Ngôi đọc chữ này thì nghĩ tới đặc sản nước cáy xay Thanh Hà đỏ như son và ngọt như "mắm cốt". Thì cứ tùy kỷ niệm của từng người mà người ta nghĩ tới. Chẳng hạn tôi nghĩ tới nước ngọn con sông đào trong vắt và nụ cười hồn nhiên của bọ trẻ trâu gái ăn sim ăn mái...

    Trả lờiXóa
  5. Cố nhiên câu cuối có hơi gượng và chưa sáng nghĩa lắm. Nhưng tôi vẫn chia sẻ được ý định diễn đạt của chị Cẩm Tú. Theo tôi, đó có thể là tiếng lòng ao ước thầm kín của tác giả về cái thủa ngày xưa ấy. Đó cũng có thể là tiếng kêu tiếc nuối của nhiều người thường thốt ra "Bao giờ cho tới ngày xưa" chẳng hạn

    Trả lờiXóa