Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - CHƯƠNG 10. SUY NGHĨ VÀ QUYẾT ĐỊNH

Làm trưởng phòng ư?
              Những năm tôi sinh và nuôi con thứ ba cũng là thời gian có nhiều chuyện đáng nhớ khác nữa. Ở cơ quan, trưởng phòng Trung được đề bạt lên cấp Vụ. Một lần, anh ấy nói với tôi, rằng cơ quan dự kiến đưa tôi làm trưởng phòng. Lãnh đạo cấp trên đã duyệt rồi. Tôi trả lời, cảm ơn anh và cảm ơn cơ quan, tôi không muốn làm lãnh đạo, dù ở cấp nào, hãy để tôi làm chuyên môn thôi. Tôi khuyên anh Trung chọn một trong hai bạn nam về sau tôi một năm, và tôi phân tích mỗi người có những mặt mạnh nào để đưa họ lên làm lãnh đạo phòng. Nghe tôi nói, anh Trung hình như không tin, cứ hỏi đi hỏi lại mãi thuyết phục tôi. Tôi đành phải giải thích thêm là, tính tôi, sống bị lệ thuộc vào tình cảm nhiều, như thế không hẳn là tốt khi làm công tác quản lí. (trong đầu tôi lúc ấy thậm chí nghĩ làm lãnh đạo có khi phải “ác” nữa, nhưng không dám nói ra).  Mà tôi thì đang bị đau đầu dữ lắm, tôi buộc phải tiết lộ, mọi người không biết vì tôi chịu đựng đấy thôi. Tôi bảo tôi đang trao đổi nghiêm túc với anh ấy, không phải là chuyện đùa đâu. Với lại, tôi nói thêm, hai bạn kia vừa vững chuyên môn, chẳng non yếu gì so với tôi, lí lịch thì tốt, hơn hẳn tôi, như thế thuận lợi mọi mặt. Anh Trung tưởng tôi có gì tự ái, né tránh, tôi phải nói mãi anh ấy mới chịu tin tôi phần nào.
           Mà anh Trung chưa tin hẳn, nên đến nhà gặp riêng chồng tôi, vì muốn xác minh xem hư thực ra sao. May quá, hôm trước, tối về tôi chuyện trò tâm sự với MQ ngay nên MQ hiểu tôi. Khi hai người gặp nhau, MQ bảo “ Vợ tôi không thích quản lí, thì cũng chẳng sao, hãy để Thư làm chuyên môn anh ạ. Lí do thì Thư đã nói với anh hết rồi. Anh đừng phải băn khoăn gì nhiều nữa”. Anh ấy hỏi chồng tôi sao không thuyết phục tôi, MQ trả lời rằng anh đã bảo tôi cứ làm đi, nhưng tôi nhất định không thì thôi, vì biết tính tôi và biết sức khỏe của tôi nên không ép. Đến lúc này, anh Trung mới thực tin rằng, tôi từ chối là thật, và về báo cáo với lãnh đạo cơ quan. Hôm tăng gia cấy lúa, anh Trung dẫn Thủ trưởng Hoàng đến thăm chúng tôi lao động, hai người lại gần tôi. Thủ trưởng cười và bảo, “Hôm nay tôi phải tận mắt đến đây nhờ cậu Trung chỉ cho tôi xem, cô là ai, để xem cô “mặt ngang mũi dọc” thế nào (:D) mà lại từ chối khi được cơ quan đề bạt trưởng phòng? Tôi chưa thấy ai như cô!” Tôi buồn cười và hơi xấu hổ, nhưng kịp trấn tĩnh ngay, “…Dạ, mặt mũi em bình thường thôi ạ. Em tự thấy mình có những điểm không thích hợp, và làm chuyên môn thuần túy thì tốt hơn, nên đề nghị bổ nhiệm một trong hai bạn em, có sao đâu thưa anh!”
            Vậy là xong, một trong hai bạn tôi, bạn Mai lên làm trưởng phòng. Tôi tiếp tục cần mẫn làm việc dưới sự điều khiển, quản lí của Mai. Tôi chẳng tiết lộ điều gì với Mai và mọi người cho khỏi phức tạp. Một thời gian sau, lãnh đạo Vụ tôi là anh Trung chuyển đơn vị khác. Trưởng phòng cũ ngày xưa, anh Quy, sau khi đi nghiên cứu sinh quay lại (nay là Vụ trưởng rồi) lãnh đạo đơn vị chúng tôi. Chả biết sao, anh ấy không thích trưởng phòng Mai, nên khi làm việc, anh cứ làm thẳng với tôi. Được cái tôi rất giữ nguyên tắc, nên chỉ nhẹ nhàng nói với anh ấy, rằng : ”Đã có cấp phòng thì xin anh giao việc và làm việc với trưởng phòng. Em xin phép không nhận việc và trao đổi vượt cấp với anh, mong anh thông cảm, nếu không dễ mất đoàn kết. Tất nhiên, không phải quá máy móc, có việc anh giao thẳng nhân viên cũng được nhưng trưởng phòng vẫn cần biết  anh ạ”.
            Từ chối cái vụ này, tôi thấy nhẹ lòng và thoải mái vô cùng. Quan hệ làm việc của tôi với bạn Mai, người được đề bạt trưởng phòng thay tôi rất tốt. Chúng tôi quí nhau, tôn trọng nhau. Và thực tế đã chứng tỏ rằng Mai rất xứng đáng. Trong thâm tâm, không phải vì khiêm tốn, tôi thực sự thấy bạn làm tốt hơn so với tôi, nếu như tôi nhận.

May mắn
            Con gái tôi chậm lớn lắm. Tuy nhiên, cháu cứng cáp, 11 tháng là biết đi rồi, không thua chị mấy và hơn hẳn anh 14 tháng mới biết đi. Một hôm, ngày chủ nhật, tự nhiên tôi bị cảm, cứng hết cả lưỡi, nằm trên giường vẫn tỉnh mà không thể tự móc vào túi lấy hộp dầu cao. Hương đang lững thững chơi quanh đấy một mình, bố cháu thì chữa xe đạp ở một góc khác. Tôi mới vẫy bé, chỉ ra phía lưng bố, may quá cô nàng hiểu chạy đến đập lưng bố gọi, “bố bố , mẹ mẹ”….MQ chạy lại chỗ tôi nằm, thật may quá.Về sau MQ kể, lúc đó tôi mặt tái đi, nhưng vì vẫn tỉnh nên đập đập vào túi quần, MQ lục lấy ra được hộp dầu, biết tôi cảm nên xoa dầu đánh gió một lúc thì tôi đỡ. Thật hú vía, lúc ấy me tôi thì bận bán hàng ngoài đường, đâu biết chuyện gì. Bọn trẻ lớn chạy đi chơi. Thôi thì mọi thứ đều có “số” mà.
            Bé Hương cứng cáp biết đi sớm vậy nhưng thật ra thì rất yếu, nhất là từ sau chuyến đi Nha Trang về. Bé bị tiêu hóa kém đến mức ăn gì có thể ị nguyên ra thứ ấy giữ luôn cả mùi (vị thì không biết được!), ví như có hôm ăn cơm với thịt băm, rồi ăn thêm một miếng mít. Một lúc sau đó, cơm thịt và mít ra nguyên, mùi thịt nhất là mùi mít thơm phức! Tôi chẳng biết làm thế nào để chữa cho con. Nhìn nó gầy còm xanh lét vừa sợ vừa thương. Sợ vì nó gần như dị dạng. Người chỉ nhỉnh hơn cái phích một tí, mặt thì quắt lại, cởi quần áo ra thay thì thấy đôi vai xuôi xuống một cách thảm hại. Thương thì khỏi phải nói rồi. Cô nàng bé bỏng yếu ớt thế nhưng ghê gớm nhất nhà, hơi một tí là dỗi. Dỗi không ăn, dỗi đồ chơi bị anh nhặt mất. Nhưng ác một nỗi là hễ cứ dỗi thì tìm chỗ vũng nước bẩn mà lăn vào đấy cho mọi người sợ. Có một lần, Hương dỗi không ăn cơm. Mọi người đã ngồi cả vào mâm rồi. Tôi quyết định phải sửa cho cô nàng một trận. Tôi bảo nhẹ nhàng, con chưa muốn ăn hả, chắc con còn no chứ gì, thế thì con ra chỗ khác chơi nhé để bố mẹ và anh chị ăn! Nó ngúng nguẩy, bố MQ dỗ tiếp, nó càng lên mặt. Tôi nói với chồng, ơ hay sao anh không để yên con đi chơi, nó đã muốn ăn đâu? Và nháy mắt ra hiệu để cả nhà cứ kệ nó. Không ai nói gì cả, mặc cho bé khóc gào, vùng vẫy, vừa vùng vẫy vừa liếc mắt quan sát thái độ cả nhà. Một lát sau, nghe chừng mệt và chán rồi, cô nàng đến gần tôi. Tôi xua tay, kìa con ra chỗ khác chơi đi! Nó tiến thêm nữa rồi dựa dựa vào người tôi, rụt rè chỉ chỉ vào đĩa thức ăn. MQ bảo con nó muốn ăn rồi đấy! Tôi cười thản nhiên, bố nhầm rồi bố ạ. Con không muốn ăn, đừng có ép nó! Nó đang chỉ chỉ và chơi đấy chứ, nếu muốn ăn thì nó đã nói đàng hoàng rồi.Thôi tốt nhất là con ra ngoài kia chơi tiếp nhé, đây chả có cái gì. Cuối cùng cô nàng phải nói khẽ nhưng đủ để cả nhà nghe thấy, “con muốn ăn cơm”. À thế hả, vậy con lấy bát và thìa ở chạn kìa, rồi mẹ lấy cơm cho. Từ sau đấy, không có chuyện dỗi ăn nữa. Còn dỗi mà nhảy vào vũng nước, thì tôi phải có “chưởng” khác. Tôi bảo, con gái mẹ ngoan chạy đi đâu chơi mất rồi để cho cái “con khóc” nó nhập vào thế này? Mẹ phải lấy cái que vụt vào đít “con khóc” mới được, để nó bắn đi; hoặc bảo, “ông ba tờ lóe ơi! con gái tôi ngoan lắm cơ mà? sao ông cứ chui vào người nó mà nhũng nhẽo thế, sao ông lăn vào vũng nước để cho con tôi bẩn hết quần áo thế này. Tôi nói tử tế ông mà không nghe thì đừng có trách tôi nhé!” . Thế là cô nàng im im nghe nghe thấy tôi giơ cái que lên dọa dọa là nín khóc. Tôi giả vờ vụt phía bên ngoài miệng thì la lối, kia kìa mẹ nhìn thấy “con khóc” (hoặc “ông ba tờ lóe”) chui từ đít con chạy ra đường rồi; để mẹ đóng cửa cho nó khỏi vào nhà nhé. Vậy là kết thúc cái màn lăn nước. Về sau này khi Hương lớn lên, kể lại, nó bảo thế mà mẹ cũng “lừa” được con nhỉ?.
           Con gái cứ rối loạn tiêu hóa mãi cho đến khi tôi nghe người ta mách lên mua thuốc “cam hàng Bạc” cho bé uống thì bé khỏi thật, tôi cứ cho uống theo liều chỉ dẫn thôi. Thật là may mắn quá. Nhưng xong bệnh này thì lại tòi bệnh khác. Đấy là cứ đều như vắt chanh, một tháng bé sốt một lần, mà sốt rất cao, nhất là vào ban đêm, nhiệt độ lên tới 40 độ, 40 độ 5. Trong cơn sốt, bé thường hay mê sảng, sợ hãi. Tôi không cho uống thuốc hạ sốt nhiều, chỉ dùng khăn nước, giã rau sam, lá nhọ nồi đắp là chính. Mà liều thật, chẳng đi khám xét ở đâu cả, cứ tự dỗ con, và lúc cao điểm, có tới gần hai giờ đồng hồ, giữa đêm mẹ bế con ra ngoài đường vừa đi vừa nựng dỗ để bé khỏi mê sợ, và để bé khỏi khóc ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả nhà. Mỗi lần sắp đến thời hạn một tháng là tôi lo nơm nớp về trận sốt tới của con. Và cứ như thế quen đi.
           Gian nan vất vả với con bé nên hay cáu gắt với con lớn. Tôi không còn mềm mỏng kiên trì giải thích gì nữa, cứ ra lệnh và áp đặt thôi, khi hai đứa lớn tranh nhau xem chương trình ti vi. Chả là hồi cuối năm 1979, bố MQ trong một lần đi công tác vào Sài Gòn, mua được một cái ti vi cũ đen trắng, mà ngày ấy nó  quí lắm. Cứ Tuấn thích chương trình  này thì Hoa thích chương trình khác, đứa bật lên đứa tắt đi cãi nhau ỏm tỏi. Không ai nhường ai cả. Tôi buộc chúng phải theo nguyên tắc “chị lớn nhường em”. Thế là Tuấn đắc chí ngồi xem tiếp còn Hoa thì hậm hực, mặc dù cố nén không thèm khóc. Chả phải tôi ưu tiên gì con trai, nhưng tôi bí, mà còn bận bao nhiêu việc tối mắt tối mũi ra chứ. Con gái học chuyên Toán, cứ lụi hụi tự học là chính, chứ mẹ có mấy khi giúp gì cháu đâu. Tôi chỉ chăm đi họp phụ huynh để biết cháu học hành và đạo đức thế nào. Còn lại về nhà, càng ngày càng quát con hơn. Nhiều lúc tôi cảm thấy ngột thở vì việc cơ quan lẫn việc nhà. Tôi không bao giờ dám lấy nê bận đông con, bận con đau ốm để mà trễ nải việc công, nên mới càng khổ, khổ cả con nữa. Bé Hương ốm vẫn cứ phải đưa đi nhà trẻ. Chỉ có một lần, nó bị ho gà nặng quá mới vào bệnh viện 108 để điều trị vì sợ biến chứng.
          Sau lần ho gà ấy, bé càng yếu ớt. Bố MQ ngày nghỉ cõng con gái trên vai đi chơi khắp chợ Trời. Nó bé tí vắt vẻo và cười như nắc nẻ. Tôi thì sợ con ngã cứ chạy theo gọi ơi ới dặn dò chồng cẩn thận đủ điều, nhưng rồi tự thấy kì quá nên đành về nhà, chờ tới khi hai bố con trở lại mới hết lo.

Không chuyển vùng
           Thế rồi chồng tôi xin làm nghiên cứu sinh trong nước để có thể ở gần vợ con hơn. Tôi không nhớ, hồi đó làm trong nước thì anh có phải thi hay không. Thôi thì cứ coi như nếu thi thì anh đỗ vậy. Gọi là ở gần hơn, nhưng trong thời gian ấy anh hay phải vào Sài Gòn công tác, lúc thì dạy lúc thì cộng tác nghiên cứu gì đó. Anh nảy ra một ý định là tôi xin nghỉ phép đưa con gái út vào Sài Gòn chơi ít ngày, vừa để đem con đi nhờ một người cậu là bác sĩ Nhi giỏi khám chữa bệnh xem sao, vừa để tôi vào “sống thử” cùng anh tại một căn hộ của đơn vị sẵn sàng phân cho mà ở. Nếu tôi thích, anh chuyển hẳn dạy ở phân hiệu 2 trong đó, và dĩ nhiên tôi sẽ chuyển vùng, và như vậy chúng tôi có nhà cửa đàng hoàng.
            Tôi đã thực hiện theo kế hoạch của anh, mang bé Hương đi Sài Gòn. Trước khi vô Sài Gòn, mẹ con tôi ghé qua Nha Trang vài ngày để thăm mộ bà nội cháu, và thăm mấy bác nữa. Tôi cho cháu trở lại vườn ông ngoại chồng tôi, và mặc dù mới 2,5 tuổi, cháu đã rất nhớ đường. Hương đi bộ chứ không phải bế, và luôn chỉ cho mẹ đường ra đúng lối trong khi mẹ cháu toàn bị nhầm lẫn. Lúc đèo cháu trên một chiếc xe đạp mượn của bác cháu, dọc theo một con phố ở Nha Trang, có lần cháu bị ngã bịch xuống đất khiến tôi hết hồn, may quá không làm sao cả. Tôi đùa trêu cháu tại con nhẹ quá đấy mà nên ngồi không đằm.
            Vào Sài Gòn, cứ theo địa chỉ mà tìm đến. Anh đang ở trong một căn hộ trên tầng hai của khu tập thể khá đẹp, thoáng mát. Sàn nhà lát bằng gạch men sạch sẽ. Có hai phòng ở. Không có toilet, chỉ có mỗi cái lỗ tròn chơ vơ với ống dẫn bên dưới để đại tiểu tiện vào đó. Kể ra thì buồn cười, nhưng cũng khoái chí, thấy sạch hơn cái việc đi cầu khủng khiếp ở nhà mình ngoài Hà Nội.
          Một hôm, có cô bạn MQ đến chơi, tôi chả biết cô ấy mang trứng vịt lộn đến hay là MQ mua, chỉ biết là có trứng vịt lộn để ăn. Tạm gọi là cô bạn vì cô ấy quen chồng tôi. Đó là một cô gái không đẹp, nhưng trẻ so với chúng tôi. Bình thường ra thì gọi chúng tôi là anh chị chả sao, nhưng cô ấy gọi MQ là “chú” xưng “cháu”, nên gọi tôi là “cô” (hình như cô ấy là con của một anh cùng đơn vị với MQ). Cô bé thật ngoan ngoãn, hiền lành.Tuy nhiên, tôi thấy mất tự nhiên thế nào ấy khi cô ta hiện diện. Lúc ăn trứng vịt lộn, cả chồng tôi cả cô ấy ăn rất ngon lành. Còn tôi thì chả biết ăn thế nào. Tôi thấy ghê ghê khi nhìn ra cả cái chân, cái đầu bé xíu của con vịt con đang lớn dở. MQ động viên mãi mà tôi không dám ăn, về sau gắng lắm không nhìn gì cả cứ cho vào miệng nhai bừa đi với rõ nhiều rau dăm và gừng. Đấy là lần đầu tiên tôi ăn trứng vịt lộn. Tôi không vui,  không thoải mái. Chả lẽ tôi lại bảo tôi hơi ghen với cô gái nọ. Tóm lại là sau một tuần sống thử, tôi không thích và từ chối chuyển vào Sài Gòn. Lí do chủ yếu là Hoa nhà tôi học chuyên Toán đã ổn ổn, quen thầy cô, quen bạn, quen trường quen lớp, quen cách học. Với các em Tuấn và Hương, tôi hi vọng chúng theo đường chị Hoa, rồi trường chuyên ở ngay gần nhà, nếu chuyển vào Sài Gòn lạ lẫm tôi lo các cháu chả biết sẽ học hành thế nào. Còn lí do rất phụ, tôi không nói với MQ, là tôi ngài ngại cái cô gái kia. Cô ấy mà biết được ý nghĩ của tôi chắc sẽ buồn cười lắm đấy. Thì tôi già rồi mà, lúc này tận 35 tuổi, trong khi cô ấy mới 23, 24 chứ mấy. Tôi lo vớ nghĩ vẩn chứ hai chú cháu chỉ quí nhau thôi mà. 
Trích Hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)


2 nhận xét:

  1. Không thích LÀM QUAN . CHỈ THÍCH GẦN CON .ĐÚNG LÀ PHỤ NỮ 3 ĐẢM ĐANG !

    Trả lờiXóa
  2. Thời xưa, buộc phải đảm đang
    Chồng con yêu quí làm quan làm gì
    Một lòng giữ nghĩa giữ nghỉ
    Bây giờ chợt ... tiếc hì hì cơ may!

    Trả lờiXóa